(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 3 tập thơ: Vườn tháng Giêng (NXB Hội Nhà văn, 2014); Hai ngọn gió (NXB Văn học, 2016); Cõi vọng (NXB VHDT, 2018), cuối năm 2021, Phạm Thị Kim Khánh đã cho ra mắt tập thơ Mùa lá (NXB Hội Nhà văn).

Phạm Thị Kim Khánh: Rút ruột với Mùa lá

Sau 3 tập thơ: Vườn tháng Giêng (NXB Hội Nhà văn, 2014); Hai ngọn gió (NXB Văn học, 2016); Cõi vọng (NXB VHDT, 2018), cuối năm 2021, Phạm Thị Kim Khánh đã cho ra mắt tập thơ Mùa lá (NXB Hội Nhà văn).

Phạm Thị Kim Khánh: Rút ruột với Mùa lá

Vẫn là một Kim Khánh luôn thổn thức trước tình yêu. Đó là thứ tình non mơn mởn của cô gái “Mắt ướt, cười má lúm”, nhìn thấy “Ngựa tơ không biết mỏi/ Hướng dốc/ Cứ thế phất” vì “Xung quanh/ Mùa đang dậy thì” (Tưởng tượng). Không ngẫu nhiên, chị chọn “Người đang yêu” mở đầu cho tập thơ, bởi “Người đang yêu cây nào cũng có hoa/ Ai cũng hiền hòa/ Không biết mùa nào đang ở/ Người đang yêu/ Ai cũng cười/ Giấu kỹ thì càng hở/ Nét cười luôn gợi mở/ người đang yêu/ Ước gì tất cả/ Đang yêu”. Phủ vào không gian một trời yêu ấy, người đọc càng hiểu hơn sức mạnh và giá trị của tình yêu. Nhưng “Ái pháp/ Mịt mờ thương/ Em biết có hay không” (Thi pháp và tình yêu) vẫn luôn là câu hỏi không lời giải. Đọc Kim Khánh mới hiểu ở tuổi nào tình yêu cũng luôn là phạm trù hấp dẫn, nhiều ma lực còn chủ thể thì luôn dại khờ: “Em tách em mọi cũ càng/ Những hình dung thường thấy/ Để huyễn hoặc/ Mặc em/ Với con tim/ Lần đầu/ Khôi nguyên” (Phép tách); thậm chí có những lúc mù quáng: “Người ta với ta không đầy/ Người ta cười ta hoang phí/ Ta bỗng thấy người tằn tiện/ Nỗi thương/ Như chia đi một khối vốn cần tròn” (Linh tính).

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có lý khi cho rằng: “Thơ nữ nhưng Phạm Thị Kim Khánh đôi khi có những câu rất hào sảng, không thua kém gì cái hơi khí của nam nhi... có lẽ là cái khí chất của người quen với sự kỳ vĩ của núi non mà tạo từ cách dùng từ như ngôn ngữ thường ngày của dân gian miền ngược”. Bởi thế dẫu có những xót xa rất đàn bà, nhưng đọc thơ Kim Khánh người ta thấy không có sự bi lụy, trong cái được có cái mất, trong tình yêu ngoài những phút giây hạnh phúc là những ngóng trông, ngoài những ái ân là sự cay đắng. Kể cả “Em ngồi đau lại vết xa” (Lòng yêu mùa trước) thì những hân hoan của mùa yêu trước cũng giúp người đàn bà thấy “nhuận sắc thu”, lòng vấn vương dạo nọ, mà ngỡ mùa vừa mới dậy hương. Thấy người ta “hân hoan hoa trái bên người” mà ngẫm thấy: “Em - kẻ mất mùa thêm vụ nữa/ Sau bao kỳ chống đỡ hạn và mưa” (Đông chí). Rồi chợt nhận ra, trong tình yêu, kẻ trước người sau đôi khi chỉ là vấn đề thời gian “Áo em đỏ như chiều kia áo chị/ Tuổi em xanh chị cũng nán ngày xanh.... Em khúc khích chị thẫn thờ rưng rức/ Cả khóc cười đều đổ miền anh/ Em giật nẩy khi lời thơ chị ngỏ/ Ân ái này kia cũng một ái ân” (Hai chiều áo đỏ). Đặc biệt, viết về nỗi chờ đợi trong tình yêu, những vần thơ của Kim Khánh cụ thể ở từng hành động. Đó có thể là một nguyên do “Nhà gần suối chồng còn đó nhưng chả ngó chả thương/ Anh đến thăm cho nhà có hơi đàn ông”, bởi “Làng trên xóm dưới phong thanh/ Chẳng tin cũng sợ gió thành bão to” (Vợ và chồng). Nhẫn nhịn quá chăng? Đàn bà là vậy, chịu đựng để kéo giữ chồng quay về. Đàn bà trong thơ Kim Khánh là người luôn lấy tình yêu ra như một thước đo của sự hạnh phúc để luôn bao dung, luôn tự vấn và nhận những thua thiệt về phía mình.

Phạm Thị Kim Khánh: Rút ruột với Mùa lá

46 bài thơ “Nỗi yêu” không chỉ là tình yêu lứa đôi, đó là tình “Vợ và chồng”, “Đàn bà chờ”, “Người đàn bà nghe đài”... Đọc thơ tình yêu của Kim Khánh càng đi vào những nhỏ nhặt đời thường thì thơ chị càng chạm vào cảm xúc của bạn đọc.

