(vhds.baothanhhoa.vn) - Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 289-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Tỉnh ủy đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2,5%/năm trở lên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Hành trình" giảm nghèo còn lắm gian truân (Kỳ 2): Chỉ tiêu một đằng, kế hoạch một nẻo

Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 289-QĐ/TU ngày 27/5/2016 của Tỉnh ủy đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2,5%/năm trở lên.

Cuộc chạy đua ở chặng cuối

Để thực hiện chương trình giảm nghèo, các huyện, thị, thành phố đã giao chỉ tiêu cho các xã. Từ đó, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực hơn trong công tác giảm nghèo. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều địa phương thẳng thắn cho rằng: Công cuộc giảm nghèo có thể được ví như một cuộc chạy đua. Những năm đầu của giai đoạn đầu thì hầu hết các địa phương đều có thể hoàn thành và vượt kế hoạch. Tuy nhiên càng về cuối chặng đường thì những hộ nghèo còn lại đều nằm trong các đối tượng yếu thế, như: hộ có nhiều người khuyết tật, già cả, neo đơn, ốm đau dài ngày, không có khả năng lao động... nên việc hoàn thành chỉ tiêu là rất khó khả thi.

Thanh Tân là xã còn nhiều hộ nghèo nhất trên địa bàn huyện Như Thanh với tổng số hộ nghèo là 255 hộ, chiếm tỷ lệ 14,82%. Từ nhiều năm nay, công tác giảm nghèo ở đây luôn là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương phải trăn trở; nhiều giải pháp đã được thực hiện, nhưng hầu hết đều chưa thực sự mang lại hiệu quả. Ông Trần Thanh Kiên - Chủ tịch UBND xã, cho biết: Năm 2020, huyện giao cho xã giảm 187 hộ, tương đương tỷ lệ 11%. Ngay từ đầu năm xã đã rà soát, triển khai kế hoạch đến các khối đoàn thể, giao chỉ tiêu cho từng thôn. Mặc dù xã cũng tìm các giải pháp như hỗ trợ cho các hộ nghèo vay vốn, sản xuất, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... song, hầu hết hộ nghèo còn lại đều là hộ bảo trợ, già neo đơn có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, nên mục tiêu thoát nghèo rất khó đạt được.

Đó không chỉ là câu chuyện của riêng xã Thanh Tân, mà cũng là của cả huyện Như Thanh. Theo chia sẻ của ông Trương Thanh Tĩnh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, thì: Toàn huyện còn 1.481 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,3% (2019). Theo đó, năm 2020, tỉnh giao cho huyện giảm 1.070 hộ nghèo, còn lại 411 hộ tương đương với tỷ lệ 2,5%. Căn cứ theo kế hoạch, ngay từ đầu năm huyện đã phân công nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo giảm nghèo, các địa phương, hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bằng nhiều mô hình hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm. Nhưng năm nay, theo rà soát ban đầu thì số hộ nghèo huyện có thể giảm được chỉ khoảng 87 hộ. Lý do là trong số những hộ nghèo còn lại mất 230 hộ thuộc diện nghèo “bền vững”, nghèo bảo trợ, rất khó có khả năng thoát nghèo.

Tại Quan Hóa, ông Nguyễn Văn Do - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện, cho rằng: Ngoài khó khăn do điều kiện tự nhiên thì bài toán giảm nghèo đa chiều của huyện hiện đang là thách thức, bởi nhiều hộ nghèo không có đất, không tư liệu sản xuất, gia đình neo đơn, già yếu, không có sức lao động... Theo số liệu rà soát đầu năm 2020, toàn huyện còn 1.024 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 9,22%. Năm nay, tỉnh giao huyện giảm 715 hộ tương đương tỷ lệ 6,44%. Hiện đã về gần cuối giai đoạn nhưng việc giảm tỷ lệ hộ nghèo theo kế hoạch của huyện triển khai xuống các xã vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại.

Câu hỏi luôn được chúng tôi nhiều lần đặt ra, khi trao đổi với lãnh đạo ở một số địa phương đó là “làm thế nào để giảm nghèo một cách bền vững”. Theo ý kiến của bà Lê Hải Hưng - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lang Chánh thì: Để giảm nghèo bền vững, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay của cả cộng đồng, thì sự nỗ lực vươn lên của chính những người nghèo là hết sức quan trọng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh Thanh Hóa, hạn chế nhất trong công tác giảm nghèo hiện nay là kế hoạch thực hiện của cấp huyện, xã còn chung chung, chưa sát với thực tế và chưa có giải pháp đối với từng đối tượng cụ thể nên chưa xác định được nội dung trọng tâm trong quá trình thực hiện. Đơn cử, để phát huy nguồn lực đầu tư, hỗ trợ, giảm nghèo bền vững thì trước hết các địa phương phải xác định được hộ nghèo vì nguyên nhân gì, như: nghèo thu nhập, nghèo thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản... từ đó mới thiết kế được những giải pháp phù hợp.

