65 năm du lịch Việt Nam: Vững bước, khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới
Du lịch là một trong những lĩnh vực kinh tế quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới. Trải qua nhiều thăng trầm, đặc biệt là giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đang dần phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng và ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Vượt qua đại dịch, vươn tầm quốc tế
Kể từ khi được thành lập vào ngày 9/7/1960 đến nay, ngành Du lịch Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng, có sức lan tỏa lớn và đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trải qua hơn sáu thập kỷ, ngành du lịch đã chuyển mình mạnh mẽ từ một lĩnh vực phục vụ mục tiêu chính trị - ngoại giao trong những năm đầu thành lập, sang một ngành công nghiệp hiện đại, có năng lực cạnh tranh quốc tế, từng bước xây dựng được thương hiệu "Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Những năm gần đây, du lịch Việt Nam liên tục gặt hái thành công và được báo chí quốc tế đánh giá là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á và châu Á. Nhiều tạp chí danh tiếng thế giới như: Travel + Leisure, Condé Nast Traveler, National Geographic... đã bình chọn Việt Nam là một trong những điểm đến không thể bỏ qua với sự đa dạng về cảnh quan, nét văn hóa truyền thống và nền ẩm thực đặc sắc.
Trình diễn nghệ thuật hát then đàn tính trên tàu du lịch Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Các thành phố như: Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, Hạ Long, Thành phố Hồ Chí Minh... đều góp mặt trong danh sách những điểm đến hàng đầu châu Á do các nền tảng du lịch lớn TripAdvisor bình chọn. Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên, Việt Nam còn nổi bật nhờ hệ thống hạ tầng du lịch hiện đại, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách trong nước và quốc tế.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia tiên phong tại khu vực trong việc phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhiều lần ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, gìn giữ di sản và phát triển du lịch gắn với cộng đồng.
Với chính sách thị thực phù hợp, các chiến dịch xúc tiến quảng bá sáng tạo cùng tinh thần đổi mới toàn ngành, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng mạnh sau đại dịch. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn và doanh nghiệp du lịch Việt Nam liên tục được vinh danh tại giải thưởng quốc tế uy tín World Travel Awards, khẳng định vị thế mới của du lịch Việt trên trường quốc tế.
Đáng chú ý, việc quảng bá du lịch Việt Nam tại các sự kiện lớn như: Hội chợ Du lịch ITB Berlin (Đức), Liên hoan phim Cannes (Pháp) hay các hoạt động xúc tiến tại châu Âu, châu Á đã góp phần tăng cường sự hiện diện thương hiệu du lịch Việt Nam trên các thị trường trọng điểm.
Đà Nẵng đã trở thành địa điểm lý tưởng của các CLB dù lượn và du khách thích khám phá thành phố từ trên cao. Ảnh: Kha Phạm - TTXVN
Những thành tựu ấn tượng trên không chỉ phản ánh tinh thần đổi mới và nỗ lực vượt khó của ngành du lịch, còn mở ra cơ hội to lớn để phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm, từ đó đưa Việt Nam trở thành điểm đến thân thiện, chuyên nghiệp và đầy hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.
Tổng kết chặng đường 65 năm xây dựng, phát triển ngành du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngành du lịch Việt Nam cũng luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao: Từ nhiệm vụ phục vụ các đoàn khách và phát triển kinh tế trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc khi đất nước còn bị chia cắt cho đến tuyên truyền hình ảnh dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với các quốc gia trên thế giới sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất và thúc đẩy hội nhập quốc tế mạnh mẽ khi đất nước đổi mới, đưa du lịch trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng 72 lần, từ 250.000 lượt vào năm 1990 đến 18 triệu lượt vào năm 2019. Du lịch đóng góp 9,2% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nền kinh tế.
Đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc để thích ứng linh hoạt, đổi mới sáng tạo; không chỉ tái thiết lại hoạt động, phục hồi nhanh hơn mọi lĩnh vực, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu trong nước, còn thành công khai thác, phát huy bản nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tạo nên vùng trụ cột phát triển bền vững và toàn diện của du lịch trong kỷ nguyên mới.
