(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian vừa qua theo phản ánh của nhiều người dân và doanh nghiệp trên khu vực làng đá mỹ nghệ Non Nước, Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) về việc các xe tải chở đá phục vụ cho hoạt động sản xuất của làng đá mỹ nghệ Non Nước bị một số đối tượng côn đồ cấu kết đe dọa thu tiền bảo kê mỗi xe đá từ 2 - 10 triệu đồng khiến mọi người đều rất bức xúc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Bảo kê” hoành hành Làng đá mỹ nghệ Non Nước

Thời gian vừa qua theo phản ánh của nhiều người dân và doanh nghiệp trên khu vực làng đá mỹ nghệ Non Nước, Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) về việc các xe tải chở đá phục vụ cho hoạt động sản xuất của làng đá mỹ nghệ Non Nước bị một số đối tượng côn đồ cấu kết đe dọa thu tiền bảo kê mỗi xe đá từ 2 - 10 triệu đồng khiến mọi người đều rất bức xúc.

Những tảng đá chở đến làng nghề bị đánh dấu “bảo kê” Đường vào làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Sự việc diễn ra đã được gần hai tháng nhưng chính quyền hầu như không biết, còn người dân và doanh nghiệp tuy bức xúc nhưng không ai dám phản ánh bởi sợ sẽ phải “hứng đòn” trả thù của các đối tượng này.

Tìm gặp những nạn nhân là doanh nghiệp đã đụng độ “bảo kê” làng đá các chuyến hàng không phải dễ. Chỉ sau khi chúng tôi có sự bảo đảm của một người tin cậy, chị Q. mới dám bộc lộ: “Làng nghề từ trước vốn bình yên toàn người dân lương thiện, nhưng gần hai tháng nay bỗng xuất hiện bốn đối tượng thuộc thành phần xã hội rất phức tạp, đứng ra thu tiền bảo kê các xe đá chở đến địa phận làng nghề.

Mỗi xe đá chúng thu với cái giá từ 2 - 10 triệu đồng khiến nhiều doanh nghiệp chở đá về nhưng không dám xuống bãi. Có đưa tiền thì cũng rơi nước mắt vì xót của, bởi lẽ kiếm được vài triệu đâu phải dễ. Chúng tôi làm nghề này cực lắm, có khi năm viên đá khổ sở vần được về đến Đà Nẵng thì chỉ chọn được vài viên đẹp, đủ chất lượng để làm hàng”.

Do bị đe dọa, trấn lột tiền thường xuyên nên nhiều chủ hàng hiện nay không dám chở hàng vào để giao cho các cơ sở sản xuất, khiến một số cơ sở gia công không có hàng để làm. Hàng về không dám đổ bãi, các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị trì trệ đã kéo theo tình trạng nhiều cá nhân và doanh nghiệp lao đao.

Được biết, không chỉ dừng lại ở đó, các đối tượng này thường xuyên có động thái đe dọa, đập phá các cơ sở sản xuất, bao gồm các sản phẩm đã thành phẩm và đang chế tác nên nhiều người đã phải bấm bụng chi tiền bảo kê để yên chuyện.

Do đặc trưng làng nghề chủ yếu là chế tác ngoài trời, các thành phẩm cũng thường trưng bày bên ngoài để thu hút khách hàng vào tham quan, chiêm ngưỡng nên các đối tượng đã lợi dụng điều này để khống chế các chủ hàng, doanh nghiệp. “Một bức tượng trưng bày trước cửa to đẹp thế kia, chúng chỉ cần đập đi một ngón tay út là đã vứt cả bức tượng rồi”, một chủ doanh nghiệp khác bần thần chia sẻ.

Những tảng đá chở đến làng nghề bị đánh dấu “bảo kê”.

Đường vào làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Cũng theo người dân ở đây, các đối tượng thu tiền bảo kê hoạt động khá chặt chẽ. Nhiều chủ hàng là người địa phương phản ứng mạnh thì chúng lại giở chiêu bài xin mua lại đá nhưng trả với cái giá rất rẻ và không chịu đưa tiền. Thậm chí, các đối tượng này còn ngang nhiên viết tên mình vào các khối đá hàng hóa của chủ hàng khác và cho người canh chừng quản lý số hàng đó, chỉ đến khi các chủ hàng chịu đưa tiền chúng mới cho xóa tên để vận chuyển. Trung bình mỗi ngày có từ vài đến hàng chục lượt đá vận chuyển về làng nghề nên số tiền các đối tượng trên thu được không phải là ít.

Ông T. (P. Hòa Hải, Q. Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Tôi là người dân địa phương, trước đây đã từng làm trong lực lượng vũ trang nên chúng chưa dám đề cập trực tiếp đến việc thu tiền bảo kê. Tuy nhiên, tôi có hai xe hàng về đã được ba hôm nay nhưng vẫn chưa xuống được hàng do lái xe cẩu tại làng nghề không chịu bốc dỡ. Gọi xe cẩu nơi khác thì chỉ nghe đến tên khu vực làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước là người ta chối đây đẩy”.

Cách đây vài ngày, xe đá của anh N.K.H cũng bị ách lại bởi mấy đối tượng côn đồ bảo kê, chúng đe dọa và đòi số tiền chín triệu đồng. Khi chủ hàng không đồng ý, các đối tượng này làm mọi cách cản trở không cho bốc dỡ hàng.

Do là người tỉnh khác đến làm ăn, lại vướng về chi phí xe cộ, lưu trú nên sau đó anh H.K đã phải chung chi 10 triệu đồng mới được các đối tượng trên “cho phép” cẩu đá xuống bãi. Anh cho biết, cùng làm việc với anh có vài chủ hàng quê ở Nghệ An, Thanh Hóa thường xuyên vận chuyển đá vào Đà Nẵng và đều bị thu tiền bảo kê cho mỗi chuyến hàng từ 4 - 10 triệu đồng, tùy theo số lượng đá.

Tình trạng ngang nhiên thu tiền bảo kê thế này không chỉ ảnh hưởng tới người dân, mà còn ảnh hưởng tới sự sống còn của làng nghề và hình ảnh thành phố đáng sống của của Đà Nẵng. Rất mong các cấp chính quyền can thiệp để giữ lại làng nghề, hình ảnh của thành phố Đà Nẵng”, chủ cơ sở H.K.H khẩn thiết đề nghị.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hòa - Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn tỏ ra khá bất ngờ trước thông tin trên. Sau khi kiểm tra, xác minh một số thông tin do phóng viên cung cấp, ông Hòa khẳng định: Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước hiện đang có khoảng 350 hộ tham gia sản xuất kinh doanh, là một ngành xương sống trong phát triển kinh tế của quận Ngũ Hành Sơn, việc để xảy ra vấn đề bảo kê là không thể chấp nhận được. UBND quận sẽ chỉ đạo các ngành chức năng làm rõ và giải quyết dứt điểm vấn đề này trong vòng một tuần.

"Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã có lịch sử hơn 400 năm, thu hút hàng triệu lượt khách du lịch bởi nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ truyền thống, đặc trưng. Tình trạng ngang nhiên thu tiền bảo kê thế này không chỉ ảnh hưởng tới người dân, mà còn ảnh hưởng tới sự sống còn của làng nghề và hình ảnh thành phố đáng sống của của Đà Nẵng. Rất mong các cấp chính quyền can thiệp để giữ lại làng nghề, hình ảnh của thành phố Đà Nẵng." (Chủ cơ sở H.K.H ở làng đá mỹ nghệ Non Nước)

Theo baovanhoa.vn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]