Ðất làng Long Linh
Nằm bên sông Chu, làng Long Linh, xã Thọ Trường, nay thuộc xã Trường Xuân (Thọ Xuân) có lịch sử lập dựng lâu đời. Đây cũng là vùng quê cách mạng nổi tiếng của xứ Thanh.
Làng Long Linh nay thuộc xã Trường Xuân là vùng quê có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng.
Làng Long Linh nằm bên tả ngạn sông Chu. Lần theo sử liệu, văn bia và lưu truyền dân gian, hậu thế biết được, từ thời Trần - Hồ vùng đất này đã có con người đến cư ngụ. Bấy giờ làng có tên gọi là Cổ Linh. Đến thời Lê, đổi tên thành Địa Linh và sang thời Nguyễn làng đổi tên thành Minh Linh, rồi Long Linh tổng Thử Cốc.
Trong lịch sử, đất Long Linh bao gồm các làng nhỏ: Long Linh Nội, Long Linh Ngoại và Căng Hạ. Truyền thuyết ở vùng đất Long Linh đến nay còn lưu truyền, nơi đây thuở xưa đã có con người đến khai hoang, cư ngụ. Vào một năm khoảng cuối thời nhà Trần, nước sông dâng cao, có con cá chép (cá gáy) khổng lồ dạt vào bờ sông Chu. Người làng thấy vậy liền cùng nhau khiêng cá về trong làng làm thịt, chia cho các gia đình. Bấy giờ, trong làng chỉ có hai gia đình người phụ nữ họ Nguyễn và họ Lê dù được người làng chia phần nhưng chưa ăn cá. Đêm đó, hai người phụ nữ họ Nguyễn và họ Lê đều mộng thấy một ông lão râu tóc bạc phơ, hiện ra bảo lấy chiếc đũa cả (đũa bếp) cắm ở giữa nhà và bốn đũa con cắm ở bốn góc nhà; đồng thời kê giường cao lên... Nói rồi ông lão biến mất. Cũng trong đêm ấy, lũ đột ngột dâng cao khiến nước tràn ngập bốn bề, cuốn trôi tất cả. Nhưng kỳ lạ, chỉ có hai căn nhà của hai bà họ Nguyễn và họ Lê là còn nguyên vẹn.
Về truyền thuyết kể trên, trong diễn ca lịch sử xã Thọ Trường trước đây cũng nhắc đến: “... Đời Trần Quang Thái Thuận Tông/ Bị cơn hồng thủy mưa dồn vỡ đê/ Xã thôn trôi sạch thảm thê/ Chỉ còn sót lại Nguyễn, Lê hai nhà/ Đồng lòng nghĩ đến ông cha/ Đồng lòng góp sức đặt ra xóm làng...”.
Với địa thế nằm cạnh sông Chu, giao thông đi lại thuận tiện, trải qua thời gian, cùng với họ Nguyễn, họ Lê, người các dòng họ Trịnh, họ Hoàng, họ Trương... đã cùng tìm về đất làng Long Linh tụ cư, xây dựng xóm làng phát triển.
Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nhờ sự bồi đắp của phù sa sông Chu tạo nên cho vùng đất Long Linh những bãi bồi tươi tốt, dân cư đông đúc. Riêng làng Long Linh Ngoại nằm sát ven đê có cảnh sắc hữu tình. Nơi đây khi xưa trồng bạt ngàn những dừa và vải - tạo nên thứ cây đặc sản của quê hương Long Linh. Trong đó, bãi trồng vải ở làng Long Linh Ngoại với những cây vải tồn tại hàng trăm năm.
Không chỉ là làng quê êm đềm, cổ kính. Đất làng Long Linh còn là một miền quê giàu truyền thống cách mạng - một trong những nơi “đứng chân” quan trọng của Đảng bộ tỉnh trong những năm tháng hoạt động bí mật. Nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng bộ tỉnh, các đồng chí cán bộ của Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ đã lần lượt đến làng Long Linh để hoạt động và chỉ đạo phong trào.
Một trong những người cộng sản đầu tiên làng Long Linh là đồng chí Trịnh Khắc Sản - người không chỉ đóng vai trò quan trọng trong quá trình gây dựng cơ sở Đảng ở địa phương mà còn có nhiều đóng góp cho phong trào cách mạng của tỉnh Thanh Hóa.
Ngôi nhà đồng chí Trịnh Khắc Sản ở Long Linh là địa điểm liên lạc, bắt mối của các chiến sĩ cộng sản (trong đó có cả cán bộ Xứ ủy và Tỉnh ủy) trong quá trình củng cố và khôi phục lại Đảng bộ tỉnh sau khi bị kẻ địch khủng bố, đàn áp. Nơi đây, cũng là trụ sở của cơ quan in báo “Hồn Lao động”. Tại đây, nhiều tài liệu bí mật của Đảng đã được in ấn trước khi phát cho các cơ sở cách mạng.
Trong giai đoạn từ 1930 đến năm 1939, ngôi nhà của đồng chí Trịnh Khắc Sản ở Long Linh ví như một “lò lửa cách mạng” và đồng chí Trịnh Khắc Sản - người đảng viên kiên trung còn bị mật thám của thực dân Pháp gọi là “một trong những kẻ cầm đầu của sự phản loạn”.
