(vhds.baothanhhoa.vn) - Chú trọng phát triển sản xuất, đồng bào Mông ở bản biên giới Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) có thêm bát ăn bát để thì sự học của những đứa trẻ đã khác. Trường lớp được Nhà nước đầu tư, những thầy cô giáo cũng chẳng phải lặn lội vượt suối leo đồi để vận động phụ huynh cho trẻ em ra lớp.

Chuyện học ở Ché Lầu

Chú trọng phát triển sản xuất, đồng bào Mông ở bản biên giới Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) có thêm bát ăn bát để thì sự học của những đứa trẻ đã khác. Trường lớp được Nhà nước đầu tư, những thầy cô giáo cũng chẳng phải lặn lội vượt suối leo đồi để vận động phụ huynh cho trẻ em ra lớp.

Chuyện học ở Ché LầuNăm học 2024 - 2025, học sinh tiểu học ở bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn) đã được học trong phòng học mới. Ảnh: Đỗ Đức

Sinh ra ở bản Mông, tốt nghiệp hệ sư phạm 12+2 năm 2022, anh Hơ Văn Pó (SN 1978) được trở về dạy học cho những đứa trẻ Ché Lầu. Sau đó anh được tiếp tục học tập nâng cao trình độ ở Trường Đại học Hồng Đức, đi làm thầy giáo ở khắp các khu lẻ Trường Tiểu học Na Mèo, rồi lại quay lại điểm trường bản mình từ 5 năm nay. Vậy nên, anh Pó tường tận về những thay đổi trong việc học của con em đồng bào Mông ở Ché Lầu.

Anh kể, khoảng trước năm 2010, bản Ché Lầu còn nghèo lắm. Đường bê tông chẳng có, bản được nối với trung tâm xã chỉ là lối đi nhỏ hẹp lởm chởm đất đá do người dân dùng cuốc xẻng bạt núi mà thành. Trời nắng, xe máy có thể đi được, nhưng ngày mưa thì đến chân người cũng khó bước vì trơn trượt. Xe máy muốn lên phải quấn xích vào lốp xe, nhưng cũng chẳng mấy người dám đi lại. Vì chỉ một chút sơ sẩy đã là sự sống còn nơi vực sâu hun hút. Thầy Pó nhớ lại, có lần xuống bản Son mua thực phẩm, quãng đường chỉ chừng 8 cây số, nhưng phải bấm chân đi bộ đến cả ngày trời mới về đến bản.

Giao thông khó khăn, chẳng có nhiều hàng hóa được đưa từ dưới xuôi lên bày bán. Mà nếu có, thì giá mỗi mặt hàng đều cao gấp 2 - 3 lần so với ở trung tâm xã. Trong khi cuộc sống của bà con còn duy trì tập quán cũ, du canh làm nương rẫy, chẳng đủ ăn. Vậy nên cũng chẳng nhiều người dân tự nguyện cho con em mình đến lớp đều đặn.

Ngày ấy, phòng học ở khu lẻ Ché Lầu chỉ liêu xiêu vách lá, trời mưa to, con trẻ không tài nào học nổi. Bên trong căn phòng ấy, chỉ có vài bộ bàn ghế, trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 học chung một buổi, một thầy giáo. Rồi hôm trời giông bão, chẳng thầy cô nào dám nhận trẻ vào lớp, vì cả khu trường có thể bị gió cuốn phăng bất kể lúc nào. Mà không ít lần sau bão, những người thầy lại đi xin nứa, luồng, lá cọ của người dân dựng lại phòng học, chằng buộc mái lái, tiếp tục gieo chữ...

