Cần có sự phân loại đạo đức theo từng bậc học
Ngoài bảo đảm kiến thức chuyên môn thì trước hết giáo viên phải là người có đạo đức tốt. Tại Điều 10, Dự thảo Luật Nhà giáo, vấn đề đạo đức nhà giáo được quy định với các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi...
Hoạt động phát triển ngôn ngữ của cô và trò Trường Mầm non Thái Hòa (Triệu Sơn). Ảnh: VI AN
Thực tế, ngày càng có nhiều vụ việc liên quan đến cách ứng xử của giáo viên với học sinh... Những sự việc được phơi bày, đưa ra “ánh sáng” cho thấy một sự thật đau lòng vẫn đang diễn ra trong môi trường giáo dục. Khi giáo viên xúc phạm, bạo hành học sinh cũng đồng nghĩa giáo viên đã suy thoái đạo đức. Đơn cử, trong năm 2024, nhiều vụ việc đã xảy ra mà nhân vật đáng bị lên án nhất lại chính là người đứng trên bục giảng. Một giáo viên tiểu học ở tỉnh Ninh Bình xưng “mày - tao”, chửi tục, văng bậy với học sinh. Một giáo viên ở tỉnh Đắk Lắk phạt đòn bằng thước nhựa khiến học sinh bầm tím lưng. Và ở Thanh Hóa, cũng có trường hợp giáo viên đánh học sinh xước tai, lưng bầm tím...
Những vụ việc xảy ra thường liên quan đến vấn đề học tập hoặc thực hiện nền nếp của học sinh tại lớp. Giáo viên, một phần vì mong học sinh có sự tiến bộ, một phần vì bức xúc với học sinh nên đã không kìm chế được sự nóng giận và cuối cùng, điều đáng tiếc đã xảy ra... “Sai một li đi một dặm”. Những hành động phản cảm của người thầy đã “gieo” nỗi ám ảnh với trò, còn phụ huynh thì dần mất niềm tin với nghề giáo...
Nhìn nhận một thực tế, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều quy định liên quan đến đạo đức nhà giáo nhưng xem ra những vụ việc liên quan tới thái độ, hành vi của giáo viên vẫn tiếp diễn, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân, do giáo viên thiếu kỹ năng nghiệp vụ sư phạm, thiếu kiên nhẫn trong giáo dục học sinh... Những cái “thiếu” cộng lại khiến người thầy dần đánh mất chính mình...
Vui ngày hội trại - chương trình hoạt động ngoại khóa của thầy và trò Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa). (ảnh nhà trường cung cấp)
Tại Điều 10, Dự thảo Luật Nhà giáo quy định: Đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi trong mối quan hệ của nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học, cộng đồng. Đạo đức nhà giáo được thể hiện qua các quy tắc ứng xử của nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ và trong quan hệ xã hội phù hợp với hoạt động nghề nghiệp... Theo thầy giáo Nguyễn Quốc Ngân, Hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1 (Triệu Sơn), dù nhà trường chưa xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến đạo đức nhà giáo nhưng những năm qua, vấn đề này luôn được nhà trường quan tâm thông qua việc phát động phong trào thi đua: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Về quy định đạo đức nhà giáo tại Điều 10, Dự thảo Luật Nhà giáo, Hiệu trưởng Nguyễn Quốc Ngân, cho rằng: “Những nội dung quy định là phù hợp, đã tập trung vào việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên”. Cũng theo thầy giáo Lê Đăng Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Hoằng Hóa) thì việc quy định đạo đức nhà giáo qua các mối quan hệ với người học, đồng nghiệp,... là cần thiết, bởi giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là tấm gương về nhân cách. Đồng thời, quy định về công khai các chuẩn mực ứng xử cũng giúp tăng cường tính minh bạch và giám sát của cộng đồng, qua đó nâng cao trách nhiệm của giáo viên. “Những năm qua, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao đạo đức nghề nghiệp nhà giáo.Tuy nhiên, việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức còn thiếu sự đồng bộ và chưa được giám sát chặt chẽ, đặc biệt trong các trường hợp giáo viên có hành vi không đúng mực. Do đó, việc hoàn thiện và công khai các quy tắc ứng xử của giáo viên theo dự thảo lần này là rất quan trọng”, hiệu trưởng Lê Đăng Thành cho biết.
Ứng xử có đạo đức của nhà giáo không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân mà đó còn là trách nhiệm của ngành giáo dục. Đạo đức nghề nghiệp phải được xây dựng bằng niềm tin, lòng tự trọng nghề như chia sẻ của cô giáo Lê Thị Thúy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thái Hòa (Triệu Sơn): “Việc xây dựng quy tắc văn hóa ứng xử giúp giáo viên mầm non xây dựng uy tín, tạo dựng lòng tin từ phụ huynh và xã hội. Đồng thời, trẻ sẽ được học tập trong môi trường lành mạnh, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần”.
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo thì khái niệm đạo đức trong các văn bản hiện hành, thậm chí là tại Dự thảo Luật Nhà giáo, mặc dù mang tính tổng quát và bao quát nhưng vẫn tồn tại, hạn chế. Do đó, cần được phân tích kỹ lưỡng để bảo đảm tính chính xác và hiệu quả khi áp dụng vào thực tiễn. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng: “Có một số điểm hạn chế về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo. Quy định về đạo đức trong dự thảo chưa phản ánh đủ các yêu cầu cụ thể theo từng bậc học. Khái niệm chung chung khiến cho việc đánh giá, quản lý và phát triển phẩm chất đạo đức của giáo viên trong từng bậc học trở nên thiếu chính xác và hiệu quả. Bên cạnh đó, dự thảo không tính đến sự phát triển đạo đức nghề nghiệp theo từng giai đoạn phát triển nghề nghiệp của nhà giáo. Điều này khiến cho các yêu cầu đạo đức trở nên dàn trải, thiếu trọng tâm và không khuyến khích sự phát triển liên tục của giáo viên theo thời gian. Do đó, Dự thảo Luật Nhà giáo nên có khoản quy định cho Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành những thông tư quy định tiêu chuẩn nghề nghiệp nhà giáo có sự phân loại đạo đức theo từng bậc học...”
Ninh Nghi
{name} - {time}
-
2025-01-10 15:05:00
Bộ GD&ĐT cấm thi tuyển lớp 6 từ năm 2025: Xét tuyển dựa trên tiêu chí nào?
-
2025-01-10 14:43:00
Từ khi có... “thủ lĩnh”
-
2024-12-05 10:49:00
Loay hoay chờ “chốt” phương án thi vào lớp 10 năm 2025
Giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa trong trường học
Chông chênh sự học bên bờ sông Mã
Xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên
Nâng cao hiệu quả giáo dục giới tính cho học sinh miền núi
Trường THCS thị trấn Bến Sung - điểm sáng của ngành giáo dục Như Thanh
Vì tương lai trẻ em vùng cao
Đại học Sydney xem xét tăng cường cơ chế liên kết đào tạo với đối tác Việt Nam
Khánh thành “Trường đẹp cho em” tại điểm Trường mầm non thôn Yên Bình, xã Yên Khương
Sửa đổi, bổ sung quy định về mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