(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Lời ru trên sông là một trong rất nhiều tập thơ mà nữ sĩ Hồng Vân đã xuất bản. Tư tưởng bao trùm của tập thơ là tình yêu quê hương, đất nước, một điều không mới nhưng đi vào thơ chị đã làm lay động lòng người.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cảm nhận từ ‘Lời ru trên sông’ của Nguyễn Thị Hồng Vân

(VH&ĐS) Lời ru trên sông là một trong rất nhiều tập thơ mà nữ sĩ Hồng Vân đã xuất bản. Tư tưởng bao trùm của tập thơ là tình yêu quê hương, đất nước, một điều không mới nhưng đi vào thơ chị đã làm lay động lòng người.

Đứng trước dòng sông Thạch Hãn nơi có hàng nghìn chiến sỹ hy sinh để bảo vệ quê hương chị đã nghẹn ngào, xót thương và hình dung ra tiếng trả lời của dòng sông: “Các anh hùng liệt sỹ/ Hóa mình vào sông tôi” (Ru anh trên dòng sông Thạch Hãn).

Thông thường đứng trước dòng sông Thạch Hãn nơi bao anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc người ta xúc động mà thả hương, thả hoa, thả đèn xuống sông để tưởng nhớ, còn với Hồng Vân, chị đã “nối ngàn ngàn dây võng” để “ru anh nghiêng dòng sông” thì quả là một kiểu tưởng niệm độc đáo gây xúc động lòng người mà chỉ có Hồng Vân mới có được. Tâm trạng của chị cũng như bao người khi đặt chân lên ngã ba Đồng Lộc nơi có mười cô gái trẻ: “Dâng tình yêu cho dân tộc/ Cháy hết mình cho độc lập tư do”.

Khi mà: “Bữa cơm chiều chờ

thành cơm cúng mười cô”

và: “Mười trái tim lạnh

Cháy trời ngã ba”

(Đồng Lộc ngã ba tình yêu)

Trước khi đến với thơ, Hồng Vân đã là một thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II, Phó Giám đốc BV Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, chị luôn cảm thông với những mảnh đời éo le, nghèo khổ, bệnh tật. Chị đã sẻ chia mọi thương đau, mất mát của từng số phận để rồi khi trở thành nhà thơ, tình cảm ấy cứ nhen nhóm, ấp ủ rồi biểu hiện trong thơ. Phải chăng vì vậy mà hình ảnh “từ mẫu” cứ thấp thoáng trong thơ chị.

Trái tim chị rung lên cùng nhịp với người mẹ trẻ khi sinh hạ một “thiên thần”. Chị nhìn thấy niềm vui tràn ngập căn phòng khi “nội ngoại nhìn con”; trông thấy người mẹ “cười trong niềm hạnh phúc” khi “làm tròn nhiệm vụ”, “sinh được một cậu con trai kháu khỉnh” mà “chồng chị hằng mong ước”. Người mẹ ấy “mãn nguyện, sung sướng” khi nghĩ đến ngày con mình sẽ “biết hóng chuyện, biết lẫy, biết bò, biết đi… thành một công dân có ích cho đời” (Viết tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa).

Không chỉ với những người bệnh được chị tận tình cứu chữa, những em bé bệnh nhân được chị coi như chính con mình mà với những mảnh đời lang thang, cơ nhỡ chị cũng xót xa trước những thân phận nhỏ nhoi trong sự thờ ơ ghẻ lạnh của cuộc đời. Từ em gái bán rau với bước thấp, bước cao đi từ trưa đến chiều tối sẫm mới được những đồng bạc lẻ gói ghém mang về trong khi trong những quán bia rượu họ chúc nhau ồn ào, náo nhiệt, không biết có ai nghĩ đến “Tuổi thơ em, gánh vai gầy về đâu” (Gánh rau). Đó là những nghịch cảnh mà chị đã vẽ trong thơ để độc giả hình dung một cách rõ ràng. Với những thiếu nữ bị cuộc đời xô đẩy, trôi dạt vào cảnh “bán hoa”. Bằng tấm lòng nhân hậu, giang vòng tay rộng đón người lầm lạc trở về với cộng đồng: “Xóm làng thương, đợi em đây/ Quê nghèo chung sức ta xây cuộc đời” (Em ơi về với xóm làng).

Không chỉ nặng lòng với những ưu tư trắc ẩn của cuộc đời chị cũng thật nặng nghĩa tình với gia đình riêng bởi với chị, gia đình chính là tế bào của xã hội. Chị yêu thương, kính trọng người mẹ vất vả sớm khuya, nuôi nấng đàn con trưởng thành nên những con người có ích cho xã hội thế mà về bên mẹ chúng con thấy “Vẫn như bé bỏng trong lời mẹ yêu” để rồi lòng chị xúc cảm trào dâng: “Nhẹ nhàng trầu giã đỏ au/ Mẹ nhai thơm thoảng hương cau bốn mùa” (Ơn mẹ).

Chỉ một câu thơ giản dị mà ta hiểu ngay “hương cau bốn mùa” chính là quê hương, là những kỷ niệm thiêng liêng về mẹ hiền yêu kính.

Đối với Hồng Vân điều sáng tỏ mà ai cũng cảm nhận được, văn tức là người, tình yêu gia đình riêng nằm trong tình yêu quê hương, đất nước. Chị yêu con tha thiết vì con biết “chia mẹ” cho em bé bệnh nhân. Chị kính yêu mẹ vì mẹ là quê hương, mẹ là tất cả, mẹ là tấm gương tần tảo cho đàn con học tập, rèn luyện nên người. Đọc tập thơ Lời ru trên sông ta còn cảm nhận sâu sắc tình yêu của chị với người bạn đời đã cùng chị học tập, rèn luyện, gánh vác gia đình chia sẻ khó khăn đời thường để cùng chị phấn đấu cho sự nghiệp cứu người: “Anh thề: Tất cả cho sự sống/ Em thề: Tất cả vì bệnh nhân…/ Từ ngày ấy cả hai cùng lận đận/ Bước thấp cao ngày tháng chuyên cần.

Đọc Lời ru trên sông của Hồng Vân ta cảm nhận tình yêu đối với Tổ quốc, quê hương; tiếc thương, cảm phục những anh hùng liệt sĩ; đau đớn trước những số phận nghiệt ngã, xót xa trước những mảnh đời lang thang, phiêu bạt. Sự ấm cúng bất tận của tình mẫu tử, niềm thủy chung của những người chung lý tưởng và nỗi đau xé lòng khi người bạn đời không từ giã đã vội ra đi… thật là thấm đẫm nhân tình của một tấm lòng bao la nhân hậu.

Trần Thị Liên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]