Ân huệ của quá khứ...
Từ cuối tháng 11 âm lịch, mẹ tôi lại nhẩn nha tuốt bớt lá đào. Bàn tay người len nhẹ giữa những nhánh gầy khẳng khiu, thầm lặng đợi hơi xuân ấm dần trong mạch đất mạch cây, sẽ chúm chím nụ xinh một ban mai rạng rỡ.
Gói bánh chưng đón tết. Ảnh: T.L
Ấy là bây giờ, khi đi xa lòng tôi nhớ lại. Thực ra, thuở bé, tết hân hoan giữa lòng con trẻ là khi mẹ gọi người bán mật rong qua làng ghé lại, đắn đo cữ mật cho mùa xuân. Năm nào mẹ mua nhiều, là năm ấy tết to. Chẳng biết có phải tuổi thơ đói nghèo, thiếu thốn đường sữa hay không mà anh em tôi và đám trẻ thời ấy, đứa nào cũng thèm thuồng vị ngọt hắc chạm vào đầu lưỡi và mịn màng thấm quanh vòm miệng. Chắc là không phải, vì trẻ con bây giờ, dù đủ đầy mọi thứ vẫn thòm thèm vị ngọt. Cái ngọt ngào vỗ về, quyến luyến, lắm khi thuộc về cảm giác, cảm xúc, thắm đượm những ân iu dịu dàng mà lòng ta luôn ước ao được uống nếm.
Xen giữa những ngày mưa rét, thời tiết thi thoảng ửng lên bằng thứ nắng hanh vàng xuyên qua vòm trời xám bạc. Xuân âm thầm gửi những tín hiệu đến nhân gian, làm vạn vật tươi tỉnh hẳn lên.
Chắc là lòng tôi dạo ấy cũng hân hoan khi mẹ đong từng bơ gạo nếp, phần gói bánh chưng, phần dành xay bột. Bố tôi xếp lại đống củi gộc góc vườn, chợt ngừng tay ngước lên nhìn vạt chuối sau nhà đang vươn một mùa lá mới, nhẩm đếm từng tàu xanh non, sẽ ngả màu bánh tẻ đúng độ cuối Chạp. Quê tôi gói bánh chưng bằng lá chuối. Lá ấy đem hơ nhẹ trên lửa rơm, mềm, dẻo dai và thơm dìu dịu. Chỉ ít nữa thôi, anh em tôi sẽ có thứ đồ chơi rôm rả, là pháo chuối làm bằng sống lá. Nhà nào cũng gói bánh bằng lá chuối nên thành ra râm ran ngõ quê là tiếng cười và tiếng pháo chuối rôm rốp đuổi theo nhau. Đất trời cứ ấm dần lên theo những đợi chờ hân hoan như vậy. Tết là niềm vui ngập tràn...
Thắng mật có lẽ là thời khắc lòng tôi sung sướng nhất. Trẻ quê, đứa nào chả háo hức đợi chờ một buổi xế chiều, mẹ đem mật ra thắng lại. Đổ mật từ chai vào nồi, cho thêm mấy lát gừng tươi, đun nhẹ đến sôi, những luễnh loãng đâu đây bay theo hơi nước, mật quánh lại, sậm vàng, ánh lên niềm háo hức ngọt ngào trong mắt trẻ. Chờ cho mật nguội dần, mẹ rót trở vào chai, trừ lại một ít trong đáy nồi. Anh em tôi, mỗi đứa một chiếc thìa con, say sưa cạo những dấu mật còn đọng lại. Ai đã đi qua quãng ấy, trên dặm dài bôn ba có thể được nêm nếm nhiều của ngon vật lạ, nhưng cái đậm đà của mật mía đọng nơi đáy nồi còn nóng hơi lửa rơm và vị cay ấm của hương gừng thoảng trên đầu lưỡi, trong cái nhìn thương yêu trìu mến của mẹ, có lẽ là thức vị ngon nhất trên đời.
Thời gian mang tết đến gần hơn. Qua 23 tháng Chạp thì xem như đã bắt đầu tết. Sáng sớm thơm lành, bố tôi vận quần áo chỉnh tề, kính cáo các bậc tiền nhân ngự trên linh đường, sau đó tỉa bớt chân nhang, bao sái bàn thờ. Người tỉ mỉ, tận tụy và thành kính. Đôi vai thi thoảng lại rung lên, nghiêng nghiêng như đỡ lấy một miền tưởng nhớ xa xôi. Bóng dáng của muôn đời đang ghé xuống mỉm cười trong hương xuân ấm áp. Trẻ con trông lên ban thờ thì vừa kính lại vừa sợ.
