(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến hẹn, khi nắng thu trải vàng cả không gian, tiết trời hanh hao, người dân khắp mọi vùng miền lại cùng nhắc nhớ “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu"… Và hành trình trở về với Lam Kinh - “Kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê vẫn thường bắt đầu như thế. Vậy nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thêm một mùa lễ hội Lam Kinh lại không thể diễn ra theo lệ thường. Nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi “nẻo về nguồn”…

Tháng Tám nhớ “nẻo về nguồn”

Đến hẹn, khi nắng thu trải vàng cả không gian, tiết trời hanh hao, người dân khắp mọi vùng miền lại cùng nhắc nhớ “Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ mụ hàng dầu"… Và hành trình trở về với Lam Kinh - “Kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê vẫn thường bắt đầu như thế. Vậy nhưng, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thêm một mùa lễ hội Lam Kinh lại không thể diễn ra theo lệ thường. Nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi “nẻo về nguồn”…

Tháng Tám nhớ “nẻo về nguồn”

Lam Kinh giữ vai trò là “kinh đô tâm linh” của vương triều Hậu Lê.

Vẫn là Lam Kinh ở đấy, nhưng trong tháng Tám âm lịch dường như đặc biệt hơn. Lắng lòng trong không gian thiêng khu di tích, ta nghe như có tiếng đồng vọng từ quá khứ, lịch sử và những câu chuyện kể về hành trình tranh đấu, khai dựng một vương triều.

Hơn 600 năm về trước, chứng kiến sự suy vi không thể cứu vãn của vương triều Trần, Hồ Quý Ly với khát vọng cải cách đã lên ngôi lập ra nhà Hồ. Đáng tiếc, hành động của ông lại không được lòng dân ủng hộ, chính vì thế những nỗ lực cải cách rốt cuộc cũng không mang lại nhiều thay đổi cho hiện tình đất nước lúc bấy giờ.

Người phương Bắc với tham vọng bành trướng chưa bao giờ chịu từ bỏ dã tâm, lợi dụng sự rối ren chính trị của nước Việt, nhà Minh lúc bấy giờ đã đưa quân xuống vùng đất phương Nam gây nên cuộc xâm lược tàn khốc và đẫm máu. Tội ác của chúng đã được khai quốc công thần Nguyễn Trãi ghi lại trong Bình Ngô đại cáo: “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn/ Vùi con đỏ dưới hầm tai vạ"…

Tháng Tám nhớ “nẻo về nguồn”

Người dân hành lễ trước lăng mộ vua Lê Thái Tổ trong Khu di tích Lam Kinh (ảnh chụp trước tháng 2-2020)

Trong bối cảnh ấy, nơi đất Lam Sơn, xứ Thanh, hào trưởng Lê Lợi với nghĩa khí, tâm và tầm đã thu phục nhân tâm, hào kiệt bốn phương cùng nhau về tụ nghĩa. Từ “Hội thề Lũng Nhai”, khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược đã chính thức diễn ra với nhiều cam go, thử thách, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua. Vậy nhưng xưa nay chính nghĩa luôn thắng bạo tàn phi nghĩa, 10 năm “nếm mật nằm gai” đã khép lại với “Hội thề Đông Quan”, đất nước sạch bóng giặc ngoại xâm, dân tộc Việt hoàn toàn độc lập.

Đứng trong không gian thiêng Lam Kinh hôm nay, ta bồi hồi nhớ về một cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ghi dấu lịch sử. Là sự đồng lòng của tướng sĩ trên dưới như một, sẵn sàng cống hiến, hi sinh thân mình vì đại cuộc, cho khát vọng độc lập được viết lên.

