(vhds.baothanhhoa.vn) - Đọc đi đọc lại 45 bài thơ trong tập “Hoa cỏ lau” của Trương Vạn Thành do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2018 tự nhiên tôi bị ám ảnh bởi “Ngọn đèn dầu”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ngọn lửa sáng trên một chặng đường thơ mới

Đọc đi đọc lại 45 bài thơ trong tập “Hoa cỏ lau” của Trương Vạn Thành do Nxb Hội Nhà văn ấn hành năm 2018 tự nhiên tôi bị ám ảnh bởi “Ngọn đèn dầu”.

Toàn bộ bài thơ “Ngọn đèn dầu” như sau: “Tôi như ngọn đèn dầu/ Thắp trong căn phòng nhỏ/ Từng tối em khêu lên/ Những ánh vàng soi tỏ/ Ngoài kia, qua khung cửa/ Những ngôi sao cô đơn/ Ngoài kia, gió mưa tuôn/ Trần gian trong bóng tối/ Nguồn cảm hứng đèn tôi/ Thắp vô vàn tia mới/ Giữa tháng ngày hư hao/ Bên em, tôi ngời ngợi/ Đây vầng sáng vàng mơ/ Trên ngực người hứng đợi/ Đậy tường cũ thơm tho/ In ảnh hình, giọng nói/ Em ơi, nếu có ngày/ Bấc đèn kia tàn lụi/ Sẽ bừng lên lần cuối/ Hôn tràn lên mắt môi”. Hồn thơ anh ở đó. Tâm thức anh ở đó. Phong cách thơ anh ở đó. Bút lực thơ anh ở đó. Tinh tế thơ anh dồn nén ở đó. Hình như “Ngọn đèn dầu” đã hội tụ đầy đủ những đặc trưng cơ bản nhất của Trương Vạn Thành.

Tác giả tự ví mình là “Ngọn đèn dầu/ Thắp trong căn phòng nhỏ”. Ngọn đèn là biểu tượng khát vọng, ước mơ, nỗi lòng, cõi lòng của nhà thơ. Căn phòng là vùng ký ức riêng, nỗi niềm riêng, sâu thẳm riêng, sáng tạo riêng của nhà thơ. Ngọn đèn ấy được “Từng tối em khêu lên”. Đó là tình yêu thổi hồn, tình yêu thắp sáng, phát sáng, tỏa sáng. Đó là men thơ, thi hứng cho thơ, thăng hoa cho thơ. Đó là chỗ thơ đơm hoa kết trái. Trương Vạn Thành tìm được một ẩn dụ lớn từ một hình ảnh nhỏ, tìm được một cái rất mới từ một cái rất cũ. Chính vì thế, mặc “Ngoài kia, qua khung cửa/ Những ngôi sao cô đơn/ Ngoài kia, gió mưa tuôn/ Trần gian trong bóng tối/ Nguồn cảm hứng đèn tôi/ Thắp vô vàn tia mới”. Một ngọn đèn nhỏ dẫn đến một sự bất ngờ. “Nguồn cảm hứng đèn tôi/ Thắp vô vàn tia mới”. Một chi tiết làm cho toàn bộ ý tứ bài thơ lóe lên, bật lên, tỏa sáng. “Ngọn đèn dầu” đã bỏ lại phía sau bút pháp kể tả, thuật, diễn. Tức là Trương Vạn Thành đã bỏ lại được cái bên ngoài mà hướng tới cái bên trong.

Bất chợt tôi tự vấn, tại sao Trương Vạn Thành không lấy tên bài thơ này đặt tên cho tập thơ nhỉ? So với bài “Hoa cỏ lau” mà tác giả chọn làm tên cho cả tập thì bài này gây ấn tượng mạnh mẽ với tôi hơn. Nó rõ ràng về ý, chặt chẽ về tứ, mạch lạc về câu chữ, gợi mở về hình ảnh, đằm thắm về tình. Có lẽ, “Ngọn đèn dầu” chín nhất, tiêu biểu cho cách nghĩ, cách cảm của “Hoa cỏ lau”. Và “Hoa cỏ lau” là tập chín nhất trong các tập thơ của Trương Vạn Thành đã xuất bản.

