(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu như Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim không bị kẻ ác hãm hại khiến cho sự nghiệp Trung hưng nhà Lê do ông dốc lòng mưu tính phải “chuyển” sang cho người con rể Trịnh Kiểm, thì có thể câu chuyện “mở cõi” về phương Nam của Nguyễn Hoàng (con trai thứ 2 của Nguyễn Kim) đã khác?! Dẫu vậy, ta lại tin rằng, lịch sử vẫn thường có “lý lẽ” riêng và Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính là người được chọn để gánh vác sứ mệnh lịch sử.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: “Từ độ mang gươm đi mở cõi”

Nếu như Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim không bị kẻ ác hãm hại khiến cho sự nghiệp Trung hưng nhà Lê do ông dốc lòng mưu tính phải “chuyển” sang cho người con rể Trịnh Kiểm, thì có thể câu chuyện “mở cõi” về phương Nam của Nguyễn Hoàng (con trai thứ 2 của Nguyễn Kim) đã khác?! Dẫu vậy, ta lại tin rằng, lịch sử vẫn thường có “lý lẽ” riêng và Chúa Tiên Nguyễn Hoàng chính là người được chọn để gánh vác sứ mệnh lịch sử.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng: “Từ độ mang gươm đi mở cõi”Nguyên miếu thuộc khu di tích Lăng miếu Triệu Tường nằm trên địa bàn xã Hà Long (Hà Trung) là nơi thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim và Thái tổ - Gia Dụ Hoàng đế Nguyễn Hoàng.

Sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc ở trang Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, nay là làng Gia Miêu, xã Hà Long (Hà Trung), Nguyễn Hoàng là con trai thứ của Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim. Cũng bởi gia thế lớn nên khi biến cố lịch sử xảy đến - quyền thần họ Mạc cướp ngôi nhà Lê khiến cha ông là Nguyễn Kim, quan đại thần nhà Lê khi đó buộc phải chạy sang Ai Lao lánh nạn. Lúc bấy giờ, do còn quá nhỏ, cậu bé Nguyễn Hoàng được gửi lại cho người cậu ruột nuôi dưỡng. Sau khi vua Lê chọn Vạn Lại - Yên Trường để xây dựng kinh đô kháng chiến chống lại nhà Mạc thì Nguyễn Hoàng đã theo người cậu ruột về lại xứ Thanh để phò tá sự nghiệp Trung hưng của nhà Lê. Khi ấy, dũng tướng Nguyễn Hoàng với tài năng, khí chất hơn người đã nhiều lần dẫn binh xông pha trận mạc lập công lớn trong sự nghiệp “phù Lê, diệt Mạc”.

Nguyễn Hoàng lập nhiều công lao, khoảng năm Thuận Bình (1549 - 1555) đời Lê Trung tông, được tiến phong Đoan quận công. Nhưng trước cái chết bất ngờ của anh ruột Lãng quận công Nguyễn Uông, Nguyễn Hoàng không yên tâm, bàn với cậu ruột Nguyễn Ư Dĩ, giả vờ mắc bệnh điên để giữ mình. Tuy nhiên, người cậu ruột khuyên ông: “Cháu không thể giả vờ điên suốt đời, phải tìm cách giữ thân và vẫn tiến thân. Ta biết ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người làng Trung Am, xứ Hải Dương giỏi nghề thuật số, nên sai người thân tín đến nhờ hỏi, nhờ bảo ban đường lui tới” (theo Địa chí huyện Hà Trung).

Về việc Đoan quận công Nguyễn Hoàng quyết định đi trấn thủ phương Nam, sách Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua (NXB Thuận Hóa) cũng viết: “Gặp được Trạng Trình nhưng hai bên chẳng nói gì nhiều, ông khẩn khoản xin Trạng cho biết tương lai của mình và nói rõ hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Cảm tấm lòng thành và thương cho hoàn cảnh của ông, Trạng Trình lấy giấy viết cho ông 8 chữ “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (được hiểu là một dải Hoành Sơn có thể dung thân suốt đời”.

