(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong những làng cổ hình thành từ khá sớm, làng Lương Trung, phường Trung Sơn nằm ở vị trí trung tâm của thành phố biển Sầm Sơn, có lẽ bởi vậy mà làng còn được biết đến với tên gọi dân dã: làng Giữa.

Về làng Lương Trung thăm đền Đề Lĩnh

Là một trong những làng cổ hình thành từ khá sớm, làng Lương Trung, phường Trung Sơn nằm ở vị trí trung tâm của thành phố biển Sầm Sơn, có lẽ bởi vậy mà làng còn được biết đến với tên gọi dân dã: làng Giữa.

Về làng Lương Trung thăm đền Đề LĩnhTrong sự phát triển của đời sống hiện đại, người dân Lương Trung vẫn coi trọng việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống.

Nằm ở trung tâm khu du lịch biển Sầm Sơn, làng Lương Trung có hơn 1km đường bờ biển. Dưới thời nhà Nguyễn, làng Lương Trung thuộc xã Lương Niệm, về sau đổi thành xã Quảng Tường và năm 1995 chính thức thuộc phường Trung Sơn. Dẫu vậy, theo sử liệu, làng cổ Lương Trung đã có lịch sử hình thành cách ngày nay hơn 5 thế kỷ.

Nói về việc hình thành vùng đất Lương Trung, theo nhà nghiên cứu văn hóa địa phương Hoàng Thăng Ngói: Sầm Sơn vốn là một phần lục địa nhô ra biển nên địa hình kiến tạo biển rộng. Đáy biển bằng phẳng, dốc dần thoai thoải ra đại dương. Đây là loại hình kiến tạo chủ yếu bằng trầm tích Đệ Tứ - cát là chính, cường độ sóng luôn chỉ giữ ở mức trung bình. Và biển cứ thế cần mẫn bồi dần cho lục địa những cồn cát, bãi bồi, từ đó tạo nên địa hình, diện mạo làng Lương Trung… Trên những vùng cát hoang này, con người đã đến đây sinh sống khá sớm, họ bám biển để nhặt nhạnh (hái lượm) con sò, con ngao, con hến và khai hoang. Đất làng Lương Trung được kiến tạo hình “sống trâu” theo chiều Bắc - Nam. Nửa làng phía tây dốc dần về phía cánh đồng, nước mưa chảy tháo xuống sông Đơ; nửa làng phía đông dốc dần ra biển… Từ đặc thù địa hình đã tạo nên nghề nghiệp và sinh kế đời nối đời cho người dân Lương Trung. Theo đó, do làng giáp biển, nên một bộ phận lớn người Lương Trung từ xa xưa đã biết bám biển mưu sinh.

Các cụ cao niên trong làng cho biết, dù con người đến Lương Trung sinh cơ lập nghiệp từ khá sớm, song việc hình thành nên cộng đồng dân cư lớn mạnh chỉ thực sự diễn ra vào cuối thời Lê (Lê Sơ) gắn liền với công lao của tướng quân Đường Công Quang Lộc. Ông cũng chính là vị thần hoàng làng có tên Đề Lĩnh được Nhân dân tôn kính phụng thờ.

Theo đó, vào cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, với kế sách “ngụ binh ư nông”, triều đình nhà Lê đã cắt cử nhiều võ quan đem quân về các vùng đất hiểm yếu để giữ yên bờ cõi, đất đai; lại vừa lao động, sản xuất để “tự cung tự cấp”. Trong những võ quan ấy có Đường Công Quang Lộc đang giữ chức “Tuần Phòng Kinh sư Quan Tứ Thành Đề Lĩnh”. Ông đem theo một đạo quân về vùng biển xứ Thanh (vùng đất Lương Trung ngày nay) xây dựng đồn trại, lập phòng tuyến chống giặc từ biển vào đất liền cướp phá, giết hại dân lành.

Trước đó, những cư dân sống ở Lương Trung vẫn thường lo sợ mỗi khi có giặc vào cướp phá. Tuy nhiên, khi tướng quân Đường Công Quang Lộc đến đây, ông cho trai tráng khai hoang mở đất, san lấp những cồn cát cao để dựng trại, đóng quân. Mặt khác, ông còn khuyến khích binh lính đem người nhà đến đây khai hoang mở đất lập khu gia binh, rồi khu dân cư. Sách Đền Đề Lĩnh di tích lịch sử văn hóa độc đáo viết: “Đây là thời kỳ hình thành khu dân cư chòm xóm mạnh nhất. Dân cư đông đúc, ổn định. Các loại nghề nghiệp để sinh sống ra đời, nghề chài lưới đánh bắt cá biển, nghề làm ruộng, nghề buôn bán… Có lẽ thời kỳ này đã hình thành làng Giữa và cái tên làng Giữa đã ăn sâu vào tâm thức của người dân nơi đây”.

