(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Ấn tượng đầu tiên với tôi có lẽ là sự cẩn trọng, nghiêm túc và trách nhiệm của những người làm nên cuốn sách. Tình yêu với biển đảo luôn được găm trong tim mỗi người, nhưng kể từ khi phát động tập hợp những bài thơ về biển đảo, rất nhiều nhà thơ, cây viết hào hứng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Tôi yêu biển đảo quê hương" - nặng nghĩa tình

(VH&ĐS) Ấn tượng đầu tiên với tôi có lẽ là sự cẩn trọng, nghiêm túc và trách nhiệm của những người làm nên cuốn sách. Tình yêu với biển đảo luôn được găm trong tim mỗi người, nhưng kể từ khi phát động tập hợp những bài thơ về biển đảo, rất nhiều nhà thơ, cây viết hào hứng.

Tuy nhiên, những người tổ chức bản thảo thực sự lo lắng. Đơn giản có tấm lòng, có tình yêu, nhưng đâu dễ dàng để nói nên lời, lại càng khó khăn khi biểu thị bằng ngôn ngữ thơ, càng khó hơn khi tổ chức thành cuốn sách dày dặn như sự trả nghĩa với Biển đảo quê hương đã nuôi sống đời thơ, đời người.

Cuốn sách gồm 100 trong số hơn 300 bài thơ nhận được sau khi phát động. Ngoài sự tuyển chọn những bài thơ đã rất nổi tiếng nhất về biển đảo như Biển (Xuân Diệu), Thuyền và Biển (Xuân Quỳnh), Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Đồng đội tôi trên đảo Thuyền Chài (Trần Đăng Khoa), đây là sự quy tụ hầu hết cả các cây viết hiện nay ở Thanh Hóa. Từ những cái tên rất quen thuộc, những cái tên vừa lạ vừa quen và cả những cái tên chưa một lần tôi được biết. Tuy nhiên, hơn hết đó là sự gửi gắm những tâm sự, tâm trạng và cả suy tư của các tác giả qua từng câu chữ.

Phải nói là tôi sợ nhất cảm giác về sự đao to búa lớn khi đề cập đến vấn đề biển đảo. Cái hình tượng lớn lao ấy đúng là mảnh đất màu mỡ để nhà thơ thăng hoa, nhưng cũng dễ hướng người ta đến những điều xa vời vợi. Trong cái vô cùng vô tận của biển, đảo con người ta dễ trải lòng, dễ tuyên ngôn, dễ đặt ra những câu hỏi mà không thể trả lời. May mắn là tập thơ không mắc vào những điều đó.

"Tôi yêu biển đảo quê hương" xuất phát chính từ tình yêu sự gắn kết với những người thân yêu nhất của mình. Nếu đọc thơ của Tú Anh, biển đảo gần gũi máu thịt như chính đứa con của mình: Tổ quốc là gì mẹ chưa từng nói một lần/ Nhưng ngày sóng rách đau mẹ dắt tay con đưa ra phía biển/ Chạy ngược về thắp lên mộ cha nén hương không lời hẹn/ Thấy muôn nẻo yên bình như những khúc ca dao. Phùng Hương lại nhìn thấy sự đối lập trên gương mặt người cha người mẹ khi ra khơi: Sáng sáng tinh mơ mẹ đi rước lưới/ Khuôn mặt nghìn đời/ Lo âu vời vợi/ Bên nụ cười cha cháy nắng rạng ngời (Bám biển). Còn Phạm Nga đau đớn khi nhìn giọt nước mắt cha mình: Cha à... đừng khóc nữa nghe cha/ Con chưa bao giờ thấy cha ngồi khóc/ Nước mắt đàn ông con chỉ nghe trong bài học/ Lỡ một giọt rơi rồi sẽ đau vạn kiếp đời trôi.

Biển còn là hình tượng để các nhà thơ gửi gắm khi nói về tình yêu. "Trước biển", Nguyễn Trúc Quỳnh cảm nhận: Biển có anh/Biển có tình yêu đong đầy của người con gái ấy... / Biển cho em tình yêu nồng cháy/ Cho em được ngắm mình/ Cho anh được thỏa vùng khát khao ngụp lặn. Biển là nỗi nhớ thương: Anh như cơn sóng vỗ bờ/ Em là triền cát/ Nắng gió đùa lung linh/ Sóng không bờ lênh đênh phiêu bạt/ Vắng sóng xô bờ khát đến bạc đầu (Phạm Huy Thanh - Tình biển). Thậm chí chỉ là lời mời gọi đến duyên dáng: Nhà anh đây, dầu dãi tháng ngày/ Vách đất tranh tre bốn bề gió thổi/ Tiếng sóng biển bỗng cồn cào sôi nổi/ Quê hương chào em!/ Thân thương ơi! (Văn Đình Thuận - Về miền cát trắng). Nhưng biển còn là tình nghĩa vợ chồng: Ngọn đèn đêm cùng anh gác canh thâu/ Thư viết cho em nghiêng chao từng cánh sóng/ Gửi nhớ thương qua những chiều gió lộng/ Mong phút yên bình chỉ để nhớ nhà hơn. (Lý Thị Thanh Phương - Biển đảo thân thương).

Bìa tập thơ.

