(vhds.baothanhhoa.vn) - Xuân này về Mường Xia lắng lòng nghe chuyện tình Pha Dùa, thăm đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, động Bo Cúng… cảm nhận thêm giá trị của vùng đất lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, để rồi không thể nào quên.

Xuân này về Mường Xia

Xuân này về Mường Xia lắng lòng nghe chuyện tình Pha Dùa, thăm đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào, động Bo Cúng… cảm nhận thêm giá trị của vùng đất lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, để rồi không thể nào quên.

Xuân này về Mường Xia

Đền thờ Tư Mã Hai Đào - người có công lập ấp, trấn giữ nơi vùng biên, giúp người dân ngày càng ấm no, đông vui.

Tôi lại Mường Xia, cửa ngõ vào xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, núi Pha Dùa án ngữ tiếp giáp với Mường Mìn, sừng sững, mây mù bao phủ. Những dải mây bồng bềnh trên đỉnh núi, phía dưới dòng sông Luồng uốn lượn, hiền hòa.

Gặp lại anh Lữ Văn Hà - người con quê hương Sơn Thủy, một người am hiểu và yêu mến vùng đất mình sinh ra đã kể với tôi với tất cả sự say sưa, tự hào về mảnh đất gắn với núi non hùng vĩ, sông suối bao quanh và những câu chuyện truyền thuyết lưu truyền về nàng Lá Nọi, chàng Lá Li gắn với dãy núi Pha Dùa, về lễ hội Mường Xia gắn với người anh hùng Tư Mã Hai Đào - người có công lập ấp, trấn giữ nơi vùng biên, giúp người dân ngày càng ấm no, đông vui.

Xuân này về Mường Xia

Mường Xia - Mường Chu Sàn bao gồm 2 xã Sơn Thủy và Na Mèo ngày nay - là một trong những Mường lớn của dân tộc Thái nằm ở khu vực biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa

Mường Xia - Mường Chu Sàn bao gồm 2 xã Sơn Thủy và Na Mèo ngày nay - là một trong những Mường lớn của dân tộc Thái nằm ở khu vực biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Mường Xia còn có 2 mường kết chạ là Mường Bén và Mường Xôi (nước bạn Lào).

Tương truyền vùng đất Sơn Thủy (huyện Quan Sơn) ngày nay chính là nơi giao thoa giữa dòng suối Xia bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy men theo các chân núi đá thơ mộng, len lỏi qua đồi, qua núi chảy về hòa nhập vào con sông Luồng tạo nên vùng ngã ba sông suối - là nơi sầm uất nhất, trung tâm của đất Mường Chu Sàn. Được thiên nhiên ưu đãi cho vùng danh thắng kỳ vĩ, đất đai trù phú, con người nhân hậu, hiền hòa nên mọi dòng họ, gia đình đều sống bên nhau đoàn kết. Họ cùng nhau xây dựng Mường, bản ngày càng giàu có, tươi đẹp.

Vùng đất sơn thủy hữu tình gắn với truyền thuyết chuyện tình bi ai làm sao xuyến lòng người của nàng Lá Nọi, chàng Lá Li. Đôi trai tài, gái sắc yêu thương nhau như đôi chim Nộc Thu trong rừng. Họ thường hẹn hò nhau phía chân núi Pha Dùa, dưới ánh trăng ngà, trên bờ suối vắng. Thời gian thấm thoắt thoi đua, đôi trai tài gái sắc đã thương nhau qua mấy mùa nếp nương. Tình yêu đã trở nên mặn mà, say sắm. Lời thề trời cao nghe cũng siêu lòng vì họ. Song, Tạo Mường Mìn kiên quyết không gả con gái út Lá Nọi cho chàng trai Mường Xia nghèo khó. Ông tìm mọi cách chia lìa đôi trẻ. Vào đúng ngày ông Tạo Mường Mìn gả ép, họ đã viết giấy dấu vào vạt áo rồi cùng nhau cắn ngón cái làm đôi, cắt lìa ngón út uống máu ăn thề với ước nguyện: “Cùng chết bên nhau, cho hồn lìa khỏi xác, để chúng mình được ở bên nhau. Cùng chết bên nhau để được biến vào núi Pha Dùa, sống bên làn mây trắng, bước lên đỉnh núi cao làm thần hai Mường”. Cũng đúng vào ngày đôi trai tài, gái sắc lìa xa cõi trần gian, dân hai Mường bỗng thấy mây trắng vờn mây hồng bay cuồn cuộn, nâng cao lên ngang đỉnh Pha Dùa xen lẫn lời ca mượt mà. Nghe tiếng ca hát yêu đời tha thiết, hòa quyện nhau trên đỉnh mây mờ, tiếng khặp từ văng vẳng xa xăm đến vi vu qua lại hang Dùa.

Cho đến ngày nay, câu chuyện tình yêu đó vẫn được người dân Mường Xia kể cho nhau nghe bên bếp lửa trong mỗi nếp nhà sàn và nhắc nhở mỗi người luôn biết yêu thương, chân thành, sống hết mình với những người thân yêu.

Xuân này về Mường Xia

Nhũ đá với tạo hình độc đáo của động Bo Cúng, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn

Về Mường Xia hôm nay, miền đất sơn thủy hữu tình với những ngọn núi, khe suối và con sông Luồng uốn lượn mềm mại dưới chân dãy núi đá vôi kỳ vĩ mà bên trong những núi đá vôi kia là hệ thống hang động còn nguyên vẻ đẹp kỳ lạ và hoang sơ như: Hang Thắm Pha Bo, Thắm Khàn, Hang Nà, Thắm Tạo Xài, Thắm Coóng Coong của Na Mèo, hang Bo Cúng, hang Co Láy, hang Poong, hang Luôn Lang, hang Khua của Sơn Thủy…đặc biệt là núi lá hoa đẹp đến lạ kỳ và những đỉnh núi với các tên Pha Hen, Pha Bo, Pha Dùa.

Về Mường Xia, ghé thăm Đền thờ Tư Mã Hai Đào thắp nén hương thơm tưởng nhớ người có công gìn giữ biên cương, góp sức mình cho Mường Xia no ấm đến ngày nay. Lễ hội Mường Xia diễn ra vào đầu tháng âm lịch mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, cũng là dịp nhân dân nơi đây tưởng nhớ, tri ân Tư Mã Hai Đào. Cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu thắt chặt thêm tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc gắn với nhiều trò chơi, trò diễn như tung còn, khua luống, thi đấu bóng chuyền…; thưởng thức văn hóa ẩm thực cộng đồng các dân tộc nơi đây như canh uôi, cá nướng, măng rừng, cơm lam, cá chua, rượu cần, mật ong rừng.

Xuân này về Mường Xia

Lễ hội Mường Xia diễn ra vào tháng 2 âm lịch hàng năm, thu hút đông đảo người dân đến tham dự.(Ảnh Tư liệu)

Từ những tiềm năng mảnh đất nơi đây là thế mạnh để huyện Quan Sơn phát triển du lịch cộng đồng, trong đó kết nối các bản du lịch cộng đồng như bản Ngàm, bản Xuân Sơn - Sơn Điện; bản Bơn - Mường Mìn; bản Chanh - Sơn Thủy; xây dựng Tour du lịch Quan Sơn - Viêng Xay, với các điểm gồm: Bản Ngàm Sơn Điện, động Bo Cúng gắn với Lễ hội Mường Xia (Sơn Thủy) và khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]