(vhds.baothanhhoa.vn) - Trên hành trình thơ, bằng những tác phẩm của mình như: “Ta là người của núi” (2014, NXB Văn hóa dân tộc), “Mùa bông trăng” (2016, NXB Thanh Niên), “Người Mường trại” (2019, NXB Hội Nhà văn), “Bùa lá” (2020, NXB Hội Nhà văn)... Phạm Tiến Triều (hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam) đã dần khẳng định một “thương hiệu”, cá tính, ghi dấu ấn trong lòng độc giả, trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học trẻ miền núi và dân tộc thiểu số tỉnh Thanh.

Người tắm đẫm trong dòng chảy văn hóa dân tộc mình để lớn lên...

Trên hành trình thơ, bằng những tác phẩm của mình như: “Ta là người của núi” (2014, NXB Văn hóa dân tộc), “Mùa bông trăng” (2016, NXB Thanh Niên), “Người Mường trại” (2019, NXB Hội Nhà văn), “Bùa lá” (2020, NXB Hội Nhà văn)... Phạm Tiến Triều (hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam) đã dần khẳng định một “thương hiệu”, cá tính, ghi dấu ấn trong lòng độc giả, trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học trẻ miền núi và dân tộc thiểu số tỉnh Thanh.

Người tắm đẫm trong dòng chảy văn hóa dân tộc mình để lớn lên...Một số tập thơ của nhà thơ Phạm Tiến Triều.

Câu chuyện giữa tôi và Phạm Tiến Triều bắt đầu bằng một câu hỏi rất quen thuộc: Cơ duyên đến với thơ? Phạm Tiến Triều bộc bạch: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn từ trong mạch nguồn văn hóa dân tộc Mường sâu thẳm. Những người dân quê tôi rất yêu thích các hoạt động văn hóa- văn nghệ. Họ có thể rất bận bịu công việc gia đình nhưng khi bản, làng có các hoạt động lớn mang tính cộng đồng thì họ sẵn sàng gác lại tất cả để tham gia một cách nhiệt tình, say mê”.

Những di sản trong bản mo Mường “Đẻ đất đẻ nước” và các tác phẩm tình ca (có nhà nghiên cứu gọi là truyện thơ) như: “Nàng Nga - Hai Mối”, “Út Lót - Hồ Liêu”, “Nàng con côi”... hay các làn điệu dân ca Mường như xường, rang, bọ meẹng... không chỉ cho thế hệ chúng ta thấy đời sống tình cảm của tổ tiên người Mường, mà còn chứa đựng trong đó gốc tích, nguồn cội của cả một tộc người. Những giá trị văn hóa truyền thống quý giá ấy vẫn luôn được các thế hệ con cháu bản mường chung tay gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Và cũng chính mạch nguồn lịch sử - văn hóa thẳm sâu ấy đã tắm mát tuổi thơ, nuôi dưỡng tâm hồn thơ trong Phạm Tiến Triều nảy mầm, tràn đầy nhựa sống... Anh đến với thơ ca theo một cách rất tự nhiên, êm ái như thế! Trên hành trình thơ, bằng những tác phẩm của mình như: “Ta là người của núi” (2014, NXB Văn hóa dân tộc), “Mùa bông trăng” (2016, NXB Thanh Niên), “Người Mường trại” (2019, NXB Hội Nhà văn), “Bùa lá” (2020, NXB Hội Nhà văn)... Phạm Tiến Triều đã dần khẳng định một “thương hiệu”, cá tính, ghi dấu ấn trong lòng độc giả, trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của lực lượng văn học trẻ miền núi và dân tộc thiểu số tỉnh Thanh.

Có lẽ, bởi vì yêu quá, trân trọng và tự hào quá đỗi mà những vần thơ Phạm Tiến Triều chưa từng một lần rẽ lối. Từng hình ảnh, nhịp thơ, hồn thơ vẫn hòa quyện, quấn quýt không rời bản mường, không gian văn hóa Mường. Tiếng thơ là tiếng lòng, những vần thơ của Phạm Tiến Triều tựa như “câu xường cất lên trong đêm trăng tỏ” - vang vọng, độc đáo, hấp dẫn. Trong tập thơ “Mùa bông trăng”, anh đã từng thẳng thắn chia sẻ về quan điểm sáng tác: “Cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. Anh không thể trở thành nhà thơ chân chính nếu thoát khỏi dòng chảy văn hóa ấy. Mọi thứ cứ để con chữ chảy ra tự nhiên từ mạch nguồn văn hóa mà thành thơ ca. Trên đời này không có thứ thơ ca gượng ép, nhào nặn câu chữ mà thành. Thơ ca chỉ nảy mầm, đơm hạt từ những gì tự nhiên vốn có và phải được tắm đẫm trong dòng chảy văn hóa bất tận của dân tộc để lớn lên”.