Tôi vẫn la cà quanh căn bếp ấm. Hương vị xuân - tết dịu dàng nơi tay mẹ hấp dẫn một đứa trẻ như tôi biết chừng nào. Lòng tôi dậy lên những hân hoan sau mỗi phiên chợ mẹ về. Cũng chẳng sắm sanh nhiều nhặn gì, nhưng sự tất bật chu toàn của mẹ làm tôi cảm nhận được ngày tết thật trọng đại. Tết nhất, nên các gia đình ở quê, nếu không quá bĩ cực, cũng gắng chuẩn bị được cặp bánh chưng (thuở ấy bánh còn chẳng có nhân như bây giờ), bánh mật, thịt dành một phần nấu đông, phần luộc làm thịt phay, cá rán kẹp vào nẹp tre gác bên bếp lửa... Thức ăn chừng chỉ có vậy, sao cho đủ biện bày mâm cỗ cúng gia tiên đôi ba ngày tết và để con cháu sum vầy gặp mặt đón xuân.
Tết với trẻ con ngày xưa mọi thứ được quy về mấy cái khoái trá ăn – chơi. Tết đến xuân về, được ăn nhiều hơn, mật mỡ dư dả hơn ngày thường, và lại còn được nghỉ học. Từ áp tết, lũ trẻ trong xóm đã rủ nhau mang giấy lộn đi đổi pháo. Tết chưa đến mà đó đây đã đì đẹt pháo tép, pháo lói. Trẻ con không đợi được. Dây pháo Bình Đà đỏ rực bố còn cất trong tủ, đợi giao thừa mới châm lửa khai xuân.
Bánh chưng tuổi thơ không nhân nhưng mịn màng thơm dẻo, ấp iu những niềm thương yêu vô chừng. Khi từng chiếc bánh được vớt lên, đêm đã nhạt trên mái tranh nâu nhẫn nại, lấm tấm sương mai. Bố tôi xếp thành từng cặp, ép trên một tấm ván để bánh vào nếp, vuông vức và chắc chắn. Sáng hôm sau, bánh được bày trang trọng lên ban thờ bên mâm ngũ quả, chai rượu chanh Hà Nội vàng óng mơ màng, gói trà Hồng Đào ngan ngát, hộp bánh mứt sột soạt mấy thanh bí trắng mỡ, sợi dừa mỏng quăn, viên kẹo bi giòn rụm... Ấy là đã khá giả lắm. Người quê những năm nghèo đói, chắt chiu, lễ bạc lòng thành dâng lên thần thánh, tiên tổ, chỉ mong mưa thuận gió hòa, thân tâm an lạc, bình yên trong hiện tại. Những sở cầu chúc niệm như phúc lộc khang ninh, thịnh vượng phát tài... dẫu có vang lên sớm mùa xuân hớn hở xem ra cũng chỉ là mơ ước gửi vào cao xanh mà thôi.
Thời gian, trong bản chất là không có quá khứ hoặc tương lai. Triết gia người Đức, M. Heidegger từng nói: Thời gian là hiện tại. Thực ra, đây là cách nói nhằm quy tất cả về khoảnh khắc hiện diện bây giờ và ở đây trong tinh thần của chủ nghĩa hiện sinh. Ở đó, quá khứ - ký ức đã tham gia và sống cùng hiện tại. Niềm hạnh phúc và cũng là đau khổ của con người chính là được sống cùng ký ức, nhưng cũng luôn phải gánh gồng - mang theo ký ức. Nhưng dẫu thế nào, ký ức vẫn nhắc rằng, chúng ta còn sống.
Chúng tôi lớn lên, rời xa khoảng sân nhà bé nhỏ, bước vào cuộc đời rộng lớn với biết bao lo toan bận rộn. Mỗi dịp tết đến xuân về, cái háo hức thơ dại giờ chỉ còn tìm thấy trong mắt trẻ. Thời đại đã đổi thay, cơn gió mới thổi nhạt bao điều xưa cũ, lắm khi nghĩ lại thấy tiếc, thấy nhớ, nên lặng lẽ tìm về, dù chỉ là thoáng ngậm ngùi giữa những bon chen xa lạ. Mai kia, xuân sẽ đến bằng cách nào? Tôi cũng không hình dung hết. Nhưng giờ đây, bên một góc phố nhỏ, đứa trẻ trong tôi thuở ấy vẫn hân hoan chờ đợi một sắc hoa đào cùng những ngọt ngào ấm áp ngày xuân, như là cách làm nên ký ức cho mai sau. Bật chợt, con gái nhỏ của tôi níu áo khẽ hỏi: Bao giờ thì đến ngày xưa hả bố?
Nguyễn Thanh Tâm
{name} - {time}
-
2025-02-03 10:31:00
Du lịch Việt Nam bùng nổ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán dài 9 ngày
-
2025-02-03 08:33:00
Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình
-
2025-02-02 15:30:00
Bình yên xanh
Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu tác phẩm kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Các trò chơi dân gian được yêu thích trong dịp Tết
Nhân Tết Ất Tỵ, tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước châu Á
Đón Năm Mới theo lịch dương, người Nhật sẽ làm gì trong dịp Tết âm lịch?
Điểm lại những năm Tỵ đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam
Tết truyền thống trong quan niệm của người Việt trẻ
Hóa vàng đúng cách và những điều kiêng kỵ
Lễ hội đua thuyền truyền thống ở Phan Thiết mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025
[WOW! THANH HOÁ] Lưu giữ hồn hương đất Việt