(vhds.baothanhhoa.vn) - LTS: Trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Báo VH&ĐS, nhà văn Nguyễn Minh Khiêm đã chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm trong quá trình cộng tác với báo. Ban Biên tập Báo VH&ĐS xin cám ơn tình cảm quý báu của nhà văn và xem đây là lời động viên để tiếp tục cố gắng hơn nữa. Xin trân trọng giới thiệu lời chia sẻ của Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tôi may mắn và hạnh phúc được cộng tác với Báo VH&ĐS

LTS: Trong Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Báo VH&ĐS, nhà văn Nguyễn Minh Khiêm đã chia sẻ những kỷ niệm, tình cảm trong quá trình cộng tác với báo. Ban Biên tập Báo VH&ĐS xin cám ơn tình cảm quý báu của nhà văn và xem đây là lời động viên để tiếp tục cố gắng hơn nữa. Xin trân trọng giới thiệu lời chia sẻ của Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm.

Nhà văn Nguyễn Minh Khiêm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Báo VH&ĐS. (ảnh Ngọc Huấn)

Tôi cộng tác với Báo Văn hóa - Thông tin (VH-TT) nay là báo VH&ĐS từ đầu những năm 1990, đến nay gần ba mươi năm, qua các đời Tổng biên tập như: Mai Ngọc Toản; Vương Anh; Phạm Minh Trị, bây giờ là Tổng biên tập Lê Nam. Một tờ báo mà ngày nay cầm trên tay ai cũng phải công nhận đẹp, bắt mắt, sang trọng, nội dung phong phú, có chiều sâu, đậm chất văn hóa, nhất là các số báo trong các dịp kỷ niệm lớn, tết dương lịch, âm lịch sức hấp dẫn của nó chẳng thua kém bất kỳ một tờ báo nào trong Hội báo cả nước. Thay cho lời khẳng định sức sống, sức chiến đấu, sức hút, sức lan tỏa của báo VH&ĐS; thay cho lời khẳng định năng lực của BBT, TBT, tôi xin kể lại một số kỷ niệm của bản thân mình trong quá trình cộng tác với báo. Những câu chuyện này minh chứng rõ nhất cho sức chiến đấu, sức hút, sức lan tỏa của Báo VH&ĐS cũng như rõ nhất phẩm chất, bản lĩnh, trình độ, sự dũng cảm dám chấp nhận cái mới, chấp nhận áp lực, chấp nhận thử thách của Ban Biên tập, Tổng Biên tập báo VH&ĐS. Qua đó hiểu rõ hơn vì sao tôi gắn bó với báo VH&ĐS lâu dài, bền bỉ, nhiệt huyết đến thế.

Năm 1995, Báo VH-TT in bài thơ “Ba trăm sáu lăm ngày” của tôi. Nhiều luồng ý kiến rộ lên. Một số tổ chức, cá nhân cho rằng bài thơ có vấn đề về nhận thức, về chính trị đề nghị Sở VH-TT, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xem xét lại bài thơ. Tổng Biên tập Mai Ngọc Toản vẫn vững vàng phân tích bênh vực bài thơ trước các luồng dư luận. Khi bài thơ được Báo Văn nghệ Trung ương và Tạp chí Văn nghệ quân đội và một số tạp chí khác in, dư luận mới lắng xuống. Như vậy, Ban Biên tập chứng minh được việc in bài thơ là hoàn toàn đúng đắn. Nếu non tay, sợ áp lực, Ban Biên tập, Tổng Biên tập không đứng vững được trong hoàn cảnh đó.

Năm 1998, bài phóng sự của tôi với nhan đề “Người chiến sĩ Hải Qua Thanh Hóa đầu tiên hy sinh trên mặt trận chống buôn lậu hơn 40 năm chưa được công nhận liệt sĩ” in trên Báo VH-TT lại tạo nên một dư luận lớn. Cục Hải quan Thanh Hóa lập tức phản ứng dữ dội, cho rằng sự việc không đúng. Cục Hải Quan Thanh Hóa đề nghị Lãnh đạo Báo VH-TT họp năm bên: Tổng Biên tập Báo VH-TT, tác giả, gia đình, nhân chứng. Cục Hải quan để đối chất. Kết quả, mọi chi tiết trong phóng sự đều chính xác. Cục Hải quan Thanh Hóa thừa nhận đúng sự thật. Nhưng sau đó vẫn không công nhận liệt sĩ cho người chiến sĩ hy sinh bốn mươi năm về trước.

