(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữa bao bộn bề của cuộc sống mưu sinh và cống hiến nghề nghiệp, sâu thẳm nơi trái tim mỗi người xứ Thanh xa quê vẫn sâu đậm nghĩa tình “Với quê Thanh”. Xuất phát từ những tình cảm ấy tiến sĩ, nhà thơ Lê Tuấn Lộc cùng các văn nghệ sĩ người Thanh Hóa tại Hà Nội đã dày công thu thập thông tin, tư liệu, bài viết, hình ảnh... của văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh đã và đang công tác tại Hà Nội để cho ra mắt cuốn sách “Với quê Thanh” như một món quà hướng về quê hương, như một lời báo công đến tiên tổ và đồng bào về sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của mỗi người con Thanh Hóa tại Hà Nội góp phần làm rạng danh người xứ Thanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gói trọn yêu thương “Với quê Thanh”

Giữa bao bộn bề của cuộc sống mưu sinh và cống hiến nghề nghiệp, sâu thẳm nơi trái tim mỗi người xứ Thanh xa quê vẫn sâu đậm nghĩa tình “Với quê Thanh”. Xuất phát từ những tình cảm ấy tiến sĩ, nhà thơ Lê Tuấn Lộc cùng các văn nghệ sĩ người Thanh Hóa tại Hà Nội đã dày công thu thập thông tin, tư liệu, bài viết, hình ảnh... của văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh đã và đang công tác tại Hà Nội để cho ra mắt cuốn sách “Với quê Thanh” như một món quà hướng về quê hương, như một lời báo công đến tiên tổ và đồng bào về sự cố gắng, nỗ lực không mệt mỏi của mỗi người con Thanh Hóa tại Hà Nội góp phần làm rạng danh người xứ Thanh.

Lời giới thiệu của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu về bộ sách.

Một cuốn sách rất đẹp, hoàn toàn đúng nghĩa đen của nó, với gần 500 trang in trên giấy dày bóng, bìa cứng đóng vuông vức khổ 24x30, như một hộp quà đầy trang trọng và ý nghĩa. Mở đầu cuốn sách là lời giới thiệu của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Với quê Thanh là một bộ sách đồ sộ, giới thiệu các gương mặt tiêu biểu của văn nghệ sĩ và nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội trong khoảng thời gian sau đổi mới từ năm 1986 - 2016... Bộ sách là tư liệu quý cho dư địa chí địa phương, nhân vật chí hiện đại, tư liệu cần cho các nhà khoa học xã hội”. Cuốn sách được Ban Biên tập chia làm 6 phần rõ rệt: văn xuôi, thơ ca, nhà báo, hội họa, đạo diễn và nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ. Mỗi phần đều giới thiệu về tiểu sử tác giả, tác phẩm tiêu biểu, những phần thưởng là sự ghi nhận của Nhà nước, các tổ chức trong và ngoài nước, của nhân dân đối với các tác phẩm, các văn nghệ sĩ và nhà báo.

Phần văn xuôi, 18 nhà văn tiêu biểu được xướng tên, trong đó có những gương mặt quen trong làng văn cả nước như Đặng Ái, Xuân Ba, Triệu Bôn, Hà Minh Đức, Lê Minh Khuê, Lê Ngọc Minh, Nguyễn Xuân Hùng... trong số 18 nhà văn thì quá nửa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hầu hết đều là những người sinh ra, lớn lên và đi qua hai cuộc kháng chiến ác liệt của dân tộc nên trong các sáng tác của họ đều chất chứa hơi thở thời cuộc, ác liệt của chiến tranh, ác liệt của khó khăn đói kém, ác liệt của thời kỳ lịch sử quá độ, bên cạnh đó hoa tình yêu vẫn nở, những nụ cười tinh khôi và đầy hy vọng vẫn hiện hữu trong mỗi tác giả, tác phẩm, họ là nhà văn của thời cuộc, của lịch sử hào hùng mà không ít gian truân.

Phần thơ có tới 30 nhà thơ được nhắc đến, điều này cũng dễ hiểu bởi xưa nay Thanh Hóa vốn dĩ nổi tiếng là đất học, đất trạng, là “cái rốn thơ ca hò vè” của cả nước. Trong số các nhà thơ được nhắc đến có những cái tên khá nổi tiếng trong làng thơ Việt như Mã Giang Lân, Trịnh Anh Đạt, Lê Tuấn Lộc, Lê Quang Sinh, Mai Ngọc Thanh... Các tác phẩm được giới thiệu trong bộ sách Với quê Thanh của các nhà thơ phần lớn đều là những bài thơ viết về đề tài quê hương, đất nước, con người, đều là những suy tư thương nhớ về miền quê đầy nắng và gió, quanh năm căng mình với nắng mưa, giông bão, khó khăn, lam lũ mà vẫn như cây tre, cây rau má bám mình vào đất vươn lên “miền quê bão lụt nắng hanh/ vươn lên để sống chỉ nhành má thôi/ cứ xanh rười rượi với đời/ cứ chia sẻ tất cho người cháo rau...” (Rau má - Trịnh Anh Đạt).