Đoan quận công Nguyễn Hoàng quyết định xin vua Lê và anh rể Trịnh Kiểm được đi trấn thủ xứ Thuận Hóa (từ Quảng Bình vào đến bắc Quảng Nam). Xứ Thuận Hóa lúc này bị xem là vùng đất mới “lam sơn chướng khí”, tuy nhà Lê đã giành lại được từ tay quân Mạc song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cần có dũng tướng bản lĩnh đi trấn thủ. Vì thế, biết Nguyễn Hoàng muốn vào đây, Trịnh Kiểm rất mừng, nên đã tâu với vua Lê. Ông được vua Lê trao cờ tiết để đi trấn thủ đất xa Thuận Hóa.

Năm Mậu Ngọ (1558) Nguyễn Hoàng dẫn theo gia quyến, người thân tín vào xứ Thuận Hóa. Điều đặc biệt, dù bị xem là nơi lam sơn chướng khí nhưng người cùng quê Tống Sơn và tướng sĩ xứ Thanh theo Nguyễn Hoàng rất đông. Hành trình vào vùng đất mới thật không dễ dàng. Sách Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua viết: Vài ngày sau ông đến Ái Tử, huyện Đăng Xương (nay là huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Vừa đến nơi, theo như người xưa kể lại thì dân Ái Tử đem đến tặng ông và đoàn tùy tùng 7 ghè nước trong. Cậu ông, tức Thái phó Uy quốc công Nguyễn Ư Dĩ (Nguyễn Ư Kỹ) bảo với ông rằng: “Trời đã ban cho tất có điềm trước, nay cháu vừa mới đến mà dân đã đem biếu nước tức là điềm được nước đó”. Nguyễn Hoàng rất mừng, quyết định lập dinh tại Ái Tử. Ông bắt đầu mở chiến dịch thu phục lòng người, ban bố hiệu lệnh nghiêm minh, ra thông cáo chiêu hiền đãi sĩ, bước đầu giảm sưu thuế cho dân, nên được người dân khắp vùng mến mộ, bậc hiền tài tìm đến rất đông. Ái Tử trở thành nơi đô hội, dân sống ấm no, hạnh phúc, xưng tụng ông là Chúa Tiên.

Sau thời gian đóng dinh ở Ái Tử, thấy thế đất chật hẹp, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho dời dinh mới đến vùng Trà Bát với quy mô xây dựng lớn hơn. Cũng thời gian này, ông được vua Lê phong Tổng trấn tướng quân kiêm nhiệm hai xứ Thuận - Quảng. Nguyễn Hoàng ra sức củng cố, xây dựng lực lượng hùng mạnh, lập đồn trại ở nơi hiểm yếu nhằm việc phòng giữ quân Mạc tiến đánh. Không chỉ vậy, với chính sách cai trị mềm mỏng và mong muốn gây dựng sự nghiệp bền lâu, ông khuyến khích người dân đi lập ấp mới, khai hoang phục hóa, miễn thuế trong thời gian dài; đồng thời khuyến khích giao thương, buôn bán, trao đổi vật phẩm giữa các vùng miền… Mới qua mươi năm dưới quyền trấn thủ của Nguyễn Hoàng, Thuận Hóa từ vùng lam chướng đã trở nên phồn thịnh, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, dân chúng an cư lạc nghiệp.

Khi nhà Lê Trung hưng giành lại được Thăng Long (1593), Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã đem thuyền binh ra Đông Đô chúc mừng vua Lê. Ông được ban chiếu phong Trung quân đô đốc phủ, tả đô đốc chưởng phủ sự, Thái úy Đoan quận công, ở lại kinh đô để phò vua giúp nước. Trong thời gian này, ông được vua Lê tin tưởng, nhiều lần giao việc dẫn binh đi đánh tàn quân nhà Mạc. Dù đã có tuổi song trên chiến trận, lão tướng Nguyễn Hoàng vẫn đánh đâu thắng đó, khiến kẻ thù khiếp sợ. Năm 1594, ông dẫn quân ra vùng Yên Tử truy kích quân Mạc Ngọc Liễn; sau đó tiếp tục tiến đánh Thái Nguyên dẹp yên dư đảng họ Mạc; Khi quân giặc nổi lên cát cứ miền Hải Dương, các tướng trong triều lần lượt thất bại, nhưng khi Nguyễn Hoàng dẫn binh đã nhanh chóng giành được thắng lợi.