Đọc thơ Phạm Tiến Triều, ấn tượng ban đầu là lời thơ cá tính, thẳng thắn mà không kém phần sâu sắc, mới lạ. “Ta là người của núi” như một tuyên ngôn, phác thảo hành trình vật lộn để kiếm tìm chính ta: “Bằng đôi mắt nhìn về phía xa/ bằng đôi chân trần như lim, như gụ/ mơ một ngày vinh quang/ xứ người ta lang thang/ tìm ta”. Ta là con người có lý tưởng, có hoài bão và khao khát chinh phục hoài bão, ước mơ ấy. Ta cũng từng là người khăn gói rời mảnh đất quê hương, đặt chân đến xứ người tìm “ngày vinh quang”. Điều gì đã níu giữ được ta, đã giúp ta vượt qua bao lằn ranh cám dỗ, sa ngã, lọc lừa? Điều gì đã giúp ta nhận ra chính mình, hồn cốt mình thuộc về nơi nao? Tất cả đều trở về câu trả lời giản dị mà cũng thiêng liêng nhất, đó là quê hương. Một ngọn núi xinh, con suối nhỏ, bài cồng, bài chiêng của mường ta đón ta trở về với núi, với yêu thương. Cũng chính bởi tình yêu, sự bao dung ấy mà ta biết mình thực sự được sống, khơi dậy trong ta mạch nguồn sáng tạo, cho cảm xúc thăng hoa mà cất lên những vần thơ tri ân sâu sắc: “Ngực ta lại căng tràn sức sống đồi nương/ ta vui sướng hít hà hơi thở núi/ ta xa lánh cám dỗ, lợi danh, lọc lừa, gian dối/ ta lại trở về làm con của mường/ ta lại về thung làm người của núi”.

Có bao giờ Phạm Tiến Triều thử hình dung, nếu một ngày mình thoát li, làm mới mình ra khỏi vùng núi để hòa nhập với đô thị hào quang, nhộn nhịp đời sống... thì con đường sáng tác của mình sẽ thế nào?

Câu hỏi của tôi không khiến anh phải suy nghĩ, cân nhắc quá nhiều, mà chia sẻ ngay rằng: “Người cầm bút luôn có ý thức nỗ lực tự làm mới mình, đó cũng là điều kiện quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Chuyện một nhà thơ tìm hướng để có lối viết mới lạ, hấp dẫn là một tất yếu. Tuy nhiên dù cách tân như thế nào, đi xa văn hóa dân tộc mình ra sao để có thể hội nhập và đổi mới, thì gốc rễ văn hóa nơi dân tộc anh sinh ra vẫn phải là nền tảng cốt yếu. Nếu không anh sẽ không định danh được căn cốt của mình trong dòng chảy chung của thi ca, thậm chí anh có thể bị hòa tan trong những điều “na ná nhau”: “...Có nhà thơ cứ đi lang thang/ Tìm thơ nơi đồng người đất lạ/ Chỉ thấy những điều na ná/ Chỉ thấy những điều hơi hơi.../ Một ngày về mường/ Thấy thơ từ nương rẫy nảy mầm/ Gặp thơ đồng nà đơm hạt/ Như lời thương câu hát/ Như suối khát thung mơ” (Người trên núi làm thơ).

Không chỉ trăn trở về những điều gượng ép, na ná trong thơ, những tiếng thơ về miền núi và dân tộc thiểu số khơi khơi, chưa đủ hiểu biết, đồng cảm, rung cảm để chạm vào vỉa tầng văn hóa, về hồn cốt đất và người nơi đây. Độc giả rất dễ nhận thấy trong nhiều sáng tác của Phạm Tiến Triều là những trăn trở trước sự đổi thay của bản mường, người Mường, dự báo về nguy cơ đánh mất mình, giá trị văn hóa truyền thống tộc người: “Phố núi đổi thay bằng son phấn và những đôi giày gót cao/ khua khoắng khắp ngõ ngang lối hẹp/ bàn tay xinh và đôi mắt đẹp/ thương nhớ làm sao/ một thuở dại khờ [...] Những bóng điện chăng phố núi sương mờ/ chao nghiêng vầng trăng đêm dài hun hút gió/ lời bọ meẹng và câu xường thương nhớ/ có ai về quên phố núi ngày xưa/ Anh vẫn đi về/ phố núi ào ạt mưa” (Phố núi).

Phạm Tiến Triều vẫn say mê, mải miết dấn thân trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Những vần thơ vẫn da diết cất lên từ bản mường, từ một người Mường tha thiết yêu thương nguồn cội, trân trọng bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống cha ông. Và có lẽ, trên suốt hành trình ấy, Phạm Tiến Triều đã tự xem mình là người mắc nợ quê hương. “Cha mẹ đã sinh ta từ rơm rạ đồng nà”, “đất mường đã cho ta bát cơm ngon”, “yêu ta bằng lời rang, lời xường”, “cho cái yêu trong ta lớn lên”, “cái thương dày thêm năm tháng”... nhưng cuối cùng ta đã làm được gì cho mẹ cha, cho quê hương? Phạm Tiến Triều trăn trở: “Được đi học cái chữ/ chưa cho quê được gì/ mái tranh vẫn nhiều hơn mái ngói/ người người vẫn rời núi tha hương/ tự thấy thẹn với quê” (Nợ quê hương).

Những điều thuộc về vĩ mô như đói nghèo, tha hương, bản sắc văn hóa... không thể giải quyết trong một sớm một chiều, đó là trăn trở chung của toàn xã hội. Nhưng mỗi người cầm bút, khi biết dùng tài năng, tâm huyết của mình để truyền tải những thông điệp tốt đẹp ấy đã là điều đáng quý. Điều đáng trân trọng, tự hào nhất, dẫu tiến xa bao nhiêu trên hành trình tương lai, tiếng thơ của Phạm Tiến Triều ngày càng thăng hoa - thăng hạng, nhưng cốt cách mường, văn hóa mường vẫn thẳm sâu, nhất mực như thế...

Bài và ảnh: Nguyên Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]