Năm 2008, anh được Nxb Hội nhà văn xuất bản tập “Biển hát”; Năm 2013, anh được Nxb Văn học xuất bản tập “Chim họa mi sổ lồng”; năm 2014, anh được Nxb Hội Nhà văn xuất bản tập “Thơ viết trong đêm tình yêu”; năm 2016, Nxb Hội Nhà văn lại xuất bản cho anh tập “Mùa đông lại về”. Và 2018, anh xuất bản tập “Hoa cỏ lau”. Nhìn vào chuỗi tác phẩm đã được công bố đủ biết Trương Vạn Thành là cây bút viết nhanh, viết khỏe, viết bền, viết liên tục, không đứt quãng.

Mười năm, anh cho ra mắt 5 tập thơ. Phải yêu thơ lắm, ham thơ lắm, tâm huyết với thơ lắm, hy sinh cho thơ lắm mới có được thành quả ấy. Cái lớn, cái khôn, cái trưởng thành, cái lan tỏa, cái thành công của Trương Vạn Thành không phải thể hiện ở số lượng 5 đầu sách. Cái được, cái khẳng định Trương Vạn Thành thể hiện ở chỗ khác. Năm 2016, 2017, 2018 anh xuất hiện liên tục trên Báo Văn nghệ. Có năm, Trương Vạn Thành có 3, 4 chùm thơ, mỗi chùm ba bài được in trên Báo Văn nghệ, một tờ báo văn chương, một tờ báo uy tín nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Trương Vạn Thành đã lập kỷ lục về số lần in chùm ba bài thơ nhiều nhất trong một năm so với tất cả các nhà thơ là Hội viên Hội Nhà văn Thanh Hóa nói riêng, với tất cả các cây bút thơ Hội VHNT Thanh Hóa nói chung. Tất cả những chùm ba bài được in trên Báo Văn nghệ đều được Trương Vạn Thành tập hợp, đưa vào “Hoa cỏ lau”. Nói như thế để khẳng định, chất lượng tập thơ “Hoa cỏ lau”.

Có thể coi 5 tập thơ là 5 vụ mùa Trương Vạn Thành đã gặt hái được trong mười năm lao động miệt mài, nhiệt tình, hăng hái, say sưa, toàn tâm hướng về phía trước. Cái mừng nhất không phải vụ mùa nào cũng mang đến hương vị ngọt ngào. Mừng nhất là qua từng tập thơ, bạn đọc nhận ra anh không ngừng chuyển dịch cách tiếp cận đề tài, cách tiếp cận chữ nghĩa. Bạn đọc nhận ra, từng bước, Trương Vạn Thành đang nhuần nhuyễn câu chữ, đang định hình phong cách. Nói đúng hơn, anh không ngừng hoàn thiện mình, xác lập phong cách thơ mình, xác lập để hoàn thiện. Xác lập để chín. Chín để xác lập.

Trong “Hoa cỏ lau” song song tồn tại hai loại ngôn ngữ thơ: Một loại ngôn ngữ trực cảm và một loại ngôn ngữ xúc cảm. Ngôn ngữ trực cảm là loại ngôn ngữ nhìn thấy, nghe thấy, đụng chạm thấy. Loại ngôn ngữ trực cảm thể hiện rất rõ trong bài “Uống rượu trên đỉnh thác suối Tranh”. Trương Vạn Thành viết “Uống rượu trên đỉnh thác suối Tranh/ Đánh trần, xếp bằng trên đá/ Nước thì chảy tràn hối hả/ Tượu thì từng nhấp êm trôi”/.../ Suối Tranh ầm ào thác đổ/ Chiều hong nắng nhạt rừng hoang/ Bên nhau kẻ Bắc, người Nam/ Quây tròn một vòng tâm đắc/ Chén chú, chén anh canh cách/ Chụm vào rồi lại xòe ra”. Mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh cho ta thấy suối, thấy người, thấy nắng, thấy từng động tác, từng cử chỉ. Bài “Những người đi nhặt rác trong rừng”, ngôn ngữ trực cảm còn được tác giả sử dụng triệt để hơn: “Đường lên núi Phú sĩ/ Như dải lụa mềm uốn lượn/ Len qua những cánh rừng/ Những cụ già tình nguyện/ lặng lẽ/ Men theo vệ cỏ bên đường/ tìm, nhặt/ dù chỉ một mẩu rác/ Rừng mùa thu rực vàng”. Ai chưa đến núi Phú Sĩ, đọc bài thơ này không những hình dung ra mà thấy rất rõ trước mắt đường lên núi, cụ già, cỏ, rừng thu lá vàng. Trong bài “Trái tim ngoài phòng mổ” anh không ngại chi tiết khoảnh khắc đứng bên ngoài khi “Em còn trên bàn mổ/ Thịt da máu ứa”: “Đợi em từ giờ Thìn qua giờ Tỵ, giờ Ngọ/ Ôm chiếc chăn chiên chờ đắp cho em sau ca mổ/ Hết đứng lại ngồi/ Nghĩ khôn, nghĩ dại”. Bút pháp này còn được Trương Vạn Thành sử dụng trong rất nhiều bài khác như: “Cả tiếng người xưa đương hát”, “Câu Kiều”, “Khi đàn sếu bay qua”, “Ơi biển chiều đông”.

