(vhds.baothanhhoa.vn) - Mềm mại, kiều diễm như dáng hình người phụ nữ nằm bên bờ biển thả hồn mình ngắm trời xanh, mây trắng, Danh thắng núi Trường Lệ ví như món quà vô giá mà tạo hóa thuở trời đất còn hỗn mang trong thăng hoa sáng tạo đã ban tặng cho thành phố ven bờ biển xứ Thanh. Để đến hôm nay, về với Sầm Sơn, sau những đắm say với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, dạo bước lên núi Trường Lệ, giữa xanh trong, mát lành của cây rừng, ta lại mải mê trong tiếng thì thầm của huyền thoại di tích ngàn xưa vọng lại.

Một vùng danh thắng Trường Lệ

Mềm mại, kiều diễm như dáng hình người phụ nữ nằm bên bờ biển thả hồn mình ngắm trời xanh, mây trắng, Danh thắng núi Trường Lệ ví như món quà vô giá mà tạo hóa thuở trời đất còn hỗn mang trong thăng hoa sáng tạo đã ban tặng cho thành phố ven bờ biển xứ Thanh. Để đến hôm nay, về với Sầm Sơn, sau những đắm say với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, dạo bước lên núi Trường Lệ, giữa xanh trong, mát lành của cây rừng, ta lại mải mê trong tiếng thì thầm của huyền thoại di tích ngàn xưa vọng lại.

Một vùng danh thắng Trường Lệ

Đền Độc Cước tọa lạc trên “hòn Cổ Giải” núi Trường Lệ, là điểm đến tâm linh hấp dẫn người dân và du khách khi về với Sầm Sơn.

Tuyệt tác của tạo hóa

Đi khắp dặm dài đất Việt, mỗi tên núi, tên sông, tên làng... đều mang trong mình những câu chuyện kể nguồn cội. Người dân biển Sầm Sơn tin rằng, sự tích núi Trường Lệ gắn liền với huyền thoại thuở xa xưa. Lâu lắm rồi, sau một trận mưa lũ kinh hoàng, ngư dân phát hiện trên bờ biển thân thể một người đàn bà mang bầu gặp nạn. Xót thương cho người phụ nữ xấu số, người dân cùng nhau chôn cất, đắp mồ. Sau thời gian, nấm mồ mang dáng hình của dải Trường Lệ như ngày hôm nay. Cùng với tên gọi Trường Lệ, dãy núi mang dáng hình người phụ nữ đang nằm còn được biết đến với tên gọi đậm chất biển: “Gầm Sơn” hay núi Gầm. Lý giải điều này, tác giả Hoàng Thăng Ngói trong cuốn Linh tích Sầm Sơn, cho rằng: “Có lẽ những âm thanh của sóng biển va đập vào vách núi, dội âm vào làng. Nhẹ gọi là “rung biển”, nặng gọi là “biển gầm”. Biển gầm hay núi gầm là sự giao hoan giữa biển và núi để sinh ra tên gọi nôm “núi Gầm” là vậy”.

Núi Trường Lệ không dài, cũng chẳng cao với 16 ngọn (hòn), nơi cao nhất là hòn Kèo chỉ 84,7m so với mặt nước biển. Tuy vậy, ở dải núi ấy, tạo hóa lại chăm chút khi tạo nên những “hòn Phù Thai; hòn Kèo; hòn Cổ Giải; hòn Bành Voi; hòn Cá Mực; khe Ổ Rùa"... mang dáng hình con vật; lại có những vị trí trên dải Trường Lệ được đặt tên đầy ấn tượng: “Voi sa lầy, ngựa chết chẹt”... Nương theo bàn tay sáng tạo của trời đất, tiền nhân với trí tưởng tượng phong phú đã để lại cho đời những câu chuyện huyền thoại thấm đẫm xúc cảm, lay động lòng người. Trong đó, sự tích “hòn Trống Mái” là bài ca bất tử về tình yêu đôi lứa, nghĩa vợ chồng trọn kiếp không rời xa.

Dải Trường Lệ thoai thoải kéo ra tận biển, gối đầu lên sóng bạc, tạo nên những vụng tắm mộng mơ (Vụng Ngọc; Vụng Tiên) để ngàn năm đá núi cùng sóng nước vẫn kể nhau nghe biết bao câu chuyện kỳ thú. Tương truyền, xưa kia vào những đêm trăng sáng, các nàng tiên thường bay về tắm ở khu vực “Vụng Ngọc, Vụng Tiên” phía dưới vách núi Trường Lệ.

Linh thiêng di tích

Sau những mải mê với cảnh sắc thiên nhiên, khách bộ hành bước vào không gian thiêng của hệ thống di tích tọa lạc trên núi Trường Lệ. Mỗi di tích đều mang trong mình những câu chuyện kể về đấng thần linh, con người... đã có công dựng làng, bảo vệ Nhân dân, cùng xây dựng cuộc sống, từng bước tạo nên diện mạo TP Sầm Sơn ngày hôm nay.

