(vhds.baothanhhoa.vn) - Đỗ Tiến sĩ khoa thi Ất Hợi (1875), làm quan dưới triều nhà Nguyễn, nhưng hậu thế nhớ nhiều đến người con của đất Bồng Trung, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) Tống Duy Tân trong vai trò của một nhà yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ 19, thủ lĩnh của nghĩa quân Hùng Lĩnh trong lịch sử.

Vang danh nhà yêu nước Tống Duy Tân

Đỗ Tiến sĩ khoa thi Ất Hợi (1875), làm quan dưới triều nhà Nguyễn, nhưng hậu thế nhớ nhiều đến người con của đất Bồng Trung, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) Tống Duy Tân trong vai trò của một nhà yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ 19, thủ lĩnh của nghĩa quân Hùng Lĩnh trong lịch sử.

Vang danh nhà yêu nước Tống Duy TânLăng mộ cụ Tống Duy Tân nằm trong khuôn viên ngôi trường THPT của huyện Vĩnh Lộc mang tên Nhà yêu nước.

Sinh ra ở nơi mà ông bà vẫn thường răn dạy con trẻ: “Làng ta ít ruộng ít trâu/ Cố mà chăm học ngõ hầu nuôi thân” - vùng đất mà dân gian đã đúc kết “… Đông Cổ Am/ Nam Hành Thiện/ Nghệ Quỳnh Đôi/ Thanh Đông Biện” (tức vùng đất Vĩnh Hùng, Minh Tân ngày nay) để ngợi ca những vùng đất khoa bảng, từ nhỏ cậu bé Tống Duy Tân (tự là Cơ Mệnh, sinh năm 1838) đã quyết tâm học hành, đỗ đạt. Đến năm 1875, khi đã 37 tuổi, ông đỗ tiến sĩ.

Khi thực dân Pháp đánh chiếm Bắc kỳ, trong triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ chia thành hai phe: chủ chiến và chủ hòa. Và phe chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu với tinh thần tự tôn dân tộc, quyết tâm không chịu khuất phục kẻ xâm lược. Trước hiện tình đất nước khi ấy, dù không dễ dàng trên con đường học hành, làm quan, song Tống Duy Tân vẫn quyết định cáo quan về quê (năm 1878), mở trường dạy học để nuôi chí lớn.

Năm 1885, khi vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương chống Pháp, ở vùng đất xứ Thanh, Tống Duy Tân đã nhanh chóng hưởng ứng, khẩn trương xây dựng lực lượng để bước vào cuộc chiến. Ông là thủ lĩnh của nghĩa quân Hùng Lĩnh, hai làng Bồng Trung và Đa Bút trở thành căn cứ cuộc khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân, nghĩa quân Hùng Lĩnh vừa xây dựng lực lượng, củng cố căn cứ, chống lại những cuộc tấn công của kẻ địch. Cùng với đó, ông phối hợp với lãnh đạo của phong trào Cần Vương ở xứ Thanh (trong đó có cả những cá nhân trọng yếu phái chủ chiến của triều đình nhà Nguyễn), như: Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Đinh Công Tráng, Hoàng Bật Đạt, Hà Văn Mao… tổ chức hội nghị quan trọng (người dân địa phương thường gọi đó là hội nghị “Diên Hồng”) ở đình Bồng Trung để bàn việc thúc đẩy phong trào, xây dựng cứ điểm Ba Đình và Mã Cao.

Chỉ trong năm 1885, nghĩa quân Hùng Lĩnh đã đánh bại lực lượng của thực dân Pháp hai lần, khi chúng tấn công vào căn cứ Bồng Trung và Đa Bút. Để nâng cao tinh thần chiến đấu của nghĩa sĩ, thủ lĩnh Tống Duy Tân đã treo thưởng: “Ai mà lấy được đầu Tây/ Bạc thì mười lạng, chức tày lãnh binh”.

Sau khi đã xây dựng được thế và lực vững mạnh, nghĩa quân Hùng Lĩnh dưới sự lãnh đạo của Tống Duy Tân và Cao Bá Điển đã phối hợp với các nghĩa quân khác tấn công vào tỉnh lỵ (12-3-1886) và chặn đánh lính Pháp càn quét ở Yên Định. Giữa năm 1886, nghĩa quân tiến xuống Hà Trung để hỗ trợ chiến đấu cho căn cứ Ba Đình.

