(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Bản Tôm - tiếng Thái gọi là bản Tâm, thuộc xã Ban Công, huyện Bá Thước, với dân số 800 người thuộc 200 hộ cư trú trong những nếp nhà sàn xinh xắn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần nhiều giải pháp phát triển du lịch bản Tôm

(VH&ĐS) Bản Tôm - tiếng Thái gọi là bản Tâm, thuộc xã Ban Công, huyện Bá Thước, với dân số 800 người thuộc 200 hộ cư trú trong những nếp nhà sàn xinh xắn.

Xưa nơi đây cỏ cây rậm rạp, lau lách bạt ngàn nên tiền nhân đã đặt tên vùng đất này là Mường Lau. Với ý chí vượt khó, lao động cần cù và sáng tạo, các thế hệ người Thái nơi đây đã biến lau lách, rừng rậm nơi này trở thành vùng đất trù phú, chiềng - bản yên vui, cuộc sống đủ đầy.

Điểm du lịch lý tưởng

Bản Tôn nằm ở vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp, thơ mộng. Những ngọn núi Pù Mới, Pha Ngân, Pha Nọi, Pha Bó... in bóng và tựa như vòng tay bao quanh chở che cho bản Tôm - hòn ngọc giữa đại ngàn hùng vĩ. Về phía nam là dòng Mã giang được dân gian ví như con ngựa trắng đang phi nước đại, uốn lượn, chạy sát dưới chân dãy núi trập trùng để hòa vào đại dương sóng vỗ. Trên dòng sông huyền thoại ấy là những con thuyền độc mộc lao đi như tên bắn vào mùa nước lũ. Mùa thu vào những đêm trăng sáng, trên dòng sông ấy lại chở nặng câu hò thấm đẫm tình người, tình đất nơi đây.

Được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ quanh năm, nênbản Tôm là điểm dừng chân nghỉ ngơi của du khách trên đường từ miền biển, đồng bằng ngược lên miền Tây xứ Thanh, hay từ Hòa Bình xuống. Đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho những du khách trên đường khám phá, chinh phục miền non cao hoặc trải nghiệm homestay tại nơi này.

Suối Tếch róc rách chảy quanh, bao đời nay không chỉ là nguồn nước mát lành tưới tốt đồng cao, ruộng thấp, còn là chất men say, khiến cho chĩnh rượu cần thêm ngọt, lời khặp bổng trầm và tiếng khèn thả hồn cùng tiếng suối xa ngân lên như một điệu đàn. Cũng chính con suối này đã góp phần làm nên địa danh của bản. Du khách đến đây sẽ được mời thăm suối Tếch, có mó tôm nổi tiếng, là sản vật, đặc sản của bản. Có nhẽ là vậy mà bản này được định danh “bản Tôm”, khiến cho du khách háo hức tìm về.

Nhà văn hóa bản Tôm được xây dựng khang trang, nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc.

Bản Tôm có những nếp nhà sàn nép mình bên hai bờ suối rợp bóng cây xanh, tạo nên một một bức tranh đẹp và sự bình yên đến mê hoặc lòng người. Tiếng chim rừng vui hót, ruộng lúa, nương ngô xanh mướt, cây trái trong vườn quả chín xum xuê; chung quanh bản Tôm là những cánh rừng và có cả núi đá vôi hùng vĩ. Bên trong núi đá vôi có hang động dẫu không nổi tiếng nhưng chứa đựng biết bao huyền bí mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này.

Cư dân bản Tôm phần lớn là dân tộc Thái. Người Thái nơi đây gắn bó với thiên nhiên, dòng suối, con sông, cánh đồng, rặng núi... Họ đã sáng tạo và trao truyền nhiều di sản văn hóa với các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể khá phong phú và không kém phần đặc sắc.

Bản Tôm còn lưu dấu cột đá buộc voi và in dấu cuộc hành binh của Bình Định Vương Lê Lợi chống quân Minh xâm lược. Nơi này đã bao lần tiễn chân những người trai lên đường đuổi giặc, chắt chiu từng hạt gạo, bắp ngô để tiếp gạo, tải lương cho bộ đội, dân công rầm rập vượt đèo cao, suối sâu làm nên chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu...

Người dân nơi đây hồn hậu, trọng đạo lý, nghĩa tình, với nụ cười thân thiện, mộc mạc luôn tạo cảm giác gần gũi thân tình cho du khách. Đồng bào vẫn gìn giữ và bảo tồn được nghề thêu dệt thổ cẩm để làm nên những bộ trang phục đẹp; lưu giữ nếp nhà sàn truyền thống, phong tục, tập quán tín ngưỡng lễ hội, văn hóa ẩm thực, tập quán canh tác lúa nước và cách làm thủy lợi truyền thống “mương, phai, lái, lín” nổi tiếng, tri thức dân gian về trị bệnh từ những cây thuốc cỏ trong rừng, nghề đan lát...

