(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam lại được tổ chức ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Sau vài năm không tổ chức để đảm bảo công tác phòng chống COVID-19, năm 2023, Ngày thơ Việt Nam ở Thanh Hóa với chủ đề “Nhịp điệu mới - văn học nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành cùng quê hương, đất nước” đang rộn ràng với những người yêu thơ.

Ngày thơ Việt Nam và tình yêu với thơ ca

Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam lại được tổ chức ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Sau vài năm không tổ chức để đảm bảo công tác phòng chống COVID-19, năm 2023, Ngày thơ Việt Nam ở Thanh Hóa với chủ đề “Nhịp điệu mới - văn học nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành cùng quê hương, đất nước” đang rộn ràng với những người yêu thơ.

Ngày thơ Việt Nam và tình yêu với thơ caNhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn sẽ giới thiệu một số bức thư họa, thơ trên sứ cổ tại ngày thơ rằm tháng Giêng.

Kể từ năm 2003 đến nay Ngày thơ Việt Nam luôn là sự kiện được văn nghệ sĩ trong cả nước chào đón. Một phần vì cảm xúc mùa xuân còn đương vương vấn, một phần là bởi trong tâm thức của người Việt, ngày rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên Tiêu như một sự khởi đầu ý nghĩa trong năm (“nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm, mang hàm ý đêm rằm đầu tiên). Trong không khí của ngày xuân này, còn gì vui hơn là các thi nhân tề tựu lại để đọc thơ, cùng nhau ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, của xứ Thanh anh hùng và quá trình xây dựng quê hương, đất nước.

Theo dự kiến, tham dự đêm thơ rằm tháng Giêng ngoài đại diện lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và TP Thanh Hóa, đại biểu các đơn vị lực lượng vũ trang, sinh viên, học sinh các trường đại học, trung học trong thành phố, là các nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Thanh Hóa, các tác giả thơ thuộc các câu lạc bộ thơ trong tỉnh và công chúng yêu thơ... Họ lại trở về Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh… dự “lễ hội thơ”.

Sau khi những câu thơ “Kim dạ Nguyên Tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền) trong bài thơ “Nguyên Tiêu” (Rằm tháng Giêng) của Bác Hồ vang lên là phần thả thơ. Những vần thơ hay được thả lên trời xanh như cùng hòa reo với không khí mùa xuân, sự hân hoan của người yêu thơ. Phần chờ đợi nhất chính là 24 tiết mục trình diễn, ngâm thơ, đọc thơ của các văn nghệ sĩ xứ Thanh.

Nhà thơ Lâm Bằng - Trưởng Ban Thơ Hội VHNT Thanh Hóa chia sẻ: Ngày thơ Việt Nam rằm tháng Giêng Quý Mão 2023 được tổ chức với quy mô cấp tỉnh do Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo diễn ra trong bối cảnh đất nước và quê hương Thanh Hóa đang có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn Đảng, toàn dân thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2023), 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (1945-2023). Thanh Hóa bước vào năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Trong những ngày xuân đầy ý nghĩa này, Hội VHNT Thanh Hóa phối hợp với UBND TP Thanh Hóa, cùng các câu lạc bộ thơ trong tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Nhịp điệu mới - văn học nghệ thuật Thanh Hóa đồng hành cùng quê hương, đất nước”. Đây là hoạt động thường niên nhưng vô cùng quan trọng với văn nghệ sĩ xứ Thanh.

Nhà lý luận phê bình Thy Lan, Phó Chủ tịch Hội VHNT, cho biết: Chúng ta đã lỡ hẹn với Ngày thơ Việt Nam 2 năm do đại dịch COVID-19, vì thế mà đã 2 năm chúng ta không được nghe nhau đọc thơ trực tiếp, cũng không có các gian hàng “bung lụa” đủ sắc diện, không được chứng kiến những buổi ký họa, viết thư pháp trong không gian ấm áp trang trọng. Ngày thơ năm 2023 thêm một lần khẳng định sức mạnh của thi ca, thêm một lần tình yêu thơ được xác tín. Ngày thơ luôn là dịp để các thi nhân và những người yêu thơ có cơ hội gần nhau hơn để bày tỏ tình yêu với thơ ca.