Năm 1999, báo VH-TT in bài thơ Điều kỳ lạ ở quê ” của tôi. Đây là bài thơ tôi viết về bà mẹ Cân ở xã Yên Tâm, huyện Yên Định, nhà ngay trước cổng trường tôi dạy học. Bài thơ có mấy câu thế này “Một con hy sinh đã là mẹ Anh Hùng/ Ba người con của mẹ hy sinh, mẹ vẫn là bà mẹ của xóm làng dân dã”. Có nghĩa, mẹ Cân vẫn chưa được công nhận Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Đọc được bài thơ ấy, Cục Người có công, Sở LĐ-TB-XH tổ chức một đoàn về tận xã Yên Tâm thẩm tra xem có thực không. Nhưng đó là người thật, việc thật.

Năm 2001, Báo VH-TT in bài thơ Dấu quê của tôi thì đến năm 2004, bài thơ được đưa vào Sách giáo khoa Tiếng Việt 7, cấp học THCS dạy cho đến bây giờ.

Năm 2004, bài thơ “Chợ ngã tư làng” của tôi được nhà thơ Vương Anh - Tổng Biển tậpBáo VHTTtặng Giải thưởng tác phẩm xuất sắc.

Khi bài bút ký “Cổng Làng” của tôi được in trên Báo VH&ĐS, lãnh đạo xã Yên Trung quê tôi, gặp ở đâu cũng bảo, tôi đã đọc bài “Cổng làng” của anh rồi. Thấm quá. Sâu quá. Bí thư Đảng ủy xã và nhiều cán bộ chủ chốt của xã còn bảo, dứt khoát tôi phải xây cho làng tôi một cái cổng làng thật hoành tráng.

Một sự kiện khác. Từ khi Báo VH&ĐS in bài tản văn “Mùa dế” của tôi, lãnh đạo xã Quý Lộc, nhân dân xã Quý Lộc, bạn bè gần xa đâu đâu cũng điện về hỏi đến dế mèn Quý Lộc. Năm nào đến mùa dế, ông Trịnh Đăng Quê - Bí thư Đảng ủy xã Quý Lộc, Chủ tịch xã Quý Lộc cũng điện cho tôi, nhiều người điện về hẹn mua dế quá thầy Khiêm ơi. Không đủ dế để xuất đi thầy Khiêm ơi. Có những nhà văn, nhà thơ trong Hội VHNT Thanh Hóa, sau khi đọc bài Mùa Dế, đánh xe máy, đèo vợ, đèo bạn lên tận nhà tôi để đòi được thưởng thức món dế. Tôi không ngờ, một bài tản văn chưa đến một nghìn từ mà gây được ảnh hưởng ghê gớm đến thế. Đó chính là sự lan tỏa của Báo VH&ĐS, sức sống mãnh liệt, sức hút mãnh liệt của Báo VH&ĐS.

Lý do thứ hai khiến tôi yêu tờ báo, gắn bó lâu dài với tờ báo đó là Sự quan tâm của Ban Biên tập, Tổng Biên tập đến cộng tác viên.

Tôi phải khẳng định, Ban Biên tập, Tổng Biên tập Báo VH&ĐS, nhà báo Lê Nam quan tâm đặc biệt đến cộng tác viên. Mỗi khi có một chuyên mục mới, một nội dung mới, Thư ký tòa soạn Đỗ Đức, Tổng Biên tập Lê Nam luôn điện cho tôi đặt vấn đề cộng tác, gửi bài, đôi khi đặt bài. Không phải điện một lần, có khi điện hai, ba lần. Sự chân tình, thân tình, gần gũi, ấm áp ấy làm cho cộng tác viên như tôi rất cảm động, không thể nào từ chối được bất cứ lời đề nghị nào. Chính vì vậy, dù cho khó khăn, mưa gió, rét mướt, xa xôi, gấp gáp, bất kỳ hoàn cảnh nào, khi được Tổng Biên tập, hoặc Ban Thư ký đặt bài, bao giờ tôi cũng cố gắng hết mình để không phụ sự tin yêu của Ban Biên tập báo.

Một ví dụ nhỏ là, chuẩn bị cho số báo Tết dương lịch năm 2016, Đỗ Đức - Thư ký tòa soạn điện cho tôi, đặt bài viết về Ngã Ba Bông. Nói đặt bài cho hay chứ chẳng bao giờ bên báo trả bảo nhuận bút thế này hay trả nhuận bút thế kia. Tôi cũng chẳng đòi hỏi bao nhiêu. Tôi chỉ bảo, Ngã Ba Bông đã quá nhiều người viết rồi. Báo VH&ĐS cũng in vài bài về Ngã Ba Bông rồi. Nhưng Đỗ Đức bảo Tổng Biên tập muốn có một bài viết khác, viết theo cách mới khác những bài viết trước. Tôi hỏi khi nào nộp bài, Đỗ Đức bảo, ngày kia. Tôi giật mình. Ngày kia? Tức là chỉ hai ngày. Thường viết một bài ký trung bình phải mất từ bảy đến mười ngày. Thời gian ấy lại đang rét đậm rét hại. Nhiệt độ chỉ 12 - 13 độ C. Mưa mù mịt. Quá lạnh. Đường trơn lầy lội. Tôi điện nhờ nhà nghiên cứu khoa học lịch sử Lê Khắc Tuế ở Vĩnh Lộc đi cùng làm quân sư. Tuổi ông đã bảy lăm, bảy sáu. Ông cùng tôi vượt mưa gió rét mướt đi Ngã Ba Bông ngay ngày hôm sau. Tối tôi viết bài. Đúng hẹn, tôi gửi bài cho Thư ký tòa soạn.

