(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở nơi có núi non hùng vĩ, sông ngòi hội tụ, thuyền bè giao thương, xã Quảng Yên (Quảng Xương) xưa kia còn được biết đến với tên gọi Thiên Linh có đền thờ Nghiêu Sơn đại vương (còn gọi là đền Thiên Linh, đền Riềng). Tương truyền, ông là vị tướng của Vua Hùng, do đánh giặc bị thua nên chạy về vùng đất này và “hóa” tại đây, được người dân lập đền thờ. Đây cũng là vùng đất của Ngũ trò Thiên Linh nổi tiếng xưa kia. Trong đó, hai trò Tú Huần và Quân Thuyền mang nhiều ý nghĩa, là linh hồn của lễ hội.

Đặc sắc Ngũ trò Thiên Linh trên đất Quảng Xương

Nằm ở nơi có núi non hùng vĩ, sông ngòi hội tụ, thuyền bè giao thương, xã Quảng Yên (Quảng Xương) xưa kia còn được biết đến với tên gọi Thiên Linh có đền thờ Nghiêu Sơn đại vương (còn gọi là đền Thiên Linh, đền Riềng). Tương truyền, ông là vị tướng của Vua Hùng, do đánh giặc bị thua nên chạy về vùng đất này và “hóa” tại đây, được người dân lập đền thờ. Đây cũng là vùng đất của Ngũ trò Thiên Linh nổi tiếng xưa kia. Trong đó, hai trò Tú Huần và Quân Thuyền mang nhiều ý nghĩa, là linh hồn của lễ hội.

Đặc sắc Ngũ trò Thiên Linh trên đất Quảng XươngTrò Tú Huần không chỉ được biểu diễn trong lễ hội đền Thiên Linh vào dịp đầu năm, mà còn tham gia nhiều chương trình, liên hoan văn hóa trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Công Sáu

Hàng năm vào tháng Giêng (từ mùng 7-12 âm lịch), người dân trong làng lại tổ chức Lễ hội đền Thiên Linh nhằm cầu cho mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh, đời sống ấm no. Và trong lễ hội truyền thống, không thể thiếu “Ngũ trò”, bao gồm các trò: Tú Huần, Quân Thuyền, Văn Vương, Trống Mõ, Tiên Cuội... Trải qua thời gian với nhiều biến động, trò diễn bị gián đoạn, thất truyền. Với nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, đến nay trong Ngũ trò đã phục dựng được hai trò Tú Huần và Quân Thuyền. Đây cũng là hai trò diễn tế Đức thánh Nghiêu Sơn.

Theo các cụ cao niên trong làng, trò Tú Huần ở đất Thiên Linh xưa kia được truyền dạy bởi ông Tiên núi Nưa. Vốn làm nghề đốn củi, mỗi khi cơm no rượu say, ông vừa đi, miệng hát, tay múa, xuống núi Hoàng Sơn bên sông Vị, qua đò Vạy tới làng Riềng (Thiên Linh) vui chơi cùng những đứa trẻ chăn trâu. Ông tập hợp và dạy chúng múa hát và đó chính là trò Tú Huần. Nhân dân làng Riềng tiếp nhận, biểu diễn trong dịp đầu năm để tế thần, mua vui. Tú Huần có ba phần: Đầu trò (Giáo đầu), Thân trò; Kết trò.

Ngay ở lời “Giáo đầu” trò Tú Huần cũng chép rõ: “Chiềng hai làng ta lẳng lặng mà nghe/ Tú Huần tôi giáo đầu sự tích/ Dặm ngàn Nưa mấy đỉnh lô xô/ Trò sự tích của ông Tu Tiên thuở nọ...”. Trong cuốn Địa chí văn hóa huyện Quảng Xương (NXB Lao Động năm 2012) do cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ chủ biên, nhận định: “Ở Thanh Hóa nhiều nơi diễn trò Tú Huần nhưng không nơi nào có “Giáo đầu sự tích” như Thiên Linh. Khi hát câu: “Trò sự tích có ông Tu Tiên thuở nọ”, cả mười một mẹ và con đều chỉ lên trời, ý nói ông Tu Tiên đã cưỡi hạc về trời... Truyền thuyết về gốc tích của trò diễn Tú Huần ở Thiên Linh là logic với thực tiễn. Tuy nhiên, không nghĩ đơn giản trò Tú Huần do ông Tiên núi Nưa hay người tiều phu núi Nưa sáng tác. Có lẽ ông dựa trên một điệu trò hay trò múa hát cổ nào đó.... Cải biên thích hợp với bọn trẻ mục đồng”.

Vào thời Tây Sơn, con trai thứ của vua Quang Trung là Nguyễn Quang Bàn làm Tổng trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa) đã chọn đất Kẻ Riềng làm đô trấn, xây dựng “tiểu triều” (tiểu triều đình - toàn quyền quyết định mọi việc trong trấn). Dân làng Riềng phải di cư đến nơi khác ở. Ngày Tết Nguyên đán được trở về đất cũ cúng tế thần linh, tổ tiên, ông bà. Họ được phép diễn trò vui khiến quân lính Tây Sơn yêu thích và tổ chức theo. Từ đây, trò Tú Huần được “quân đội hóa” với trang phục lính nhà Tây Sơn. Khi nhà Nguyễn lật đổ nhà Tây Sơn, sắc màu quần áo quân trò cũng phải thay đổi (bỏ áo đỏ, chỉ dùng nẹp đỏ...). Tuy nhiên, những yếu tố “gốc” cổ xưa của trò diễn thì vẫn được lưu truyền.

