(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Diễn ra trong 15 ngày, Trại sáng tác văn học tại Thanh Hóa là niềm hứng khởi của các nhà văn, cây viết từ Điện Biên, Hòa Bình, đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bế mạc trại sáng tác văn học năm 2016: Nặng trĩu ý tưởng, cảm hứng sáng tác

(VH&ĐS) Diễn ra trong 15 ngày, Trại sáng tác văn học tại Thanh Hóa là niềm hứng khởi của các nhà văn, cây viết từ Điện Biên, Hòa Bình, đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...

Nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng biên tập Báo Văn nghệ phát biểu tại Lễ bế mạc Trại sáng tác văn học tại Thanh Hóa.

Cảm hứng từ vùng đất

Sáng ngày 14/7, tại Thanh Hóa, Báo Văn nghệ đã tổ chức Bế mạc Trại sáng tác văn học. Tham dự có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa; lãnh đạo Báo Văn nghệ cùng toàn thể các trại viên.

Nhà văn Lã Thanh Tùng - Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ trong bài Tổng kết những hoạt động của trại viết đã khẳng định rằng: Những bài văn hay nhất, những trang viết đong đầy cảm xúc nhất không chỉ riêng của những người con đất sông Mã mà còn thuộc về tất cả những nhà văn ở mọi miền đất nước đến tìm hiểu và sáng tạo. Điều đó cho thấy đây là mạch vỉa để các nhà văn khai thác, và đất, người xứ Thanh xứng đáng để có trong những trang viết của các nhà văn đương đại.

Trong 30 nhà văn tham dự trại sáng tác lần này, không ít tác giả lần đầu đến với Thanh Hóa. Dư âm cảm xúc để lại cho họ là sự tươi mới của một vùng đất đang nhiều đổi thay. Ngay cả với những nhà văn như Đinh Ngọc Lâm, hay Nguyễn Đắc Như, họ chia sẻ: Nói về Thanh Hóa bao nhiêu cho đủ. Nhà văn Đinh Ngọc Lâm (Ninh Bình) nói rằng: Ông đã đến, ở và làm việc với Thanh Hóa rất nhiều lần. Nhưng lần này, ông được ở 4 điểm và cảm nhận của ông là từ Sầm Sơn, đến Nghi Sơn, Bỉm Sơn và TP Thanh Hóa đã khác lắm rồi, những địa điểm này đều có một cuộc lột xác ngoạn mục. Tôi sẽ viết một truyện ngắn về Thanh Hóa, bởi thực sự tôi đã dành một tình cảm đặc biệt cho vùng đất này, đặc biệt là thị xã du lịch Sầm Sơn, nơi tôi đã từng có nhiều mối quan hệ được gây dựng, từ khi là người lính, và trong quá trình công tác. Đến với trại viết lần này, tôi đã hoàn thiện hai truyện ngắn, tạm đặt tên là “Tâm nguyện”, “Thời của ba tôi”, đây là những truyện ngắn có ý tưởng từ lâu, nay gặp dịp bung phát. Cảm xúc là có thực, nhưng cần phải đào bới, phải trầm mình vào với không gian đất và người xứ Thanh thì chúng ta mới tạo ra những trang viết mới, mang hồn cốt nơi đây.

Còn nhà văn Nguyễn Đắc Như lại cho rằng ông thực sự ngạc nhiên về hình thức trại viết. Đó là hình thức tập trung nhưng vẫn để mỗi người có thể phát huy thế mạnh của mình, lựa chọn các địa điểm khu vực khai thác. Ông nhớ lại cách đây hơn 30 năm trước ông đã từng về công tác ở Thọ Xuân: Lần này, cảm xúc đầu tiên với tôi là sự lớn mạnh của Thọ Xuân, sự đủ đầy của người dân vùng mía. Cũng chính với cảm xúc căng tràn ấy mà tôi đã hình thành ý tưởng cho một cuốn tiểu thuyết về vùng đất này bằng tất cả tình cảm, sự ngưỡng mộ với một nhân vật không chỉ riêng người dân vùng mía đường Lam Sơn này, mà hầu hết người xứ Thanh đều tự hào: đó là Anh hùng lao động Lê Văn Tam.

Sự kết nối của những người cầm bút

Nhà văn Nguyễn Thu Hằng (Hải Dương) lần đầu tham gia một trại viết. Chị cho rằng: Hình thức mở trại cho một cuộc thi là một điều cần thiết. Mùa hè năm nay, tham gia trại sáng tác của báo Văn nghệ là một món quà quá lớn. Đến trại, tôi được gặp những nhà văn mà trước đó tôi chỉ biết qua sáng tác của họ. Được gặp, được ăn cùng, làm việc cùng, đó là niềm vui lớn nhất của tôi.

Ngay cả một người từng trải như nhà văn Đinh Ngọc Lâm, nguyên Bí thư thành ủy thành phố Ninh Bình cũng rất cảm xúc khi nói về sự kết nối: Tôi đến đây với tâm thế được mời là cộng tác viên của báo, với tâm thế đó đã là rất phấn khởi, tôi nghĩ có được một không khí như thế này không phải nơi nào cũng làm được. Tôi biết viết văn xuôi khó nhọc như thế nào. Mỗi cuộc như thế này tôi lại nặng trĩu ý tưởng và cảm hứng sáng tác. Đêm trước ngày bế mạc, chúng tôi đã không ngủ được, ai cũng đủ tâm sự, đủ chuyện.

Thay mặt ban tổ chức Trại sáng tác văn học 2016, nhà văn Khuất Quang Thụy - Tổng biên tập Báo Văn nghệ đánh giá cao không khí tập trung của các trại viên, đồng thời không quên cảm ơn những địa phương đã tạo điều kiện về vật chất và khơi nguồn để các nhà văn có những tác phẩm hay xứng đáng với tầm vóc của một mảnh đất giàu truyền thống. Qua những tác phẩm đã nhận được từ trại viết ông cho rằng: Thanh Hóa có những nhân vật trung tâm của thời đại. Nếu chúng ta khắc họa lên được chân dung họ, có nghĩa là chúng ta đã thành công. Ngoài ra, ông còn khẳng định trại viết đã làm được điều quan trọng là kết nối các nhà văn từ nhiều vùng miền, nhiều mảnh đất lại với nhau. Văn chương và nhà văn cần hơn hết sự tri kỉ để giúp nhà văn thăng hoa hơn trongmỗi trang viết.

Trại viết khép lại, có tác phẩm còn dang dở, có tác phẩm đã hoàn thiện và được đánh giá cao. Đây có thể chỉ là điểm bắt đầu, khai mở để mỗi nhà văn tiếp tục đầu tư trong hành trình sáng tạo văn học của mình. Nhưng chắc chắn là chuyến đi không thể nào quên của các nhà văn, các cây viết.

Tôi tin rằng, sau Trại viết lần này sẽ có nhiều cuộc trở về của các nhà văn với vùng đất xứ Thanh. Và càng tin hơn là sẽ xuất hiện những con người, những cuộc đời qua những trang văn ứ nghẹn cảm xúc, màu mỡ sự tưởng tượng về hiện thực tươi mới của xứ Thanh.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]