(vhds.baothanhhoa.vn) - Di sản quốc gia đặc biệt hang Con Moong (bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) là một minh chứng xác thực về diễn tiến lịch sử - văn hóa của người Việt cổ. Do vậy, đặt vấn đề bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản, rất cần cách làm bài bản, khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm và trên cơ sở tôn trọng các giá trị vốn có của nó.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận

Di sản quốc gia đặc biệt hang Con Moong (bản Mọ, xã Thành Yên, huyện Thạch Thành) là một minh chứng xác thực về diễn tiến lịch sử - văn hóa của người Việt cổ. Do vậy, đặt vấn đề bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản, rất cần cách làm bài bản, khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm và trên cơ sở tôn trọng các giá trị vốn có của nó.

Bảo tồn, phát huy giá trị Di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận

Một điểm khai quật khảo cổ trong lòng hang Con Moong.

Qua các cuộc khảo sát, điền dã được tiến hành suốt nhiều năm, các nhà khoa học, khảo cổ học trong và ngoài nước đều thống nhất nhận định, niên đại sớm nhất của hang Con Moong cách ngày nay khoảng 40.000 đến 60.000 năm. Hang có hình tang trống, hai cửa thông nhau, chiều dài 40m, chỗ rộng nhất lòng hang khoảng 9m, mặt bằng di chỉ hang rộng trên 250m2. Địa tầng hang Con Moong dày 9,5m gồm 10 lớp cấu trúc khác nhau. Các lớp từ 1 đến 6 tìm thấy công cụ lao động, xương cốt động vật, vỏ nhuyễn thể. Các lớp 7 đến 10 không gặp dấu tích động thực vật nhưng có mặt công cụ đá quartz - di vật tập trung nhất là lớp 10 (độ sâu -8,5m đến -9,5m). Cũng theo nghiên cứu bước đầu, hang Con Moong đã trải qua 4 giai đoạn phát triển về văn hóa, từ tiền Sơn Vi, Sơn Vi, Hòa Bình - Bắc Sơn đến Đa Bút. Đặc biệt, ở đây còn tìm thấy các mộ táng theo kiểu “nằm co bó gối” - một trong những kiểu táng sớm nhất của con người. Đồng thời, hang Con Moong là một trong số rất ít di chỉ khảo cổ học có địa tầng dày và được bảo tồn tốt nhất hiện nay ở Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Các lớp văn hóa còn lưu lại trên địa tầng hang Con Moong, đã kể lại cho hậu thế nhiều câu chuyện lý thú về truyền thống cư trú hang động, truyền thống sử dụng công cụ đá và sự tiến triển về loại hình, về kỹ thuật chế tác công cụ, về sự biến đổi của khí hậu và sự thích ứng của con người trong suốt nhiều vạn năm.

Xung quanh khu vực hang Con Moong, người ta còn tìm thấy một hệ thống hang động vệ tinh, gồm hang Lý Chùn, hang Bố Giáo, hang Mang Chiêng, hang Diêm, hang Lai... Trong đó, hang Diêm (thuộc bản Sánh, xã Thành Yên), nằm cách hang Con Moong khoảng 4km về phía Đông, đã được đào khảo sát trong các năm 2012, 2013. Kết quả cho thấy, địa tầng hang Diêm dày trung bình 1,4m, gồm 3 lớp, qua đó phát hiện nhiều di tích mộ, di cốt động vật, nhuyễn thể, hiện vật đá và gốm. Việc khai quật bước đầu tại hang Diêm đã cho các nhà khảo cổ căn cứ để khẳng định, đây là nơi cư trú lâu dài của con người; là điểm chế tác công cụ đá của cư dân cổ; là nơi để mộ táng của nhiều lớp cư dân; đồng thời cho thấy sự thay đổi tang thức của con người theo lát cắt thời gian. Các vết tích văn hóa vật thể khai quật ở hang Diêm có nét gần gũi với hang Con Moong và nhiều hang động thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương. Bởi vậy, di tích này có vị trí quan trọng trong hệ thống các di tích tiền sử tại Thanh Hóa và Việt Nam.

