(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi còn nhớ, tháng 7-2016, tại Trại sáng tác văn học ở Thanh Hóa, Đinh Phương tham dự, là thành viên nhóm các nhà văn đi thực tế về Thọ Xuân. Sau trại viết 15 ngày ấy, Đinh Phương cùng 30 nhà văn đã có những tác phẩm hay về vùng đất xứ Thanh. “Mơ Lam Kinh” ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Đinh Phương với Mơ Lam Kinh

Tôi còn nhớ, tháng 7-2016, tại Trại sáng tác văn học ở Thanh Hóa, Đinh Phương tham dự, là thành viên nhóm các nhà văn đi thực tế về Thọ Xuân. Sau trại viết 15 ngày ấy, Đinh Phương cùng 30 nhà văn đã có những tác phẩm hay về vùng đất xứ Thanh. “Mơ Lam Kinh” ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Đinh Phương với Mơ Lam Kinh“Mơ Lam Kinh” là cuốn sách thứ 5 của nhà văn Đinh Phương.

“Mơ Lam Kinh” được dán nhãn truyện viết về lịch sử. Rượu cũ bình mới, những câu chuyện lịch sử được kể, tường thuật lại, đương nhiên là an toàn cho các tác giả. Nhưng với Đinh Phương, các nhân vật lịch sử hiện lên loáng thoáng và bị nhấn chìm dưới lớp sương mù dày đặc, với cái nhìn mơ hồ của những người trẻ và mong muốn “giải thiêng” lịch sử.

Điều người đọc thấy rõ nhất trong tập truyện này chính là ranh giới giữa tỉnh và mơ của con người. Từ một chàng trai sống giữa thành thị nhưng lại mơ về miền quê với những giấc êm, rồi lại giật mình khi cuộc sống hiện thực khắc nghiệt ập đến. Hai không gian khác biệt, nhưng chàng trai vẫn mang cái nhập nhằng rất con người, giữa trưởng thành và ấu thơ, giữa quê hương thân thuộc và đô thị tươi mới xa lạ. Đặc biệt, anh luôn tạo không gian mờ ảo, phủ một lớp sương mù: “Chiều đến. Tôi vẫn giữ thói quen từ nhiều năm vun lá lại đốt. Lửa ngún vào lá. Cái lạnh hãm bớt lửa bốc lên. Khói bay tựa sương. Những mái điện cong vút đổ ập trong mắt” (Chiều ký ức phủ gai) hay “Chúng mình về Lam Kinh. Nhưng Lê Lợi chết rồi. Chết từ khi chúng mình còn chưa ra đời. Ở ức kiếp nào trước đó ngày Lê Lợi chết chúng mình có khóc. Trời có xanh hao? Nắng có tím gào? Mình sợ nắng tím như sợ ngày chúng mình quyết định về Lam Kinh” (Mơ Lam Kinh). Những câu văn đầy chất thơ khiến không gian vốn đã buồn càng lạnh hơn, con người vốn đã cô đơn càng đơn độc. Các nhân vật được Đinh Phương khai thác tận sâu ở ngóc ngách tâm hồn. Đó có thể là chàng trai mộng mị dưới cái nóng của tầng áp mái trước cơn áp thấp, cũng có thể là người cha lạc vào cõi mê sau khi đã cố trụ lại sau cái chết của người mẹ. Hay là những đứa con trở nên hoảng hốt, bối rối sau khi đã bị lối sống phố thị lôi kéo cuốn xoáy thành lạnh nhạt, vô cảm với gia đình nơi chốn quê...

Cũng chính vì tâm trạng nhập nhằng tỉnh mơ ấy mà các nhân vật của Đinh Phương thường thích hoài niệm, đời sống tâm hồn nương nhờ quá khứ. Đọc Mơ Lam Kinh ta dễ bị cảm động, đau đớn, xót xa, quằn quại trong dòng thực tại khi mơ về những điều đã cũ; dễ bị hoài niệm, dễ nhớ đến bảng lảng một mùi rất quen ở đâu đó chợt ngang qua.

Các nhân vật của Đinh Phương chủ yếu là người trẻ, họ có phần hoang mang lạc lối với cuộc sống trước mặt, hoang hoải với những ẩn ức trong quá khứ. Tuy vậy, các nhân vật của anh dù ở hiện tại hay quá khứ, họ đều muốn có những biến cố để làm trật nhịp cái cuộc sống đơn điệu đang tồn tại. Họ muốn khác mọi người, khác cái thân thuộc, tránh xa cái vòng luẩn quẩn. Đó là nhân vật nam trong truyện ngắn “Mơ Lam Kinh” có tuổi trẻ u ám với những giấc mộng tàn phai, đi tìm mình trong những lát đời của người khác. “Bài hát ngày hôm qua, lũ chúng mình đã hát. Bài hát của tuổi trẻ khác áp lên tuổi trẻ chúng mình. Tuổi trẻ đi qua chiến tranh, hoang mang, sợ hãi nhưng cũng xích lại gần nhau hơn. Tuổi trẻ của chúng mình là cách xa. Ngồi gần, tưởng gần mà bên trong đã ngấm ngầm gieo buồn bã”. Hay trong “Thần Rớt ở phố Long Tiên” kể về đứa trẻ 15 tuổi ẩm ương, đã quyết định không lớn nữa và hóa thần. Vì khước từ sự lớn nên cậu bé cũng khước từ: kiến thức, ngôn ngữ, đi lại, giao tiếp. Cho đến một ngày thần vướng vào lưới tình với một cô cắt tóc gội đầu và quyết định trở lại làm người bình thường. Bởi đơn giản là cuộc sống dẫu nham nhở vẫn có độ hấp dẫn của nó. Rồi trong “Tự hóa”, vì muốn nối lại tình cảm với người bố ruột ở quê (và với cả mảnh đất nơi cậu sinh ra) nhưng bị cuốn theo những lo lắng hàng ngày của cuộc sống gia đình mà không biết cách nào để khác, để thay đổi. “Giấc mơ trên tầng áp mái” quanh quẩn với những lời hứa chẳng được thực hiện và những con người ấy trú ẩn trên tầng áp mái “cứ thế lơ lửng bay” để trốn tránh hiện tại. Hay nhân vật chính trong “Mê cung” bị quá khứ khóa chặt, quẩn quanh trong ký ức, chật vật tìm đường thoát khỏi ra.