Trò Tú Huần được biểu diễn bởi “Một mẹ và mười con” hay còn gọi “Một cái mười quân”, là trai, gái thanh tân, gia đình không tang cớ. Trong đó, “mẹ” đầu chít khăn vành rây ba lớp; “con” đội nón vàng, xương đan nan tre, nứa, bên ngoài bọc vải. Tất cả các động tác (đi, đứng, đánh sênh, múa sênh), nhịp điệu (nhanh, chậm) trong Tú Huần đều được “mẹ” dùng tiếng trống để điều khiển. Mỗi câu hát trong trò diễn được chấm dứt bằng tiếng “hú”. “Có thể nói tiếng “hú” là một trong những “lời ca” đầu tiên của âm nhạc thời nguyên thủy. Nhạc cụ có trống, sênh, mõ, thuộc bộ gõ, đều thấy khắc họa trên trống đồng Đông Sơn... Cách diễn của trò Tú Huần Thiên Linh giống như mô phỏng một cuộc đi săn thời xưa. Một mẹ là người đứng đầu cuộc săn thường là nữ làm nhiệm vụ khấn vái thần linh, điều khiển chung. Theo hiệu lệnh của mẹ (cái), đoàn săn tiến vào rừng núi, vừa hú vang gọi nhau, cũng là làm phép để gọi bầy thú... trò diễn kết thúc với nhịp bước khoan thai, hồ hởi trước kết quả thắng lợi” - cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ.

Cùng với trò Tú Huần, trò Quân Thuyền cũng được khôi phục trên đất Thiên Linh bắt đầu vào năm 1974. Thực hiện chủ trương khôi phục Ngũ trò Thiên Linh để phục vụ cho công tác nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian, cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ khi đó đã về vùng đất này, cùng với các bậc lão niên trong làng sưu tầm, chắt lọc tư liệu để khôi phục. Sau đó, hai trò diễn đã được báo cáo trong Hội nghị đại biểu văn hóa văn nghệ dân gian miền Bắc, trước sự chứng kiến của các nhà nghiên cứu: Vũ Ngọc Phan, Cao Huy Đỉnh, Phan Đăng Nhật...

Nếu trò Tú Huần có 11 người thì Quân Thuyền lại bao gồm 10 quân và 2 cái, là thiếu nữ thanh xuân, với các đạo cụ như “bơi chèo, quạt giấy, trống, mèng”. Hết “Giáo đầu” là “Chèo chải” (Chèo bơi) khoan thai, nhịp nhàng và “Chèo cạy” với động tác, nhịp điệu nhanh hơn.

Và các điệu múa mang nội dung, ý nghĩa khác nhau. “Múa mái” thể hiện động tác chèo thuyền khi nhanh khi chậm, lúc rẽ phải, quay trái, tiến lên, lùi xuống, lui về, cập bến; “múa quạt” mô tả cảnh nắng hạn, gió thổi, mây đen, sấm chớp nổi lên, trời mưa xuống; “múa tay” mô phỏng việc phát cỏ, cuốc ruộng, gieo mạ, đi cấy, đi gặt, mừng được mùa.

Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, trò Quân Thuyền ở vùng đất Thiên Linh cổ xưa tuân theo quy luật Âm - Dương rất rõ: trống phát tiếng “tung” thanh nổi là dương, mèng phát tiếng “kèng” thanh chìm là âm. Tiếng trước, tiếng sau như xướng họa, đối đáp, đánh cùng lúc thì hòa hợp. Con trò bên trái là dương, bên phải là âm, động tác giao mái chèo, điệu múa giao chéo cổ tay, phẩy quạt giao lưu... thể hiện đôi bên âm dương hòa hợp. Bởi nguồn gốc vạn vật, hiện tượng trong trời đất (mưa, nắng, hạn hán, lũ lụt...) đều quan hệ tới âm dương... Trời đất điều hòa thì mưa nắng thuận, vạn vật sinh sôi, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ.

Không ai biết hệ thống Ngũ trò ở đất Thiên Linh có từ bao giờ. Tuy nhiên, từ tư liệu tìm hiểu của các nhà nghiên cứu, có thể thấy ở thời Tây Sơn, “tiểu triều Thiên Linh” rất khuyến khích nghệ thuật diễn xướng dân gian. Trong đó trò Quân Thuyền khá thịnh hành, được Tổng trấn Thanh Hoa Nguyễn Quang Bàn cho các nữ quân trẻ tuổi luyện tập mua vui ngày xuân. Trong trò Quân Thuyền có nhiều lời hát ngợi ca công lao vua Quang Trung Nguyễn Huệ.

Khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ngoài thờ Nghiêu Sơn đại vương, đền Thiên Linh còn được Nhân dân phối thờ Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ với tên gọi chung là Đức thánh cả; cùng với nhị vị công chúa (tương truyền là công chúa Lê Ngọc Hân và nữ tướng Bùi Thị Xuân).

Sau thời gian nỗ lực khôi phục và bảo tồn, gìn giữ, ngày nay trở về đất Thiên Linh xưa, ta được thả mình trong không gian văn hóa cổ xưa. Ông Nguyễn Đức Thắng, công chức văn hóa - xã hội xã Quảng Yên, cho biết: “Đền Thiên Linh còn gọi là đền Riềng, được trùng tu năm 2012 và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2014. Đền là không gian thiêng, cũng là nơi diễn ra nghi thức văn hóa - trò diễn (Tú Huần; Quân Thuyền) dịp lễ hội đầu năm. Để bảo tồn, duy trì các trò diễn, từ năm 2004 địa phương đã thành lập Câu lạc bộ Dân ca dân vũ truyền thống xã Quảng Yên. Đến nay câu lạc bộ có 50 thành viên ở nhiều thế hệ khác nhau, đảm bảo việc biểu diễn và trao truyền giá trị văn hóa truyền thống của ông cha xưa”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]