Báo chí đồng hành cùng người dân: “Đánh thức” miền Tây xứ Thanh
(VH&ĐS) Từ những thông tin đăng tải trên các báo, tạp chí được cấp phát miễn phí theo Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ cho vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn đã góp phần giúp đồng bào các DTTS miền Tây xứ Thanh thay đổi cách nghĩ, cách làm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Học hỏi kinh nghiệm làm ăn từ báo chí
Chúng tôi đến thăm xã Lương Trung, một xã vùng cao của huyện Bá Thước nơi chủ yếu là bà con dân tộc Mường sinh sống. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Cao Thượng Xuân bộc bạch: “Những năm trước đây, cuộc sống của người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Thiếu vốn đầu tư sản xuất, thiếu kiến thức làm ăn.
Từ khi có chủ trương, chính sách cấp sách báo, ấn phẩm miễn phí của Đảng, Chính phủ cho các thôn, bản vùng sâu, vùng xa khiến nhận thức của đồng bào các dân tộc nơi đây được nâng lên.
Thông qua việc đọc các ấn phẩm báo chí người dân vùng đồng bào DTTS ở Lương Trung đã học hỏi được kinh nghiệm làm ăn vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo”.
Cũng thông qua việc học tập khoa học kỹ thuật qua sách báo, ấn phẩm báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, Lương Trung đã xuất hiện nhiều tấm gương biết vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng như gia đình bà Bùi Thị Tuyết thôn Quang Trung.
Bà Tuyết chia sẻ: “Có được cuộc sống như ngày hôm nay, phải cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến người dân. Chúng tôi được đón đọc những sách báo miễn phí để qua đó chọn lọc kiến thức phát triển kinh tế, mọi người cùng chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau thoát nghèo. Bản thân gia đình cũng vận dụng những kiến thức đã học được vào phát triển kinh tế. Hiện nay, nhờ phát triển kinh tế tổng hợp nên gia đình tôi hằng năm có thu nhập trên 100 triệu đồng đã trừ các chi phí”.
Cũng như gia đình chị Tuyết, sau nhiều năm học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật từ sách báo, ấn phẩm báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình ông Hà Văn Tốt ở bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa) đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư phát triển chăn nuôi gia trại và mua xe tải vận chuyển vật liệu xây dựng cho nhân dân trong vùng, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông cũng đạt 120 triệu đồng.
Nhờ học hỏi kiến thức khoa học kỹ thuật từ sách báo, ấn phẩm báo chí,miền Tây xứ Thanh xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mới.
Nói về tầm quan trọng của sách báo, ấn phẩm báo chí, phát thanh, truyền hình đối với đời sống tinh thần của đồng bào DTTS, Bí thư Huyện ủy Bá Thước Trương Văn Lịch cho biết: “Việc đưa sách báo, ấn phẩm báo chí về với đồng bào dân tộc miền núi có ý nghĩa rất nhân văn góp phần nâng cao hiểu biết của người dân, biết cách bảo vệ giữ gìn sức khỏe, từ bỏ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Đặc biệt, thông qua kênh thông tin này, người dân được tiếp cận với những mô hình phát triển kinh tế, nhiều gia đình đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao vào sản xuất góp phần nâng cao đời sống gia đình. Từ đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế trong vùng đồng bào DTTS phát huy hiệu quả rõ rệt”.
Người miền Tây trải lòng cùng báo chí
Có thể nói các ấn phẩm báo chí đã đóng góp vào phát triển KT-XH vùng đặc biệt khó khăn, thúc đẩy nhanh “công cuộc” giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nâng cao cảnh giác và ngăn ngừa những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Tuy nhiên để phát huy hơn nữa hiệu quả của báo chí, cán bộ, nhân dân các huyện miền núi đều bày tỏ mong muốn trong thời gian tới những ấn phẩm báo chí cấp cho đồng bào DTTS miền núi cần cải tiến hơn nữa trong cách trình bày để thu hút độc giả. Theo Bí thư Huyện ủy Bá Thước Trương Văn Lịch thì trình độ học vấn của đồng bào còn hạn chế, nên các ấn phẩm báo chí cần tăng cường tranh ảnh minh họa, in chữ to, sử dụng ngôn từ gần gũi với cuộc sống đời thường của đồng bào.
Ông Hoàng Mạnh Hồ - Trưởng thôn Thanh Long, xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy) cho rằng: “Các cơ quan báo chí cũng nên thường xuyên rà soát, bổ sung báo, tạp chí cho các đối tượng mới phát sinh, cụ thể là già làng, trưởng bản, người có uy tín để các thông tin trên báo chí đến được với bà con hiệu quả hơn.
Đặc thù các vùng miền núi xa xôi, địa bàn rộng lớn, báo chí đến tay người dân thường bị chậm trễ. Ngành Bưu điện cần xác định công tác chuyển tải báo, tạp chí đến với đồng bào là nhiệm vụ chính trị nên cần thực hiện đúng theo quy định để thông tin báo chí đến kịp thời với đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh".
Có thể khẳng định diện mạo nông thôn miền Tây xứ Thanh đang có bước chuyển mình mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực mà trong đó không thể không kể đến sự thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc nơi đây, họ đã biết vượt khó vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương mình.
Xuân Cường
{name} - {time}