(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngoài việc là địa điểm văn hóa tâm linh, nghè Giáp còn được biết đến là nơi đặc biệt coi trọng sự học, đón các Thái học sinh - Tiến sĩ sau khi đỗ đạt về bái yết tổ tiên, gặp gỡ dân làng.

Về thăm nghè Giáp

Ngoài việc là địa điểm văn hóa tâm linh, nghè Giáp còn được biết đến là nơi đặc biệt coi trọng sự học, đón các Thái học sinh - Tiến sĩ sau khi đỗ đạt về bái yết tổ tiên, gặp gỡ dân làng.

Về thăm nghè GiápChính điện nghè Giáp mang dấu ấn kiến trúc thời Hậu Lê.

Chuyện kể di tích

Nhắc đến nghè Giáp, trong dân gian vùng đất Cổ Định từ xưa đến nay vẫn lưu truyền câu ca: “Đường lâu bài văn vật/ Tùy điện khởi tôn ty”. Được giải thích: Từ thời nhà Đường, nghè Giáp là nơi dùng để cất giữ những bằng, sắc. Bắt đầu từ thời Tùy đã có điện thờ này. Và khởi nguyên, nghè Giáp là một trong số các đền thờ Đức thánh Lưỡng - Tam Xung Tá quốc Lê Hựu (còn cách gọi khác là Hữu) - con trai thứ ba của Thái thú quận Cửu Chân Lê Ngọc (Lê Cốc).

Nhà Đường sau khi tiêu diệt được nhà Tùy đã cho quân sang Giao Chỉ tiêu diệt quan lại nhà Tùy ở đây, nhằm thâu tóm đất đai, dễ bề quản lý. Nhưng khi đến Cửu Chân đã vấp phải sự kháng cự quyết liệt của cha con Thái thú Lê Cốc. Ông xưng vua, lấy hiệu là Trường Xuân Hoàng đế, đóng đô ở Đông Ninh (Đông Sơn) ngày nay để tập hợp lực lượng chiến đấu. Với khoảng cách chỉ khoảng 4km theo đường chim bay, nên chạ Kẻ Nứa dưới chân dãy Ngàn Nưa trở thành hậu cứ của cuộc khởi nghĩa.

Do tương quan lực lượng, cha con nhà Lê Cốc không thể chống đỡ, lần lượt tử trận. Tương truyền, chỉ có người con trai thứ ba là Tham Xung Tá Quốc Lê Hựu phá được vòng vây. Ông bị thương rất nặng, đầu gần lìa khỏi cổ, nhưng vẫn một mình phi ngựa vào Kẻ Nứa nhằm tìm viện binh. Khi đến đây, gặp một bà lão bán nước bên đường, ông vào xin nước uống, đồng thời hỏi bà liệu có ai đầu lìa khỏi cổ mà sống tiếp. Bà lão bán nước nói chắc là chỉ có tướng công thôi. Nghe xong, ông ngã vật ra đất, đầu lìa khỏi cổ. Ông được Nhân dân Kẻ Nứa lập đền thờ phụng, tưởng nhớ.

Nghè Giáp còn được phối thờ các vị tiên công - người đứng đầu các dòng họ đã có công về đây khai hoang lập làng. Đến thời nhà Trần suy vong, vì cảm kích công lao và tấm lòng trung của danh tướng Trần Khát Chân (người đã bị Hồ Quý Ly xử trảm cùng với hơn 370 tướng sĩ vì đã tham gia vụ việc ở lễ Minh Thệ núi Đốn lúc bấy giờ) với vương triều Trần, nên dân làng Kẻ Nưa đã phối thờ ông tại Nghè Giáp.