Tuy vậy, họ không hoàn toàn lơ lửng bay, có lúc họ muốn vượt thoát ra khỏi nỗi chán chường. Nếu trong “Tự hóa”, hình ảnh “xóm có hơn mười nhà giờ chỉ còn non nửa là nhà cũ từ xưa còn lại là người nơi khác” đại diện cho hàng trăm hàng ngàn xóm nhỏ ở nông thôn, nơi những người trẻ ra đi và cứ thế bén duyên với thành phố. Đối lập là lớp người già ở lại, quay quắt, héo mòn đợi ngày về với đất. Rõ ràng có sự xung đột trong khoảng cách thế hệ. Một người đại diện của thế hệ trẻ, thích khung cảnh náo nhiệt nơi phố thị, mà một người tự bằng lòng với cuộc sống quê nhà. Có những đứt gãy, những khoảng cách nhưng hơn hết là muốn được vượt thoát để được sống là chính mình. “Mơ Lam Kinh là cuộc kiếm tìm triền miên sự vượt thoát. Hiện tại hay lịch sử, mơ hay thực, người hay ma, các nhân vật của Đinh Phương đều bị phân mảnh trong ý thức. Hệt những cái bóng khuyết, rơi ở thời đại, địa vị, hoàn cảnh nào, họ đều lạc giữa mất mát”, đó là nhận định của nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa. Nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Chú Chều” và “Thần Rớt ở phố Long Tiên” cho ta cảm giác được sự khát khao khẳng định bản thân, để được như những “người bình thường”, không phải là kẻ khuyết nhược tâm hồn. Nhưng số phận kéo tuột họ vào trong một thế giới khác, mà đôi lúc, họ buông xuôi và chấp nhận không thuộc về thế giới nơi họ đang tồn tại, họ lạc lối giữa những ngổn ngang và bối rối không biết nơi mình thật sự thuộc về. Để rồi cái kết cho những số phận ấy là xóa trắng sự tồn tại của chính mình.

Con đường cuộc sống luôn có nhiều ngã rẽ để con người phải lựa chọn. Toan phải chọn hoàn thành một trong hai bổn phận, là người con hiếu thảo hoặc người cha tốt, chọn gia đình mình từng thuộc về hoặc gia đình anh vừa xây dựng. Giang cũng không tròn vai giữa tình yêu và tình mẫu tử. “Tôi” trong “Hoa trải trắng sông” phải chọn giữa tình yêu và lý tưởng... Hay bi kịch nghiệt ngã của Trương Ba là phải loạn luân về mặt thể xác hoặc tâm hồn ở “Ván cờ cuối cùng” - ván cờ sinh tử.

Cuộc hành trình chinh phục và khám phá nội tâm con người, với Đinh Phương là đi tìm những câu trả lời mới cho câu hỏi quá cũ. Đọc “Mơ Lam Kinh” chúng ta dễ bị cuốn sâu vào những hoang mang của kiếp người, những dùng dằng của người trẻ. Tuy vậy, điều dễ chịu nhất với người đọc chính lại là “Băng qua dải ngôn từ đẹp hư ảo, qua màn sương thấp thoáng đâu đó đốm lửa buồn hiu của phận người, biết đâu mỗi chúng ta cũng sẽ tìm được mảng bóng mình bị khuyết..” (Nguyễn Thị Kim Hòa).

Có lẽ chính những câu chuyện tưởng niệm ký ức, những đoản khúc lơ lửng ấy mà tôi vẫn nghĩ “Mơ Lam Kinh” là tác phẩm thế sự đời tư hơn truyện viết về lịch sử. Đó là những câu chuyện không có cốt truyện, những nhân vật đan xen, đối thoại và nương vào nhau để suy nghĩ, để sống. Nhiều truyện đề cập đến những nhân vật, câu chuyện lịch sử, nhưng đã được soi chiếu bằng cái nhìn hậu thế. Từ đó, người đọc nhận ra ẩn sâu trong những điều ngỡ cũ xưa là những chuyện đầy tính “thời sự” với con người của ngày hôm nay.

Đinh Phương tên thật là Nguyễn Trọng Hưng (SN 1989) tại Quảng Ninh. Anh là cây bút trẻ đã tạo dựng được dấu ấn nhất định ở mảng văn xuôi. Anh đã xuất bản 3 tập truyện ngắn: "Những đứa con của Chúa Trời", "Đợi đến lượt", "Mơ Lam Kinh" và 2 tiểu thuyết: "Nhụy khúc", "Chuyến tàu nhật thực".

Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]