(vhds.baothanhhoa.vn) - Người Mường có một nguồn truyện thơ (còn gọi là truyện kể bằng thơ) rất đa dạng và hấp dẫn. Trong không gian văn hóa của dân tộc Mường, truyện thơ phổ biến rộng rãi từ mường trong đến mường ngoài, trong đó tập trung là địa bàn trung tâm hiện nay của người Mường, bao gồm những mường gốc trên vùng đất phía Nam tỉnh Hòa Bình, phía Bắc tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bá Thước - Quê hương của truyện thơ Mường “Nàng Ờm chàng Bồng Hương”

Người Mường có một nguồn truyện thơ (còn gọi là truyện kể bằng thơ) rất đa dạng và hấp dẫn. Trong không gian văn hóa của dân tộc Mường, truyện thơ phổ biến rộng rãi từ mường trong đến mường ngoài, trong đó tập trung là địa bàn trung tâm hiện nay của người Mường, bao gồm những mường gốc trên vùng đất phía Nam tỉnh Hòa Bình, phía Bắc tỉnh Thanh Hóa.

Trong số các truyện thơ Mường đã được sưu tầm, công bố phổ biến, nổi tiếng nhất là các truyện thơ: Út Lót - Hồ Liêu, Nàng Nga - Hai Mối, Nàng Ờm - chàng Bồng Hương, Nàng con Côi. Phần lớn những câu chuyện đều lấy môi trường tự nhiên, địa danh, những phong tục, tập quán ở các bản mường miền núi Thanh Hóa làm “nền” cho cốt truyện. Giao tiếp, ứng xử của các nhân vậttrong truyện đều mang phong cách của người Mường gốc xứ Thanh.

Lễ hội “Pôồn Pôông” của người Mường ở huyện Bá Thước diễn ra vào mùa hoa Bông Trăng nở.

Trên địa bàn huyện Bá Thước các truyện thơ như: Nàng Nga - Hai mối, Út Lót - Hồ Liêu, Nàng Ờm - chàng Bồng Hương, Nàng con Côi được lưu truyền rộng rãi trong các bản mường, các truyện thơ đã xuất bản đều có các dị bản ở các mường thuộc đất Bá Thước. Đáng chú ý là vùng đất Bá Thước đã trở thành bối cảnh cho truyện tình Nàng Ờm - chàng Bồng Hương.

Nàng Ờm quê ở đất Cành Nàng (bên bờ sông Mã, nay là xã Lâm Xa, thị trấn Cành Nàng). Nàng đã giới thiệu cụ thể về quê quán gia thế của mình: Nhà em ở đất Cành Nàng/ Làng Ka Da, con mường Ký Ống.

Bố mẹ nàng Ờm giàu có: Bố nhà em, bố có/ Mẹ nhà em, mẹ giàu/ Dưới sàn có trâu, có bò/ Trên nhà cơm no, lúa xiềng.

Bố nàng Ờm lắm quyền nhiều thế, mẹ của nàng Ờm lắm phép, nhiều khuôn. Bố mẹ nàng Ờm sinh được hai người con gái, nàng Ờm là chị cả. Hai chị em sống trong khuôn phép chặt chẽ của gia đình.

Chàng Bồng Hương nhà nghèo từ lúc 7 - 8 tuổi chàng đã trèo lên cây quýt hái quả cho mẹ Ờm và ghi nhớ lời hứa của bà là nếu đẻ con trai bà cho làm bạn chài lưới, nếu đẻ con gái sẽ cho “nên cửa nên nhà” nên chàng đã biết nàng Ờm từ nhỏ. Khi Ờm còn nhỏ chàng đã bế, ẵm, dỗ dành em gái khi lớn lên hai người đã có nhiều kỷ niệm: Đi trâu cùng nhau bên ngõ/ Đi bò cùng nhau trên nương.

Chàng Bồng Hương đã chú ý đến nàng Ờm từ tuổi “mười lăm”, đến khi nàng Ờm mười chín tuổi, chàng Bồng Hương đã ngỏ lời yêu nàng Ờm. Hai người yêu nhau, chỉ có mong ước hạnh phúc đơn giản: Ăn chung một gian/ Uống nước chung một máng/ Xỉa răng chung một ống/ Chết hay sống cùng trọn một đời.

