(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã cho ra đời 9 tập thơ, Lê Văn Sự viết về nhiều vùng đất mà ông đã đi qua và cảm xúc, song nhiều hơn cả vẫn là sự trải lòng tri ân với quê hương. Vùng quê Vĩnh Lộc được thể hiện cụ thể qua những địa danh thân thương: Vĩnh Ninh, Vĩnh Phúc, Thành Nhà Hồ, Bái Giang, Hà Lăng, sông Mã,… là tên tuổi những người con trung hiếu của dòng họ Trịnh, họ Trần... hiển hách và còn là người mẹ “góa bụa nuôi con”, là bà ngoại “thân gầy chắn bão giông mưa nguồn”. Đó còn là chị gái “Khóa tuổi xuân năm tháng thờ chồng”… và bao người, bao cảnh sắc thiên nhiên làng quê với một làn nắng, một mảng mây, một ánh trăng lững lờ đêm sông Mã. Đất trời và cả hồn thiêng của Vĩnh Lộc hội tụ trong thơ ông một cách hồn nhiên, sâu nặng.

Trái tim thi sĩ qua “Huyền thoại bên gốc cây Bồ Đề”

Đã cho ra đời 9 tập thơ, Lê Văn Sự viết về nhiều vùng đất mà ông đã đi qua và cảm xúc, song nhiều hơn cả vẫn là sự trải lòng tri ân với quê hương. Vùng quê Vĩnh Lộc được thể hiện cụ thể qua những địa danh thân thương: Vĩnh Ninh, Vĩnh Phúc, Thành Nhà Hồ, Bái Giang, Hà Lăng, sông Mã,… là tên tuổi những người con trung hiếu của dòng họ Trịnh, họ Trần... hiển hách và còn là người mẹ “góa bụa nuôi con”, là bà ngoại “thân gầy chắn bão giông mưa nguồn”. Đó còn là chị gái “Khóa tuổi xuân năm tháng thờ chồng”… và bao người, bao cảnh sắc thiên nhiên làng quê với một làn nắng, một mảng mây, một ánh trăng lững lờ đêm sông Mã. Đất trời và cả hồn thiêng của Vĩnh Lộc hội tụ trong thơ ông một cách hồn nhiên, sâu nặng.

Đáng chú ý trong tập “Huyền thoại bên gốc cây Bồ Đề” (Nxb Hội Nhà văn, 2021) là trường ca “Huyền thoại Đốn Sơn”. Đây là bản trường ca lịch sử 175 năm của triều đại nhà Trần với bao chiến công hiển hách và cũng không ít sự kiện bi tráng thấm đẫm máu và nước mắt. Với 735 câu thơ, chủ yếu là thơ tự do, tác giả có điều kiện thể hiện nhiều cung bậc khác nhau của những diễn biến thăng trầm lịch sử, của cảm xúc khi dồn nén, khi trào dâng, tha thiết của trái tim thi sĩ. Nhờ có thể thơ này mà những đoạn miêu tả sự kiện của nhà thơ thêm phần sống động, mở rộng chiều kích của tưởng tượng tạo được sự cuốn hút với người đọc. Trường ca có kết cấu bài bản và hợp lý với 6 chương và một phần “Vĩ thanh”.

Khởi lên từ cảm hứng lịch sử, nương dựa vào lịch sử song trường ca của nhà thơ không phụ thuộc, câu nệ lịch sử. Ngòi bút của ông phóng khoáng, cảm xúc luôn dồi dào, trái tim luôn mở rộng để hòa nhịp đập của mình với trái tim thời đại. Từ tấm gương lẫm liệt của Trần Khát Chân ông luận bàn về lịch sử, văn hóa, lòng ngưỡng mộ tâm linh và về quê hương Vĩnh Lộc thân thương, giàu truyền thống lịch sử, đáng tự hào của nhà thơ. Trên nền lịch sử, văn hóa đầy chất thi ca đó, tôi tin Lê Văn Sự sẽ còn nhiều cảm hứng để sáng tạo văn chương và đóng góp sức mình vào sự phồn vinh của quê hương Vĩnh Lộc và Thanh Hóa.

Ngoài ra, 38 bài thơ với tựa đề “Bên gốc cây Bồ Đề” được ông viết giữa ngày Đại lễ Phật Đản tại quê hương Vĩnh Lộc. Ông “Thăm đền Trần Khát Chân/ Một chiều nắng quái” và nặng lòng suy tư: “Cách chỗ tôi vài chục bước chân/ Ngôi mộ chôn chung cỏ lên xanh mướt /Gần bốn trăm linh hồn phảng phất/ Nhắc một ngày máu chảy đầu rơi” và cái kết làm người đọc giật mình: “Có phải oan hồn/ đang thảng thốt nhìn tôi” (Dưới gốc cây di sản, tr.77). Quá khứ đau thương như trở về nhắc nhở ông và những người đang sống điều gì thật nghiệt ngã, đắng lòng. Là nhà thơ đa cảm, ông không thể bình thản trước những nỗi đau vẫn còn hiện hữu. Hay bài “Viết ở nhà tưởng niệm Hồ Quý Ly” thật khó phân định được tình cảm của nhà thơ: Ngợi ca hay trách giận, nhưng trong sương khói của thời gian, với trái tim bao dung của thời đại ông đã dành cho Hồ Quý Ly cũng vần thơ thật cảm thương, thấu tình, thấu nghĩa: “Nỗi buồn để chén ngọc rơi/ Vỡ toang ngay giữa đất trời Đốn Sơn/ Rượu cay, đắng vạt cỏ non/ Nhòe trang sử kí màu son triều Hồ…/ Thiên Cầm vàng vọt nỗi đau/Anh hùng di hận nhuốm màu thiên thu” (tr.79-80). Tuy nhiên sẽ là thiếu sót nếu không nói tới những bài thơ tình của nhà thơ, hay những bài viết về phận người với hoàn cảnh éo le,…

Tập thơ phần nào cho thấy Lê Văn Sự thật giàu năng lượng thơ, dồi dào vốn đời sống, vốn tri thức và không vơi cạn lòng ham mê, ham đi, ham phát hiện, khám phá. Để chúng ta tin rằng, sau tập sách này, Lê Văn Sự vẫn còn rất nhiều “tài nguyên” để khai phá, để bung tỏa cảm xúc.

Thanh Ứng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]