(vhds.baothanhhoa.vn) - Vùng đất Bồng Báo xưa nằm giữa khu vực sinh sống của con người thuộc văn hóa Đa Bút (làng Đa Bút), di chỉ Rú Hến (làng Kênh Thủy, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc). Nhắc đến đất Bồng Báo là nhắc đến hai làng Biện Thượng và Biện Hạ, nơi thờ các vị tiên tổ họ Trịnh.

Dòng họ Trịnh trên đất Biện Hạ xưa

Vùng đất Bồng Báo xưa nằm giữa khu vực sinh sống của con người thuộc văn hóa Đa Bút (làng Đa Bút), di chỉ Rú Hến (làng Kênh Thủy, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc). Nhắc đến đất Bồng Báo là nhắc đến hai làng Biện Thượng và Biện Hạ, nơi thờ các vị tiên tổ họ Trịnh.

Dòng họ Trịnh trên đất Biện Hạ xưa

Nhờ sự quan tâm của chính quyền, của con cháu trong dòng họ, nhà thờ đã được tu sửa, phục dựng khang trang.

Một dòng họ khoa bảng

Thủy tổ dòng họ là Trịnh Khả - khai quốc công thần thời Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh đầu thế kỷ XV, thế tổ là Trịnh Kiểm, người có công trong sự nghiệp Trung hưng nhà Lê. Căn cứ theo gia phả họ Trịnh (Trịnh tộc phả ký) vùng hữu ngạn sông Mã là nơi phát tích của họ Trịnh. Cùng thuộc vùng đất Bồng Báo nhưng so với Bồng Thượng (Biện Thượng), thì Bồng Hạ (Biện Hạ) chỉ là một chi nhánh nhỏ của họ Trịnh. Điều này đã ghi rất rõ trong Gia phả họ Trịnh - Trịnh Tất Đạt ở Bồng Hạ (xã Minh Tân ngày nay): “Giữa thế kỷ XVII cụ Trịnh Sùng Kháng từ Biện Thượng tức Bồng Thượng (nay là xã Vĩnh Hùng), xuống Bồng Hạ tức Biện Hạ (nay là xã Minh Tân) lập ấp khai hoang, lập ra một chi phái họ Trịnh. Cụ Trịnh Sùng Khánh là thủy tổ của họ Trịnh (Trịnh tộc) ở đây.

Bồng Hạ thuộc phố Bồng xưa là vùng đất cổ lâu đời, phong cảnh hữu tình, nơi giao lưu kinh tế của huyện Vĩnh Phúc (sau đổi là huyện Vĩnh Lộc) thời Lê - Trịnh và thời Nguyễn. Phố Bồng trên bến dưới sông ở hạ lưu tả ngạn sông Mã, nơi có dòng sông êm đềm trôi, quanh năm nước chảy trong xanh, có bến Cung (bến Phủ), có chợ Cung. Ngoài ra còn có dãy núi đá vôi, có di chỉ Đa Bút, khu vực sinh sống của con người cách ngày nay khoảng 6.000 năm.

Hiện nay, trong 18 dòng họ đang sinh sống ở làng Bồng Hạ thì họ Trịnh là lớn nhất, có tới 3 nhà thờ họ. Từ gia phả các nhà thờ họ chép lại cho thấy đây là dòng họ khoa bảng. Riêng một chi/nhánh cũng có tới hơn chục người dù đỗ đạt nhưng lựa chọn không làm quan mà theo nghề dạy học. Trong đó, ngoài Trịnh Tất Đạt còn có Trịnh Đường Liêm (hiệu là Vĩnh Trai). Trịnh Đường Liêm đỗ cử nhân triều Nguyễn, sau đó mở trường dạy học. Triều đình nhiều lần mời ông ra làm quan, ông đều khước từ, và viện cớ ham nghề dạy học. Biết ông là người học rộng, đức dày, vua Tự Đức xuống chiếu mời ông vào triều dạy học trong Quốc Tử Giám. Sống bên cạnh giới quan lại, Trịnh Đường Liêm tai nghe, mắt thấy nhiều cảnh trớ trêu, nghịch mắt nên ông đã viện cớ sức yếu, dâng sớ xin về trí sĩ tại quê nhà.

Dòng họ Trịnh trên đất Biện Hạ xưa

Nhà thờ Họ Trịnh - Trịnh Tất Đạt được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2011.

Ông Trịnh Đường Liêm sinh người con là Trịnh Đường Thọ cũng nổi tiếng khắp vùng. Trịnh Đường Thọ đỗ cử nhân năm 1882 nhưng không làm quan mà mở trường dạy học. Trường của ông, học sinh khắp nơi về học, nhiều người đỗ đạt cao.

