(vhds.baothanhhoa.vn) - Hà Nội đang trong những ngày lễ ý nghĩa - kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Một Hà Nội đẹp linh thiêng, cổ kính của chốn kinh kì và một Hà Nội - Kẻ Chợ với 36 phố phường, hội tụ nhiều nghề của dân khắp nơi tứ xứ, là những lát cắt mà nhóm tác giả Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín dày công biên soạn. Sách do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Thăng Long Kinh kì - Kẻ Chợ

Hà Nội đang trong những ngày lễ ý nghĩa - kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Một Hà Nội đẹp linh thiêng, cổ kính của chốn kinh kì và một Hà Nội - Kẻ Chợ với 36 phố phường, hội tụ nhiều nghề của dân khắp nơi tứ xứ, là những lát cắt mà nhóm tác giả Nguyễn Huy Thắng - Nguyễn Quốc Tín dày công biên soạn. Sách do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Thăng Long Kinh kì - Kẻ Chợ

Nằm trong chuỗi 3 cuốn: Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (Thời Lê - Trịnh); Thời Tây Sơn - Nhà Nguyễn, cuốn Hà Nội thời cận đại phản ánh một Hà Nội với cả những nét văn hóa giao thoa gồm cả chất kinh kì và chất kẻ chợ thời thuộc Pháp. Ở thời kỳ này, Hà Nội có một sự thay đổi lớn, một mặt vẫn giữ được những truyền thống cũ, mặt khác là nơi tiếp biến mạnh mẽ những yếu tố của văn minh phương Tây.

Đó là những câu chuyện còn kể mãi của tổng đốc Hoàng Diệu hết lòng vì nước vì dân, trong câu đối còn ghi ở gò Đống Đa: “Kia thành quách, kia non sông, trăm trận phong trần còn thước đất. Là trời sao, là sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh”.

Người Việt Nam là vậy, người Hà Nội là thế - vẹn tròn khí tiết, trung trinh một tấm lòng son với nước với dân. Chí khí lẫm liệt ấy còn được tiếp tục bởi quân, dân Hà Nội trong các cuộc kháng chiến vệ quốc sau này để đi đến trang sử nước nhà hoàn toàn độc lập, tự do, giang sơn thu về một mối.

Phần lớn tập sách Thăng Long Kinh Kì - Kẻ Chợ (Hà Nội thời cận đại) tìm hiểu những hoạt động liên quan đến giáo dục, giao thông, y tế, điện, nước, sinh hoạt và cả những nhân vật nổi tiếng của đất Hà Nội xưa.

Hà Nội tươi đẹp như một lẵng hoa và Tháp Rùa được ví von như viên ngọc xinh. Những địa danh còn mãi đến tận giờ: nhà bưu điện - cột mốc số O. Trường Pháp Việt, trường nữ sinh, trường thông ngôn, trường trăm nghề. Cuốn phim quay chậm về những năm tháng đặt dấu mốc về một Hà Nội văn minh, hào hoa. Có những thước phim được kể chậm rãi mà thấm thía. Đó là khi nói về điện ở Thủ đô xưa. Chắc ít người biết, Hà Nội xưa từng được ví von là “thành phố đi ngủ sớm”, bởi hoàng hôn buông xuống, nắng tắt là mọi hoạt động cũng dần lui về sự nghỉ ngơi trong bóng đêm không đèn điện.

Sau này, Hà Nội đã có nhiều thay đổi. Pau Doumer - Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đã có những câu thế này: “Đèn điện đối với hệ thống chiếu sáng nhiều thành phố lớn của nước Pháp sẽ phải ghen tị với thành phố thủ phủ của Bắc Kì. Phần lớn các đường phố trung tâm và các nhà đều được hưởng điện thắp sáng”.

Hình ảnh trẻ con chơi đùa dưới ánh sáng đèn, thậm chí ngay giữa ngã tư nơi có chiếc bóng đèn treo trên cao đã trở nên thân quen với nhiều thế hệ người Hà Nội. Rồi từ đây, nhiều tiện nghi đã ra đời. Người Hà Nội đã lắp đèn điện, quạt trần, máy hát. Người dân đã được đi xem xi-nê, tận hưởng thú vui ăn kem.

Hà Nội với cảnh quan kiến trúc đặc sắc, nhận xét về khu vực Hồ Gươm, tác giả cuốn “Việt Nam qua kiến trúc thuộc địa” có viết: đó là sự chuyển hóa những chuẩn mực về đô thị được du nhập từ phương Tây thể hiện qua việc kết hợp tính hợp lí kiểu phương Tây với nét duyên dáng Á Châu.

Một Hà Nội đã thay đổi diện mạo từ những năm 1875 khi Pháp tiến hành giai đoạn 1 của quá trình quy hoạch - xây dựng Hà Nội đến năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp, tân thị trưởng Hà Nội - bác sĩ Trần Văn Lai đã cho đổi tên các đường phố Hà Nội bằng tên các danh nhân Việt Nam và khôi phục các địa danh cũ bằng tiếng Việt.

Rồi một thời kỳ còn chưa xa ấy đã dần chậm lui về quá khứ. Một Hà Nội với chất văn hóa không trộn lẫn, vừa là đất kinh kì, lại là nơi tập trung hơn 30 ngành sản xuất thủ công và là đầu mối thương nghiệp của cả nước, kể cả với các nước như Hà Lan, Anh, Pháp, Bồ Đào Nha...

Đúng như nhóm tác giả đã khẳng định, dù là ở thời nào, thời Lê - Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn hay cận đại, thì Hà Nội luôn có chất kinh kì và kẻ chợ song hành với đất và người nơi đây.

Những ngày thu đẹp đến nao lòng này, nếu bạn đến Hồ Gươm, hãy nhớ lại người Pháp từng ấp ủ biến nơi này thành hồ nước xinh đẹp, bao quanh là dinh thự nguy nga. Song cái mà họ từng nhìn ấy mới là cảnh. Nhưng họ không biết rằng, Hồ Gươm mang trong mình truyền thuyết hoàn trả gươm báu. “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” (Nguyễn Đình Thi). Nơi ấy tự xưa đã là biểu tượng của văn hóa yêu nước, chuộng hòa bình, công lý của người Việt.

Thế mới biết, cái gì thuộc về chân giá trị tự thân sẽ quay trở lại với điểm xuất phát. Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc có thể du nhập thêm văn minh, thêm phương tiện, thêm cơ sở vật chất, song chất văn hóa, hồn cốt lắng hồn núi sông như mạch ngầm bền bỉ thì vẫn thế, và chắc chắn mãi sau này vẫn vậy. Những người yêu Hà Nội, tin Hà Nội luôn nghĩ vậy, bất chấp dòng thời gian có đổi thay.

Nguyễn Hường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]