(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trò diễn Xuân Phả (làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) vừa được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nghệ nhân dân gian đất Xuân Phả đã có công gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Niềm vui Xuân Phả

(VH&ĐS) Trò diễn Xuân Phả (làng Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân) vừa được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nghệ nhân dân gian đất Xuân Phả đã có công gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Trò diễn Xuân Phả được trình diễn trong Lễ hội Lam Kinh.

Không phải lần đầu tiên về với Xuân Phả, nhưng lần này có điều gì thật khác, sự tươi vui, hạnh phúc tràn đầy trên gương mặt của những nghệ nhân gặp gỡ đã từng quen. Đó là niềm vui của những người vẫn từng ngày say mê với hoạt động văn hóa truyền thống, dù cho đó là những công việc không lương. Nhưng đổi lại là niềm vui, sự trân quý của cộng đồng dân cư mỗi lần trò diễn được thể hiện tại các lễ hội.

Anh Bùi Văn Hùng, một trong hai nghệ nhân của Xuân Phả được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian chia sẻ: Mấy hôm trước cũng có nghe nói trò diễn Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia nhưng cũng chưa ai dám chắc. Và niềm vui đã thực sự vỡ òa khi những nghệ nhân trong CLB biết chắc rằng đã có quyết định công nhận của Bộ VH,TT&DL.

Đã 26 năm gắn bó với việc khôi phục và trình diễn trò Xuân Phả, song anh Hùng vẫn không quên những ngày khó khăn, thiếu thốn khi anh cùng một số người trong làng bắt tay vào khôi phục, tổ chức trò diễn cho các hoạt động của địa phương. Anh tâm sự: "Lúc còn nhỏ đã được theo người lớn đi xem trình diễn trò Xuân Phả tại sân đình, nhìn các bậc cha chú trong trang phục lễ hội với những động tác trình diễn điêu luyện quả thực là ký ức đẹp với những đứa trẻ như tôi. Nhưng những năm chiến tranh cùng cuộc sống thời kỳ bao cấp khó khăn khiến trò diễn dần mai một và ít được tổ chức".

Đến năm 1990, với quyết tâm khôi phục lại trò diễn truyền thống của cha ông, anh cùng gần 20 người tâm huyết của địa phương đã bắt đầu vào cuộc. Nhưng lúc bấy giờ, mọi hiểu biết của anh về trò diễn chỉ là những ký ức có phần mơ hồ thuở thiếu thời. Bởi vậy, cùng với việc tập luyện, các thành viên của CLB phải tìm hiểu các tài liệu còn lưu lại về trò diễn, cùng với đó là sự hỗ trợ thông tin của các cụ cao tuổi trong làng. Cứ như vậy một thời gian khá dài trò diễn mới được khôi phục đầy đủ và sinh động như ngày hôm nay.

Cũng theo anh Hùng, trò diễn Xuân Phả vốn là một trò diễn của chốn cung đình, nghi thức trình diễn vô cùng nghiêm ngặt. Trong đó, phụ nữ tuyệt đối không được tham gia. Và mỗi tiết mục trình diễn chỉ khoảng 10 người. Nhưng bây giờ, ngoài việc giữ gìn nguyên vẹn nội dung của trò diễn thì số lượng người tham dự rất đông, có cả nam và nữ. Đến nay, Xuân Phả đã và đang được phát triển thành trò diễn của cộng đồng, tập thể.

Cụ Đỗ Viết Quý (86 tuổi) cũng là người có đóng góp không nhỏ cho việc khôi phục trò diễn Xuân Phả. Dù không trực tiếp biểu diễn nhưng với sự hiểu biết về trò diễn, cụ được xem là “kho tư liệu” quý của anh em trong CLB mỗi khi gặp khó khăn trong các tiết mục. Cụ Quý cho biết: Trò diễn Xuân Phả vô cùng độc đáo và đặc sắc. Khi được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia thì đây là cơ hội để trò diễn không chỉ được bảo tồn mà còn tiếp tục phát triển hơn nữa trong cộng đồng dân cư.

Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của trò diễn Xuân Phả trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, việc bảo tồn và phát huy giá trị trò diễn Xuân Phả đã được các cấp chính quyền huyện Thọ Xuân vào cuộc, được đưa vào nghị quyết của Huyện ủy và các kỳ họp của HĐND huyện.

Trò diễn Xuân Phả được công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia không chỉ là niềm vui với những nghệ nhân Xuân Phả mà còn là niềm tự hào với mọi người dân xứ Thanh. Đó tiếp tục là sự khẳng định Thanh Hóa đa dạng và giàu sắc thái văn hóa truyền thống. Từ đây, với việc nỗ lực bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng đến một ngày, không chỉ Xuân Phả mà còn tiếp tục những trò chơi, trò diễn…của xứ Thanh được vinh danh, được bạn bè trong và ngoài nước biết đến.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]