Nhà thơ Phạm Tiến Triều, hiện là giáo viên Văn của Trường THCS và THPT Như Thanh, chia sẻ: Năm nào tôi cũng háo hức chờ ngày thơ. Ngoài việc sắp xếp thời gian, rồi cúng rằm thật sớm, tôi chuẩn bị những cuốn thơ của mình để tặng bạn bè. Đây là dịp để chúng tôi gặp gỡ các bậc tiền bối, các bạn thơ và cả những người yêu thơ. Điểm mới của năm nay là vào tối 14 tháng Giêng sẽ có chương trình giao lưu thơ tự do. Và tôi vinh dự cùng với Nguyễn Cúc sẽ dẫn chương trình này.

Lần đầu tiên tham dự và có quán thơ, Chi hội thơ Đường Bỉm Sơn đã chuẩn bị rất chu đáo. Theo chia sẻ của nhà thơ Đặng Kích, chủ nhiệm chi hội: Ngay trước và trong những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, các thành viên chi hội đã có nhiều lần gặp nhau. Ngoài chúc tết thì hơn hết là để phân công nhiệm vụ cụ thể cho mỗi thành viên. Chúng tôi sẽ tham dự đêm thơ với phần tự trình bày của tác giả Mai Văn Yên. Bài thơ “Nghĩa trang sông” đã từng được đọc và bình trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, và lần này tác giả Mai Văn Yên được giao lưu trực tiếp với khán giả quê Thanh. Bên cạnh đó là các tiết mục chèo, ngâm thơ. Đặc biệt, mỗi thành viên chi hội cũng đã tập hợp những sáng tác mới “trình làng” tại ngày hội thơ. Quán thơ của chúng tôi sẽ trưng bày sách của các cá nhân và nội san của chi hội.

Để chuẩn bị cho ngày thơ, các hội viên Chi hội thơ Đường Bỉm Sơn thực sự đang rất háo hức bởi đây không chỉ là cơ hội để họ gặp những người bạn thơ, mà hơn hết là điều kiện để họ có thể gửi gắm những vần thơ mộc mạc chân thành về quê hương, đất nước.

Đây là lần thứ 3 nhà sưu tầm Nguyễn Hữu Ngôn tham gia ngày thơ rằm tháng Giêng với tư cách hoàn toàn độc lập và tự nguyện tràn trề nhiệt huyết của một hội viên Hội VHNT tỉnh. Mỗi lần đến với sân chơi này anh đều tạo một dấu ấn riêng. Nếu lần đầu tiên anh đưa ra trưng bày một số tác phẩm thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp thì lần thứ 2, anh lại giới thiệu tác phẩm thơ ở các câu lạc bộ và nhà thơ không chuyên. Lần thứ 3 này, “Thi nhân quán” sẽ lập văn phòng tứ bảo với mực tàu, bút viết, giấy, nghiên; đồng thời giới thiệu một số câu thơ trên sứ cổ, một số bức thư họa tiếng Hán, tiếng Việt; và sẽ có 5 chiếc xe đạp cổ được trưng bày. Những hoạt động này vừa góp thêm sắc màu cho ngày thơ đồng thời thể hiện quá trình và khả năng sưu tầm của anh.

Mùa xuân thứ hai mươi ba của thế kỷ hai mươi mốt đem theo bao niềm tin và hy vọng… Niềm tin về sức sáng tạo của các văn nghệ sĩ để mang lại cho đời những bài thơ thật hay, thật đẹp với một tình yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Và hơn hết là hy vọng và khát vọng về một xứ Thanh vươn xa, vươn cao như cánh én mùa xuân.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]