(vhds.baothanhhoa.vn) - Theo vòng quay của thời gian, một “mùa trăng tròn” nữa lại đến: Tết Trung thu. Và trong văn hóa của người Việt, Tết Trung thu được xem là một trong những ngày “lễ tết” quan trọng. Đó không đơn thuần là ngày của trẻ con, còn là dịp để nhà nhà quây quần, cùng nhau phá cỗ, ngắm trăng...

Trung Thu: Tết của tình thân

Theo vòng quay của thời gian, một “mùa trăng tròn” nữa lại đến: Tết Trung thu. Và trong văn hóa của người Việt, Tết Trung thu được xem là một trong những ngày “lễ tết” quan trọng. Đó không đơn thuần là ngày của trẻ con, còn là dịp để nhà nhà quây quần, cùng nhau phá cỗ, ngắm trăng...

Trung Thu: Tết của tình thânMinh họa: Linh Chi

Nếu có ai đó hỏi, Tết Trung thu trong ký ức của bạn là gì? Tôi sẽ bồi hồi kể lại, đó là chiếc đèn ông sao bố làm cho ba chị em. Một chiếc đèn được làm từ những que vầu (họ nhà tre luồng), vài tờ báo cũ, hay thậm chí là những trang giấy đã viết chi chít chữ của năm học vừa qua, lại thêm vài bông hoa được cắt thủ công, hay tranh “cô tiên” được cắt ra từ những tờ báo cũ dán lên... và sau nửa ngày bố hì hục thì ba chị em tôi cũng đã có chiếc đèn đi rước cùng chúng bạn vào tối trung thu. Chiếc đèn ông sao nhìn đơn sơ là vậy, nhưng khi đêm xuống, cây nến bên trong được thắp sáng là cả thế giới tuổi thơ lung linh sắc màu. Ngày đó, cuộc rước đèn còn là dịp để bọn trẻ ngầm khoe “tay nghề” của bố mình.

Cứ như vậy, sau giờ cơm tối được mẹ chuẩn bị “sớm” hơn mọi ngày, bọn trẻ trong xóm không ai bảo ai, cùng kéo nhau ra đường rước đèn. Đoàn rước đi khắp xóm làng, dẫn đầu có “ông địa” bụng phệ đeo mặt nạ, rồi thì vài người đánh trống... Chỉ đến khi nến thắp đã hết, trăng bắt đầu lên cao thì cuộc rước đèn mới dần tan. Trở về nhà, là mâm cỗ trung thu có ông bà, bố mẹ đang cùng ngồi ở chiếc chiếu trải giữa hè uống nước chè, đợi chị em chúng tôi về mới phá cỗ.

Chị em tôi lớn dần lên, cảm giác mong chờ được đi rước đèn mỗi dịp trung thu đến cũng không còn háo hức như ngày nhỏ. Nhưng mẹ tôi thì vẫn vậy, bà vẫn tất bật chợ búa vào buổi sáng ngày rằm tháng tám để mua cho đủ đầy các loại bánh trái, rồi buổi chiều về lại hì hụi với các loại bánh tự làm. Có lần tôi vô tâm hỏi mẹ, bây giờ có ai thích ăn bánh nữa đâu mà mẹ cứ phải mất công chuẩn bị? Mẹ bảo, mẹ làm trước hết để cúng ông bà, tổ tiên, sau đó con cháu mới thụ lộc, không phải chỉ là chuyện để ăn...

Nếu mùa xuân vạn vật sinh sôi nảy nở; mùa hè là thời gian sinh trưởng, phát triển; thì mùa thu lại bắt đầu một chu kỳ mới với sự thay đổi của thời tiết. Có người nói, mùa thu đẹp nhất trong năm. Và sự thực hiển nhiên, trăng mùa thu đẹp vô cùng. Bác Hồ, trong những ngày thu ở chiến khu Việt Bắc năm xưa, trước cảnh sắc, thiên nhiên, đất trời ngày Rằm tháng tám, Người đã gửi đến thiếu nhi cả nước muôn vàn sự yêu thương qua những vần thơ: “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng...”.