Ngược dòng lịch sử một chi phái để thấy giữa thời loạn lạc, trong rất nhiều sự lựa chọn thì lựa chọn làm thầy giáo, trao chữ cho các môn sinh là an toàn và dung hòa được cả đạo lẫn đời.

Về Hiệu lệnh từ tráng sĩ Trịnh Tất Đạt

Là đời thứ 6 của dòng họ Trịnh ở Bồng Hạ, từ thuở nhỏ Trịnh Tất Đạt vốn có sức khỏe hơn người, và nối chí cha ông theo Nho học, thông minh, hiểu rộng biết nhiều. Năm 1776, ông được vua Lê Hiển Tông chọn vào cung, sung vào đội thị vệ. Thấy Tất Đạt có tài lại có đức độ mà rất nhanh nhẹn nên vua Lê Hiển Tông tin yêu. Bên cạnh đó chúa Tĩnh vương Trịnh Sâm cũng rất tin cẩn giao cho việc quán xuyến trông coi huấn luyện đội thị vệ nội cấm, ngoại cung hàng ngàn người.

Năm 1782, đỉnh điểm của nạn (loạn) kiêu binh với sự nổi dậy của lính tam phủ làm rối loạn cung cấm. Trước tình hình đó, Trịnh Tất Đạt đã dùng tài uy thao lược mưu trí giữ gìn được cung vua, phủ chúa bình an qua cơn đao binh khói lửa. Sau vụ việc này, Trịnh Tất Đạt càng được vua tin yêu và phong Hiệu lệnh từ tráng sĩ.

Dòng họ Trịnh trên đất Biện Hạ xưa

Trải qua thời gian nhưng hầu hết các hiện vật gốc vẫn được giữ gìn khá đầy đủ.

Tuy nhiên, nạn kiêu binh chưa dứt. Sách Việt sử tân biên (quyển 3) có đoạn như sau: "Riêng nạn kiêu binh lộng hành; ngai vàng, sự nghiệp của vua Lê, chúa Trịnh cũng đủ đổ, huống hồ vua chúa và quan lại cũng hư hèn. Buổi đầu, kiêu binh có chút công lao phò tá, nhưng sau này vì vua chúa không biết điều khiển họ, để họ lạm dụng quyền thế để làm bậy bạ khiến họ Lê, họ Trịnh đều phải đổ vỡ”.

Thấy thời cuộc bất lợi, năm 1785, ông về quê an trí và chết ở tại quê nhà năm 1832, hưởng thọ 77 tuổi.

Về di tích từ đường họ Trịnh - Trịnh Tất Đạt tại xã Minh Tân (Vĩnh Lộc) chúng tôi được giới thiệu thêm quá trình xây dựng từ đường, bắt đầu từ sau khi cụ Trịnh Sùng Khánh mất năm 1720, đến khi ông Trịnh Tất Đạt về quê an trí. Theo gia phả ghi: “Góp công của sửa chữa đại tôn - từ đường 3 gian bằng gỗ lợp ngói kiên cố làm nơi nghìn năm hương khói, phụng sự. Từ đường giao cho chủ tự trông coi gìn giữ”. Tại từ đường, gian giữa thờ thủy tổ Sùng Khánh công; các cụ Sùng Thiện công, Sùng Chính công ở ban trên; ban dưới thờ các cụ Tất Tố, Tất Đạt, Đường Liêm, Đường Thọ...

Điều rất mừng là dù trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng từ đường còn giữ được nhiều hiện vật gốc. Từ những hiện vật nhỏ như ống sắc, ống hương, bộ cờ cho đến 2 bản gia phả (thời Lê và thời Nguyễn), 4 bản sắc phong các đời vua ban cho Trịnh Tất Đạt vẫn được hậu thế nâng niu trân trọng. Bên cạnh sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay của anh em trong dòng họ, từ đường đã được tu sửa, phục dựng, là nơi chốn trang nghiêm để cháu con xa gần mỗi lần về cung kính hương khói cầu bình an.

Chia sẻ với chúng tôi ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, cho biết: Là một trong số ít xã có tốc độ phát triển kinh tế nhanh ở huyện Vĩnh Lộc, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 81 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, chúng tôi luôn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Trong số 18 di tích đã được xếp loại (1 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh) có 3 di tích liên quan đến dòng họ Trịnh. Điều này cho thấy vai trò không nhỏ của dòng họ Trịnh từ thuở lập làng đến nay.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]