(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của Mỹ. Chiến công bất hủ đó đã giành lại độc lập, tự do trên nửa phần đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chiến thắng Điện Biên Phủ - mốc son chói lọi bằng vàng

(VH&ĐS) Cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân năm 1953 - 1954, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp của Mỹ. Chiến công bất hủ đó đã giành lại độc lập, tự do trên nửa phần đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở miền Bắc, tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH.

Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc. Đây là một căn cứ quân sự rất thuận lợi. Thực dân Pháp đã lấy căn cứ này làm địa bàn chiến lược cơ động.

Trong chiến dịch Thu Đông năm 1953 - 1954, Pháp tập trung tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ một lực lượng quân sự lớn với 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và một phi đội không quân thường trực 14 chiếc. Số quân lính địch là 16.200 tên, chúng bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu, phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng ở ngay giữa Mường Thanh. Hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm với gần 100 chiếc lên, xuống mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 tên địch, đảm bảo nguồn tiếp viện cho quân Pháp trong quá trình tác chiến.

Sau khi phân tích tình hình các chiến trường, Hồ Chủ tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, một trận “quyết chiến chiến lược” giữa ta và Pháp. Bộ Chính trị nhận định, tuy Điện Biên Phủ là một tập đoàn cứ điểm mạnh, song lại bị cô lập và rất xa hậu phương của địch, nên mọi tiếp tế vận chuyển đều dựa vào đường hàng không. Đồng thời Bộ Chính trị ra quyết định thành lập Bộ chỉ huy và Đảng ủy mặt trận do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp lãnh đạo. Chính Phủ ra quyết định thành lập hội đồng cung cấp mặt trận do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm chủ tịch. Quyết định của Bộ chính trị và Chính phủ là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ đã trở thành ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Phương châm tác chiến ban đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ là “đánh nhanh, thắng nhanh” sau được đổi thành “đánh chắc, thắng chắc” do đánh giá lại tính chất phòng ngự và so sánh lực lượng. Theo kế hoạch, chiến dịch Điện Biên Phủ được bắt đầu từ ngày 13/3 đến 7/5/1954, chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 từ ngày 13 đến 17/3/1954; Giai đoạn 2 từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954 và giai đoạn 3 tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954. Đêm ngày 6/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ phá các hầm ngầm. Tên quan Tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng, góp phần quyết định cho thành công của Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954.

Ngày 7/5/1964, kỷ niệm 10 năm chiến thắng “chấn động địa cầu”, Bác viết vào Sổ cảm tưởng của Bảo tàng Điện Biên Phủ: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta mà cũng là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của Chủ nghĩa Mác - Lênin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại; cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. “Đã được ghi vào lịch sử như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa ở thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).

Hơn sáu thập kỷ trôi qua, mảnh đất chiến trường Điện Biên Phủ năm xưađã dần thay màu “áo mới” đổi trở thành thành phố Điện Biên Phủ. Lòng chảo Điện Biên Phủ bây giờ đã trở thành nền tảng của một thành phố mới, trẻ trung và năng động. Cửa ngõ Him Lam - nơi hoang tàn sau chiến tranh ác liệt, giờ trở thành phường Him Lam (TP Điện Biên Phủ) thanh bình, tươi đẹp và ngày một phát triển.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son vàng chói lọi, chiến thắng góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc nhằm phát huy sức mạnh toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Đồng thời góp phần khẳng định sự đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau giữa các quốc gia, các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới để tiến tới cùng nhau đẩy lùi chiến tranh. Tăng cường sự hợp tác toàn diện để xây dựng một thế giới không có chiến tranh, thế giới của sự hợp tác và cùng phát triển.

Nguyễn Văn Thanh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]