(vhds.baothanhhoa.vn) - Đào Duy Từ là một trong số ít nhân vật đặc biệt trong lịch sử. Chính sử ghi chép về ông khá ít ỏi. Thậm chí nhiều chỗ còn bất nhất như: thời điểm ông bị cấm thi, bị hủy kết quả thi, đến khi ông theo chúa Nguyễn vào Nam, hoặc gia cảnh, hay tên mẹ của ông... Tuy nhiên vai trò của ông thì không ai có thể phủ nhận.

Người con kiệt xuất của xứ Thanh Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ

Đào Duy Từ là một trong số ít nhân vật đặc biệt trong lịch sử. Chính sử ghi chép về ông khá ít ỏi. Thậm chí nhiều chỗ còn bất nhất như: thời điểm ông bị cấm thi, bị hủy kết quả thi, đến khi ông theo chúa Nguyễn vào Nam, hoặc gia cảnh, hay tên mẹ của ông... Tuy nhiên vai trò của ông thì không ai có thể phủ nhận.

Người con kiệt xuất của xứ Thanh Hoằng Quốc Công Đào Duy TừĐền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ.

Đào Duy Từ (1572 - 1634), hiệu là Lộc Khê, quê ở làng Nổ Giáp, xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia (nay là tổ dân phố Sơn Thắng, phường Nguyên Bình, thị xã Nghi Sơn). Cha ông là một xướng hát chuyên nghiệp, vì thế, dù thông minh, học rộng, biết nhiều nhưng ông đã bị gạch khỏi tên trong kỳ thi. Năm Ất Dậu (1625), Đào Duy Từ trốn vào Đàng Trong, mở ra một con đường mới, một cuộc đời mới.

Bình Định là nơi Đào Duy Từ dừng bước đầu tiên. Và chính ông là người mang vào Đàng Trong tài sản văn hóa quý giá, nghệ thuật hát tuồng, hát bội và lập ra đội nhã nhạc, đưa nghệ thuật sân khấu vào lễ nhạc cung đình. Những vở tuồng, điệu ca vũ như Nữ tướng xuất quân, Hoa đăng... được ông biên soạn. Còn có ý kiến cho rằng Đào Duy Từ là người đầu tiên lập các đội múa hát, huấn luyện chuyên môn cho các nghệ nhân. Cơ quan phụ trách múa hát chính thức của Nhà nước Đàng Trong với tên là Hòa Thanh Thự do Đào Duy Từ sáng lập và phụ trách (theo Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huế, Những Đại Lễ Và Vũ Khúc của vua chúa Việt Nam, NXB Văn hóa, 1968).

Ngoài ra, Đào Duy Từ còn là tác giả của Ngọa Long cương vãn và Tư Dung vãn. Dựa trên những cứ liệu lịch sử, nhiều nhà nghiên cứu khẳng định lục bát ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVI sang đầu thế kỷ XVII, và Đào Duy Từ cùng Phùng Khắc Khoan và Hoàng Sĩ Khải là những tác giả tiên phong cho dòng thơ lục bát dài hơi.

Lại có giai thoại, Chúa Trịnh tính kế lôi kéo Đào Duy Từ bỏ chúa Nguyễn (Đàng Trong) về với triều đình ở Đàng Ngoài. Theo Hoàng Ngọc Phách - Kiều Thu Hoạch trong Giai thoại văn học Việt Nam (NXB Văn học, H, 2001) có viết: Chúa Trịnh lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ: Trèo lên cây bưởi hái hoa/ Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em có chồng anh tiếc lắm thay! Ý thơ là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe dọa. Đào Duy Từ đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp: Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?/ Bây giờ em đã có chồng/ Như chim vào lồng như cá cắn câu/ Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thuở nào ra?. Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn cùng một lá thư vào gặp Đào Duy Từ lần nữa.

Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh: Có lòng xin tạ ơn lòng/ Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen! Theo giai thoại dân gian thì chồng em được Đào Duy Từ hàm ý chỉ chúa Nguyễn. Từ câu ca dao chỉ có ý nghĩa thuần túy về văn chương biểu cảm đã được tạo nên thành một giai thoại theo chiều hướng lịch sử, đó chẳng phải là sự yêu mến Đào Duy Từ sao?.

