(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đã vinh dự được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với người dân địa phương, đó thực sự là niềm vui xen lẫn tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền qua bao thế hệ người dân biển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm vui Diêm Phố

(VH&ĐS) Lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) đã vinh dự được Bộ VH,TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với người dân địa phương, đó thực sự là niềm vui xen lẫn tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống được trao truyền qua bao thế hệ người dân biển.

Từ lễ hội “thiêng” của cư dân biển

Chúng tôi lại trở về với Diêm Phố, một trong những làng nghề biển nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh. Tên làng đã được đổi thành xã Ngư Lộc (Hậu Lộc), nằm trải dài theo bờ biển. Cái chất mặn mòi, tanh nồng mang hương vị đặc trưng của biển với những cá, tôm, muối… đã thấm đẫm vào cả không gian làng quê, lên từng con người cần lao đêm ngày bám biển tự ngàn đời nay. Với người dân nơi đây biển vừa là vị thần đầy sức mạnh, cho cuộc sống ấm no, nhưng cũng vô cùng khủng khiếp với những trận cuồng phong, bão tố có thể nhấn chìm tất cả.

Cuộc sống gắn liền với biển cả khiến cho người dân nơi đây tin rằng, sự may mắn trong mỗi chuyến ra khơi của mình có sự phù trợ của vị thần cai quản biển cả. Vì thế, chẳng biết từ bao giờ vào mỗi dịp đầu năm, những cư dân ngư nghiệp đều tiến hành thực hiện nghi lễ cầu mát (cầu ngư) trước vị thần biển với ước vọng cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, cuộc sống ấm no. Hàng năm, từ ngày 22- 24/2 (âm lịch) người người lại náo nức hòa mình vào lễ hội Cầu Ngư.

Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố được chuẩn bị và tổ chức với tất cả sự thành kính, công phu để gửi gắm những ước vọng gắn liền với đời sống của người dân sống bằng nghề bám biển. Dù là lễ hội truyền thống song trước mỗi mùa lễ hội đều sẽ có một hội nghị với sự tham gia của chính quyền địa phương và các bậc bô lão trong làng bàn họp về công tác tổ chức để mọi thứ được chuẩn bị chu toàn và cẩn trọng nhất. Lễ hội được tiến hành với rất nhiều nghi thức cùng vật cúng tế. Trong đó, thuyền Long Châu được xem là trung tâm của lễ hội.

Thuyền Long Châu là trung tâm của Lễ hội Cầu ngư làng Diêm Phố. (Ảnh: Doãn Tài)

Thuyền Long Châu là một chiếc thuyền cúng tế do chính các nghệ nhân trong làng tạo nên. Ngay từ đầu tháng 2 âm lịch, hơn 10 nghệ nhân có kinh nghiệm đã bắt tay vào làm thuyền. Thuyền được tạo nên từ nguyên liệu tre, luồng, giấy… và nhất định phải hoàn thành trước ngày 22/2 (âm lịch) để kịp vào lễ hội. Thuyền dài hơn 10m, được làm nên giống như mô hình thuyền thật song rất rực rỡ. Để rước được thuyền phải dùng đến sức của khoảng 50 trai tráng có sức khỏe trong làng. Bắt đầu vào lễ hội Cầu Ngư, thuyền Long Châu được di chuyển về trung tâm văn hóa xã. Tại đây, người dân sẽ tập trung về dâng lễ và tham gia vui hội. Đến sáng ngày 24/2, nghi thức cúng lễ Cầu Ngư được cử hành và chính thức khai hội Cầu Ngư. Mọi nghi lễ trong lễ hội sẽ kết thúc vào buổi chiều cùng ngày sau khi thuyền Long Châu được rước ra bên ngoài bờ biển. Tại đây, thuyền được hóa (đốt) với sự chứng kiến, theo dõi của hàng vạn cư dân Diêm Phố. Khi thuyền được hóa thành công, ngư dân tin rằng tấm lòng của họ đã được vị thần biển cả chứng thực. Để từ đây, thần biển sẽ phù trợ cho ngư dân một năm làm nghề no đủ, bội thu, yên lành.

Nói về lễ hội Cầu Ngư, cụ ông Nguyễn Văn Minh - Phó Ban quản lý cụm di tích lịch sử Diêm Phố cho biết: “Đây là lễ hội linh thiêng bậc nhất của cư dân Diêm Phố. Tùy vào điều kiện kinh tế của người dân mà lễ hội được tổ chức. Song đã thành thông lệ, vào năm chẵn, năm tròn thì sẽ là đại lễ với quy mô và nghi thức có những khác biệt nhất định”.

Sau những nghi lễ được tiến hành cẩn trọng thì người dân sẽ được hòa mình vào phần hội với các trò chơi dân gian độc đáo của cư dân biển: trò câu mực, một trò chơi đòi hỏi không chỉ kinh nghiệm mà còn sự khéo léo của người chơi. Trò câu mực thu hút sự tham gia của những người có thâm niên trong nghề câu mực, đi biển; trò hát ghẹo; trò đánh tùm; đua thuyền… mang đến một không gian lễ hội truyền thống vùng biển vô cùng đặc sắc, hấp dẫn.

Đến di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội cầu ngư làng Diêm Phố trải dài theo thời gian, ăn sâu vào đời sống tinh thần và trở thành nét văn hóa truyền thống của cư dân ngư nghiệp. Trước đây lễ hội này vốn chỉ dành cho người dân làm nghề biển thì giờ đây, giới hạn đó đang dần nhạt nhòa. Mỗi năm đến ngày vào hội, người ta không chỉ thấy sự xuất hiện của những người làm nghề ngư mà còn có rất đông người dân ở các ngành nghề khác như thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…

Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố thu hút hàng ngàn người tham gia. (Ảnh: Doãn Tài)

Tự bao giờ, một lễ hội truyền thống lại có sức hấp dẫn kỳ lạ đến vậy? Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố luôn đề cao tới sự thành kính của con người trước các vị thần bảo trợ cho nghề nghiệp của ngư dân ven biển. Trong tiềm thức, ngư dân tin rằng các vị thần luôn dõi theo, che chở giúp đỡ cho nghề ngư của mình. Và cùng với đó còn là sự trừng phạt kinh hoàng nếu phản bội, đối đầu với thiên nhiên. Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố, suy cho cùng là một lễ hội mà ở đó, con người nhận thức được mình trước thiên nhiên, để từ đây có những cách ứng xử hợp lẽ trước quy luật tự nhiên. Đó phải chăng là lý do cho sự trường tồn, hấp dẫn, lan tỏa của Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, sự tự hào với cư dân của một vùng đất quần cư ngư nghiệp. Nói về niềm vui lễ hội Cầu Ngư trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc chia sẻ: “Lễ hội Cầu Ngư là sinh hoạt văn hóa không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân biển Ngư Lộc. Việc lễ hội được vinh danh chính là sự động viên tinh thần quý giá, kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước với những giá trị văn hóa độc đáo của một vùng đất. Để từ đây, người dân Ngư Lộc sẽ tiếp tục gìn giữ những giá trị tinh thần quý giá, là động lực để ngư dân vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc”...

Không phải là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên ở xứ Thanh được công nhận song lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc lại là lễ hội truyền thống đặc trưng vùng biển đầu tiên được vinh danh. Từ đây, hy vọng những nét đẹp vốn có của một lễ hội văn hóa gắn liền với đời sống mưu sinh của cư dân biển sẽ được gìn giữ, trân trọng và phát huy hơn, góp phần làm nên sự đa sắc của văn hóa xứ Thanh đậm đà bản sắc dân tộc.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]