Với Nhân dân Kẻ Nưa từ xa xưa, nghè Giáp đã nổi tiếng linh thiêng. Theo đó, trong dân gian còn lưu truyền câu chuyện: Xưa kia Nghè vốn ngoảnh mặt ra phía sông (hướng đông), phía trước có đặt tấm bia “Hạ mã”, quan lại hay dân thường khi qua đây đều phải xuống ngựa, nếu không sẽ phạm tội bất kính với thần. Vào thời Lê Trung hưng, chúa Trịnh một lần kéo quân vào phía Nam, qua bia “Hạ mã” được quan hầu mời xuống voi, nhưng nhà Chúa không xuống, còn cao giọng: “Ta làm Chúa còn cấp sắc phong thần cho cả nước, lẽ nào trước một vị thần địa phương ta phải xuống voi”, rồi cứ thế cưỡi voi đi qua. Khi trời tối, voi của nhà Chúa bỗng không bệnh mà lăn đùng ra chết. Có người muốn giáng tội cho dân làng Kẻ Nứa nên đã buông lời dèm pha với chúa Trịnh, sau đó nhà chúa nổi giận bắt vạ đền voi: “Phải đan một con voi bằng thật, đổ đầy tiền vào trong, nếu trái lệnh sẽ cho quân tiêu diệt cả làng”. Sợ hãi trước yêu sách của nhà chúa, người dân trong làng khi ấy đã phải gom góp hết của cải, thậm chí bán cả ruộng đất cho làng khác mới đủ để đền vạ voi. Sau đó, vì muốn được yên ổn làm ăn, dân làng đã cầu xin với các vị thần linh được quay nghè ngoảnh về hướng núi Nưa (hướng tây), cứ thế cho đến ngày hôm nay.

Ngoài việc là địa điểm văn hóa tâm linh, nghè Giáp còn được biết đến là nơi đặc biệt coi trọng sự học, đón các Thái học sinh - Tiến sĩ sau khi đỗ đạt về bái yết tổ tiên, gặp gỡ dân làng. Ngay gian chính giữa của nghè có kê một sập gỗ lớn, chỉ các ông Nghè và các cụ cao niên tuổi trên 80 mới được ngồi vào đây.

Nét đẹp kiến trúc

Có lịch sử ra đời từ rất sớm, nhưng trải qua thời gian, nghè Giáp vẫn giữ được kiến trúc thời Lê - Nguyễn. Trong quá khứ, cấu trúc di tích nghè Giáp theo kiểu chữ “U” với chính điện ở giữa, nhà giải vũ (tả, hữu) hai bên. Hiện nay, nhà giải vũ đã được tôn tạo lại.

Chính điện nghè Giáp (tiền đường, trung đường, hậu cung) mang nét kiến trúc riêng với “vóc dáng” cao to hơn các di tích cùng thời. Vào bên trong di tích, dễ dàng cảm nhận được dấu ấn thời gian phủ lên từng thớ gỗ. Những cột gỗ lim người ôm không xuể, xung quanh là ván thưng cũng được sơn đen. Sự hài hòa giữa cột, kèo tạo sự thanh thoát, chắc chắn. Các mảng chạm khắc rồng cuộn, hổ phù tuy không dày đặc song vô cùng tinh xảo, đẹp mắt. Mái Nghè cong mềm mại, bên trên trang trí các linh vật (rồng, nghê...) tạo sự uy nghiêm. Đây là kiểu kiến trúc thường thấy ở các di tích thời Hậu Lê.

Khác với chính điện, nghi môn di tích mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn, cổ kính, rêu phong với cổng chính bề thế và cổng phụ hai bên. Ngoài hình ảnh “hổ phù” thường thấy, thì những phù điêu đắp nổi (ngựa, voi, hổ) trên những bức tường bên ngoài cổng với vóc dáng dũng mãnh, khỏe khoắn vô cùng ấn tượng.

Ông Lê Văn Sơn, công chức văn hóa - xã hội UBND thị trấn Nưa, cho biết: “Nghè Giáp là một trong số 9 di tích đã được xếp hạng trên địa bàn thị trấn. Dù đi qua thời gian với nhiều thăng trầm lịch sử, song tổng thể không gian kiến trúc di tích vẫn được giữ gìn khá nguyên vẹn, còn có một số hiện vật, đồ thờ có niên đại lâu đời. Người dân địa phương tin rằng, nghè Giáp có lịch sử khởi dựng vào khoảng thế kỷ thứ VII. Vào năm 1992, nghè Giáp đã được xếp hạng di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh”.

Trông coi di tích nhiều năm qua, ông Lê Trọng Hùng, thủ từ nghè Giáp, chia sẻ: Nghè Giáp là điểm tựa tâm linh quan trọng trong đời sống cộng đồng dân cư. Không chỉ làng xã, mỗi gia đình khi có việc quan trọng, người dân đều đến đây dâng hương cầu mong được thần linh phù trợ, giúp đỡ. Chính bởi niềm tin bền vững đó mà nghè Giáp đã được Nhân dân bảo vệ, giữ gìn trước những biến cố của lịch sử, thời đại”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]