Đọc tập thơ, có thể dễ dàng nhận ra tình cảm của hầu hết các tác giả dành cho người lính, đặc biệt là lính Hoàng Sa - Trường Sa. Có lẽ cái kí ức cũng như cái hiện thực khi vùng biên thiêng liêng của tổ quốc đang ở vào thế lâm nguy, khiến các nhà thơ dễ dàng trải lòng với những âu lo, tâm sự, và cả những mong muốn được góp phần nào để giữ gìn đất nước. Hàng loạt bài thơ của các tác giả như Trần Thị Lâm, Hoàng Xuân Đổng, Lê Hải Chinh, Đới Thị Dung, Lê Duy Dũng, Trần Đàm, Vũ Duy Hòa... đã tạo dựng nên hình ảnh người lính thời bình thật đẹp, thật trong và cũng thật dũng cảm.

Tuy vậy, hình ảnh người lính vẫn được các tác giả khai thác trong nỗi cô đơn tận cùng với nỗi nhớ người yêu, sự nhỏ nhoi trước sóng to gió lớn... Tác giả Viên Lan Anh trong bài thơ Giòng máu linh thiêng có câu Những người lính Hoàng Sa - Trường Sa đang hóa cánh chim lành; hay nhà thơ Lâm Bằng trong chùm thơ về đảo có câu: Dấu cát in lên những bước dài/ Là vẫn vậy giữa thường ngày lặng lẽ/ Tựa vô tình in rồi lại xóa/ Biển ôm vào lòng ngàn vạn bước chân quen (Dấu chân người giữ đảo). Cho đến hôm nay Hoàng Sa, Trường Sa vẫn là mạch vỉa để các nhà văn nhà thơ và cả những cây bút mới khai thác. Mai Hương trong bài thơ "Nơi ấy là Tổ quốc": Sóng Trường Sa, gió Hoàng Sa/ Dẫu lang thang nơi đâu/ Vẫn tìm về gối đầu vào Mẹ/ Mẹ Tổ Quốc dang vòng tay đón đợi/ Những bãi bờ chan chứa yêu thương… Hay Trần Tất Lâm nhận ra có những “Lời ru mặn”: Ngủ ngoan nhé con khuôn mặt tựa vầng trăng/ Soi sáng cho Cha từng đêm trên đảo vắng/ Đất nước và con là niềm tin Cha phải sống/ Chắc tay súng này giữ trọn đảo quê hương.

Ngoài ra còn một mảng rất quan trọng trong tập thơ đó chính là biển qua những hình ảnh thân quen của người dân xứ Thanh, đó là hình ảnh Sầm Sơn,hòn Trống Mái, hay đảo Mê. Đinh Ngọc Diệp lấy ra được tứ thơ rất hay: Thuở lụt bể chết mấy đồng, mấy núi/ Đứng chôn chân những rùa đá, voi chầu/ Làng sót lại đôi vợ chồng cũng không qua cái đói/ Phút cuối cùng hoá đá, vẫn tìm nhau!, hay Vũ Duy Hòa trong "Sầm Sơn biển nhớ" có Biển vẫn xanh mênh mông là thế/ Để cho em khua mãi mái chèo/ Sóng vẫn thế từ ngàn đời khát vọng/ Sầm Sơn ơi! Biển nhớ gọi ta về.Hay hình ảnh đảo Mê qua thơ Nguyễn Hữu Ngôn: Đất liền gửi anh nỗi nhớ niềm mong/ “Chiến hạm nổi” xanh bình yên hoa lá/ Đảo Mê ơi tình dân như biển cả/ Mỗi con thuyền là một áng sao sa. Còn Bùi Hoàng Tám cũng có cách nhìn về hòn Mê rất ngọt ngào: Biển ngoài kia ngằn ngặt một màu xanh/ Sóng lớp lớp, anh một mình với cát/ Hòn Mê ngủ trong lời gió hát/ Anh mơ màng mang cát phủ vào anh.

Có thể nói tập thơ đã đem lại những cảm xúc trong trẻo, một tình yêu đẹp về biển đảo quê hương với người đọc. Bằng lối viết nhẹ nhàng, đôi khi có sự ngô nghê, nhưng là cái ngô nghê đáng yêu, đáng nhớ. Tôi được biết có rất nhiều tác giả trong tập thơ lần đầu tiên được in thơ. Chính tâm lí đó khiến tôi đọc có cảm giác tác giả dẫu đang tràn trề cảm xúc riêng tư, nhưng khi kết bài thơ bao giờ cũng cố gắng móc nối với Tổ quốc, với sự linh thiêng.

Thơ đẹp ở cảm xúc chỉ khi cảm xúc tan chảy thơ mới thực sự chạm vào trái tim người đọc. Mọi sự khiên cưỡng đôi khi lại làm dở cả bài thơ. Tuy vậy vẫn có rất nhiều những tứ thơ hay, những cách so sánh dí dỏm. Tôi nhớ hình ảnh nhà thơ Văn Đắc ví: Nàng bừng sáng, lan tỏa một mùi hương quả chín/ Biển lao xao hóa đất ngọt trong vườn (Thiếu nữ hát trước biển).

Đi hết không gian biển qua ngôn ngữ thơ, cuốn sách Tôi yêu biển đảo quê hương còn giúp bạn đọc thêm yêu biển, đảo qua những bản nhạc, những bức tranh.

Tập thơ, không nhiều gam màu tươi vui, nhưng đây chính là nốt lặng, để mỗi người được nghĩ nhiều hơn, yêu nhiều hơn và đau đớn hơn với những cơn oằn mình, những tiếng vọng về của biển đảo. Thiết nghĩ, nếu không có một tình yêu thực sự với đất mẹ, với quê hương, với Tổ quốc, có lẽ chẳng bao giờ các nhà thơ xứ Thanh có thể tập hợp được "Tôi yêu biển đảo quê hương". Đây chính là điểm mà tôi trân trọng và cũng dành cảm xúc để đọc tập thơ.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]