Không chỉ vậy, trước những sách nhiễu của nhà Minh phương Bắc, năm Đinh Dậu (1597) lão tướng Nguyễn Hoàng còn hộ giá vua Lê lên cửa quan Lạng Sơn gặp gỡ đại diện triều đình nhà Minh để hội khám, buộc nhà Minh công nhận vua Lê lúc bấy giờ thực sự là dòng dõi nhà Lê.

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã ở lại Đông Đô thời gian dài, mong muốn trở lại xứ Thuận - Quảng để chăm lo cơ nghiệp riêng. Nhân cơ hội đem quân đi đánh kẻ phản loạn, Chúa Nguyễn Hoàng đã theo đường biển, dẫn binh trở về Thuận Hóa. Về đến Thuận Hóa, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng lại ra sức xây dựng binh lực, vỗ về, chăm lo cho đời sống Nhân dân. Theo sử liệu, năm 1608, trong khi từ Nghệ An trở ra Bắc đại hạn, mất mùa thì xứ Thuận - Quảng lại được mùa to. Vì thế, dân nghèo phiêu tán di cư vào đây rất nhiều. Với tấm lòng rộng mở, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã bố trí cho dân nghèo thoát cảnh đói khổ, từng bước an cư lạc nghiệp. Đây được xem là lần di dân lần thứ 3 từ phía Bắc vào dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Theo sách Nhà Nguyễn chín chúa mười ba vua, dưới thời Chúa (tức Nguyễn Hoàng) trị vì Nhân dân Đàng Trong đã sống một cuộc đời ấm no và thanh bình. Chỉ có một cuộc đánh nhau ở phía Nam vào năm Tân Hợi (1611), khi quân Chiêm Thành từ Đồ Bàn kéo ra xâm phạm Thuận Quảng, Chúa sai tướng đem quân đánh dẹp đẩy quân Chiêm vào tận Diên Ninh, chiếm lấy đất rồi lập phủ Phú Yên. Đây cũng là bước đầu Chúa Tiên mở rộng bờ cõi vào phía Nam.

Ca ngợi công lao của chúa Nguyễn Hoàng, sách Đại Nam thực lục tiền biên đã viết, đại ý: Ông vũ trị tài giỏi, chính trị khoan hòa, thường ra ân huệ, dùng pháp luật công bằng, răn giới bản bộ, cầm trấp kẻ hung dữ, dân cám ơn mến đức, chợ không hai giá, dân không ăn trộm, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến buôn bán, quân lệnh nghiêm túc, mọi người đều cố gắng làm việc. Vì vậy, không ai dám dòm ngó, dân trong xứ đều được an cư lạc nghiệp; ông được dân trong xứ gọi là Chúa Tiên.

Từ nền móng Chúa Tiên Nguyễn Hoàng gây dựng, các đời chúa Nguyễn về sau đã từng bước phát triển cơ nghiệp, xây dựng một Đàng Trong phát triển và mở rộng. Cách lăng Trường Nguyên (nơi an táng Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế Nguyễn Kim) không xa, vua Gia Long Nguyễn Ánh đã cho xây miếu 3 gian 2 chái thờ Nguyễn Kim và thờ vọng Nguyễn Hoàng. Miếu được đặt tên là Nguyên miếu (hay miếu Triệu Tường). Theo sách Địa chí huyện Hà Trung: “Khu vực Nguyên miếu nằm trong thành Triệu Tường là khu trung tâm được xây dựng năm Gia Long thứ 2 và trùng tu năm Minh Mệnh thứ nhất. Miếu chính và miếu trước đều 3 gian 2 chái. Gian chính giữa thờ Triệu Tổ Tĩnh Hoàng đế, gian bên tả thờ Thái tổ - Gia Dụ Hoàng đế (Nguyễn Hoàng), đều hướng về Nam, hàng năm gặp tiết ngũ hương và các tiết khác đều tế theo lệ các miếu ở kinh, quan tỉnh khâm mạng làm lễ”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]