Nhắc đến vùng đất cách mạng Long Linh, không thể không nhắc đến những địa điểm cách mạng. Trong đó, bên cạnh ngôi nhà của đồng chí Trịnh Khắc Sản, còn có đình làng Long Linh và khu vực Bãi Vải.
Đình làng Long Linh là địa điểm gắn bó với cả quá trình đấu tranh cách mạng của cán bộ đảng viên và người dân làng Long Linh. Trong suốt những năm tháng tiền khởi nghĩa, đình làng Long Linh đã trở thành nơi diễn ra những tranh đấu của người dân địa phương do Đảng lãnh đạo. Và ngay cả khi bị kẻ thù vây lùng, khủng bố gắt gao thì đình làng Long Linh vẫn là nơi các bô lão, cán bộ làm cách mạng gặp gỡ, liên hệ bí mật với nhau. Cũng chính nơi đây, trong kháng chiến chống thực dân Pháp đã diễn ra những cuộc hội họp, kêu gọi đóng góp cho tiền tuyến - khẳng định sức mạnh, quyết tâm của hậu phương, quê hương cách mạng.
Ngôi nhà của đồng chí Trịnh Khắc Sản là một trong những “địa chỉ đỏ” ở làng Long Linh.
Nằm sát sông Chu, Bãi Vải làng Long Linh cũng là địa điểm cách mạng sôi động một thuở. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, Bãi Vải làng Long Linh đã có tuổi đời hàng thế kỷ với hàng nghìn cây xanh tốt. Không ai biết đích xác những cây vải được trồng ở đây từ bao giờ, tuy nhiên, trong thời kỳ đấu tranh cách mạng thì Bãi Vải (rừng vải) làng Long Linh là địa điểm liên lạc, hội họp “lợi hại”. Khi kẻ địch khủng bố, vây ráp phong trào cách mạng thì Bãi Vải làng Long Linh lại trở thành nơi cất giấu các tài liệu, vũ khí khiến kẻ địch không thể ngờ tới.
Không chỉ vậy, khu vực rừng vải này từng là nơi luyện tập của đội tự vệ làng. Và theo một số tài liệu, nhiều chiến sĩ cách mạng, đảng viên của huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa trong giai đoạn này vẫn thường bơi vượt sông Chu qua rừng vải làng Long Linh để hội họp, gặp gỡ. Sau đó, từ đây lại tiếp tục lên các vùng chiến khu như Ngọc Trạo.
Trong những năm tháng ấy, nếu như rừng vải với những quả mọng chín thơm nuôi sống người dân thì cũng chính rừng vải xanh tốt đã bảo vệ, chở che cho cán bộ cách mạng. Và tại rừng vải, đã có những cuộc “mở đường” thoát thân đầy ngoạn mục của một số chiến sĩ cách mạng bị kẻ địch vây bắt.
Trở về với đất và người làng Long Linh, dạo bước qua cánh cổng làng, qua mỗi điểm di tích... ta cảm nhận được ở nơi đây, mỗi tấc đất, ngôi làng, dòng sông, bến bãi... đều thấm đẫm hồn quê và cả những chuyện kể lịch sử.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm tự hào, đâu đó là những trăn trở, nỗi niềm khi ghé thăm các di tích ở làng Long Linh. Trước đó, với những giá trị lưu giữ, nhà ông Trịnh Khắc Sản, Bãi Vải và đình làng Long Linh đã được công nhận là di tích cấp tỉnh - nằm trong cụm di tích lịch sử cách mạng Long Linh. Song điều đáng buồn, hiện nay ngoài di tích nhà ông Trịnh Khắc Sản đã được trùng tu thì đình làng Long Linh hiện xuống cấp trầm trọng, rất cần được các cấp chính quyền và ngành chuyên môn quan tâm trùng tu, tôn tạo.
Ông Trịnh Bá Hậu, Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân, cho biết: “Làng Long Linh - Thọ Trường trước đây, nay thuộc xã Trường Xuân là vùng quê giàu truyền thống lịch sử và cách mạng. Tuy nhiên, địa phương còn nhiều khó khăn về kinh tế. Đảng bộ, chính quyền và người dân địa phương rất mong có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành để cùng với địa phương gìn giữ, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích, đặc biệt là các di tích cách mạng”.
Bài và ảnh: Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-21 15:11:00
Niềm vui xứ đạo
-
2024-12-20 19:53:00
Du lịch Thanh Hóa có gì hút khách trong tháng cuối cùng của năm?
-
2024-10-11 15:21:00
Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy
Phê duyệt kế hoạch bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một
Bếp ấm của mẹ
Lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức triển lãm Tem quy mô quốc tế
70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Khẳng định bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam
“Tiến về Hà Nội” - Niềm tin ấp ủ của những người con luôn hướng về Thủ đô
Hà Nội - nguồn cảm hứng bất tận của điện ảnh nước nhà
Truyện phim “Lũy hoa”: Tái hiện 60 ngày đêm quân và dân Thủ đô kháng chiến
Tò he truyền thống: Vẻ đẹp của văn hóa dân gian Việt Nam
Thăng Long Kinh kì - Kẻ Chợ