(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho các văn nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng. Bằng nhiều cách tiếp cận, mỗi họa sĩ lại có cách vẽ, thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Song, tựu chung, tất cả đều có tình yêu và lòng ngưỡng mộ chân thành đối với Bác.

Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng sáng tác bất tận

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho các văn nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng. Bằng nhiều cách tiếp cận, mỗi họa sĩ lại có cách vẽ, thủ pháp nghệ thuật khác nhau. Song, tựu chung, tất cả đều có tình yêu và lòng ngưỡng mộ chân thành đối với Bác.

Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng sáng tác bất tậnHọa sĩ Lê Thị Thanh với bức tranh khắc gỗ “Bác Hồ kính yêu”.

Họa sĩ Đỗ Chung “khoe” ông có 7 bức tranh đề tài về Bác Hồ. Tôi dùng từ “khoe” vì hầu hết từ trước tới nay, nhiều người yêu thích tranh của họa sĩ Đỗ Chung thường vẫn nghĩ tạng ông hợp với tranh trừu tượng mang màu sắc tươi sáng tạo ấn tượng mạnh về thị giác.

Họa sĩ Đỗ Chung, chia sẻ: “Từ năm 2010, sau khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, tôi có nhiều thời gian hơn để vẽ những gì mình yêu thích. Tôi quan niệm cuộc đời con người là những chuyến đi, riêng Bác Hồ đó là những chuyến bôn ba, ra đi và trở về đất nước làm cuộc cách mạng mà trên thế giới này chưa có quốc gia nào làm được”. Với tình cảm đặc biệt đó, ông dành nhiều tâm huyết để đọc sách, tìm hiểu những chuyến đi của Bác từ Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc... Điều đặc biệt ở họa sĩ Đỗ Chung là ông có thể thuộc, nhớ từng đường nét, sự thay đổi trên gương mặt Bác Hồ ở mỗi thời kỳ khác nhau. Vì thế, ông không chấp nhận việc nhìn vào ảnh để vẽ, đó là điều tối kỵ. Ông cho rằng: “Bác Hồ là sự kết tinh của những điều hoàn hảo mà tạo hóa có được, là con người có sức thuyết phục với nhân loại và có sự hấp dẫn đặc biệt với tôi”.

Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng sáng tác bất tận“Bác Hồ đi chiến dịch”, tranh sơn dầu của họa sĩ Đỗ Chung.

7 bức tranh vẽ Bác Hồ của họa sĩ Đỗ Chung, tôi chú ý nhất tới bức “Bác Hồ đi chiến dịch”. Ông sử dụng bay như những người thợ xây trát vữa nhưng trong từng nét vẽ có sự xao động giữa lớp màu trước và lớp màu sau khiến người xem nhận ra được cái lấp lánh, cái cộng hưởng của những lớp màu không chỉ thể hiện sự điêu luyện của người vẽ mà còn là những cảm xúc mãnh liệt. Toàn bộ bức tranh là một màu nóng. Cái vội vã của người đi chiến dịch, cái hừng hực của không khí kháng chiến được thể hiện qua màu cam rực rỡ, đơn sắc mà sang trọng cộng với phong cách biểu hiện pha ấn tượng. Với tôi, bức tranh là cảm xúc chân thật, là cái tình của tác giả với Bác Hồ.

Hơn 50 năm tuổi nghề, đã gặp gỡ biết bao người, hơn ai hết, họa sĩ Đỗ Chung hiểu khi đã mắc duyên cầm cọ, ông sẽ còn vẽ và đã vẽ thì không thể không vẽ về Bác Hồ, một niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam.

Vào những ngày tháng 5 lịch sử này, họa sĩ Minh Thịnh (SN 1958) thường nghĩ về Bác Hồ, người đã hoạch định, tổ chức và lãnh đạo quân dân ta thực hiện thắng lợi đường lối kháng chiến chống Pháp và sau này là cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chia sẻ về bức tranh “Điện Biên Phủ, bản hùng ca”, ông cho biết: “Nhắc đến đề tài chiến tranh cách mạng, tôi suy nghĩ ngay về chiến thắng lẫy lừng khắp năm châu mà cả thế giới ngưỡng mộ. Từ ý tưởng đó, tôi vẽ đề tài Điện Biên Phủ. Cái tên Điện Biên Phủ, bản hùng ca ngoài việc đề cao vị thế của cuộc kháng chiến chống Pháp, lồng trong biểu tượng nốt nhạc, là sự tập hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là sự huy động từ những con người hừng hực khí thế, đến các phương tiện vận tải đưa lương thực, vũ khí lên chiến trường. Từ khi vẽ phác thảo tôi đã phải nghiên cứu kỹ từng vấn đề của lịch sử. Riêng hình ảnh Bác Hồ, một lãnh tụ nhưng lại rất giản dị. Trong hoàn cảnh vất vả, khắc nghiệt, với bao điều lo âu... nhưng Bác vẫn rất phong thái”. Chính cái bên trong, cái không nhìn thấy được qua nét vẽ của họa sĩ Minh Thịnh đã nói lên đầy đủ tầm vóc của cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng thời là một vị chỉ huy gần gũi, mộc mạc, đặc biệt là cái nhìn của Bác. 5 tháng từ khi đặt bút vẽ cho đến khi hoàn thành bức tranh, họa sĩ Minh Thịnh thấy rất mãn nguyện. Tôi đùa với ông: “Đã bao giờ ông đếm có bao nhiêu nhân vật trong tranh”? Ông cười: “Mỗi một nhân vật có vai trò khác nhau, nhưng từ nhân vật chính chúng ta hiểu rằng trong 9 năm gian khó ấy, cùng với sức mạnh của cả dân tộc, chính vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã tạo nên chiến thắng lịch sử này”.