Ngôn ngữ trực cảm là thế mạnh của Trương Vạn Thành. Nó là sở trường của anh. Một nửa thơ anh đến với bạn đọc, thấm vào bạn đọc từ nghệ thuật ngôn ngữ trực cảm của anh.

Loại ngôn ngữ thứ hai trong thơ Trương Vạn Thành là loại ngôn ngữ của xúc cảm. Đây là loại ngôn ngữ mang nhiều dấu ấn của trải nghiệm, ký ức, suy ngẫm, triết luận. Trong “Hoa cỏ lau” Trương Vạn Thành có nhiều ý thơ, đoạn thơ sử dụng loại ngôn ngữ thuộc nội tâm. Có thể dẫn: “Nơi tôi đặt bó hoa vàng tưởng niệm/ Trên bức tường đôi cõi cách ngăn/ Âm phủ u... u cất tiếng/ Vạn linh hồn trên đỉnh trụ vút cao/ những chấm đỏ đầu hương lặng lẽ/ Tỏa trầm hương thơm thành kính xôn xao/ Những đoàn người đi trong lặng lẽ/ Nẽn buồn thương lệ ứa nghẹn ngào” (Đêm ở nghĩa trang Hàng Dương); “Nàng rã rời buông chiếc lông ngỗng/ mắt hoa lên trắng xóa ngàn lau/ vó ngựa chồn/ trong tiếng sóng lao xao/ Rồi chìm vào mộng mỵ/ Phút giây tình si/ gặp chàng trong nước mắt/ ôi những ngày qua hãi hùng” (“Nàng Mỵ Châu”). Ta không thấy kể, tả, tường thuật; không thấy không gian, thời gian cụ thể trong hai đoạn thơ trên. Ở đây, Trương Vạn Thành bằng trải nghiệm của mình, bằng trí tưởng tượng của mình, Trương Vạn Thành tạo ra một trường cảm thụ ảo, giao tiếp ảo. Anh chinh phục người thưởng thức thơ bằng cảm thức ảo ấy. Người đọc rất mừng được tưởng tượng, được miên man, được liên tưởng bởi các hình ảnh, xúc cảm và được chiêm nghiệm nhiều chiều kích cùng câu chữ. Trong bài “Tạm biệt Quy Nhơn”, ngôn ngữ nội tâm được Trương Vạn Thành sử dụng dạt dào chất trữ tình. Người đọc bị hút vào cái tình đằm thắm, da diết: “Tạm biệt nhé dừa xanh, cát trắng/ Thẩn tha ta dạo gót, chiều vàng/ Nghe chầm chậm hương đời dịu ngọt/ Em mơ màng, sóng ru khúc tình tang/ Tạm biệt nhé Tiên sa gành Ráng/ Ta tìm đây mỏm đá bóng thi nhân/ Hồn thơ thả lên trời từ độ ấy/ Tìm yêu thương rỉ máu dưới trăng ngần”. Một số bài khác như “Sen hạ Tây Hồ”, “Mai vàng nở muộn”, “Qua cửa Linh Trường” tác giả sử dụng gần như một trăm phần trăm loại ngôn ngữ xúc cảm. Nội tâm tác giả, ý nghĩ của tác giả, bản lĩnh tác giả, điệu hồn tác giả được bộc lộ khá rõ. Thành công nhất về nghệ thuật sử dụng loại ngôn ngữ trừu tượng, có tính tượng trưng, giàu biểu cảm, chứa đựng nội hàm cao này chính là bài “Ngọn đèn dầu”.

Với bài thơ “Ngọn đèn dầu” thắp trong căn phòng nhỏ, Trương Vạn Thành không phải đã thắp được một ngọn đèn dầu mà đã thắp lên một ngọn lửa trên một chặng đường thơ mới.

Nguyễn Minh Khiêm


Nguyễn Minh Khiêm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]