Với những lớp trầm tích văn hóa còn nằm sâu trong lòng đất và cả những hiện vật đã khai quật, nghiên cứu, có thể nói hang Con Moong và các di tích phụ cận là một “bảo tàng khảo cổ học” hết sức sống động về lịch sử hình thành, tiến hóa và phát triển không ngừng của loài người. Chính vì lẽ đó, việc bảo tồn nhằm “khơi nguồn” giá trị của hang Con Moong và các di tích phụ cận cần được thực hiện một cách bài bản, khoa học, nghiêm túc, trách nhiệm và trên cơ sở tôn trọng các giá trị vốn có của di sản. Mới đây nhất, ngày 24-8-2020, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa”. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng để tỉnh Thanh Hóa, huyện Thạch Thành và các cơ quan, đơn vị có liên quan, tiến hành các bước bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo quy hoạch, Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận nằm trên tổng diện tích 977,568 ha. Trong đó, bao gồm khu vực bảo vệ của di tích, có diện tích 499,818 ha và khu vực mở rộng phát huy giá trị di tích (trên cơ sở tích hợp với phần đất dành cho phát triển khu du lịch sinh thái và phù hợp với quy hoạch nông thôn mới của xã Thành Minh và xã Thành Yên), có diện tích 477,75 ha. Về định hướng, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích khảo cổ hang Con Moong và các di tích phụ cận nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa; giữ gìn, khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Đồng thời, gắn bảo tồn với phát triển du lịch bền vững, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Theo quy hoạch, có 4 khu vực phát huy giá trị di tích, gồm khu trung tâm văn hóa - lễ hội Con Moong (rộng 2,72 ha), nằm bên ngoài khu bảo vệ di tích hang Con Moong. Khu trung tâm điều hành - đón tiếp (rộng 4,01 ha), đặt ở phía hồ Vũng Sú và khu trung tâm đón tiếp phụ (rộng 0,59 ha) đặt tại xã Thành Minh, gần khu vực hang đá Mộc Long. Khu du lịch sinh thái hồ Vũng Sú (rộng 57,81 ha) khai thác cảnh quan thiên nhiên đẹp với ruộng lúa, hồ, thác nước, rừng, núi để phát triển một số loại hình vui chơi giải trí, thể thao ngoài trời; xây dựng nhà nghỉ kiểu truyền thống địa phương, các công trình phụ trợ. Khu du lịch sinh thái Hồ Bỉnh Công (rộng 64,96 ha), là khu vực có diện tích mặt nước lớn, phát triển các loại hình vui chơi giải trí ngoài trời và thể thao nước; xây dựng nhà nghỉ dưới tán rừng, nhà trên cây với hình thức kiến trúc mô phỏng, hòa lẫn với cảnh quan thiên nhiên.

Mặc dù việc định hướng bảo tồn và phát huy giá trị di sản là rất rõ ràng. Song, để đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch là không hề đơn giản. Bởi lẽ, khối lượng công việc cần hoàn thành rất lớn, với nguồn kinh phí cũng lớn không kém. Trong khi, nhiệm vụ ở từng khâu, từng giai đoạn cũng đặt ra không ít khó khăn. Chẳng hạn như việc xác định ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích, làm cơ sở quản lý và cắm mốc giới. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu dân cư, khu vực bảo vệ môi trường sinh thái. Tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Định hướng kế hoạch, lộ trình và các nhóm giải pháp tổng thể quản lý, đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích và khu vực vùng đệm, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan.

Cũng bởi quá trình tồn tại lâu dài và rất giàu giá trị, nên hang Con Moong và các di tích phụ cận, có thể ví như một “lát cắt” lịch sử - văn hóa đặc biệt sống động về người Việt cổ. Để rồi, việc bảo tồn di tích càng cần chú trọng bảo vệ các hố trưng bày khảo cổ tại chỗ; lắp đặt hệ thống thu gom nước mạch trong hang, hệ thống cầu đáy kính... Đồng thời, cần quan tâm đến việc bảo tồn không gian cảnh quan bên ngoài hang, ví như việc phục hồi cảnh quan rừng nguyên sinh, nhất là khu vực xung quanh các hang; tái hiện không gian người xưa sinh sống; xây dựng đập tràn ngăn suối để giữ nước (đối với hang có suối nước gần kề); quy hoạch các tuyến đường tham quan, bố trí các trạm dừng chân trên các tuyến tham quan với hình thức kiến trúc phù hợp với cảnh quan và điều kiện môi trường. Cùng với đó, để khai thác giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, cần xây dựng được các tuyến, điểm du lịch nội vùng, liên huyện, thậm chí là liên tỉnh. Đồng thời, xây dựng được các sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc sắc, hấp dẫn và có sức cạnh tranh như tham quan di tích khảo cổ học kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch tìm hiểu văn hóa bản địa. Chẳng hạn, cần kết nối di tích với các khu vực cảnh quan sinh thái của Vườn Quốc gia Cúc Phương, để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, có chất lượng và sức cạnh tranh...

Do có những đặc trưng, tính chất và vai trò riêng, nên việc bảo tồn các di tích – di chỉ khảo cổ cần có cách làm thận trọng. Đặc biệt, khi gắn việc khai thác giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch, thì càng phải đề cao tính trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và nhất là cộng đồng dân cư. Đó mới là những cơ sở cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả và bền vững.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]