Phong cảnh Vịnh Hạ Long tuyệt đẹp với tuyến đường ven biển tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN
Không chỉ đóng góp ở gốc độ một ngành kinh tế, du lịch còn là nhịp cầu hữu nghị thúc đẩy giao lưu nhân dân và văn hóa đối ngoại. Thông qua du lịch, các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam được quảng bá rộng rãi đến bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao sức mạnh “mềm” của Việt Nam trên thế giới. Du lịch Việt Nam đã thực sự vươn lên tầm cao mới với sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế không riêng nhiều giải thưởng danh giá, uy tín toàn diện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, những thành tựu ngành du lịch đạt được là nhờ có sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt và sát sao của Đảng, Nhà nước; Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là sự đóng góp không ngừng nghỉ của nhiều thế hệ cán bộ và người lao động trong ngành du lịch; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành; sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương; sự vào cuộc tích cực của các cơ quan thông tấn, báo chí và sự ủng hộ, hưởng ứng tích cực của nhân dân, du khách trong nước và quốc tế.
Tận dụng cơ hội để khẳng định vị thế
Năm 2025, ngành Du lịch Việt Nam kỷ niệm 65 năm thành lập trong bối cảnh đặc biệt, nhiều địa phương đang thực hiện sáp nhập địa giới hành chính, triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Điều này không chỉ mở rộng địa bàn, tái cấu trúc bộ máy hành chính, còn mở ra cơ hội liên kết tài nguyên, bổ trợ sản phẩm, tăng tính hấp dẫn và sức cạnh tranh cho các điểm đến.
Tại phiên họp Chính phủ với các địa phương – lần đầu tiên diễn ra dưới mô hình chính quyền địa phương 2 cấp – Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá du lịch là một trong 10 điểm sáng nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2025. Trong đó, lượng khách quốc tế liên tục tăng cao, riêng tháng 6 đạt gần 1,5 triệu lượt (tăng 17,1% so với cùng kỳ); tổng 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sản phẩm chè hữu cơ của Hợp tác xã chè La Bằng, xã La Bằng, huyện Đại Từ, được du khách lựa chọn. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới (UN Tourism), quý I/2025 có hơn 300 triệu lượt khách du lịch quốc tế toàn cầu, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2024 và vượt 3% so với trước đại dịch năm 2019. Trong đó, Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương về tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế (+30%) và đứng thứ 2 về tốc độ phục hồi so với trước đại dịch (+34%).
Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 6 về tăng trưởng khách quốc tế và đứng thứ 4 về tăng tổng thu từ du lịch trong quý I/2025, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2024. Những con số thống kê là minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ, vượt bậc của du lịch Việt Nam giữa bối cảnh châu Á vẫn đang từng bước hồi phục sau đại dịch.
Thành công này là kết quả của việc triển khai đồng bộ các chính sách: Từ tham mưu chiến lược, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, kích cầu du lịch, cho đến chính sách visa cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế nhập cảnh.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng. Ngành du lịch với vị thế đã được khẳng định cần tiếp tục tối ưu hóa nguồn lực triển khai nỗ lực, vượt qua các thế lực bên lề đối phó mọi thể tự duy, khai thác đúng tiềm năng, triển khai hiệu quả các tác động từ các yếu tố bên trong và bên ngoài và những giải pháp sáng tạo, đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo... để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Với những thành tích, kinh nghiệm đã đạt được trong 65 năm qua, cùng với tinh thần quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tin tưởng, ngành du lịch sẽ phát huy tiềm năng và lợi thế, xứng đáng là “nhịp cầu kết nối” giữa Việt Nam với bạn bè quốc tế; có những đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế, góp phần cải thiện chất lượng đời sống người dân, phát huy hiệu quả các giá trị di sản văn hóa và nâng cao hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-07-09 15:10:00
Không thu phí xem pháo hoa đối với du khách tham quan vịnh Hạ Long
-
2025-07-08 15:03:00
Xu hướng xê dịch của du khách Việt và thị trường quốc tế 6 tháng đầu năm
-
2025-07-07 10:39:00
Nửa đầu năm 2025, Việt Nam đón 10,7 triệu lượt khách quốc tế