Bác Hồ là đề tài Lê Thị Thanh yêu thích từ khi biết chữ, biết đọc sách. Chị nhớ lại khi mới vừa đi học, trong nhà có cuốn sách “Bác Hồ kính yêu” bìa bọc gáy vải, chị đọc hết các mẩu chuyện nhỏ về Bác, xem đi xem lại những bức tranh sơn mài của các họa sĩ nổi tiếng như: Bác Hồ hành quân qua suối, Bác Hồ ở rừng Pắc Bó, Bác Hồ cưỡi ngựa đi hành quân... Lớn lên, trở thành đội viên đội thiếu niên tiền phong, hình ảnh Bác quàng khăn cho các bạn nhỏ, Bác bế trẻ em trong những tờ giấy khen... như những người ông, người bác, người hàng xóm ruột thịt gần gũi. Dẫu tình cảm với Bác Hồ thân thương trong tất cả mọi người dân nước Việt nhưng vẽ về Bác thật không dễ. Lần đầu tiên họa sĩ Lê Thị Thanh vẽ “Bác Hồ với thiếu nhi”, vào năm 2010.

Sau đó, chị Thanh vẽ tranh khắc gỗ “Bác Hồ kính yêu” chỉ với hai màu đen trắng nhưng vẫn lột tả được thần thái Bác Hồ, thể hiện nhất ở đôi mắt sáng, lanh lợi, tinh anh. Bức tranh này được giới hội họa quan tâm. Bởi, dù diễn nét, mộc mạc thôi nhưng đã diễn tả thành công tinh thần của Bác. Đặc biệt, năm 2016, để tham dự triển lãm mỹ thuật khu vực Bắc Trung bộ ở Quảng Trị, Lê Thị Thanh đã vẽ chân dung Bác thời gian trong tù. Bức chân dung “Bác Hồ” có màu vàng, đỏ, đen hòa sắc tạo nên sự dữ dội, mạnh mẽ và quyết đoán được lồng trong hình ảnh lá cờ Tổ quốc đầy tính nghệ thuật. Còn ánh mắt Bác thể hiện tinh thần thép đầy sức mạnh như những vần thơ Nhật ký trong tù. Rất ít người vẽ chân dung Bác Hồ thời trẻ, đầu để trọc, nhưng Lê Thị Thanh cho biết: “Tôi thích hình ảnh mạnh mẽ đó. Lần đầu nhìn thấy bức ảnh, trong tôi trào lên cảm xúc mãnh liệt. Con người đó, ánh mắt đó, dù trong ngục tù vẫn sáng, vẫn đẹp”.

Hồ Chí Minh - nguồn cảm hứng sáng tác bất tận“Điện Biên Phủ, bản hùng ca”, tranh sơn dầu của họa sĩ Minh Thịnh.

Lê Thị Thanh chia sẻ: Với một họa sĩ trẻ không có nhiều vốn sống, không được trực tiếp trải nghiệm những tình cảm của bản thân đối với Bác, nhưng chỉ qua những trang báo, những bức ảnh, những câu chuyện đủ để chị luôn giữ tình cảm đặc biệt với Bác Hồ và Bác Hồ mãi là nguồn cảm hứng để chị nỗ lực sáng tạo. Từng chi tiết vẽ về Bác đều được chị cân nhắc, làm sao để tạo sự tươi mới trong cảm xúc từ những đề tài “cũ”. Lê Thị Thanh khẳng định: “Tôi nghĩ sẽ chẳng biết bao giờ chúng ta có thể khai thác hết đề tài này. Bằng ngôn ngữ hội họa, đồ họa, điêu khắc,... đôi khi sẽ không thể hiện được hết tầm vóc con người Bác, không thể nói đủ đầy những câu chuyện về Bác. Vì thế, nếu không nuôi dưỡng cảm xúc, không “cứng” trong tay nghề, những người làm nghệ thuật nói chung và các họa sĩ nói riêng dễ rơi vào kể lể vụn vặt, khô cứng, thậm chí mang tính khẩu hiệu”.

Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được rất nhiều thế hệ họa sĩ khai thác. Có họa sĩ chọn bút pháp tả thực đến từng nếp áo, lại có người chọn tả chất nghệ sĩ của Bác; thậm chí, chỉ qua đôi dép cao su đã thể hiện đầy đủ chân dung con người Bác Hồ... Với tình yêu và lòng ngưỡng mộ, nhiều họa sĩ đã biến đề tài vô cùng khó ấy thành sự thăng hoa trong cảm xúc, sự điêu luyện trong kỹ thuật.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]