Nếu trăng rằm trung thu vàng tròn thì vụ mùa tới sẽ bội thu, ngược lại trăng thu sáng xanh thì đề phòng có mưa bão, thiên tai. Chia sẻ về quan niệm này, nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải cho rằng: “Văn hóa là sự sáng tạo và tiếp nối. Việt Nam là quốc gia nông nghiệp lúa nước, nên việc nhìn trăng đoán định thời tiết, xem trăng để biết mùa vụ là kinh nghiệm của cư dân nông nghiệp lúa nước, thậm chí thông qua việc ngắm trăng còn có thể đoán định diễn tiến thời tiết để có sự chuẩn bị về sức khỏe. Trải qua thời gian, Tết Trung thu đã trở thành ngày lễ - hội quan trọng với nhiều tiếp biến. Nhưng bản chất của ngày Tết Trung thu thì không thay đổi, đó vẫn là ngày của sự sum vầy, cả gia đình cùng quây quần ngắm trăng, con cháu bày tỏ tấm lòng hiếu kính với ông bà, tiên tổ; người già, cha mẹ kể chuyện cho con trẻ. Văn hóa là sự tiếp nối và Tết Trung thu chính là sự tiếp nối của văn hóa truyền thống. Ngay cả chuyện bánh trung thu (bánh nướng, bánh dẻo) vì sao lại tròn, lại vuông cũng đều có ý nghĩa ẩn chứa. Bánh tròn thể hiện sự tròn đầy, viên mãn của trăng rằm trung thu, còn bánh vuông tượng trưng cho trời đất...”.

Chưa có một khẳng định chắc chắn về sự xuất hiện của Tết Trung thu, nhưng theo các tài liệu cổ lưu giữ, từ thời nhà Lý, Tết Trung thu đã được tổ chức ở kinh đô Thăng Long với nhiều hoạt động như đua thuyền, múa rối nước, rước đèn... Sách “Việt Nam phong tục” của tác giả Phan Kế Bính đầu thế kỷ XX cũng nhắc đến Tết Trung thu với ý nghĩa quan trọng, đại ý: Rằm tháng tám là Tết Trung thu. Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng và dùng nhiều thứ bánh nhuộm màu sắc sặc sỡ... con gái hàng phố thi nhau trổ tài khéo léo... trẻ con tối hôm ấy dìu dắt nhau từng đàn, từng lũ, đám thì kéo co, đám thì rước đèn, rước sư tử, trống, thanh la đánh vang cả đường. Lại nơi nọ đánh trống quân, nơi kia hát trống quýt, tổng chi gọi là trung thu thưởng nguyệt... Tục hát trống quân thì do từ đời Nguyễn Huệ bên ta mới bày ra. Nguyên khi ông đem quân ra Bắc, quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà, ông mới bày ra cách cho trai gái hát đối đáp với nhau để quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp cho nên gọi là trống quân.

Nương theo đó, cha ông xưa còn sáng tạo nên những câu chuyện truyền thuyết hấp dẫn về Tết Trung thu. Nào chị Hằng dạo chơi cung trăng; chú Cuội dưới gốc đa... để người lớn, trẻ con cùng nhau ngắm trăng, kể chuyện. Nhưng cũng thật kỳ lạ, vào đêm rằm, nếu chăm chú ngắm nhìn ánh trăng tròn trên bầu trời thu xanh trong, ta sẽ bắt gặp ở đấy hình ảnh cung trăng, gốc đa và chú cuội. Ta tự hỏi, có phải tạo hóa vẫn thường hữu ý trong những sáng tạo!.

Tết Trung thu - tết của trẻ con - tết của người lớn hay như người ta vẫn nói, đó là ngày tết của sự đoàn viên - tết của tình thân. Cuộc sống vật chất đã đủ đầy, chuyện ăn uống không còn quá quan trọng nhưng việc chuẩn bị cho Tết Trung thu tươm tất vẫn được các gia đình Việt coi trọng. Một mâm lễ dâng cúng tổ tiên với đủ các loại bánh trái theo mùa; những người đi xa về quê, con cháu về với gia đình, cùng nhau bên ông bà, cha mẹ quây quần ngắm trăng, uống trà, ăn một miếng bánh trung thu và kể chuyện Tết Trung thu xưa - trung thu nay cho con trẻ cùng nghe. Tình thân - gia đình vẫn được vun đắp từ những giá trị văn hóa truyền thống như thế.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]