(vhds.baothanhhoa.vn) - Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2017, Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Cái thông tin cộc lốc ấy chưa đủ để nói về nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Ông sinh năm 1941 tại làng Bình Lâm, xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (cùng làng với nhà thơ Nguyễn Duy ). Đã tham gia quân đội, tại chiến trường khu V, nhưng ông còn là nghệ sĩ ở đoàn văn công quân đội, rồi làm cán bộ Viện Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam (1963 - 1967),...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Người chống nạng đi trên phố Hoa Lư

Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2017, Huân chương Chiến công hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba; Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Cái thông tin cộc lốc ấy chưa đủ để nói về nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo. Ông sinh năm 1941 tại làng Bình Lâm, xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa (cùng làng với nhà thơ Nguyễn Duy ). Đã tham gia quân đội, tại chiến trường khu V, nhưng ông còn là nghệ sĩ ở đoàn văn công quân đội, rồi làm cán bộ Viện Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam (1963 - 1967),...

Lâu lắm không gặp ông Tạ Quang Bạo, hôm gặp thì ông đã đi cà nhắc. Cái nạng cặp kè bên người. Thế mà đã 8 năm, sau cái đận bị tai biến.

Tạ Quang Bạo là một trong những đại biểu xuất sắc nhất về điêu khắc của thế hệ ông. Tác giả Tạ Quang Bạo là cuộc hành trình bền bỉ để vỡ vạc phong cách điêu khắc giản dị và biểu cảm. Như cuộc hành trình từ sông Mã quê hương ông đến sông Hồng của đất nước để đổ ra đại dương của nhân loại, bắt đầu từ sự trân quí con người, cuộc sống, thiên nhiên mà nghệ thuật là sự bồi đắp không ngừng nghỉ. Một trữ lượng tác phẩm dồi dào đã bồi đắp tên ông với nền điêu khắc Việt Nam hiện đại. Phẩm chất tự thân, giàu nội lực, sự nghiệp điêu khắc đầy hào sảng của ông có giá trị đồ sộ và vững bền theo thời gian.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là nghệ sĩ quân đội thuộc thế hệ kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Ông có nhiều tác phẩm điêu khắc và tượng đài lớn được xây dựng trên nhiều vùng miền của đất nước. Nhiều tác phẩm, công trình của ông có nội dung về hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, ngôn ngữ điêu khắc có nhiều tìm tòi, sáng tạo, mạch lạc, hoành tráng, khoẻ khoắn, mang tính thời đại và có giá trị nghệ thuật cao. Tác phẩm của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã được tặng Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc: Giải A năm 1980 và Giải B năm 1976; Giải Nhất Triển lãm 10 năm Điêu khắc Toàn quốc năm 1983; Giải A Triển lãm Mĩ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 1984. Năm 2001 nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I. Tác phẩm hoành tráng là thế và con người bằng xương bằng thịt của ông cũng thật gai góc và mang đầy khí chất đặc trưng của người xứ Thanh.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.

Mấy lần tôi định viết về chân dung nghệ sĩ Tạ Quang Bạo, nhưng mà khó quá. Khó không phải vì thiếu tư liệu mà là vì ông tài hoa đa dạng quá. Còn tác phẩm của Tạ Quang Bạo đồ sộ quá. Không gian của bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam lại không đủ chứa những đồ sộ ấy. Nhà ông quá chật chội trong khi tác phẩm điêu khắc cần phải có không gian hợp lý mới nói lên được hết những ngôn ngữ mà người nghệ sĩ muốn tạo ra. Trong con người Tạ Quang Bạo đặc sệt cá tính và phong cách người xứ Thanh: Tài hoa, bộc trực và lại đa tình đến mức đa đoan.

Xem ông nặn tượng thì mới biết ông hóa thân vào tác phẩm thế nào. Một lần tôi đến thăm ông tại nhà riêng. Mùa hè, ông mặc mỗi quần cộc. Người bóng nhẫy mồ hôi. Hai tay ông đầy đất cát và ngón tay dính đầy sét dẻo. Tư thế ấy ông làm sao tiếp khách được. Ông vẫn vừa làm vừa tiếp khách, vừa cười vừa hài hước. Ông đã vào việc là mê như điếu đổ luôn. Khách đến thì nước đấy, uống đi. Miệng nói chuyện, tay vẫn nặn tượng. Say mê đến độ ấy là cùng. Chỉ khi ông đứng dậy và đi sang bàn nước mới biết là chân ông bị tật, đi lại khó khăn.