Năm 2018, khi Báo VH&ĐS mở chuyên trang về những tấm gương tiêu biểu Thanh Hóa trên mọi lĩnh vực, Tổng Biên tập Lê Nam, Thư ký tòa soạn lại gửi giấy mời tôi lên trao đổi, đặt vấn đề viết bài chochuyên mục mới. Tôi nhận lời ngay. Và tôi có một loạt bài viết về các nhân vật nổi tiếng về nhiều lĩnh vực như: Nhà văn hóa Hà Minh Đức; nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ; nhà văn Từ Nguyên Tĩnh; người giữ hồn Mường Hà Minh Du; huyền thoại của những con đường, ông Trần Lê Vang in trang trọng trên Báo VH&ĐS. Khi những bài báo xuất hiện rất nhiều người điện đến tôi chia sẻ, đồng cảm, khâm phục các nhân vật được viết. Nhà thơ Lê Văn Sự ở Vĩnh Lộc điện cho tôi “Ông Khiêm ơi, bài viết quá hay. Tôi cảm ơn ông đã viết về nhà văn hóa hóa Hà Minh Đức Vĩnh Lộc quê tôi. Cảm ơn ông đã làm rạng danh thêm cho Vĩnh Lộc quê tôi”.

Được báo ưu ái thế nhưng chưa bao giờ Thư ký, hay Tổng Biên tập xuê xoa trong việc biên tập. Có khi bài Ký của tôi dài chín, mười trang phải hoạn xuống chỉ còn hơn ba trang; từ 7 nghìn từ phải cắt xén xuống chỉ còn 2400 từ. Việc biên tập rất khoa học, rất cương quyết, rất có nghề, không hề dễ dãi một chút nào. Bản lĩnh biên tập là đó, trình độ biên tập là đó, cái tinh tế trong biên tập là đó. Cũng xin nói thêm, mặc dù thân tình là thế, nể trọng là thế nhưng từ trước tới nay, chưa bao giờ tôi đề nghị in bài này, bài kia cho mình, chưa bao giờ tôi mặc cả một vấn đề gì với Ban Biên tập, với Tổng Biên tập. Có lẽ độ bền lâu của tôi với báo bắt đầu từ đó.

Còn một ý nhỏ nữa, đó là trả tiền nhuận bút cho các tác giả.

Kịp thời, đầy đủ, chu đáo, cẩn thận, tình cảm. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói về bộ phận trả tiền nhuận bút. Nhiều khi Tổng Biên tập trực tiếp điện, trực tiếp hỏi xem tác giả nhận được nhuận bút chưa. Cô Hoan là người trực tiếp gửi tiền nhuận bút cho tác giả thì chu đáo hết chỗ nói. Có khi gửi qua Bưu điện, có khi trả ở ở Tòa soạn. Dù trả ở đâu, cô cũng thống kê rành mạch từng bài, từng số báo, hỏi đi hỏi lại ân cần nhận được chưa, đủ chưa, thiếu số nào không.

Được cộng tác với một tờ báo có sức sống, có sức bật, có sức đổi mới, có sự lan tỏa, có một Ban Biên tập có năng lực, có trình độ, có bản lĩnh, có nghiệp vụ giỏi; được cộng tác với một tờ báo mà ở đó, bản thân mình lớn lên, tác phẩm của mình được vươn xa, được thăng hoa, được công chúng đón nhận đó là may mắn, là hạnh phúc. Trên dưới ba mươi năm cộng tác với Báo VH&ĐS, tôi đã có niềm vui đó.

Nhân dịp Kỷ niệm 30 năm thành lập Báo VH&ĐS, cá nhântôi xin Cảm ơn Báo VH&ĐS! Cảm ơn Ban Biên tập, Tổng Biên tập Báo VH&ĐS đã cho những cộng tác viên như tôi được lớn lên. Kính chúc tập thể phóng viên, nhân viên, Thư ký Tòa soạn và Tổng Biên Tập báo VHĐS dồi dào sức sáng tạo, sáng tạo hơn nữa, nhiều cộng tác viên hơn nữa để Báo VH&ĐS có nhiều đóng góp hơn vào việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người Thanh Hóa trong sự nghiệp đổi mới của Đảng.

Nguyễn Minh Khiêm


Nguyễn Minh Khiêm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]