Tương truyền, không chỉ xây dựng quân đội vững mạnh, chòm xóm dân cư đông đức. Tướng quân Đường Công Quang Lộc còn dạy cho người dân võ nghệ, rồi nghề đi biển đánh bắt cá. Dễ hiểu vì sao, suốt bao đời nay, vùng đất Lương Trung còn được biết đến là một trong những cái nôi của nghề võ vật. Khi xưa, vào mỗi dịp đầu năm, trai làng Lương Trung vẫn thường lập đội để đi khắp chốn để tham gia các giải đấu võ vật, tài năng võ thuật được người dân nhiều nơi nể trọng. Có những thời kỳ, võ vật còn trở thành “nghề” của trai làng Lương Trung.

Về làng Lương Trung thăm đền Đề LĩnhDi tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đền Đề Lĩnh là “điểm tựa” tâm linh cho người dân Lương Trung.

Nhắc đến nghề truyền thống ở Lương Trung, không thể không nhắc đến nghề đi biển. Tuy nhiên, khác với nhiều nơi, bao năm qua ngư dân Lương Trung vẫn duy trì thói quen đánh bắt hải sản bằng bè mảng. Những chiếc bè được ngư dân tự tay “kết” từ tre, luồng đơn sơ. Nhà nghiên cứu Hoàng Thăng Ngói cho biết: “Theo các nhà dân tộc học, bè mảng là loại hình đánh bắt cá nguyên thủy có thể xuất hiện cách đây hàng nghìn năm. Cũng vì duy trì việc đánh bắt cá bằng bè mảng và thuyền thúng, nên ngư dân Lương Trung không thể đi xa, thay vào đó chỉ đánh bắt gần bờ theo hình thức sáng đi chiều về hoặc đêm đi và cập bờ vào trưa ngày hôm sau. Và vì thế, hải sản đánh bắt được của ngư dân luôn tươi ngon. Dẫu vậy, đánh bắt hải sản bằng bè mảng đơn sơ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ...”.

Lại nói, nhờ công lao của tướng quân Đường Công Quang Lộc, chẳng mấy chốc làng Giữa đã trở thành vùng đất bình yên, không còn cảnh giặc cỏ cướp phá, dân cư tụ hội đông đúc. Ông không chỉ được người dân tôn kính mà tiếng thơm còn “vang” tận triều đình ngoài Thăng Long. Dẫu vậy, lại có kẻ ghen ghét mà dèm pha với nhà vua khiến ông bị nghi ngờ. Lúc này, nhà Lê sơ sau thời gian phát triển cực thịnh đã bộc lộ nhiều dấu hiệu suy yếu. Với dã tâm xâm chiếm Đại Việt, giặc phương Bắc lại không ngừng quấy phá. Theo sách Đền Đề Lĩnh di tích lịch sử văn hóa độc đáo: “Giặc phương Bắc với lực lượng hùng mạnh bất ngờ ập tới. Chúng tràn vào chém giết dân lành, cướp bóc tài sản, một không khí náo loạn mà quân tướng của Đề Lĩnh không hề nghĩ tới và trở tay không kịp... Hừng đông đã rạng, ngài cùng các con và số quân ít ỏi còn lại quyết chiến mở đường máu, nên đã dốc toàn sức lực cho trận đánh cuối cùng”.

Thương xót sự hy sinh anh dũng của tướng quân Đề Lĩnh và hai người con gái của ông, dân làng Giữa đã đem thi hài ba cha con về an táng ở khu đất phía tây làng. Về sau, cũng tại vị trí này, người dân làng Giữa đã lập đền thờ tướng quân Đề Lĩnh với hình thức “thượng sàng hạ mộ”. Nhắc nhớ về công lao của tướng Đề Lĩnh với đất và người Lương Trung, ông Lê Văn Bài - Trưởng làng cho biết: “Ngài Đề Lĩnh và đội quân của ngài đã có công lớn trong việc khai hoang mở đất, chiêu dân lập làng; rèn luyện cho dân binh trong làng có sức khỏe cường tráng để từ đó giữ đất, giữ biển, xây dựng quê hương. Không chỉ là võ quan chỉ biết việc gươm đao, chính ngài Đề Lĩnh đã giúp dân làng Lương Trung có không gian sống ổn định, an cư lạc nghiệp cho bao phận người vốn chỉ quen nơi đầu sóng ngọn gió…. Tưởng nhớ công ơn của ngài Đề Lĩnh, người dân Lương Trung đã lập đền thờ và tôn ngài làm Thành hoàng làng, các triều vua về sau đã nhiều lần sắc phong cho ngài là Đường Công Quang Lộc Thượng đẳng thần. Dù nhiều thế kỷ trôi qua, cuộc sống cũng như nghề nghiệp của người dân Lương Trung đã có phát triển, đổi thay. Nhưng Thành hoàng làng Đề Lĩnh vẫn luôn là vị thần che chở, phù trợ cho sự no đủ và phát triển của làng và đền Đề Lĩnh luôn có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Lương Trung”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]