(vhds.baothanhhoa.vn) - Hàm Rồng của hôm qua và Hàm Rồng của hôm nay, sau gần 60 năm, ký ức hào hùng thời chiến, niềm tin và mang theo đó là cả sự trăn trở thời bình. Phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với: Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4 Hàm Rồng; chị Đỗ Thị Minh Phúc, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Hàm Rồng.

Cần có một tượng đài Hàm Rồng chiến thắng

Hàm Rồng của hôm qua và Hàm Rồng của hôm nay, sau gần 60 năm, ký ức hào hùng thời chiến, niềm tin và mang theo đó là cả sự trăn trở thời bình. Phóng viên (PV) Báo Thanh Hóa Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với: Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cựu chiến binh Lê Xuân Giang, nguyên Chính trị viên Đại đội 4 Hàm Rồng; chị Đỗ Thị Minh Phúc, Đảng ủy viên, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Hàm Rồng.

Bà Nguyễn Thị Hằng: Tôi tin tưởng vào sự quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Cần có một tượng đài Hàm Rồng chiến thắng

PV: Ở độ tuổi 20, Khu đội trưởng Khu dân quân Nam Ngạn - Hàm Rồng Nguyễn Thị Hằng ngày ấy đã vững vàng chỉ huy đơn vị, đánh trả máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Hàm Rồng. 58 năm đã qua đi, hẳn ký ức hào hùng ấy vẫn còn nguyên vẹn trong bà?

Bà Nguyễn Thị Hằng: Tôi năm nay đã 79 tuổi. Cách đây 58 năm, khi đấy tôi 21 tuổi, chỉ huy một khu đội dân quân. Chúng tôi ra trận với tâm thế sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng. Ngày 3 và 4-4-1965, không quân Mỹ đã ném hàng nghìn tấn bom đạn xuống khu vực Nam Ngạn – Hàm Rồng. Sau 2 ngày chiến đấu, do được tập luyện kỹ và tinh thần chiến đấu kiên cường, quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 47 máy bay Mỹ. Trận ngày 26-5-1965, nhiều tốp máy bay Hải quân Mỹ đánh tàu Hải quân ta dưới hạ nguồn cầu Hàm Rồng. Máy bay địch liên tục công kích, ụ súng trên tàu bị trúng đạn rốc-két, thêm một số chiến sĩ thương vong. Tôi chỉ huy các chiến sĩ dân quân vừa chống trả máy bay địch vừa huy động lực lượng xuống tàu hải quân làm nhiệm vụ thay thế pháo thủ, tiếp đạn, cứu thương. Cùng chiến đấu trên mâm pháo có 4 cha con cụ Ngô Thọ Lạn, trong đó Ngô Thọ Sáu là người con thứ 4 của cụ dù bị thương nhưng vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Còn chị Lê Thị Dung, lên mâm pháo thay pháo thủ bị trúng đạn hy sinh khi tay vẫn còn nâng băng đạn. Chị Ngô Thị Tuyển một mình vác 2 hòm đạn với khối lượng lên tới 98kg giữa làn bom đạn của địch để tiếp tế cho bộ đội… Ngày ấy, chúng tôi những chàng trai, cô gái tuổi 20, hừng hực khí thế, sẵn sàng xả thân chiến đấu bảo vệ quê hương…

PV: Qua đi một thời khói lửa, trên mảnh đất anh hùng hôm nay đã nhiều đổi thay. Bà có thể chia sẻ cảm xúc của bà về sự thay đổi này?

Bà Nguyễn Thị Hằng: Tôi tin tưởng vào sự quyết tâm, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Kinh tế địa phương đang ngày càng phát triển, đời sống của người dân đang ngày càng đi lên. Phát huy truyền thống anh hùng, dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, chắc chắn Thanh Hóa sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ...

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang: Cần xây dựng tượng đài Hàm Rồng chiến thắng

Cần có một tượng đài Hàm Rồng chiến thắng

PV: Hình như trong ông vẫn còn điều gì đó trăn trở khi nhớ về Hàm Rồng của một thời rực lửa và của Hàm Rồng hôm nay?