17 bài thơ “Niềm thương” là những bài thơ thế sự, với một cái nhìn tự nhiên và thân thương thể hiện sự phong phú và đa sắc của thơ Kim Khánh. PGS. TS Nguyễn Đức Hạnh trong bài viết “Sông chảy qua những mùa yêu” thay cho Tựa tập thơ có nhận định: “Bản sắc văn hóa Mường là cội nguồn sâu thẳm của thơ Phạm Kim Khánh”. Bản sắc luôn tạo ra sự khác biệt, cơ sở để hình thành nên “giọng điệu”. Câu chuyện truyền thuyết tình yêu giữa Nàng Ờm và chàng Bông Hương được Kim Khánh thể hiện trong “Chỉ có hoa Pôông Trăng trên đồi” với những câu thơ thổn thức: “Pôông Trăng đồi ta thơm quắn quýt, chỉ nở một mùa/ Mùa còn lại ủ hương/ Pôông Trăng đồi ta rười rượi ba màu, chỉ một mùa/ Những mùa kia dệt thắm/ Chiu chắt bốn mùa làm một mùa hương sắc/ Nên Pôông Trăng đồi quê đằm ngọt khó quên”. Truyền thuyết trở thành “quyền lực mềm” của tình yêu, ở đó con người gửi gắm cả những khát khao và hy vọng.

Đọc thơ Kim Khánh chất Mường thể hiện rõ, không phải là thông qua việc sử dụng thật nhiều từ ngữ Mường, mà chính là cốt cách và nghĩ suy của con người. Viết về “vía”, Phạm Thị Kim Khánh có 2 bài. Nếu Gọi về đủ vía: “Tình ta bày tiệc/ Cho đủ vía ấm/ Cho đủ vía ăn/ Bù ngày lạnh lẽo/ Vía bên nhau rồi không lạc/ Không khát đói mà thương” là một sự ấm áp đầy tình người, thì Gọi vía rừng với khát khao lũ lụt, bão giông sẽ qua: “Xin về với ngày xưa trầm mặc/ Làm lại núi thắm non thiêng/ Cho núi sánh bên rừng/ Cho hoa nở bên suối/ Cho trẻ già làng ta/ Có nhà sàn ven suối không lo lũ cuốn/ Chòi canh trên nương không sợ nắng nung”.

Đọc thơ Kim Khánh dễ thấy nhạc điệu. Có lẽ vì thế mà tôi thích những bài thơ 5 chữ của chị, như: Tìm, Dỗ giấc, Mùa lá, Hương thức... Nhạc điệu của những câu thơ 5 chữ tung tẩy, nhảy nhót gợi sự hồn nhiên, xôn xao trong cách nhìn đời, cảm hương sắc ấm êm, yêu thương của chị về cuộc sống.

Kim Khánh sử dụng ngôn ngữ rất tự nhiên. Có những chữ mà nói hàng ngày với nhau cũng ít người dùng, vào thơ càng khó, nhưng lại được chị sử dụng rất tự nhiên, rất thực. Ví dụ như chữ “Bặt” trong bài thơ cùng tên: “Con cá lội bặt tăm/ Con chim bay bặt dáng/ Bặt cười mỗi chiều bặt hôn nụ sáng/ Tay và tay bặt hơi ấm bàn tay/ Có bặt không những trông ngóng ngày ngày/ Bặt quỳnh dưới khuya, bặt hồng đón nắng”. Rồi có những sự so sánh, vừa đối được màu sắc: “Trước mùa chín/ Thương nhớ ngày chát xanh” (Mùa của mẹ); “Vết ngày xanh còn hằn/ Mùa tím còn xa ngái” (Biếc); vừa thể hiện được hơn những tâm tư: “Cạp thổ cẩm roi rói màu nhuộm/ Như nàng roi rói xuân thì” (Hẹn); “Đêm mưa tôi nghe/ Tiếng đồi rên nỗi trọc/ Mưa xói lở bờ vai” (Tiếng đêm); “Em khúc khích chị thẫn thờ rưng rức/ Cả khóc cười đều đổ miền anh” (Hai chiều áo đỏ).

Chẳng ai hiểu đàn bà hơn đàn bà và chẳng ai viết về đàn bà hay hơn đàn bà. Dẫu nhìn đời hay cảm nhận tình yêu thì thơ Kim Khánh không hề có cái cay nghiệt, cái hờn oán, và cả những đổ lỗi cho cuộc đời. Nữ tính nhưng quyết liệt, dịu dàng mà sắc sảo, đó là sự quyến rũ ở tập thơ Mùa lá này.

Có người cho rằng: “Mùa lá” cho thấy một bước tiến dài của nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh trên “con đường” thi ca mà chị dấn thân. Quả thật, Mùa lá là những tâm tình rút ruột, là những trải nghiệm đủ đầy. Nhưng với tôi, tôi vẫn nghĩ rằng nếu Kim Khánh bước chậm thêm chút nữa thì thơ chị sẽ ngấm và thấm hơn với người đọc. Thơ chị có chất đàn bà, một người đàn bà vừa có vốn sống, vừa nhân hậu. Nhiều bài thơ của chị có tứ, có sự triển khai rất chắc, nhưng đến câu cuối lại có cảm giác vội vội, hụt hơi.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]