Dạy học hai buổi mỗi ngày: Làm thế nào để không vi phạm Thông tư 29?
Sau khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành, một số địa phương đã triển khai thí điểm mô hình dạy học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, triển khai mô hình này thế nào cho đúng để không trở thành một “biến thể” của dạy thêm, học thêm là vấn đề được đặt ra.
Học sinh trải nghiệm giáo dục STEM. (Ảnh: TTXVN)
Đổi mô hình để thích ứng với Thông tư 29
Chị Nguyễn Thị Thương (quận Hà Đông, Hà Nội) cho hay Trường Trung học cơ sở Phú Cường, nơi con chị theo học, đã dừng tổ chức dạy thêm sau khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cấm dạy thêm có thu tiền trong trường học có hiệu lực thi hành.
Mới đây, trường đã tổ chức họp phụ huynh để lấy ý kiến về việc chuyển sang mô hình học 2 buổi/ngày. “Tôi và các phụ huynh đã đồng tình với mô hình này. Nhà trường cho biết đang chờ xin ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông để có thể triển khai,” chị Thương cho hay.
Trước đó, mô hình này đã được một số trường của Hà Nội đã triển khai vài năm qua như Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Trường Trung học cơ sở Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy)...
Trong khi việc chuyển sang mô hình học 2 buổi/ngày của Hà Nội là sự lựa chọn của từng cơ sở đơn lẻ thì một số địa phương đã lên phương án chuyển đổi toàn tỉnh. Ninh Bình triển khai thí điểm mô hình học 2 buổi/ngày, 5 ngày/tuần từ ngày 3/2 đến hết ngày 28/2. Sau thời gian trên, địa phương này sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà. Theo ông Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình, việc thực hiện thống nhất trong tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh sẽ thuận lợi hơn trong quản lý và chỉ đạo.
Tương tự, Yên Bái cũng triển khai thí điểm mô hình này từ đầu tháng 1/2025, tỉnh Phú Thọ thí điểm từ ngày 19/12/2024. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thanh Hóa cũng đã có đề xuất với Uỷ ban Nhân dân thành phố Thanh Hoá về việc được thực hiện học 2 buổi/ngày.
Mô hình này được thực hiện theo công văn 7291/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học được ban hành năm 2010. Theo đó, việc dạy 2 buổi/ngày phải đảm bảo các nguyên tắc như học sinh, phụ huynh tự nguyện đăng ký; không gây quá tải đối với học sinh...
Nội dung dạy theo định hướng bám sát chương trình, thực hiện các giải pháp tăng thời gian dạy học các nội dung khó, học sinh tự học có hướng dẫn của giáo viên; tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp từng đối tượng học sinh; dạy học các môn tự chọn và phát huy khả năng của học sinh theo các nội dung tự chọn.
Thông tư cũng nêu rõ định hướng hoạt động giáo dục như: giáo dục hướng nghiệp; giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục nghề phổ thông; giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao... theo quy định của kế hoạch giáo dục, kế hoạch thời gian năm học; phát triển năng khiếu cá nhân, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hình thức dạy học theo hướng các nhóm cùng đối tượng, có thể khác lớp, như cùng sở thích, cùng học lực, cùng nguyện vọng lựa chọn môn học...
Vẫn “lấp” học sinh vào lớp là sai quy định
Trước việc này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học khẳng định việc triển khai mô hình này phải tuân thủ đúng hướng dẫn các hoạt động đã quy định trong văn bản số 7291, không phải học buổi 2 vẫn xếp học sinh vào lớp để dạy như buổi sáng.
Theo ông Thành, trong buổi thứ hai (khi dạy học 2 buổi/ngày) có rất nhiều hoạt động để giúp học sinh tự học, tự rèn luyện, được phát triển các kỹ năng của mình. Trong Điều lệ trường học, điều 19, khoản 2 đã quy định hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục trong nhà trường như học lý thuyết, làm bài tập, thí nghiệm, thực hành, câu lạc bộ, các hoạt động sinh hoạt cộng đồng...
“Các trường phải xây dựng kế hoạch như vậy chứ không phải tổ chức dạy 2 buổi/ngày nhưng buổi chiều vẫn “lấp” học sinh vào lớp, như thế thực chất vẫn vi phạm quy định dạy thêm, học thêm,” Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho hay.
Cũng theo ông Thành, khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn số 5512 về xây dựng kế hoạch giáo dục, trong đó có phụ lục tham khảo xây dựng các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường.
Nếu học buổi sáng, thời lượng chỉ khoảng 28 tiết/tuần. Học 2 buổi/ngày, các nhà trường có buổi chiều để tổ chức các hoạt động giáo dục khác, như hoạt động đoàn đội, hoạt động trải nghiệm, thư viện...
“Thư viện để làm gì nếu không có thời gian để học sinh tự học, khai thác thư viện? Các sân chơi, bãi tập, nhà đa năng... có thể triển khai rất nhiều hoạt động. Các nhà trường đã chưa xây dựng đầy đủ các hoạt động giáo dục để khai thác hiệu quả các trang thiết bị, cơ sở vật chất được trang bị. Nếu tổ chức các hoạt động giáo dục, vận dụng kiến thức để phát triển năng lực cho học sinh vào buổi chiều là rất tốt,” ông Thành cho hay.
Cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Xuân Thành, hiệu trưởng phải có trách nhiệm phân công giáo viên hài hoà, hợp lý, sử dụng đội ngũ và cơ sở vật chất trong nhà trường để triển khai các hoạt động giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định về chế độ thanh toán tiền thừa giờ của giáo viên và ngân sách cũng đã bố trí cho vấn đề này. Ngoài ra, trong các hoạt động phát triển năng lực của học sinh, Nghị định số 24 năm 2021 của Chính phủ đã quy định rõ việc các trường được thu kinh phí ngoài học phí để hỗ trợ hoạt động giáo dục theo nghị quyết của hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Ngày 21/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm. Thời hạn kiểm tra từ ngày 20/2/2025 đến ngày 20/3/2025./.
Theo TTXVN
{name} - {time}
-
2025-02-21 15:13:00
Cuốn sách hay và bổ ích trong học đường
-
2025-02-21 14:29:00
Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong giờ thực hành
-
2025-02-20 08:38:00
Lần đầu thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới: Đặc biệt lưu ý khâu tập dượt
36 trường được tổ chức thi chứng chỉ tiếng Anh VSTEP
Bộ GD-ĐT tuyển 1.000 chỉ tiêu du học Liên bang Nga diện học bổng Hiệp định
Các trường THCS “trọng điểm” vẫn xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực học sinh
18 năm cấm dạy thêm... trên giấy và thách thức trong thực hiện Thông tư 29
Trường tiểu học, trung học cơ sở công lập sẽ được tuyển giáo viên cao đẳng
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới trong sử dụng nền tảng giáo dục Khan Academy
Ngừng dạy thêm nhưng không ngừng hỗ trợ học sinh học tập, ôn thi