(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sau sự thành công của nhiều vở diễn lịch sử, mới đây tại lễ khai trương dàn dựng vở diễn mới trong năm 2016, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Thanh Hóa tiếp tục thể nghiệm đề tài này bằng một kịch bản quen thuộc “Trống trận Ba Đình”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trống trận Ba Đình - vở diễn hứa hẹn nhiều hấp dẫn

(VH&ĐS) Sau sự thành công của nhiều vở diễn lịch sử, mới đây tại lễ khai trương dàn dựng vở diễn mới trong năm 2016, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Thanh Hóa tiếp tục thể nghiệm đề tài này bằng một kịch bản quen thuộc “Trống trận Ba Đình”.

Đồng chí Nguyễn Văn Phát - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đến dự và phát biểu tại buổi lễ.

Dự kiến, vở diễn sẽ hoàn thành vào tháng 11 để phục vụ khán giả tỉnh nhà vào dịp trước, trong và sau Lễ kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Ba Đình lịch sử (1886 - 1887).

“Trống trận Ba Đình” kể về tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân Thanh Hóa trong cuộc đấu tranh đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỷ XIX. Dưới sự chỉ huy chính của Đinh Công Tráng, Phạm Bành và một số tướng lĩnh khác, cuộc khởi nghĩa có lúc đã thu hút tới hàng vạn người tham gia. Với căn cứ địa vững vàng tại 3 làng của xã Ba Đình, huyện Nga Sơn, quân ta đã nhiều lần phục kích làm thiệt hại nặng nề binh lực của địch.

Vì vậy, để triệt hạ nghĩa quân và làm lung lay ý chí đấu tranh của nhân dân ta, địch đã huy động một lực lượng đông đảo với sự hỗ trợ của các loại vũ khí tối tân hiện đại. Sau 32 ngày đánh trả quyết liệt nhưng do lực lượng không cân sức, quân ta người hi sinh, người gia nhập vào lực lượng của các đội quân khác trong phong trào hưởng ứng chiếu Cần Vương lúc bấy giờ.

Dẫu vậy, cuộc khởi nghĩa đã để lại kinh nghiệm quý giá, đó là phải biết chọn địa hình để xây dựng căn cứ địa vững chắc, không để bị cô lập khi có sự tấn công của địch. Cũng bởi ý nghĩa to lớn đó mà sau này, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy tên Ba Đình để đặt cho quảng trường thủ đô và sau này hầu hết trung tâm hành chính của các đô thị trên khắp cả nước cũng đều có những tên phố, phường được đặt tên Ba Đình.

Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa Nguyễn Xuân Thanh trao quyết địnhdàn dựng vở diễn “Trống trận Ba Đình” cho lãnh đạo Đoàn Nghệ thuật Cải lương Thanh Hóa.

Đó cũng là lí do, dù đã có 2 lần dàn dựng kịch bản “Trống trận Ba Đình” vào các năm 1996, 2006, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Thanh Hóa vẫn tiếp tục dàn dựng lại kịch bản này những mong góp thêm kênh thông tin giới thiệu một cách sâu sắc về tên gọi Ba Đình và cuộc khởi nghĩa diễn ra cách đây 130 năm về trước, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đó là trách nhiệm vô cùng to lớn, nhất là khi Thanh Hóa đang chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 130 năm cuộc khởi nghĩa Ba Đình ở quy mô cấp tỉnh.

Và để xứng tầm với ý nghĩa của sự kiện, ngay từ đầu năm, đoàn đã tích cực nghiên cứu và lên kế hoạch khôi phục lại kịch bản. Theo Trưởng đoàn nghệ thuật Cải lương - ông Lê Thế Cử: Với một tác phẩm đã được khẳng định cách đây nhiều năm như “Trống trận Ba Đình” thì việc khôi phục lại đã khó, càng khó hơn là phải làm sao để một kịch bản cũ mà vẫn đem lại những cảm nhận mới mẻ trong lòng khán giả.

Vì vậy, trong thành phần “ê kíp” sáng tạo của tác phẩm, đoàn đã mời sự cộng tác dàn dựng của đạo diễn, NSƯT Triệu Trung Kiên - Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam và NSND Trọng Đài - Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây đều là những nghệ sỹ có uy tín từng góp phần làm nên thành công của nhiều vở diễn sân khấu cải lương trong nước”.

Để vở diễn hoàn thành đúng tiến độ, các nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Thanh Hóa đã bắt tay vào tập luyện ngay sau khi Lễ khai trương dàn dựng vở diễn mới 2016 khép lại. Hi vọng với sự “khổ luyện” này, đoàn sẽ cho ra đời vở diễn vừa mang tính chính trị cao, vừa đảm bảo giá trị nghệ thuật, để người nghe, người xem có thể “cảm” được một cách sâu sắc ý nghĩa của tác phẩm.

Mai Vui



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]