Phần nhà báo thì trong bộ sách này mới chỉ giới thiệu được 13 nhà báo, chắc hẳn vẫn còn nhiều cái tên chưa có điều kiện để giới thiệu trong lần in đầu tiên này và tôi tin rằng nếu được tái bản thì con số này sẽ nhiều hơn.

Phần hội họa, có 30 họa sĩ, kiến trúc sư được giới thiệu, đây chắc hẳn là con số chưa đầy đủ nhưng có thể thấy người xứ Thanh dành một tình yêu rất lớn cho nghệ thuật đặc biệt là hội họa. Có nhiều cái tên đã thành quen trong làng Mỹ thuật Việt Nam như: Lê Hiệp, Lê Hoàng, Tạ Quang Bạo, Hoàng Hoa Mai, Lê Đình Quỳ, Hoàng Anh Nhân... Hầu hết đều là hội viên Hội Mỹ Thuật hoặc Hội Kiến trúc Trung ương. Đã có nhiều tác phẩm trường tồn cùng thời gian, cùng dòng chảy lịch sử đất nước, quê hương như đài tưởng niệm Bắc Sơn của KTS Lê Hiệp, tượng đài Lê Lợi của họa sĩ Hoàng Anh Nhân, tượng đài Ngã ba Đồng Lộc của họa sĩ Lê Đình Quỳ và còn nhiều tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị nghệ thuật được tuyển chọn và giới thiệu trong phần hội họa ở cuốn sách này.

Phần đạo diễn sân khấu điện ảnh và nghệ sĩ biểu diễn, những con người tài hoa và thành đạt, họ đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trên bước đường nghệ thuật của mình trong lòng công chúng. Có thể kể đến những cái tên như NSND Quốc Anh - Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, NSND Hải Ninh - nguyên giám đốc hãng phim truyện Việt Nam, đạo diễn Lê Hồng Sơn người gắn liền với hàng loạt những bộ phim truyền hình nổi tiếng như cảnh sát hình sự, nữ cảnh sát, kẻ giấu mặt, cảnh sát khu vực... và rất nhiều nghệ sĩ khác vẫn từng ngày miệt mài với nghề với nghiệp sân khấu, góp công vào sự lớn mạnh của nền sân khấu điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn nước nhà.

Phần nhạc sĩ có con số khá khiêm tốn, với bảy cái tên được nhắc đến như nhạc sĩ Nguyễn Thế Dân, Nguyễn Thiếu Hoa, Lê Minh, Minh Quang, Hoàng Sâm, Phạm Anh Thông và Lê Tịnh. Tất cả họ vẫn đang âm thầm đi trên con đường nghệ thuật và tiếp tục cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà những tác phẩm giàu giá trị từ đó ghi dấu tên tuổi của mình ngày càng sâu đậm trong lòng người yêu nhạc.

Với quê Thanh là một công trình công phu và nhiều giá trị thực tiễn, phản ánh lên quá trình lao động nghiêm túc của đội ngũ Ban Biên tập, cũng dễ hiểu bởi nội dung hàm chứa bên trong cuốn sách rất giá trị và tất cả đều là những người lao động nghiêm túc, hăng say và yêu nghề. Tổng cộng có 116 người được giới thiệu trong tập sách này trong đó có 30 người được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 người được trao giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, 13 NSND, 3 NSUT... không hẳn là liệt kê nhưng thông qua những số liệu ấy để nói lên sự thành công và phần đóng góp của những người làm công tác văn học nghệ thuật là người xứ Thanh đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà là không hề nhỏ. Đây không chỉ là bộ sách quý về văn học nghệ thuật và báo chí của những người con xứ Thanh tại Hà Nội trong 30 năm qua mà còn là một bộ tư liệu KHXH để các nhà nghiên cứu tra cứu về các văn nghệ sĩ và nhà báo về một giai đoạn có nhiều biến động của lịch sử và quê nhà xứ Thanh sau đổi mới 1986.

Tin tưởng Với quê Thanh chỉ là một sự khởi đầu, như tập đầu tiên của một bộ sách nhiều tập bởi hãy còn đó rất nhiều người con xứ Thanh không chỉ ở Hà Nội mà khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài vẫn từng ngày miệt mài lao động, cống hiến và thành công đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước và phát triển quê Thanh ngày càng tươi đẹp hơn, thực sự kiểu mẫu với những văn nghệ sĩ kiểu mẫu.

Nguyễn Hải


Nguyễn Hải

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]