Nhưng nhìn nhận thực tế, việc đánh giá, xác định nguyên nhân nghèo trong phiếu điều tra, rà soát của địa phương còn thiếu chuẩn xác, nên chưa phản ánh đúng nguyên nhân, thực trạng nghèo của các hộ, dẫn đến việc xây dựng và áp dụng các giải pháp tác động hỗ trợ giảm nghèo chưa phù hợp, hiệu quả mang lại không cao. Thêm vào đó, các địa phương chưa chú trọng đến hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ sinh kế để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Ngoài ra, theo phản ánh của các địa phương, việc ban hành văn bản hướng dẫn về thực hiện các chương trình, dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện công tác giảm nghèo tại cấp cơ sở; nguồn vốn đầu tư cho huyện nghèo, xã nghèo đặc biệt khó khăn còn hạn chế, trong khi nguồn lực đầu tư từ ngân sách tỉnh, huyện còn ít...

Có xóa được tâm lý thích nghèo?

Tìm hiểu thực tế ở một số huyện nghèo trong tỉnh, chúng tôi nhận thấy, đối với những hộ nghèo có tâm lý trông chờ ỷ lại, lười lao động thì việc vận động họ thoát nghèo đang hiện là vấn đề cực kỳ khó. Khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đang tập trung trên 95% hộ nghèo, cận nghèo, với hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm tới 46,47% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và chiếm phần đa là nghèo thu nhập. Những năm qua, cũng có không ít các hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn hỗ trợ sản xuất thoát nghèo nhưng họ không muốn vay, thậm chí nhiều hộ không nhận hỗ trợ gia súc, vì họ sợ nhận rồi sẽ thoát nghèo, sẽ không được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi dành cho người nghèo như: miễn tiền điện, nhận hỗ trợ 15 kg gạo/ người/tháng, miễn phí đóng bảo hiểm y tế, miễn học phí cho con em... Đơn cử, như trường hợp hộ ông Hà Văn Vinh ở xã Nam Tiến (huyện Quan Hóa). Đây là gia đình đã nghèo 3 đời, từ đời ông đến đời cha và giờ truyền sang đời con (ông Vinh có 2 người con đã lập gia đình cũng thuộc diện hộ nghèo). Thế nhưng ông phó mặc, có thì ăn không có thì thôi, thậm chí nhà sập cũng kệ nốt. Nhiều lần địa phương đã đến tận nơi vận động, thuyết phục, kêu gọi hỗ trợ và cho vay vốn để sửa nhà, nhưng ông nhất quyết không nhận vì sợ không có tiền trả.

Công cuộc thoát nghèo như trường hợp của gia đình chị Phạm Thị Tĩnh, thôn 5, thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), đang là vấn đề nan giải của lãnh đạo địa phương.

Câu chuyện “nghèo không còn gì để nghèo” của gia đình chị Phạm Thị Tĩnh, thôn 5, thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), thì lại khác. Gian nhà đất tuềnh toàng, tài sản tính được chỉ là bộ bàn ghế cũ kỹ. Gia đình chị hiện có 4 người, gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ nhưng tất cả đều trông chờ vào sức lao động của chị. Chồng chị ốm đau thường xuyên, tâm lý lại không bình thường, trong khi 2 người con của chị thì một cháu lại bị bệnh Down bẩm sinh, 1 cháu đang độ tuổi ăn học. Nhiều năm nay gia đình chị vẫn không thể thoát nghèo, mặc cho chính quyền địa phương đã cố gắng tạo mọi điều kiện trong khả năng nhiều nhất để hỗ trợ.

Nói về trường hợp nghèo như gia đình chị Tĩnh, ông Bùi Trọng Toàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sao Vàng (Thọ Xuân), cho biết: Những trường hợp nghèo như hộ chị Tĩnh cực kỳ khó thoát nghèo cho dù xã có hỗ trợ bao nhiêu đi chăng nữa, sức lao động không có, không biết cách làm ăn... nên xã chấp nhận đó là hộ nghèo “lâu dài”. Hiện thị trấn còn 50 hộ nghèo, nhìn chung hầu hết là những hộ bảo trợ xã hội, cao tuổi không còn khả năng lao động. Theo kế hoạch năm nay địa phương phải giảm 38 hộ, nhưng thật sự rất khó có thể hoàn thành, chỉ có khả năng giảm được 24/50 hộ nghèo.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016 - 2019, Thanh Hóa đã giảm được 96.663 hộ nghèo (từ 128.893 hộ xuống còn 32.230 hộ); tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 10,24% (từ 13,51% xuống 3,27%)... Đây là kết quả tích cực khẳng định công tác giảm nghèo trên địa bàn đã đi vào chiều sâu. Song, hiện nay một số xã vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50% như Nhi Sơn, Mường Lý, Trung Lý (Mường Lát); trên 95%, hộ nghèo, cận nghèo tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội khó có khả năng thoát nghèo hiện vẫn chiếm tới 27,43% tổng số hộ nghèo. Đây thực sự là một vấn đề nan giải đã và đang đặt ra cho mục tiêu giảm nghèo.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Minh Hành - Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa, cho biết: Hiện Sở đang đẩy mạnh việc phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng tiêu chí, trên cơ sở đó triển khai các nhóm giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Cùng với đó tổ chức các hoạt động giới thiệu việc làm cho người lao động; đào tạo nghề; tạo điều kiện để hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, huy động các nguồn lực xã hội hóa đối với công tác giảm nghèo...

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]