“Áp đảo tại gia” “Áp đáo tại gia”?
...“áp đáo” trong câu “áp đáo tại gia” có nghĩa là “sấn đến”, “xông đến” (tận nhà); trong khi hai chữ “áp đảo” chỉ có nghĩa là dùng sức mạnh để đè xuống, chiến thắng đối thủ bằng sự lấn lướt. Do một số người không hiểu nghĩa của chữ “đáo” trong “áp đáo” nghĩa là gì, nên mới nói thành “áp đảo”.
Độc giả Hoàng Minh Tân hỏi: “Từ xưa mỗi khi có những vụ gây sự hay đánh nhau, tôi hay nghe các cụ nói câu “Áp đáo tại gia”. Nhưng nay lại nghe có người nói là “Áp đảo tại gia” mới đúng. Vậy xin chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa cho biết “áp đảo” hay “áp đáo”, và nghĩa chính xác của câu thành ngữ này là gì?
Trân trọng cảm ơn”.
Bản chính xác của câu thành ngữ này là “Áp đáo tại gia - nghĩa là “Xông đến nhà để gây sự”. Chữ “đáo” ở đây có nghĩa là “đến”. Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ Việt, thì đây là một trong những câu liên quan đến luật tục, hình án. Tuy cấu tạo toàn Hán, nhưng có lẽ đây là bản Việt tạo, nên chúng tôi không thấy xuất hiện trong Hán ngữ.
“Áp đáo tại gia” được hiểu thuộc những trường hợp như:
1- Gây gổ, xích mích, đánh nhau ở ngoài đường, bên này đã bỏ chạy về nhà, bên kia không buông tha, tiếp tục truy đuổi, kéo đến tận nhà để đập phá, uy hiếp.
2- Vốn có hiềm khích với nhau từ trước, nay chỉ vì va chạm nhỏ nên bên này chủ động kéo đến nhà bên kia gây sự, thậm chí xông vào nhà đập phá, hành hung, chém giết,v.v...
Theo luật tục dân gian, dù với bất cứ lý do gì, thì hành vi “áp đáo tại gia” đều bị xem là sai trái.
Vì sao vậy? Vì một số lý do sau đây:
- Tư gia cũng thiêng liêng và bất khả xâm phạm giống như lãnh thổ của quốc gia. Tư gia bị côn đồ xâm nhập chẳng khác nào đất nước bị ngoại bang xâm phạm.
- Trong tình huống “nóng”, một kẻ đã chịu thua chạy về nhà mà vẫn bị đối phương “áp đáo tại gia”, thì đó là hành vi truy sát, cố ý gây thương tích.
- Khi một người đang ở yên trong ngôi nhà của mình, có nghĩa người đó không còn/có hành vi nào gây nguy hiểm cho xã hội hay cá nhân khác nữa. Bởi vậy, cho dù xuất phát từ bất cứ lý do gì, nguyên nhân nào, bỗng dưng kéo đến tận nhà người ta gây sự, hành hung, thì hành vi này lập tức bị dư luận xã hội, luật tục, luật pháp lên án, nghiêm trị, và là tình tiết tăng nặng đối với kẻ “áp đáo tại gia”, cũng như tình tiết giảm nhẹ đối hành vi phòng vệ chính đáng, thậm chí tự vệ quá mức cần thiết của gia chủ,v.v...
Quyền bất khả xâm phạm về chủ quyền quốc gia, lãnh địa, tư gia, thân thể khi đang ở yên trong ngôi nhà của mình không chỉ là giữa người với người. Đây còn là cách ứng xử của con người đối với loài vật trong thế giới tự nhiên tự ngàn xưa. Ví như tục ngữ Việt Nam có các câu: “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên mây; Chớ khua tổ kiến trên cây, chớ đánh cáo cầy ngoài nội; “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên chín tầng mây”...
Các nhà biên soạn từ điển thường giải thích: “Không nên đánh kẻ thù khi chúng đang ở thế thuận lợi”. Tuy nhiên, giải thích như vậy là không hiểu ý dân gian.
Xét nghĩa đen, “rắn” có thể cắn chết người; “kiến” đốt người; “cáo cày”, “đại bàng” săn bắt gia cầm, vật nuôi của người. Tuy nhiên, tất cả chúng đều nhỏ bé và yếu thế trước sức mạnh của con người. Mặt khác, dân gian cho thấy những con vật này đều đang sống trong lãnh địa, hang ổ của chúng: “rắn trong hang” (vô hại), “tổ kiến trên cây” (không đụng chạm gì đến con người), “cáo cày ngoài nội” (cách biệt xóm làng), “đại bàng trên núi”, “đại bàng trên mây”, thậm chí là “đại bàng trên chín tầng mây” (quá xa cách với nơi cư trú của con người).
Dù mượn vật để nói người, nhưng dân gian cũng cho chúng ta thấy một quan điểm ứng xử với thế giới tự nhiên rất nhân văn, tiến bộ, đó là: khi muông thú đang ở yên trong ngôi nhà của chúng, không hề xâm phạm hay gây nguy hiểm, làm hại gì đến con người, thì con người cũng không nên “áp đáo tại gia”, phá hại, xâm phạm môi trường sống yên lành của chúng. Nguyên tắc ứng xử giữa người với vật còn như vậy, huống hồ giữa người với người!
Như vậy, “áp đáo” trong câu “áp đáo tại gia” có nghĩa là “sấn đến”, “xông đến” (tận nhà); trong khi hai chữ “áp đảo” chỉ có nghĩa là dùng sức mạnh để đè xuống, chiến thắng đối thủ bằng sự lấn lướt. Do một số người không hiểu nghĩa của chữ “đáo” trong “áp đáo” nghĩa là gì, nên mới nói thành “áp đảo”.
Mẫn Nông (CTV)
- 2024-10-14 10:46:00
Sách của nữ nhà văn đoạt giải Nobel Han Kang “cháy hàng” ở Hàn Quốc
- 2024-10-14 08:45:00
Tháp Thần nông tại Bắc Ninh được công nhận Kỷ lục thế giới
- 2024-08-02 15:32:00
Chuyên gia trong nước và quốc tế tìm giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa
“Nền sinh thánh” và huyền tích dân gian về sự ra đời của Vua Lê Đại Hành
Chương trình nghệ thuật Hoa tháng Bảy kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ
Để mạch nguồn văn hóa dân tộc Thái chảy mãi
Những người đưa văn hóa về cơ sở
Những lần tu bổ Chùa Cầu ở Hội An và diện mạo mới gây xôn xao
Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu văn hóa phẩm không nhằm mục đích kinh doanh
Thực hiện di huấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc
1.000 người góp sức làm nên phim ca nhạc đặc biệt về các chiến sỹ Trường Sa
“Lúm” trong “Tay vơ chẳng tày miệng lúm” nghĩa là gì?