(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữa chốn phồn hoa, đông vui, náo nhiệt của thành phố biển Sầm Sơn, làng chài Vinh Sơn (nay là phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn) lại mang đến sự bình yên, nhẹ nhàng. Người dân nơi đây, tự bao đời nay vẫn bám trụ, trọn đời với nghề biển...

Bình yên làng chài Vinh Sơn

Giữa chốn phồn hoa, đông vui, náo nhiệt của thành phố biển Sầm Sơn, làng chài Vinh Sơn (nay là phố Vinh Sơn, phường Trường Sơn) lại mang đến sự bình yên, nhẹ nhàng. Người dân nơi đây, tự bao đời nay vẫn bám trụ, trọn đời với nghề biển...

Bình yên làng chài Vinh Sơn

Nép mình sau dãy núi Trường Lệ, những khu nghỉ dưỡng cao cấp, làng chài Vinh Sơn (theo cách gọi thân thuộc của người dân địa phương) quanh năm sóng lặng. Từ xa xưa ngư dân đã chọn làm nơi neo đậu của tàu thuyền, nơi mua bán hải sản. Trong ký ức của người dân Vinh Sơn, họ luôn nhớ như in vào mùa hè tháng 7-1960 lịch sử, Bác Hồ về tham quan núi Trường Lệ, thăm nhà nghỉ dưỡng Sầm Sơn, trại an dưỡng của các cụ ở miền Nam ra và các cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 đang làm nhiệm vụ bảo vệ sự bình yên cho vùng biển của Tổ quốc. Đặc biệt, Bác đã trực tiếp tham gia kéo lưới, trò chuyện cùng ngư dân nơi đây.

Cùng với sự chuyển mình mạnh mẽ của thành phố du lịch, làng chài nhỏ năm nào nay đã khoác trên mình “chiếc áo mới” với những nếp nhà cao tầng, khu du lịch, dịch vụ sầm uất. Người dân Vinh Sơn vẫn đi biển, cuộc mưu sinh phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vào biển.

Bình yên làng chài Vinh SơnỞ khu phố Vinh Sơn hiện có khoảng hơn 50 hộ gia đình còn theo nghề biển.

Vinh Sơn hiện có trên 300 hộ, với 1.353 nhân khẩu, là nơi cư ngụ của các gia đình ngư dân cần cù, chịu khó, trước đây và bây giờ cũng vậy, bà con Nhân dân sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt, khai thác hải sản. Vài năm trở lại đây, một số hộ dân mạnh dạn mở thêm các nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch. Cuộc sống nhờ vậy đỡ vất vả hơn, họ có thể xây dựng nhà cửa khang trang, không còn sống trên những mái nhà xập xệ, tạm bợ. Hiện trên địa bàn có nhiều dự án về du lịch đang được triển khai. Bà con đều đồng lòng ủng hộ với mong muốn các dự án sẽ làm thay đổi bộ mặt du lịch của TP Sầm Sơn nói chung, nâng cao đời sống của người dân khu phố nói riêng.

Thường cứ vào khoảng từ 5 – 6 giờ sáng, tại bến cá Vinh Sơn, sau nhiều giờ đi biển mưu sinh, hàng chục chiếc thuyền, bè mảng lớn nhỏ của bà con ngư dân nối đuôi nhau cập bến mang theo những con cá, ốc, ghẹ... Người già, phụ nữ, trẻ nhỏ tất bật với công việc gỡ lưới, phân loại hải sản; thanh niên trai tráng lo tu sửa các phương tiện, phụ nữ thì tất bật chuyện giặt rồi vá lưới để chuẩn bị cho những chuyến ra khơi tiếp theo của chồng, con… tất cả rộn ràng tô thêm cho nét đẹp của làng chài nhỏ.

Hơn 30 năm làm nghề đi biển từ nhỏ cho đến khi lấy vợ sinh con, anh Phan Viết Đức (phố Vinh Sơn) chia sẻ, nghề biển đã mang lại cơm ăn, áo mặc cho người dân nơi đây. Vậy nên, dù cho có nhiều biến động, xô bồ của cuộc sống hiện đại, anh Đức vẫn bám trụ với nghề đánh bắt. Trung bình mỗi chuyến đi biển của anh từ 3 – 6 ngày. Khi thuyền cập bến là có vợ, con ra gỡ cá, tôm, ghẹ,… để bán cho thương lái.

Bình yên làng chài Vinh SơnGia đình anh Phan Viết Ngọc cùng hơn 30 hộ dân khác trong khu phố mạnh dạn đầu tư, mở nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch.

Nhờ sự phát triển du lịch của Sầm Sơn, gia đình anh Phan Viết Ngọc (phố Vinh Sơn) cùng hơn 30 hộ dân khác trong khu phố mạnh dạn đầu tư, mở nhà hàng ăn uống phục vụ khách du lịch. Anh Ngọc bộc bạch, dù bận rộn với công việc kinh doanh hàng quán, thi thoảng anh vẫn vươn khơi đánh bắt để không quên nghề, đồng thời có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Ở làng chài nhỏ này dù lượng khách đến chưa nhiều, nhưng đối với người dân mà nói, mỗi khi mùa du lịch về, ai cũng háo hức, tất bật chỉnh trang nhà cửa, dọn dẹp đón khách.

Ông Lê Doãn Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Trường Sơn (TP Sầm Sơn), cho biết: “Vinh Sơn trước đây thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Xương, vốn là một làng chài mang đậm đặc trưng của người vùng biển, biển là ngôi nhà thứ hai của người dân. Ngoài kinh doanh, dịch vụ, làm đủ mọi nghề, phần lớn thời gian người làng chài nơi đây sống cùng những chiếc tàu thuyền, lênh đênh trên mặt biển, thả lưới giăng câu, kéo chài. Khu phố hiện có trên 40 phương tiện tàu thuyền cùng hơn 200 lao động làm nghề khai thác, đánh bắt. Dù còn nhiều thiếu thốn, nhưng làng chài vẫn luôn yên bình với những người dân chất phác, đôn hậu”.

Bài và ảnh: Lê Trung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]