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang: Mặc dù cho đến hôm nay đã có nhiều đổi thay nhưng Hàm Rồng vẫn thiếu một tượng đài về Hàm Rồng chiến thắng. Bởi bản thân tượng đài Thanh niên xung phong không đại diện được cho cuộc chiến đấu rất hào hùng ở đất Hàm Rồng rực lửa này mà phải thể hiện được hiệp đồng chiến đấu của quân và dân Hàm Rồng, gồm có các lực lượng pháo cao xạ, tên lửa, không quân, hải quân, dân quân tự vệ… Cần phải có tượng đài biểu trưng cho điều này và tôi nghĩ đến bây giờ đã là quá chậm bởi trên tuyến đường từ Thanh Hóa vào Vĩnh Linh thì gần như các địa danh đều dựng được tượng đài hết rồi thế nhưng Hàm Rồng vẫn chưa có tượng đài. Nếu ai hiểu đã có tượng đài Thanh niên xung phong là hiểu rất nhầm và hiện nay gần như bộ đội Hàm Rồng, cựu chiến binh đã từng chiến đấu đổ xương máu, họ có nguyện vọng đến Hàm Rồng, họ rất muốn được chiêm ngưỡng một tượng đài đại diện cho cuộc chiến đấu vĩ đại ấy. Họ đến để thắp một nén nhang. Hàm Rồng có tới 30 trận địa làm sao họ đi đến hết được. Đã có nhiều cuộc hội thảo về xây dựng tượng đài Hàm Rồng chiến thắng, bây giờ mô hình đã có rồi nhưng không hiểu vì sao vẫn chưa xây dựng...

Chị Đỗ Thị Minh Phúc: Tuổi trẻ Hàm Rồng hôm nay nguyện ra sức, đồng lòng dưỡng tâm trong, rèn trí sáng...

Cần có một tượng đài Hàm Rồng chiến thắng

PV: Trên mảnh đất anh hùng, dấu ấn của tuổi trẻ Hàm Rồng hôm nay đã khẳng định sức bật, sự cống hiến của tuổi trẻ?

Chị Đỗ Thị Minh Phúc: Bản thân tôi nói riêng, thế hệ trẻ Hàm Rồng nói chung vô cùng vinh dự và tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Hàm Rồng giàu truyền thống cách mạng.

Cùng với thanh niên cả nước, thế hệ trẻ Hàm Rồng luôn khát khao tự do, được thức tỉnh bởi lý tưởng của Đảng. Đó là thế hệ thanh niên quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, đứng lên đáp lời sông núi; là lớp thanh niên “3 sẵn sàng”, quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”; là lớp thanh niên sau ngày đại thắng bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, đi đầu trong công cuộc đổi mới bằng niềm tin, trí tuệ và sức trẻ, quyết tâm lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế hệ trẻ Hàm Rồng ngày nay đã và đang tiếp nối truyền thống vẻ vang của lớp cha anh đi trước.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của các cấp, các đoàn thể, công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi của phường tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực: công tác giáo dục có nhiều đổi mới, công tác xây dựng Đoàn - Hội - Đội được tăng cường; công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng và xây dựng Đội TNTP Hồ Chí Minh vững mạnh. Các phong trào hành động cách mạng của thanh niên được triển khai sâu rộng và phát triển mạnh mẽ nhất là 2 phong trào “Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Với những thành tích đã đạt được từ công tác đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi, tổ chức đoàn và tuổi trẻ phường Hàm Rồng đã được Trung ương Đoàn, cấp ủy, chính quyền và các cấp bộ đoàn tặng nhiều bằng khen, giấy khen và phần thưởng cao quý.

Kỷ niệm 58 năm Hàm Rồng chiến thắng là dịp thế hệ trẻ ôn lại sự kiện lịch sử, biết ơn vô hạn với những công lao to lớn, sự hy sinh xương máu của các thế hệ cha anh. Với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống phường Hàm Rồng anh hùng và những thành tích đã đạt được, tuổi trẻ Hàm Rồng hôm nay nguyện ra sức, đồng lòng “dưỡng tâm trong, rèn trí sáng, xây dựng hoài bão lớn, cùng siết chặt tay, dương cao ngọn cờ vinh quang của Đảng”.

Hoàng Anh (thực hiện)

Tin liên quan:


 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]