(vhds.baothanhhoa.vn) - Tôi về miền biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc vào những ngày đông se lạnh, những con tàu cập bến sau chuyến vươn khơi. Những mẻ cá, mẻ tôm được các thương lái, bà con thu mua ngay tại bờ biển. Những người đàn ông đi biển trở về, vừa nghỉ ngơi, vừa tranh thủ kiểm tra lại ngư lưới cụ, thắt, vá lại một số đoạn lưới, giã bị hỏng để sẵn sàng cho những chuyến ra khơi. Vị mặn mòi của biển, mùi vị đặc trưng của tôm, cá... hòa quện làm nên nét riêng nơi miền biển.

Ði dọc miền biển quê Thanh (Bài 1): “Chắt chiu” vị biển

Tôi về miền biển Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc vào những ngày đông se lạnh, những con tàu cập bến sau chuyến vươn khơi. Những mẻ cá, mẻ tôm được các thương lái, bà con thu mua ngay tại bờ biển. Những người đàn ông đi biển trở về, vừa nghỉ ngơi, vừa tranh thủ kiểm tra lại ngư lưới cụ, thắt, vá lại một số đoạn lưới, giã bị hỏng để sẵn sàng cho những chuyến ra khơi. Vị mặn mòi của biển, mùi vị đặc trưng của tôm, cá... hòa quện làm nên nét riêng nơi miền biển.

Ði dọc miền biển quê Thanh (Bài 1): “Chắt chiu” vị biểnKhu nguyên liệu của Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh, tổ dân phố Đông Hải, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn được đầu tư quy mô.

Giữ nghề truyền thống

Đi dọc đê biển Ngư Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình bà Nguyễn Thị Tuân, thôn Thành Lập là hộ làm nghề mắm truyền thống và phát triển thành những sản phẩm hàng hóa. Trung bình mỗi tháng, cơ sở sản xuất và chế biến hải sản Phương Tuân của gia đình bà Tuân cung cấp ra thị trường khoảng 400 lít nước mắm, ngoài ra còn cung cấp nhiều loại mắm tôm, mắm chua. Các sản phẩm của gia đình bà theo năm tháng được khách hàng gần xa đón nhận và quen dùng. Bà Tuân khiêm nhường, lặng lẽ và “chắt chiu” lộc biển để vừa giữ nghề truyền thống, vừa đem lại thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu nguyên liệu, bà Tuân cẩn thận mở chum mắm, múc một thìa và rót vào chiếc bát con. Dưới ánh nắng chiều, nước mắm sóng sánh, màu vàng cánh gián đặc trưng và thoảng thơm, tôi cảm nhận đó là tất cả những gì tinh túy thiên nhiên ban tặng và bàn tay con người tạo ra. Nước mắm không chỉ là sản phẩm gia vị mà còn là nét văn hóa đặc trưng riêng của người dân miền biển. Ngoài gia đình bà Tuân, ở Ngư Lộc còn có 8 hộ gia đình làm nghề mắm có quy mô và 1 cơ sở chế biến mắm tôm, mắm chua đã và đang tạo việc làm cho nhiều lao động, đem lại hiệu quả kinh tế từ nghề truyền thống.

Xuôi về vùng biển Hải Hòa, phường Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, những ngày vào đông, biển cũng dịu êm, phẳng lặng. Những hàng quán bên đường chỉ còn lại một số hộ mở cửa kinh doanh buôn bán hàng hóa. Ngay mặt đường vào Khu Du lịch biển Hải Hòa là cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP (Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh), tổ dân phố Đông Hải, phường Hải Hòa của gia đình anh Lê Trọng Dũng và chị Lê Thị Liễu vẫn rộn ràng công nhân làm việc. Chị Lê Thị Dung ở tổ dân phố Đông Hải đang thoăn thoắt dán nhãn cho các sản phẩm nước mắm, mắm tôm, mắm chua... của Công ty TNHH Chế biến hải sản Hiệp Anh. Chị Dung đã có nhiều năm làm việc tại đây, công việc ổn định đã giúp cho gia đình chị có thêm thu nhập, nuôi con cái ăn học.

Ði dọc miền biển quê Thanh (Bài 1): “Chắt chiu” vị biểnNghề truyền thống góp phần đem lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho người dân miền biển.

Có hơn 20 năm gắn bó với nghề truyền thống và phát triển thành doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hải sản với thương hiệu “Dũng Liễu”, chị Lê Thị Liễu chia sẻ: Mỗi năm cơ sở gia đình tôi thu mua khoảng hơn 500 tấn nguyên liệu... Với mong muốn đem các sản phẩm quê hương đến với người tiêu dùng mọi miền, năm 2023-2024, công ty đã xây dựng 4 sản phẩm: nước mắm, mực khô, cá cơm khô, moi khô là sản phẩm OCOP 3 sao, góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu, giá trị sản phẩm hàng hóa. Ngoài cung cấp thị trường truyền thống, sản phẩm OCOP góp mặt tại các cửa hàng, siêu thị, khách sạn lớn trong và ngoài tỉnh. Doanh thu hàng năm của doanh nghiệp đạt hơn 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương với mức lương từ 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm truyền thống “vươn xa”

Trên địa bàn thị xã Nghi Sơn hiện có 97 công ty và cơ sở chế biến thủy sản, có 19/32 sản phẩm từ chế biến hải sản đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Hiệp hội Chế biến nước mắm Do Xuyên - Ba Làng đã được chứng nhận nhãn hiệu; các làng nghề chế biến hải sản được phát triển ở các phường: Hải Thanh, Hải Bình, Hải Châu, Hải Hòa, Ninh Hải từng bước mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Nghề chế biến hải sản đã giải quyết việc làm cho trên 7.000 lao động, với mức thu nhập từ 6,5 triệu - 7,5 triệu đồng/người/tháng.

Ði dọc miền biển quê Thanh (Bài 1): “Chắt chiu” vị biểnGia đình bà Nguyễn Thị Tuân, thôn Thành Lập là hộ làm nghề mắm truyền thống xã Ngư Lộc.

Ở mỗi địa phương ven biển tỉnh Thanh Hóa, người dân đã và đang gìn giữ nghề truyền thống của cha ông và phát triển thành các sản phẩm mang nét đặc trưng riêng. Tiêu biểu ở huyện Quảng Xương nổi tiếng với nước mắm Cự Nham thuộc Công ty TNHH Nước mắm Cự Nham do anh Thạch Văn Hiểu, một người trẻ tuổi tâm huyết với nghề làm mắm truyền thống; TP Sầm Sơn có nước mắm Bông Sen; ở Hậu Lộc có nước mắm Ông Náo, xã Minh Lộc; huyện Hoằng Hóa có nước mắm Khúc Phụ; thị xã Nghi Sơn có nước mắm Do Xuyên - Ba Làng... Nhiều sản phẩm đã đạt OCOP cấp tỉnh, cấp quốc gia. Đó không chỉ là niềm tự hào, mà còn là động lực để người dân tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống, đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Thanh Hóa có hơn 102km đường bờ biển với 43 xã, phường giáp biển thuộc 6 huyện, thị xã, thành phố gồm: Nga Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nghi Sơn, Sầm Sơn. Từ tiềm năng, lợi thế của các địa phương ven biển, đã tạo nên “sức bật” cho những miền quê.

Bài và ảnh: Thảo Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]