Nàng Ờm yêu chàng Bồng Hương nhưng còn giấu bố mẹ vì sợ khuôn phép của gia đình. Bố mẹ nàng Ờm chê Bồng Hương nhà nghèo nên ra sức cấm đoán, đe nẹt, thậm chí dùng cả đòn roi và nhiều biện pháp để ngăn cản nhưng nàng Ờm vẫn một lòng yêu chàng Bồng Hương. Một đêm bố mẹ nàng Ờm đánh đập nàng tàn nhẫn, nhốt nàng trong buồng. Thương chị, em gái nàng Ờm đã mở cửa buồng cho chị trốn. Nàng Ờm đãquăng mình xuống sân, chàng Bồng Hương đỡ người yêu trên tay và hai người bỏ nhà chạy lên núi Làn Ai.

Chàng Bồng Hương đi xin gạo, mượn nồi nấu cháo cho nàng Ờm, chăm sóc vết thương cho nàng và tính chuyện cùng nhau bỏ đến mường khác nhưng nàng Ờm không dám vì sợ bị gièm pha “sợ quyền cha, phép mẹ”. Nàng Ờm đã ăn lá ngón để “giữ trọn lời thề về bên ma”. Thương xót cho người yêu, chàng Bồng Hương cũng ăn lá ngón để cùng về mường Ma với nàng Ờm cho trọn kiếp bên nhau. Bố mẹ nàng Ờm tìm thấy xác con gái trên núi Làn Ai, ân hận, thương xót con gái, muốn đem con gái về mường làm ma, làm vía nhưng hồn vía nàng Ờm đã xin bố mẹ cho nàng ở lại núi Làn Ai để làm tấm gương cho đời sau biết: Con biến nên núi Làn Ai/ Cho chuyện của con kéo dài/ Cho đời sau, cho bố mẹ làng con nghe/ Muôn đời sau cho chuyện nên vè/Cho bản làng nghe, cho đời sau biết.

Nàng Ờm và chàng Bồng Hương không tìm thấy hạnh phúc trong cõi người trên mường trần gian nhưng họ bên nhau chốn mường Ma. Những đêm trăng sáng hồn nàng Ờm lại về mường trần gian để kể câu chuyện tình bi thảm của mình cho các thế hệ sau cùng biết.

Chuyện tình nàng Ờm - chàng Bồng Hương kết thúc với câu thơ sâu đậm nghĩa tình: Núi Làn Ai nghèo tiền, nghèo của/ Nhưng Làn Ai giàu nghĩa, giàu tình.

Trên vùng đất sông Mã núi Làn Ai này, truyện thơ Nàng Ờm - chàng Bồng Hương đã để lại dấu ấn trong đời sống văn hóa dân gian. Các thế hệ người Mường vẫn truyền cho con cháu câu chuyện tình cảm động, từ cái chết của đôi trai gái chưa nên vợ nên chồng trên núi Làn Ai đã được dân gian “dệt” nên những huyền thoại bất tử của tình yêu. Theo truyền văn thì hoa bông trăng trên núi Làn Ai là do chiếc khăn của nàng Ờm để lại mà thành. Người Mường vẫn cho rằng đó là loại hoa của tình yêu nam nữ. Cây tương tư trên núi Làn Ai đã trở thành một thứ “thần dược”, “bùa yêu” huyền bí.

Truyện thơ Nàng Ờm chàng Bồng Hương đồng thời cũng là cuộc đấu tranh chống áp bức bóc lột, chống lại tập tục nặng nề: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”; chống lại thói lật lọng, sự bất công của những kẻ giàu có, quyền hành làm cho bao lứa đôi tan vỡ, bao cảnh đời cơ cực mà chỉ đến khi Đảng CSVN ra đời lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng, xóa bỏ những áp bức bất công, cuộc sống của nhân dân mới được cải thiện.

Trần Thị Liên


Trần Thị Liên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]