(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữ gìn và phát huy kho tàng di sản văn hoá truyền thống, đời sống tinh thần của người dân huyện Ngọc Lặc mang bản sắc riêng, là cơ sở để địa phương phát triển ngành du lịch, tạo nên những thay đổi về diện mạo kinh tế - xã hội.

Ngọc Lặc: Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

Giữ gìn và phát huy kho tàng di sản văn hoá truyền thống, đời sống tinh thần của người dân huyện Ngọc Lặc mang bản sắc riêng, là cơ sở để địa phương phát triển ngành du lịch, tạo nên những thay đổi về diện mạo kinh tế - xã hội.

Ngọc Lặc: Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

Đền thờ Trung túc vương Lê Lai, xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc.

Huyện Ngọc Lặc có 107 di tích, danh thắng. Trong đó, có nhiều di tích nổi tiếng đã và đang phát huy vai trò là điểm đến tâm linh, thu hút đông đảo người dân như: đền thờ Trung túc vương Lê Lai thuộc quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, chùa Nán (Trúc lâm Bàn Bù thiền tự), Thiền viện Tùng Lâm… Các di tích góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân, đồng thời khẳng định bề dày lịch sử, văn hóa truyền thống lâu đời của vùng đất Ngọc Lặc.

Ngọc Lặc: Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

Trò diễn Pôồn Pôông huyện Ngọc Lặc tham gia trình diễn tại Liên hoan Văn hoá các dân tộc lần thứ XIX.

Trên địa bàn huyện có 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: trò diễn Pôồn Pôông, nghệ thuật trình diễn Xường Dao Duyên dân tộc Mường, nghệ thuật trình diễn dân gian sắc bùa của người Mường. Ngoài ra, còn có nhiều di sản khác vẫn đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong cộng đồng như: mo Mường, hát ru (dân tộc Mường); Tết nhảy, Lễ cấp sắc, hát ru (dân tộc Dao); Kin chiêng boọc mạy, phấn trá, hát ru (dân tộc Thái); hệ thống truyện kể phong phú, đa dạng như: “Nàng con côi”, “Ải long chong”, “Con Tấm con Mẳn”, “Thằng Gió”, “Trứng lầm tấm”, “Hai chị em kén chồng”; một kho tàng truyện thơ đặc sắc như: Nàng Nga – Tạo Hai Mối“,”Út Lót – Tạo Hồ Liêu“,”Nàng Ờm - Chàng Bồng Hương"; cùng hệ thống trò diễn dân gian như: ném còn, kéo co, bắn nỏ, đánh mẳng, đánh cù, đâm đuống, đi chân cà kheo…

Ngọc Lặc: Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống

Nhà sàn truyền thống của người Mường ở xã Thạch Lập vẫn được giữ gìn.

Để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, huyện Ngọc Lặc đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của các giá trị văn hóa truyền thống; vai trò, ý nghĩa của việc lưu giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc; vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đồng thời, lồng ghép việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Từ đó, xây dựng kế hoạch hoạt động theo từng giai đoạn, từng năm. Trong đó, chú trọng việc triển khai tổ chức các lễ hội; phục dựng các điệu múa, làn điệu dân ca, trò chơi, trò diễn, nghề truyền thống; bảo tồn trang phục, chữ viết; thực hiện Đề án “Truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ”, Đề án “Bảo tồn, phát triển nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2021-2025”.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn gìn giữ và phát huy được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Tiêu biểu là xã Cao Ngọc, nơi có 100% dân số là người dân tộc Mường, đã thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm. Nhằm bảo tồn và phát huy nghề truyền thống này, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành liên quan, mở các lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm; tăng cường đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm qua các triển lãm, trưng bày, hội chợ; tuyên truyền, vận động người dân mặc trang phục truyền thống của dân tộc trong các dịp lễ, tết. Thông qua các hoạt động, nâng cao nhận thức của đồng bào đối với việc giữ gìn các giá trị văn hoá của dân tộc mình, đồng thời giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Trong thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số thông qua tổ chức các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ; các hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, nhằm khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia thực hành các loại hình di sản văn hóa.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]