Khi căn cứ Ba Đình, Mã Cao lần lượt thất thủ, khởi nghĩa Hùng Lĩnh ở Bồng Trung - Đa Bút trở thành lực lượng chiến đấu chống thực dân Pháp mạnh mẽ nhất ở Thanh Hóa; kết nối phong trào miền xuôi và miền núi. Từ năm 1889-1892, nghĩa quân Hùng Lĩnh đã mở rộng địa bàn chiến đấu, từ Bồng Trung - Đa Bút sang Nông Cống, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, lên vùng rừng núi Thường Xuân; Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, lập nhiều chiến công, tiêu biểu như: chiến thắng Vân Đồn (Nông Cống); Vạn Lại, Yên Lược, Yên Lãng (Thọ Xuân)…

Chính thực dân Pháp phải thừa nhận về nghĩa quân Hùng Lĩnh do Tống Duy Tân làm thủ lĩnh: “Họ không sợ phải giáp trận với những lực lượng tiến đánh họ. Đóng quân ở địa điểm đã được chọn kỹ và bố phòng chu đáo, họ kháng cự dai dẳng chống lại các cuộc tấn công của quân ta. Chỉ vào lúc cuối cùng không giữ nổi mới rời xa địa điểm, thường là để chiếm đóng và tổ chức một vị trí mới, hoặc có khi là để lẩn tránh một thời gian” (GS Đinh Xuân Lâm).

Đáng tiếc, bởi sự phản bội chỉ điểm của một kẻ cùng quê, thủ lĩnh Tống Duy Tân đã rơi vào tay giặc Pháp (ngày 5-10-1892), nghĩa quân Hùng Lĩnh chính thức tan rã. Tương truyền, trên đường bị giải về tỉnh lỵ, Tống Duy Tân vẫn khẳng khái ý chí bất khuất, ông tự cắn ngón tay mình, lấy máu viết lên những lời gan ruột trên song củi: “Nguyện kế vua xưa trừ giặc nước/ Ai hay nay lại ở trong lồng”. Và trước khi bị giặc hành hình bên bờ sông Cầu Cốc, Tống Duy Tân đã dốc lòng: “Nhị kim thủy liễu tiền sinh trái/ Tự cổ do truyền bất tử danh” (Đến nay mới trả xong nợ kiếp trước/ Từ xưa còn truyền cái tên không chết).

Vai trò lãnh đạo của Tống Duy Tân và cuộc khởi nghĩa do ông khởi xướng không còn bó hẹp ở Thanh Hóa mà còn lan rộng, ảnh hưởng đến cả Bắc kỳ và Trung kỳ lúc bấy giờ. Bác Hồ trong những năm còn hoạt động tại Pháp, khi nói về Tống Duy Tân đã đánh giá: “Tống Duy Tân là một nhà đại trí thức đấu tranh dũng cảm chống bọn xâm lược Pháp”. (Theo Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1).

Sau khi bị hành hình, thi hài thủ lĩnh Tống Duy Tân được con cháu, học trò và sĩ phu yêu nước cất giấu đưa về làng Phong Mục (gần ngã ba Bông) chôn cất, sau đó chuyển mộ phần về quê nhà. Hiện nay, lăng mộ nhà yêu nước Tống Duy Tân nằm trong khuôn viên Trường THPT Tống Duy Tân (trên địa bàn xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc). Hậu thế thường gọi danh sĩ yêu nước bằng tên gọi thân mật: Cụ Tống.

Cùng với đó, ngôi nhà nơi cụ Tống sinh ra, lớn lên ở Bồng Trung hiện vẫn được lưu giữ, đến nay đã có niên đại gần 200 năm. Dù trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, nâng cấp nhưng nếp nhà xưa với những vì kèo, quá giang, khâu đầu, thượng lương, cột chính, cột hiên, vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt, tại nhà thờ vẫn còn lưu giữ bức ảnh của cụ. Tương truyền, đây là bức ảnh cụ Tống Duy Tân được cụ Hoàng Bật Đạt - một trong số lãnh đạo của khởi nghĩa Ba Đình cất giữ. Sau khi cụ Tống mất, bức ảnh đã được hậu duệ của cụ Hoàng Bật Đạt cất giấu lúc đó mới trao lại cho gia đình cụ Tống ở Bồng Trung. Anh Tống Duy Thái, cháu đời thứ 5 của cụ Tống - người hiện đang trông coi và ở trong căn nhà thờ chia sẻ: “Tôi thực sự tự hào khi được là hậu duệ của cụ Tống. Mong rằng, với những đóng góp của cụ cho lịch sử dân tộc, di tích nhà thờ cụ sẽ được quan tâm đầu tư để trùng tu xứng tầm”.

Ngày nay, nhà thờ và lăng mộ Tống Duy Tân trên địa bàn xã Minh Tân đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tên tuổi nhà yêu nước xứ Thanh còn được đặt tên cho các trường học, đường phố lớn trong và ngoài tỉnh. Đó là niềm tự hào của không chỉ dòng họ Tống ở đất Bồng Trung mà còn cả với mỗi người dân xứ Thanh.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]