Ta nhớ đến một khai quốc công thần Lê Lai đổi long bào liều mình cứu chúa trong tình thế nguy khốn. Đó là những ngày đầu khi Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, tướng ít binh thiếu. Một lần bị giặc Minh vây hãm, chốt chặn những nơi hiểm yếu, vô cùng nguy nan. Lúc bấy giờ, Chủ tướng Lê Lợi đã hỏi tướng sĩ: “Ai dám đổi áo, thay ta đem quân ra đánh giặc, xưng hiệu của ta, bắt chước như Kỷ Tín đời Hán, để cho ta có thể giấu tiếng nghi binh, tập hợp tướng sĩ, mưu tính cuộc nổi dậy về sau”. Nghe vậy, Lê Lai đã khẳng khái: “Tôi xin đi, sau này lấy được nước thì xin nghĩ đến công lao của tôi... Bây giờ tình hình nguy khốn thế này, nếu người giữ mảnh đất nguy hiểm, vua tôi đều bị tiêu diệt, sợ sẽ vô ích. Nếu theo kế này, may ra có thể thoát được. Kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì”. (Theo tư liệu của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam)

Hay một “mụ hàng dầu” vẫn được dân gian nhắc nhớ. Tương truyền, để chuẩn bị cho khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã chọn ngọn núi cao ở vùng đất Lam Sơn khi ấy để đêm ngày thắp đèn đốt đuốc nhằm chiêu mộ hào kiệt, quân sĩ, tập luyện không ngừng, vì thế mà cần rất nhiều dầu. Biết được điều này, giặc Minh đã chốt chặn, giết hại tất cả những người chúng nghi ngờ mang dầu tiếp tế cho nghĩa binh. Vậy nhưng, vẫn có một người đàn bà lọt qua được vòng vây, thường xuyên mang dầu lên núi... Không ai biết tên họ của bà, nên vẫn thường gọi “mụ hàng dầu”. Trong một lần “mụ hàng dầu” không may bị giặc bắt, dù bị tra khảo nhưng tuyệt nhiên không khai, vì thế mà bị giết hại. Biết chuyện, vô cùng cảm động, chủ tướng Lê Lợi đã sai người ngầm đem thi thể “mụ hàng dầu” về núi Lam Sơn chôn cất. Cũng từ đó, núi Lam Sơn còn được biết đến với tên gọi núi Dầu.

Vậy là, trước ngày giỗ vua Lê Thái Tổ, là ngày “giỗ” trung thần Lê Lai, và sau đó là “giỗ” mụ hàng Dầu... Họ là những con người có tên và không tên, đã đóng góp, hi sinh cho cuộc chiến giành độc lập dân tộc. Nhân dân luôn biết ơn, hậu thế ghi lòng tưởng nhớ.

Khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, năm 1428 Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi lập ra vương triều Hậu Lê, lấy niên hiệu là Thuận Thiên, đặt kinh đô ở đất Thăng Long, tên nước Đại Việt. Và Lam Kinh được biết đến là “vùng đất căn bản của nước Đại Việt thời Lê”.

Cùng với bộn bề công việc triều chính, kiến thiết đất nước sau họa xâm lăng, vỗ về nhân tâm thì vua Lê Thái Tổ chưa bao giờ quên đi vùng đất gốc tổ Lam Sơn. Một Lam Kinh trên đất Lam Sơn đã đã từng bước được khởi dựng nhằm tỏ lòng tôn kính với tiên tổ, cùng với đó còn là tính toán cho hậu thế về sau.

Tháng Tám nhớ “nẻo về nguồn”

Lam Kinh còn là nơi an nghỉ của các Vua, Thái hoàng, Thái hậu thời Hậu Lê (ảnh chụp trước tháng 2-2020)

Lam Kinh với vai trò là “kinh đô tâm linh” của nhà Hậu Lê, nơi thờ cúng tiên tổ, an nghỉ của các Vua, Thái hoàng, Thái hậu, nơi cử hành nghi lễ khi nhà vua về bái yết sơn lăng...

Sau 5 năm ở ngôi, năm 1433 vua Lê Thái Tổ qua đời, thi hài nhà vua đã được đưa về Lam Kinh an táng. Từ đây, các điện, miếu bắt đầu được xây dựng.

