(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký- nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân đã viết truyện ký “Những tâm hồn dấu yêu” với mong muốn ghi nhận lại những gì chân thực nhất, lắng đọng nhất về những con người mà ông từng may mắn được gặp gỡ trong đời. Ông nói rằng, nhờ có họ là nguồn cảm hứng vô tận giúp ông tìm được niềm yêu tin vô hạn vào con người, vào cuộc đời và chính mình. Và giờ đây, khi nhà văn Nguyễn Ngọc Ký đã đi xa, truyện ký của ông lại tiếp tục thắp lên ánh sáng của yêu thương, của biết ơn trong lòng mỗi người chúng ta..

Truyện ký “Những tâm hồn dấu yêu” - Bất tử trong ánh sáng tình yêu thương

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký- nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân đã viết truyện ký “Những tâm hồn dấu yêu” với mong muốn ghi nhận lại những gì chân thực nhất, lắng đọng nhất về những con người mà ông từng may mắn được gặp gỡ trong đời. Ông nói rằng, nhờ có họ là nguồn cảm hứng vô tận giúp ông tìm được niềm yêu tin vô hạn vào con người, vào cuộc đời và chính mình. Và giờ đây, khi nhà văn Nguyễn Ngọc Ký đã đi xa, truyện ký của ông lại tiếp tục thắp lên ánh sáng của yêu thương, của biết ơn trong lòng mỗi người chúng ta..

Truyện ký “Những tâm hồn dấu yêu” - Bất tử trong ánh sáng tình yêu thương

“Những tâm hồn dấu yêu” là tập truyện ký mang dấu ấn kỷ niệm của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký trong suốt hành trình từ khi còn là cậu bé liệt hai tay phấn đấu trở thành nhà giáo ưu tú, nhà văn, nhà tư vấn tâm lý đầu tiên ở Việt Nam dùng chân để viết, rồi trở thành người chồng, người cha, người ông của một gia đình hạnh phúc. Nếu 3 tập tự truyện nổi tiếng của nhà văn là: “Tôi đi học”, “Tôi học đại học” và “Tâm huyết trao đời” khắc họa chân thực quá trình vượt khó của ông thì truyện ký khắc họa những gì thật nhất về cảm xúc biết ơn trong niềm hạnh ngộ lớn lao được gặp những con người đã truyền cảm hứng sống, vượt qua nghịch cảnh của nhà giáo, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký.

Truyện ngắn “Cây cau của mẹ”- đạt giải Nhất cuộc thi viết truyện ngắn “Mẹ tôi” do báo Tuổi trẻ tổ chức, được nhà văn trang trọng đặt đầu ấn phẩm. Truyện giản dị, chân thực, sáng rõ, lại tí tách, ngọt ngào như những giọt mưa xuân. Tình yêu, sự vị tha của người mẹ với lời nhắn nhủ “Vạn sự khởi đầu nan. Người ta làm bằng tay còn khó huống hồ con làm bằng chân. Có làm, có hỏng, có sửa mới biết. Làm cái gì cũng phải kiên trì mới thành con ạ”. Tình yêu ấy đã mở ra trong tâm hồn cậu bé con ngày ấy một trời hy vọng. Mo cau - vật được người mẹ dùng tạo thành chiếc bìa cứng để cho cậu bé Ký lót chân mỗi khi viết. Mo cau thành cái chụp đèn tiện ích cho Nguyễn Ngọc Ký học buổi đêm. Mo cau thành áo ấm chống chịu cái lạnh cắt da cắt thịt mùa đông miền Bắc. Mo cau tạo gió lành từ tay mẹ tảo tần trong đêm hè để cậu bé hiếu học yên tâm đèn sách. Và vẫn chiếc mo cau ấy, Nguyễn Ngọc Ký đã dùng chân quạt cho bà và chứng kiến giây phút bà trút hơi thở cuối cùng. Năm ấy, câu cau của nhà Nguyễn Ngọc Ký tự dưng chết đứng. Tình yêu như nguồn mạch thấm đẫm vào tâm can nhà văn, và trở thành suối mát từ tâm nuôi dưỡng tâm hồn ấy trong suốt cuộc đời. Được yêu thương và luôn trao đi yêu thương là cách mà nhà văn, nhà giáo ưu tú ứng xử với những ai mà ông từng gặp trong đời.