Họ cũng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa khá đặc sắc như các loại nhạc cụ cồng chiêng, khua luống, những bài hát, điệu múa khăn, múa sạp đặc sắc, những truyện thơ cổ giàu tính nhân bản như: Khăm phanh, Ú Thềm, ca dao, tục ngữ, các trò chơi dân gian và nhiều lễ hội truyền thống mang màu sắc tộc người, thấm đậm chất dân gian như: lễ hội Xên bản, lễ hội Kin chiêng bọc mạy...

Đến bản Tôm, du khách còn được tham gia vào sinh hoạt của người dân bản địa.

Phụ nữ bản Tôm dệt vải bên khung cửi.

Đường trong bản được đổ bê tông bằng phẳng, sạch sẽ. Bên những chái nhà, hay trên sàn bếp, những bắp ngô treo vàng óng, những bó lúa nếp xếp chồng lên nhau hiển hiện cuộc sống trù phú, ấm no.

Nằm ở trung tâm của 5 xã thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, năm 2014, bản Tôm đã xây dựng thành công bản nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào khấm khá hẳn lên. Bản có nhà văn hóa khang trang và khuôn viên văn hóa, thể thao rộng rãi và thường xuyên tổ chức hoạt động, thu hút đông đảo bà con các dân tộc tham dự.

Đội văn nghệ bản Tôm được duy trì hoạt động tốt. Các tiết mục văn nghệ khá phong phú như múa sạp, khặp, thổi khèn, khua luống, cồng dàm... là những chương trình đặc sắc mang đậm sắc thái văn hóa của bà con dân tộc Thái mường Lau luôn có sức hấp dẫn du khách.

Đến bản Tôm được thăm thú phong cảnh hữu tình, du khách có thể nghỉ lại trong các ngôi nhà sàn ẩn trong khói lam chiều bảng lảng, ngắm ruộng lúa, nương ngô xanh mướt một màu, nghe tiếng suối Tếch róc rách reo vang, gặp những người dân hiền hòa, thân thiện và mến khách. Cứ thế, những du khách đã đến và ra về với ấn tượng khó quên vềbản Tôm - mô hình du lịch sinh thái đầy hấp dẫn nơi núi rừng miền Tây xứ Thanh.

Cần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Xây dựng mô hình bản văn hóa - du lịch là chủ trương mang ý nghĩa văn hoá và xã hội sâu sắc, hiện thực hóa việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tộc người trong không gian văn hóa của chính cộng đồng dân tộc Thái ở bản Tôm gắn với phát triển du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan sẽ tạo ra cơ hội cho nơi này phát triển. Người dân nơi đây có dịp giới thiệu, giao lưu văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc khác và được hưởng những lợi ích kinh tế qua các hoạt động văn hóa, du lịch sinh thái đó.

Xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động văn hóa - du lịch sinh thái bản Tôm phải gắn việc bảo tồn các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên với phát triển du lịch văn hóa sinh thái đem lại thu nhập kinh tế cho bà con. Điều cốt yếu là phải phát huy sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng cây, sông suối, không phá vỡ cảnh quan và môi trường sinh thái. Thân thiện với môi trường, tích cực trồng rừng, sản xuất trồng cây lúa nước theo phương thức bằng hệ thống thủy lợi của người Thái.

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của đồng bào Thái cần tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa dân gian duy trì và phát triển. Thông qua các chủ thể văn hóa - vừa là sáng tạo, thực hành và trao truyền, đó là cách bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể một cách sinh động, bền vững nhất. Thực hiện xã hội hoá tạo điều kiện cho đồng bào góp công sức, trí tuệ, vật chất trong hoạt động du lịch cộng đồng và bảo tồn, phát huy sắc thái văn hóa tộc người Thái nơi đây.

Quan tâm, khuyến khích các nghệ nhân văn hoá cao tuổi trong cộng đồng mở các lớp dạy lại các làn điệu dân ca, các điệu múa cổ, nghệ thuật đan lát, thêu dệt hay chế biến những món ăn đặc sản của người Thái cho các cháu nhỏ và thanh niên trong bản. Tiếp thu có chọn lọc những giá trị văn hóa mới phù hợp với nhu cầu và thẩm mỹ của người dân bản Tôm, trong đó chú ý tới thị hiếu của lớp trẻ.

Mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ, phát huy cảnh quan và di sản văn hóa của đồng bào Thái ở bản Tôm bước đầu đã đem lại hiệu quả khả quan. Tin chắc rằng cùng với các mô hình du lịch cộng đồng khác như du lịch suối cá Cẩm Lương, Son Bá Mười, Kho Mường,..., mô hình này sẽ được nhân rộng, hoạt động hiệu quả ở các bản làng, các dân tộc người khác trên địa bàn tỉnh Thanh trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

TS. Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]