Rồi những ngày ra giêng giáp hạt, chẳng mấy đứa trẻ Ché Lầu ở lại bản, những người thầy phải lặn lội vào tận nương rẫy sâu tít phía rừng già, vận động phụ huynh cho các cháu về theo học chữ. Nhưng không phải lần nào lên nương cũng thành công. Chẳng nhiều người cho con trẻ về đi học. Bởi họ nghĩ, học không ra hạt bắp, củ khoai, chỉ tốn thời gian, công sức... Nhưng kiên trì rồi cũng thành công, một lần không được, thì vào tiếp lần hai, lần ba, phụ huynh cũng nể mà cho các cháu theo thầy.

“Chuyện học ở bản mình hơn 10 năm trước là thế. Vất vả nhất là khi leo đồi, lội suối vào nương nhưng đi cả buổi tìm mãi không thấy học trò. Cũng có bố mẹ khuyên các cháu trốn đi để thầy không phát hiện được. Nhưng mình biết, không được học, con cháu người Mông mình chẳng thể khấm khá hơn được. Nên mình kiên trì, rồi phụ huynh cũng nể mà cho các cháu về theo học”, thầy giáo Pó kể lại.

Chuyện học ở Ché LầuMột góc bản đồng bào Mông Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn). Ảnh: Quang Trung

Ngày đang khác. Bẵng một thời gian đi khắp các điểm trường ở xã vùng biên Na Mèo dạy chữ, được trở về nơi mình sinh ra làm khu trưởng tiểu học, thầy giáo Hơ Văn Pó nhận rõ những khác biệt ấy. Anh cười tươi: “Giờ giáo viên chẳng phải đi đến từng nhà vận động các cháu đi học như trước đây nữa. Bà con đã thay đổi nhiều rồi, tự cho con mình đến trường học chữ để mong có kiến thức".

Sự thay đổi rõ rệt nhất, theo thầy giáo Pó là từ năm 2022, khi Nhà nước đầu tư xây dựng con đường bê tông, rồi kéo lưới điện lên các bản biên giới Ché Lầu, Mùa Xuân, Xía Nọi. Có điện, đường, sóng viễn thông, rồi được cán bộ huyện, xã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trồng khoai mán, dứa, trồng lúa nước hai vụ ngay tại bản, không phải du canh làm rẫy nữa, rồi nuôi con bò, con trâu... nên đời sống bà con được cải thiện đáng kể. Giờ Ché Lầu đã có quán hàng bày bán lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu của bà con. Trên đường bản, đã có những chiếc xe tải vào ra thu mua nông lâm sản của bà con về xuôi tiêu thụ.

Phía trên con dốc, nơi khu lẻ Ché Lầu lụp xụp khi xưa giờ đã là một dãy nhà khang trang kiên cố vừa được Nhà nước đầu tư xây dựng. Khu trường mới gồm 3 phòng học rộng rãi, cùng 2 phòng học được xây dựng trước đó đã đảm bảo điều kiện cho 45 học sinh ở Ché Lầu học tập. Dù việc xây dựng vẫn đang diễn ra ở một vài hạng mục phía ngoài, nhưng bên trong phòng học đã râm ran tiếng nói thầy trò.

Thầy giáo Chung Trường Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Mèo, bộc bạch: "Quan tâm phát triển giáo dục trên địa bàn, thời gian qua, ngoài đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy và học, ban giám hiệu nhà trường đã ưu tiên phân công giáo viên là người bản địa dạy học ở các khu lẻ. Chính các thầy cô là những tấm gương gần gũi và sống động nhất về tinh thần nỗ lực vượt khó vươn lên học tập cho học sinh ở các khu trường lẻ noi theo.

Ngay kế bên, khu lẻ Ché Lầu, Trường Mầm non Na Mèo cũng râm ran tiếng trẻ. Tuy khu trường chưa được kiên cố, nhưng đã được dựng bằng ván gỗ chắc chắn. Bên trong ấy, những thầy cô giáo đã tổ chức nuôi ăn bán trú, giúp phụ huynh chẳng phải bỏ dở đồi nương về đón trẻ. Sự học ở bản đồng bào Mông Ché Lầu đang mỗi ngày thêm khởi sắc...

Đỗ Đức



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]