(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ lâu, đã có nhiều bài thơ nói về liệt sĩ, không ít bài hay. Cũng không ít sáng tác viết về mộ gió, có một số bài nổi trội. Tuy nhiên, viết thì cứ viết, nhưng ở những năm tháng gần đây, tác phẩm có mới được nữa hay không, có thuyết phục được nhiều độc giả ở mọi trình độ hay không, thì lại phải bàn xem.

Em đắp mộ gió cho anh

Từ lâu, đã có nhiều bài thơ nói về liệt sĩ, không ít bài hay. Cũng không ít sáng tác viết về mộ gió, có một số bài nổi trội. Tuy nhiên, viết thì cứ viết, nhưng ở những năm tháng gần đây, tác phẩm có mới được nữa hay không, có thuyết phục được nhiều độc giả ở mọi trình độ hay không, thì lại phải bàn xem.

Bài Em đắp mộ gió cho anh của tác giả Hải Minh vượt qua được phần nào băn khoăn nêu ở trên. Bài thơ có tứ, tứ được triển khai thông qua cảm xúc thẩm mỹ về cái mới, cái lạ mà tác giả phát hiện được. Cấu trúc chồng ghép xen kẽ giữa hiện tại với quá khứ, giữa số phận với số phận, dẫn tới kết thúc bài thơ vừa khép vừa mở.

Em đắp mộ gió cho anh/ Cạnh thầy. Mộ gió cỏ xanh bời bời. Mở đầu chỉ hai dòng thơ làm thành một khổ, lướt qua thấy bình thường. Đọc lại đôi ba lần, không bình thường nữa! Mộ gió, sự thật là mộ không, không hài cốt. Đắp mộ gió là chôn cất hài cốt ảo. Mà ngôi mộ người con ấy lại đặt cạnh ngôi mộ người cha, cũng là liệt sĩ, vẫn là mộ gió.

Đây là hình ảnh người cha chiến đấu và hy sinh khi làm nhiệm vụ trên chuyến tàu biển không số đi từ bắc vào nam: Quằn đêm, bám đảo, vượt vời/ Con tàu dõi bám sao trời lao đi/ Thầy thành một vì sao khuya/ Treo ngang lãnh hải thiên di giữa trời. Và hình ảnh người con, từ thuở bé thơ đến trai trẻ rồi nhập ngũ giữ gìn biên giới, hải đảo, kết cục cũng hy sinh: Trập trùng biển. Thăm thẳm rừng/ Bốn mươi năm đất nước ngừng chiến tranh/ Mẹ đà một nấm cỏ xanh/ Bên thầy và đợi bóng anh trở về...

Bài thơ có bốn nhân vật. Hai bố con thuộc hai thế hệ trong một gia đình bốn người lần lượt ra trận và hy sinh. Người xưng em là người kể chuyện. Theo lẽ thường, độc giả đứng ở vị trí người em này để quan sát sự việc. Em là con của người thầy (liệt sĩ), cũng là con của người mẹ (vợ liệt sĩ). Bài thơ không cho biết rõ người kể chuyện là em ruột hay là vợ liệt sĩ (đời sau). Tuy nhiên, theo suy cảm tâm lý của người đọc có cơ sở từ hoàn cảnh xã hội nhất định, thì em đây hẳn là con dâu của gia đình có hai liệt sĩ bố và con. Nói về hậu phương trong và sau chiến tranh, bài thơ không đẩy trọng tâm về phía nhân vật xưng em này mà hướng độc giả đến ba người còn lại.

Ba ngôi mộ liền kề, chỉ riêng một ngôi là có xương cốt. Và trớ trêu thay, bà là người quy tiên sau cùng nhưng người con trai mất trước lại về sau. Chòng chành mẹ vịn con côi/ Rạc rài mép sóng lần hồi nuôi con/ Trăng tàn, nắng rạn đầu non (...) Mẹ đà một nấm cỏ xanh/ Bên thầy và đợi bóng anh trở về.

Bài thơ tích hợp nhiều ý nghĩa, ý nghĩa không dừng lại, nó nâng bài thơ lên thành một phẩm chất, một giá trị.

Khổ cuối bài thơ vừa khép vừa mở. Khép về số phận cá nhân. Mở về số phận cộng đồng, dân tộc, Tổ quốc.

Em đắp mộ gió cho anh là một bài thơ hay, xứng đáng với giải Nhất của Cuộc thi thơ về biên giới và biển đảo do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Tạp chí Xứ Thanh tổ chức năm 2017.

Em đắp mộ gió cho anh

Cạnh thầy. Mộ gió cỏ xanh bời bời

Quằn đêm, bám đảo, vượt vời

Con tàu dõi bám sao trời lao đi

Thầy thành một vì sao khuya

Treo ngang lãnh hải thiên di giữa trời.

Chòng chành, mẹ vịn con côi

Rạc rài mép sóng lần hồi nuôi con

Trăng tàn, nắng rạng, đầu non

Anh ra trận, vai em còn rưng rưng.

Trập trùng biển. Thăm thẳm rừng

Bốn mươi năm đất nước ngừng chiến tranh

Mẹ đà một nấm cỏ xanh

Bên thầy và đợi bóng anh trở về...

Những hùng binh đã khát quê

Gió rần rật thổi nhập về mộ thiêng

Bao mộ gió. Âm vọng riêng

Của làng biển. Giai điệu miền cát bay.

Đầu quân biển đảo. Chiều nay

Hùng binh dậy sóng. Mưa quay rợp trời

Em đắp mộ gió. Anh ơi!

Hồn thiêng dâng sóng trắng trời quanh ta!

Hải Minh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]