(vhds.baothanhhoa.vn) - Lợi dụng thông tin về việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, nhiều đối tượng xấu đã nhanh chóng lợi dụng thời cơ này để tái diễn các chiêu trò cũ, nhưng được khoác lên “chiếc áo mới” mang tên: “cập nhật thông tin hành chính”, “chuyển đổi dữ liệu”, “đồng bộ hóa giấy tờ”. Điều đáng nói là những chiêu trò này không chỉ đánh vào tâm lý lo lắng, bất cẩn của người dân, mà còn tận dụng tối đa công nghệ cao để gây thiệt hại về tài sản và cả thông tin cá nhân của nạn nhân.

Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập tỉnh

Lợi dụng thông tin về việc sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, nhiều đối tượng xấu đã nhanh chóng lợi dụng thời cơ này để tái diễn các chiêu trò cũ, nhưng được khoác lên “chiếc áo mới” mang tên: “cập nhật thông tin hành chính”, “chuyển đổi dữ liệu”, “đồng bộ hóa giấy tờ”. Điều đáng nói là những chiêu trò này không chỉ đánh vào tâm lý lo lắng, bất cẩn của người dân, mà còn tận dụng tối đa công nghệ cao để gây thiệt hại về tài sản và cả thông tin cá nhân của nạn nhân.

Chiêu trò biến tướng

Trước đây, có rất nhiều người đã bị các đối tượng lừa đảo dưới danh nghĩa “hỗ trợ cập nhật VNeID” - ứng dụng định danh điện tử quốc gia. Các đối tượng giả mạo cán bộ công an, gọi điện yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn, tải app, cấp mã OTP rồi chiếm đoạt thông tin cá nhân, thậm chí truy cập vào tài khoản ngân hàng.

Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập tỉnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Gần đây, lợi dụng thông tin về sáp nhập tỉnh thành, một “chiếc áo mới” đã được các đối tượng lừa đảo khoác lên. Chúng tiếp tục gọi điện, gửi tin nhắn hoặc phát tán email lạ, thông báo người dân cần “đồng bộ hóa dữ liệu hành chính”, “cập nhật thông tin do thay đổi địa giới hành chính” hoặc “xác thực lại danh tính theo tỉnh mới”. Những thông báo có vẻ rất hợp lý và thời sự này dễ khiến nhiều người tin tưởng, nhất là người cao tuổi, người ít am hiểu về công nghệ.

Sau khi gây dựng niềm tin ban đầu, các đối tượng sẽ yêu cầu người dân truy cập vào một đường link “giả mạo” - thường có giao diện giống hệt các trang của cơ quan chức năng như Cổng dịch vụ công, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, hoặc EVN, VNPT... Trong nhiều trường hợp, các đối tượng còn cung cấp ứng dụng “cập nhật thông tin tỉnh mới”, yêu cầu người dân tải về để “tiện xử lý thủ tục”.

Khi người dân thao tác theo hướng dẫn, một loạt dữ liệu cá nhân bị rò rỉ - từ số căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng, email, mật khẩu, đến cả mã OTP xác thực. Từ đó, các đối tượng dễ dàng chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng, ví điện tử, và rút tiền trái phép.

Một số thủ đoạn còn tinh vi đến mức lồng ghép cả yêu cầu “nộp lệ phí xử lý hồ sơ hành chính” bằng cách chuyển khoản vào tài khoản mạo danh tên đơn vị nhà nước. Có nạn nhân đã chuyển hàng chục triệu đồng chỉ để “tránh bị xử phạt hành chính do chậm cập nhật giấy tờ”.

Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo lợi dụng việc sáp nhập tỉnh

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Một chiêu lừa khác đang tái diễn mạnh mẽ trong thời gian gần đây là thông báo “ngắt điện, cắt nước, khóa internet” nếu không cập nhật thông tin sau sáp nhập hành chính. Các cuộc gọi từ số lạ với nội dung: “Chúng tôi là bên quản lý điện/nước/kết nối mạng khu vực, thông tin của quý khách chưa được đồng bộ theo đơn vị hành chính mới. Nếu không xử lý trước 17h hôm nay, hệ thống sẽ tự động ngắt kết nối”.

Kèm theo lời thông báo là đường dẫn yêu cầu cập nhật thông tin. Một số cuộc gọi còn có giọng máy tự động giả giọng tổng đài viên, khiến người nghe hoang mang và làm theo một cách vô thức. Đặc biệt, nhiều kịch bản lừa đảo còn lồng ghép yếu tố pháp lý, như: “Đây là quy định mới theo nghị quyết sáp nhập tỉnh, nếu không tuân thủ có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng”.

Khi người dân truy cập vào đường link và nhập thông tin, họ ngay lập tức bị điều hướng sang các nền tảng giả mạo, nơi dữ liệu cá nhân bị thu thập, hoặc tài khoản bị khống chế từ xa.

Hãy tỉnh táo, đừng để mình trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo dưới mọi hình thức

Nhìn chung, các thủ đoạn lừa đảo hiện nay ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp và có tổ chức. Chúng kết hợp giữa hiểu biết về tâm lý xã hội, khai thác điểm nóng thời sự (sáp nhập tỉnh, chuyển đổi số, VNeID), và kỹ thuật công nghệ để gây ra thiệt hại lớn trong thời gian ngắn.

Trong thời đại công nghệ số, việc bảo vệ bản thân khỏi các chiêu trò lừa đảo không còn là việc của riêng ai. Sự tỉnh táo, cảnh giác và hiểu biết là lá chắn tốt nhất cho mỗi người, mỗi gia đình. Đừng vì thiếu vài phút xác minh mà đánh mất tài sản tích cóp cả đời.

Chiêu trò lừa đảo biến tướng theo thời cuộc không phải chuyện mới, nhưng nó luôn có sức tàn phá đáng sợ khi rơi vào đúng tâm lý chủ quan, thiếu đề phòng. Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cá nhân, kiểm chứng mọi thông tin nhận được từ các nguồn đáng tin cậy, và nói “không” với mọi hình thức dẫn dụ qua đường link lạ.

Đức Trường


Đức Trường

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]