Ngoài ra, sử sách có chép: Đào Duy Từ là soạn giả cuốn sách Hổ Trướng khu cơ. Đây là tài liệu dùng cho các vị chỉ huy quân sự, các vị chủ soái với những chỉ dẫn về binh pháp, trận đồ, cách điều hành, tổ chức quân đội, khí giới. Trước đó, dưới triều Trần, vị tiết chế Trần Quốc Tuấn có những bộ Binh thư yếu lược, Vạn Kiếp bí truyền..., nhưng Hổ Trướng khu cơ của Đào Duy Từ là tác phẩm quân sự có lẽ là nguyên vẹn cho đến ngày nay. Trong đó có ghi việc Đào Duy Từ tiến hành đắp các chiến lũy ở Quảng Bình. Phan Khoang trong Việt sử xứ Đàng Trong (NXB Văn học, H, 2001), cho rằng: Bắt đầu từ việc Chúa Trịnh đòi chúa Nguyễn cho con ra Bắc chầu, nộp 30 voi đực và 30 chiến thuyền để đi cống nhà Minh bên Trung Quốc. Nhưng Đào Duy Từ khuyên không thực hiện rồi bày kế cho chúa Nguyễn đắp lũy Trường Dục để phòng thủ. Chúa Nguyễn nghe và thực hiện ngay. Đây là một trong những tuyến phòng thủ chắc chắn từ biển lên núi, chống lại các cuộc tấn công của quân Trịnh. Kinh nghiệm của Đào Duy Từ được học tập, phát triển và thực hiện cả sau khi ông mất.

Việc xuất hiện nhiều giai thoại xung quanh ông giải thích một điều là Nhân dân ta vốn ngưỡng mộ các danh nhân, muốn tìm các câu chuyện đặc sắc để truyền tụng. Chuyện thực hay hư, đã được thêm bớt nhiều, điều đó không quan trọng. Cho dù cuộc đời ông được bao phủ bởi một màn sương thì Nhân dân vẫn tìm được nét nào đó có khả năng tương ứng với tài năng, đức độ và vị trí của ông trong lịch sử.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, bi thương để chúng ta có được đất nước trọn vẹn ngày hôm nay, trong đó có giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. Nhưng, Nhân dân nhiều thế hệ đã không chê trách Đào Duy Từ về sự trung thành với vua Lê, chúa Trịnh; cũng không một ai nghĩ rằng ông đã giúp chúa Nguyễn vì ý đồ cát cứ chia cắt giang sơn. Tất cả đều quý trọng ông là một tài năng kiệt xuất, một vị quan có nhân cách hiếm có của lịch sử nước nhà. Dù chỉ 8 năm phụng sự, ông đã xây dựng cho chúa Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh. Vì vậy ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu. Ngày nay, ngoài đền thờ ở phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định), Đào Duy Từ được thờ ở thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk).

Gần 200 năm sau (1831), thời Vua Minh Mạng, Đào Duy Từ đã được truy tặng “Khai quốc công thần đặc tiến vinh lộc đại phu Đông Các đại học sĩ Thái sư phong tước Hoằng Quốc công”. Năm 1939, Vua Bảo Đại truy phong ông là “Khai quốc công thần đặc tiến vinh lộc đại phu Đông Các đại học sĩ Thái sư Hoằng Quốc công trác vĩ thượng đẳng thần” và truyền cho dân làng Nổ Giáp đem kiệu lên ga Văn Trai đón rước sắc và lập đền thờ Đào Duy Từ trên quê hương mình.

Sau rất nhiều biến động của lịch sử, người dân đã tìm lại được nơi thờ cúng Đào Duy Từ cùng những hiện vật quý hiếm. Niềm vui đã đến vào năm 2002, đền thờ Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ ở quê hương đã được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đến nay, đền thờ đã được tu bổ, tôn tạo, là nơi cháu con và Nhân dân quanh năm hương khói.

Ông Lê Văn Bình (sinh năm 1954), là người duy nhất trực tiếp trông coi đền. Ông nhớ từng chi tiết trong sử sách và giai thoại dân gian về Đào Duy Từ. Ông chia sẻ: “Càng tìm hiểu về cụ, tôi càng say mê, thuộc nằm lòng. Hơn 30 năm ở đây, tôi đã tiếp đón không biết bao nhiêu người. Vào ngày giỗ cụ, 17 tháng 10 âm lịch hàng năm, và trước mỗi kỳ thi, phụ huynh và học sinh đến đây rất đông để xin cụ tiếp thêm sức mạnh, sự thông thái để đỗ đạt”.

Ngày 29-12-2021, UBND tỉnh đã công nhận Di tích lịch sử đền Đào Duy Từ là điểm du lịch. Đến thăm đền, đọc những câu đối: Ngọc uẩn Nang sơn long hổ phục/ Châu sinh Bạng hải ngạc kình Thanh; Thiên thu công đức Hoa trai giáp/ Vạn cổ anh linh trác vĩ thần, ta càng tự hào xứ Thanh có một Đào Duy Từ, người đã có những cống hiến đặc biệt xuất sắc trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, quân sự và văn học nghệ thuật, là một nhân vật lịch sử lớn của thế kỷ 17.

Bài và ảnh: Huyền Chi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]