Đó là ông Tâm hàng xóm (Xuân quê hương, một thời kỷ niệm) đã âm thầm tặng gia đình nhà văn một cành đào nhỏ đón xuân sang khi còn ở vùng quê Hải Hậu. Là thầy Chử, thầy Lập, Thầy Châu, Thầy Hạp, Cô Dung dạy văn động viên, lòng ham thích và chí học văn của Nguyễn Ngọc Ký thêm cháy bỏng mỗi ngày. Là người bạn Nghiệp “đen” ngầm tặng cuốn Truyện Kiều khiến Nguyễn Ngọc Ký đọc say sưa đến độ thuộc hơn 3.000 câu Kiều. Người bạn gái Hạnh Nhu kiên nhẫn lặng chờ chép những trang bản thảo chưa ráo mực. Họ có thể có tên hoặc chưa kịp biết tên như người phụ nữ dù đang mang bầu nhưng vẫn không nề hà chở thầy giáo nơi vùng quê nghèo Hải Hậu, Nam Định trong một đêm trăng thượng tuần (Vầng trăng dịu hiền).

Truyện ký “Những tâm hồn dấu yêu” có sự đan cài của nhiều cung bậc cảm xúc rất con người của một nhà văn, nhà giáo với những người thân, người thầy, người bạn và biết bao con người mà ông từng gặp gỡ trong cuộc đời. Niềm vui, hạnh phúc, tri ân, tri ngộ luôn đong đầy, ngay cả với những con người mà buổi đầu đã gieo cho nhà văn, nhà giáo một niềm tự trọng nhói trong tim. Bị liệt hai tay, viết bằng chân, nghịch cảnh ấy không phải ai cũng đều thấu hiểu, có những việc, những chuyện mà theo nhà văn là “Khi lòng tự trọng bị thách đố” là người bạn ác ý giật tay khiến cậu bé Ký suýt ngã nhào, là câu nói vô cảm của một ông phó chủ tịch xã ngày ấy “Này, cái cậu bé Ký liệt này làm được gì mà đi học đại học nhỉ”, là ông hiệu phó một trường huyện nói xanh rờn: “may lắm cậu chỉ đạt giờ trung bình”. Vượt qua nghịch cảnh, cậu bé Ký ấy đã là học sinh giỏi toán miền Bắc, là giáo viên có giờ giảng đạt giải nhất tỉnh, là nhà văn đầu tiên viết bằng chân ở Việt Nam. Và đúng là “khi lòng tự trọng bị xúc phạm và thách đố nếu được kiềm chế và điều chỉnh đúng hướng, nó lại bùng phát nguồn nội lực diệu kỳ dẫn đến thành công không ngờ”.

Thời gian đi qua, cuộc đời nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký như qua nhiều ô cửa sổ. Tôi vẫn hình dung, mỗi ô cửa đó, Nguyễn Ngọc Ký đã gặp nhiều con người khác nhau. Và chính tình yêu thương giữa con người với con người đã lau khô giọt nước mắt tủi buồn, chắp cánh cho ước mơ của nhà văn bay xa, vượt qua thung lũng của sự tăm tối, tật nguyền. Nguyễn Ngọc Ký từng được mệnh danh là Paven của Việt Nam “Biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu đựng được nữa”. Còn tôi muốn được tôn vinh ông là đại sứ thiện chí của tình yêu thương và nghị lực vượt qua nghịch cảnh. Nếu ước mơ là ngọn lửa thì tình yêu thương là nhiên liệu, và sự vị tha là dây dẫn để thắp sáng mãi những giá trị nhân văn.

Trong lời đề tựa của Truyện ký “Những tâm hồn dấu yêu”, nhà văn Nguyễn Ngọc Ký đã ngàn lần cảm ơn những người ông từng gặp trong đời mà mong bạn đọc sẽ dành tình cảm đặc biệt và tìm thấy ánh sáng kỳ diệu nơi họ. Với tôi, tôi đã gặp nhà văn qua trang sách, ngàn lần cảm ơn ông: nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, ánh sáng diệu kỳ từ tâm của ông luôn tỏa rạng.

Chiều nay, về quê nhà, ngước nhìn hàng cau xanh mát của quê mẹ. Tôi lại nhớ đến hình ảnh chiếc mo cau “vạn năng” từ tay người mẹ vĩ đại của nhà văn Nguyễn Ngọc Ký!.

Nguyễn Hường


Nguyễn Hường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]