Ở vị trí núi Trường Lệ lan ra sát biển, người ta nhìn thấy dáng hình con rùa biển. Bởi vậy, nên có tên gọi “hòn Cổ Giải” (tên chữ là “hòn Miết Cảnh”). Trên hòn Cổ Giải là di tích đền Độc Cước. Truyền thuyết địa phương cho rằng, thần Độc Cước được sinh ra bởi người mẹ Trường Lệ, được Nhân dân vùng biển Sầm Sơn cùng nhau góp gạo nuôi lớn. Chàng trai ấy khi lớn lên với sức vóc phi thường đã tự xẻ đôi thân mình (Độc Cước), một nửa cùng ngư dân ra khơi chống lại quái thú; một nửa ở lại đất liền bảo vệ xóm làng bình yên trước giặc quỷ mỏ đỏ tàn ác. Dấu chân khổng lồ của thần Độc Cước in sâu vào đá núi hòn Cổ Giải. Tại đây, dân làng đã lập đền thờ thần Độc Cước cùng niềm tin cuộc sống được thần phù trợ, bảo vệ.

Theo sách Thanh Hóa tỉnh chí: “Vào thời Lý, một ngày mưa bão làm đổ gãy cây và nước dâng cao, qua hôm sau Nhân dân xã An Niệm thấy có thần nhân giáng xuống ngọn Miết Cảnh in sâu vào đá vết bàn chân trái dài một trượng rộng 3 tấc. Người địa phương thấy linh dị mới dựng miếu ngay trên núi ấy để thờ”. Đến thời Trần, ngôi đền trên hòn Cổ Giải chính thức được khởi dựng, gắn với câu chuyện vua Trần Anh Tông đánh giặc Chiêm Thành khi qua vùng biển Sầm Sơn đã được thần linh phù trợ. Thắng trận trở về, vua nhà Trần không quên phong cho thần: “Độc Cước chân nhân Thượng đẳng thần”. Các triều đại về sau đều theo đó mà ban sắc phong.

Trải qua thời gian dài tồn tại, án ngữ nơi “đầu sóng ngọn gió” nhưng điều kỳ lạ, trong chiến tranh chống Mỹ, Sầm Sơn là khu vực bị giặc bắn phá, ném bom ác liệt vô cùng, làng mạc bị tàn phá tan hoang, ấy vậy mà ngôi đền tọa lạc trên hòn Cổ Giải vẫn sừng sững hiên ngang. Hàng trăm bộ đội được nuôi giấu trong đền vẫn bình an vô sự. Người dân tin rằng đền được thần Độc Cước bảo vệ nên bom đạn kẻ thù chẳng thể tàn phá. Vững tin vào sự linh thiêng của vị thần bảo trợ, ngư dân vạn chài Sầm Sơn trong mỗi chuyến ra khơi vẫn thường không quên đến đền xin thần Độc Cước giúp đỡ để vững tay chèo trước sóng dữ biển khơi.

Với du khách khi về Sầm Sơn, từ bãi biển, theo 43 bậc thềm đá rêu xanh sẽ lên tới đền Độc Cước. Từ đây, phóng tầm mắt ra khoảng không bao la, là biển trời mênh mông với những con thuyền vươn khơi cùng sóng bạc; cùng sắc vóc “điểm nghỉ mát lý tưởng nhất Đông Dương” đang từng ngày đổi thay, hiện đại.

Theo con đường núi xanh mướt mát, từ hòn Trống Mái đi thẳng, ta bắt gặp hòn Đầu Voi. Khác với hòn Cổ Giải, hòn Đầu Voi trên núi Trường Lệ trông giống như chú voi khổng lồ đang vươn mình cúi xuống biển uống nước. Tại đây, có đền Cô Tiên nổi tiếng linh thiêng. Di tích được khởi dựng ban đầu thờ vọng thần Độc Cước. Về sau, còn phối thờ Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu Thoải và Mẫu Liễu Hạnh).

Đứng từ trên đền Cô Tiên nhìn xuống, du khách thấy một Sầm Sơn rất khác. Đó không phải bãi biển Sầm Sơn sôi động, náo nhiệt mà bình lặng, kín đáo. Những chỏm đá nhấp nhô trên sóng nước san sát nhau là không gian riêng để người ta có thể thả lòng mình với biển lộng, để những mệt mỏi tan biến. Biển sẽ lắng nghe mọi nỗi niềm, tâm sự.

Đền Cô Tiên cũng được biết tới là địa điểm năm 1960, trong lần về thăm Sầm Sơn, Bác Hồ đã nghỉ lại đây, cùng kéo lưới với ngư dân. Tại di tích còn lưu giữ những bức tranh, ảnh Bác ở cùng, làm việc cùng người dân. Đó là tài sản vô giá của Sầm Sơn hôm nay...

Về với Sầm Sơn, ngoài biển, còn cả không gian văn hóa trầm lắng từ bao đời. Du khách hãy rộng mở lòng mình để khám phá một Sầm Sơn thực sự trọn vẹn.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]