Nhiều bức tượng của ông rất lãng mạn và phồn thực. Xem nó, ta như khao khát yêu, khao khát sống và khao khát sáng tạo. Con người này, thời trẻ không thể không đa đoan. Có lần đột ngột tôi hỏi ông: Xưa bác có bồ không? Ông trố mắt nhìn tôi như nhìn một vật lạ: Sao mày hỏi thế? Nếu tao có bồ ngày xưa thì đã làm sao. Nghe ông nói thế, tôi không dám hỏi nữa. Cũng không nên tò mò những chuyện riêng của nghệ sĩ.

Nếu ai chưa hiểu ông hay gặp ông lần đầu thì rất khó chịu. Ông được Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2001. Tôi đến xin phép ông cho đưa tác phẩm ra trưng bày ở Hội trường nhân dịp gặp mặt văn nghệ sĩ và nhà báo xứ Thanh tại Hà Nội dịp đầu xuân. Ông bảo, đưa tác phẩm của mình loại đồ gốm ra trưng bày phải có cam kết: Hỏng phải đền. Tôi phát hoảng. Hội đồng hương văn nghệ sĩ làm gì có tiền mà đền nếu tác phẩm hỏng. Thôi đành lấy các tác phẩm tượng gỗ vậy. Tôi phải cho xe con đưa tác phẩm của ông ra một chuyến, một chuyến nữa đón ông ra dự Tết rồi lại đưa ông về tận nhà mới yên tâm. Đi lại quanh hội trường phải có một cháu sinh viên hỗ trợ.

Tượng đài Chiến thắng sông Lô, 1982, tác phẩm đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT 2017.

Bác Lê Huy Ngọ, trong một lần tâm sự với tôi, bác bảo: Mình có một món nợ với Tạ Quang Bạo mà lâu lắm chưa trả được. 30 năm trước, khi Tạ Quang Bạo làm công trình tượng đài Chiến thắng sông Lô, mình có hứa là sẽ có phần thưởng xứng đáng cho ông. Lúc bấy giờ mình đang làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú. Khu đặt tượng đài nằm trên bờ sông Lô, thuộc huyện Đoan Hùng. Công trình ấy thật hoành tráng in trên nền trời Việt Bắc cho thế hệ mai sau nhớ về một chiến thắng vang dội trong giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Pháp không bao giờ phai mờ trong lòng dân Việt Nam. Tháng 10/1947, quân ta đã bẻ gãy một trong hai gọng kìm quan trọng của thực dân Pháp tấn công lên chiến khu Việt Bắc với âm mưu tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Ta đã chọn địa điểm xã Chí Đám thuộc huyện Đoan Hùng là địa điểm tổ chức chiến đấu chặn đánh quân Pháp để bẻ gẫy gọng kìm trên đường thuỷ. Văn Cao đã sáng tác bài hát Sông Lô với những giai điệu thật hùng tráng: "...Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u. Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu...”. Bác Lê Huy Ngọ nói giọng buồn buồn: Nhưng rồi mình đi khỏi Vĩnh Phú về làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa mà món nợ xưa thì chưa trả được.

Tôi nói đùa với bác Lê Huy Ngọ: Nhưng tác phẩm tượng đài hoành tráng: Chiến thắng Sông Lô, thì đã được Nhà nước trả nợ rồi. Tác phẩm đồ sộ ấy đã được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2017. Thì ra, Đảng và Nhà nước ta không quên công lao và trí tuệ sáng tạo của bất cứ một nghệ sĩ nào cả.

Ngày ngày, người ta vẫn thấy một người đội mũ phớt, chống nạng, tập tễnh đi trên phố Hoa Lư của Hà Nội. Bóng ông đơn côi trong chiều vàng. Bọn trẻ, không biết ông là ai. Ông như một người bình thường bị lẫn trong đám đông ồn ào đô hội của Hà thành phồn hoa...

Hà Nội, tháng 5/2018

Lê Tuấn Lộc


Lê Tuấn Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]