Người đời nói, Lam Sơn - Lam Kinh là vùng đất thiêng. Từ khi cụ tổ Lê Hối quyết định dời nhà đến đây gây dựng cơ nghiệp vì thấy cảnh vật tốt tươi, chim chóc bay lượn hoan ca. Từ đây, hào trưởng Lê Lợi thu phục nhân tâm, hào kiệt bốn phương để rồi tranh đấu không ngừng, lập dựng nên vương triều kéo dài bậc nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà; rồi một “kinh đô tâm linh” nguy nga bề thế... Và có phải ở trên đất thiêng, nên “cảnh, vật” cũng trở nên “hữu tình”. Là cây đa thị hàng trăm năm tuổi, cây lim cổ thụ “hiến thân”, cây ổi cười... sự linh thiêng khiến lòng người vấn vương.

Tháng Tám nhớ “nẻo về nguồn”

“Cây ổi cười” nhỏ nhắn nhưng tương truyền có tuổi đời đến gần trăm năm ở ngay trước mộ vua Lê Thái Tổ vô cùng kì lạ. Theo đó, chỉ cần “gãi” nhẹ vào thân cây, tất cả cành lá sẽ rung rinh, chuyển động (ảnh chụp trước tháng 2-2020).

Dẫu vậy, mọi thứ đều sợ thời gian, khu di tích Lam Kinh được khởi dựng với nhiều tâm lực của Vương triều Hậu Lê cũng không thể tránh khỏi quy luật. Cùng với những thăng trầm, biến động lịch sử khiến cho di tích vào nửa cuối thế kỷ XX phần nhiều chỉ còn nền móng cũ và một số di vật.

Tháng Tám nhớ “nẻo về nguồn”

Về thăm Lam Kinh, du khách được lắng mình trong không gian thiêng, chiếm bái và lắng nghe những câu chuyện kể về Di tích (ảnh chụp trước tháng 2-2020)

Với mục tiêu khôi phục, bảo tồn khu di tích lịch sử Lam Kinh thành một quần thể di tích lịch sử, văn hóa và khu tưởng niệm gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngày 22-10-1994, tại quyết định 609/TTg Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án tổng thể khu di tích Lam Kinh và năm 2002, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết khu di tích, cụ thể: Bảo vệ, tu bổ, phục hồi, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ trong khu di tích; phục hồi khu rừng Lam Kinh, trồng cây tôn tạo cảnh quan khu điện, khu lăng và bảo vệ môi trường sinh thái; cải tạo và xây dựng khu phục vụ quản lý và các hoạt động tưởng niệm; xem xét bảo vệ, tu bổ, phục hổi, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ có liên quan đến sự nghiệp của Lê Lợi như đền Lê Lai, núi Dầu, tạo nên quần thể di tích lịch sử hợp lí, có đầy đủ ý nghĩa nhân văn và giáo dục.

Bằng tất cả tâm huyết và đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trong quyết tâm làm “sống” dậy “kinh đô tâm linh” của tiền nhân, đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các hạng mục công trình trọng tâm tại khu di tích Lam Kinh đã được tôn tạo, phục dựng tương đối hoàn chỉnh. Có thể kể đến: Nghi môn; sân rồng; các tòa Thái miếu; khu lăng mộ và đặc biệt là Chính điện Lam Kinh - công trình trung tâm của khu di tích. Sau khi hoàn thành phục dựng, Chính điện nổi bất với công trình gỗ bề thế, tinh xảo trong từng tiểu tiết hoa văn chạm khắc… tất cả mang đến sự uy nghiêm, vững bền. Và Lam Kinh hôm nay, không chỉ là niềm tự hào, còn là điểm đến “đắt giá” trong hành trình khám phá xứ Thanh của Nhân dân cùng du khách khi về với xứ Thanh, về với Lam Sơn.

Cùng với khu di tích Lam Kinh, lễ hội Lam Kinh diễn ra thường niên hàng năm vào ngày giỗ của đức vua Lê Thái Tổ (22 - 8 âm lịch) được tổ chức quy mô, trang trọng, linh thiêng và thành kính là sự kiện văn hóa, hoạt động “về nguồn” thu hút hàng vạn lượt người dân, du khách trở về dâng hương, vãn cảnh, tưởng nhớ công đức tiền nhân.

Với đầy đủ những giá trị văn hóa tâm linh, kiến trúc, lịch sử, năm 1962 khu di tích Lam Kinh đã được xếp hạng cấp quốc gia. Và năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là di tích Quốc gia đặc biệt.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]