(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhớ lại, gần nửa năm rồi (9/1/2018), sau đợt ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc tăng cường khiến 3 tàu đánh cá của ngư dân xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, bị sóng đánh chìm trên biển khiến 8 thuyền viên mất tích. Hoàn cảnh gia đình 8 thuyền viên bị mất tích vốn đã khó khăn, nay vất vả, liêu xiêu...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xót xa phận người ở lại

Nhớ lại, gần nửa năm rồi (9/1/2018), sau đợt ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc tăng cường khiến 3 tàu đánh cá của ngư dân xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia, bị sóng đánh chìm trên biển khiến 8 thuyền viên mất tích. Hoàn cảnh gia đình 8 thuyền viên bị mất tích vốn đã khó khăn, nay vất vả, liêu xiêu...

“Chuyến đi đầu tiên cũng là chuyến đi cuối cùng của con”

Cả gia đình bà Sáu gồm 8 người cùng sống trong ngôi nhà cấp 4 của các cụ ngày xưa để lại. Đã gần nửa năm qua, bà Lê Thị Sáu, thôn Thanh Nam, xã Hải Thanh vẫn không thể quên đêm định mệnh bà nhận được tin dữ con trai bà - anh Trần Văn Điệp (SN 1988), thuyền viên trên Thuyền TH-1288TS, bị mất tích trên biển do sóng to, gió lớn. Nửa năm trôi qua, dẫu biết sẽ không có một phép màu nào cả nhưng bà vẫn không thôi hi vọng con trai bà một ngày nào đó sẽ lành lặn trở về. Nhất là khi nhìn thấy hai đứa cháu còn quá nhỏ, bỗng chốc mồ côi cha. Con dâu bà là chị Nguyễn Thị Thủy mới 27 tuổi, từ khi chồng mất tích trên biển, chị gửi con cho bà Sáu chăm sóc, gắng gượng, nén nỗi đau và đi làm tại công ty giày da cách nhà vài cây số để có tiền trang trải, nuôi con. Đứa con lớn chưa tròn 5 tuổi. Thương con trai, thương con dâu và các cháu.

Chồng bà mất cách đây gần chục năm do bị bệnh. Bà ở vậy nuôi 5 người con khôn lớn thì đến nay 2 người con cũng bỏ bà về thế giới bên kia với bố. Điệp là con trai cả trong gia đình, rất hiền lành, có trách nhiệm. Điệp trước đó làm công, bốc vác, thu mua hải sản gần bờ. Cuộc sống gia đình khó khăn, con nhỏ nên anh bàn với vợ đi biển dài ngày. Đâu ngờ lần đầu tiên ấy cũng là lần cuối cùng anh không bao giờ trở về nữa.

Bà Lê Thị Sáu, thôn Thanh Nam, xã Hải Thanh cùng 2 cháu nội - con anh Trần Văn Điệp bị mất tích trên biển.

Cũng như bà Sáu, bà Vũ Thị Bảng, thôn Thanh Đình, xã Hải Thanh vẫn chưa thể tin nổi người con trai út của mình là anh Bùi Bá Thắng và em rể bà là ông Lê Văn Thực đều là thuyền viên của Thuyền TH-91552TS sẽ không bao giờ trở về từ sau đêm định mệnh 9/1. Nỗi đau với bà quá lớn, chồng mất sớm, để lại cho bà một mình nuôi nấng, chăm sóc 3 người con. Đến tuổi trưởng thành thì 2 người anh, chị của Thắng chẳng may qua đời. Nhà chỉ còn 2 mẹ con nương tựa vào nhau. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đôi mắt bà bị mờ. Anh Thắng đã 38 tuổi chưa lập gia đình, mặc dù không được khỏe mạnh, lành lặn như bao người khác nhưng vì mưu sinh, có tiền nuôi mẹ, anh Thắng theo anh em họ hàng đi biển và rồi gặp nạn. Người mẹ nghèo cạn khô nước mắt vì thương chồng, thương con, nỗi đau tinh thần biết bao giờ nguôi ngoai. Từ ngày Thắng mất, bà nhờ sự giúp đỡ của bà con hàng xóm, họ hàng những lúc trái gió trở trời. Hiện nay, ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng theo chế độ 167, bà Bảng cũng làm thuê, dọn dẹp cho một số gia đình trong xã. Mất chồng, mất con, một mình bà gắng gượng và luôn động viên mình.

“Chung tay nâng bước em đến trường”

Đợi tôi dưới cổng UBND xã Hải Bình, chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã vừa niềm nở chào khách, vừa điểm qua hoàn cảnh gia đình anh Hoàng Văn Khâm, thôn Nam Hải, thuyền viên bị mất tích trên Thuyền TH-1288TS, chủ thuyền là anh Nguyễn Văn Mạnh, thôn Thanh Na, xã Hải Thanh. Anh Khâm mất tích trên thuyền cùng anh Điệp. Ngôi nhà nhỏ trống hoác, không có đồ đạc gì đáng giá, được xây dựng từ sự hỗ trợ của anh em họ hàng thì giờ đây chỉ còn đặt chiếc bàn thờ có di ảnh anh Khâm. Chị Hiền vợ anh Khâm vốn dĩ bị bệnh thần kinh và thường xuyên lên cơn co giật. Từ ngày anh Khâm mất tích trên biển đến nay, cuộc sống gia đình càng khó khăn. Cháu đầu anh chị là Hoàng Văn Long (SN 2001) đến nay cũng đã nghỉ học, làm thuê để đỡ đần cho mẹ và em. Từ ngày anh Long ra Hà Nội làm phụ giúp cho một quán ăn nhà người quen, Hoàng Thị Hân (lớp 6), ở nhà cáng đáng mọi việc sinh hoạt, chợ búa, trong nhà những lúc mẹ lên cơn bệnh. Cô bé 11 tuổi đảm đang so với độ tuổi. Nhưng em luôn được học sinh xuất sắc toàn diện và năm học vừa rồi em đạt giải Nhì môn Tiếng Việt cấp huyện. Mấy tháng nay, Long ra Hà Nội người gầy và đen đi nhiều, mỗi lần anh về cho mẹ được 1 triệu cùng với số tiền được trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, hai mẹ con ở nhà chỉ đủ trang trải cuộc sống.

Mặc dù bố mất, mẹ bị bệnh nhưng cháu Hoàng Thị Hân học rất giỏi.

Tôi nhìn thấy trong đôi mắt em nghị lực, sự mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn. Mừng lắm và cũng lo lắm với chặng đường phía trước của em. Liệu em có đi hết con đường học tập nếu người anh không thể kiếm đủ chi phí học tập?. Mong rằng, những đứa trẻ miền biển sớm mồ côi bố như Hân, như con anh Điệp sẽ nghị lực vượt qua những giông tố đầu đời, giống như bản chất người dân miền biển, luôn rắn rỏi, nghị lực trước sóng, gió.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]